Monday, October 26, 2015

Mỹ-Trung trong thế đối đầu ở Biển Đông

Mỹ-Trung trong thế đối đầu ở Biển Đông

(Quan hệ quốc tế) - Dù không tập hợp được một liên minh thì Mỹ cũng sẽ một mình đưa tàu tuần tra sát các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.

Những tuyên bố rắn
Hãng tin AP mới đây cho biết Hải Quân Mỹ đang đợi lệnh cho tàu tuần tra vào sâu trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc cho xây dựng trái phép gần đây.
AP dẫn lời Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng... Và chúng tôi có những nguồn lực để thực hiện bất cứ quyết định nào và bất cứ điều gì mà các nhà hoạch định chính sách có thể yêu cầu chúng tôi làm để tỏ rõ quyết tâm của Mỹ ở Biển Đông”.
Cũng theo hãng tin này, quyết định cuối cùng của Nhà Trắng sẽ được đưa ra trong vài ngày tới.
My-Trung trong the doi dau o Bien Dong
Tàu hải quân Mỹ
Đô đốc Swift cho biết các hoạt động của Hải quân Mỹ trong khu vực là bình thường như họ vẫn làm trước đây và không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.
Quan điểm chính thức của Mỹ từ trước đến nay là không đứng về phía bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền nhưng việc tăng cường bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không phù hợp luật pháp quốc tế là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng khẳng định Mỹ sẽ bay, đi lại trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào được luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm cả khu vực Biển Đông.
Ông chủ Lầu Năm Góc tiết lộ rằng Hải quân Mỹ đã có kế hoạch điều tàu vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc mới xây dựng trái phép tại Trường Sa.
Ông Ashton Carter còn tố cáo Trung Quốc đang quân sự hóa các cơ sở tại đây và nhấn mạnh rằng vùng biển này là của quốc tế và Washington sẵn sàng bảo vệ quyền tự do đi lại trong khu vực.
Trước đó, ngày 21/10, Tân Hoa Xã bình luận rằng hành động của Mỹ sẽ là “một sai lầm nghiêm trọng”, và rằng Trung Quốc “không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường khả năng phòng vệ”. Trong khi đó, "Thời báo Hoàn Cầu" lại đe dọa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “sẽ phản ứng và dùng vũ lực để ngăn lại”.
Cung đã giương
Theo giới phân tích, căng thẳng trong vụ việc này liệu có dẫn tới xung đột hay không, cần phải xem xét 3 yếu tố.
Đầu tiên là quyết tâm của Mỹ đến đâu; hai là phản ứng của Trung Quốc sẽ đến mức độ nào; và cuối cùng là các quốc gia trong khu vực, đặc biệt các đồng minh - đối tác của Mỹ, sẽ phản ứng ra sao?
Nhưng có một điều chắc chắn, cả Mỹ và Trung Quốc hiện đã ở trong thế “phải theo lao”. Trong khi Mỹ nhiều lần tuyên bố bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không thì Trung Quốc cũng đã ngang nhiên cải tạo đảo trái phép và đưa ra những tuyên bố chủ quyền vô lý.
Giới phân tích cho rằng sự lấn tới của Trung Quốc đã buộc Mỹ phải có hành động để Trung Quốc biết đâu là giới hạn và cũng để trấn an lực lượng đồng minh. Nếu không có quyết tâm cao, Mỹ sẽ bị mất uy tín và đối mặt với nguy cơ bị mất tầm ảnh hưởng trong khu vực.
My-Trung trong the doi dau o Bien Dong
Trung Quốc xây dựng đảo trái phép trên Biển Đông, đẩy Mỹ vào thế phải "ra tay"
Trong khi đó, trong chuyến thăm tới Mỹ hồi tháng Chín vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục đưa ra tuyên bố về chủ quyền ở Biển Đông. Điều này càng khiến Mỹ phải tỏ ra cứng rắn hơn, ít nhất là với lý do bảo vệ tự do hàng hải và hàng không.
Lợi thế của Mỹ chính là những thông lệ và luật pháp quốc tế về vấn đề này.
Có ý kiến bình luận cho rằng phản ứng của Trung Quốc sẽ rất mạnh, nhưng chủ yếu vẫn là “hỏa lực miệng”. Thực tế thì Bắc Kinh không muốn xảy ra đụng độ thật sự vì vẫn đang cần thời gian để chuẩn bị lực lượng. Đối với Trung Quốc, nổ súng bây giờ đồng nghĩa với "tự sát".
Về phía Mỹ, tuy có quyết tâm thực hiện kế hoạch tuần tra song lại chưa nhận được sự đồng lòng đầy đủ từ các quốc gia đồng minh và đối tác trong khu vực.
Ngoại trưởng Australia Julia Bishop hôm 19/10 đã chính thức tuyên bố từ chối tham gia dự án “tự do hàng hải” nhưng sẽ ủng hộ về ngoại giao.
Đồng minh khu vực quan trọng bậc nhất của Mỹ là Nhật Bản cũng chưa đưa ra quyết định nào vì chưa nhận được đề nghị chính thức của Mỹ.
Trong khi đó, Ấn Độ dù đã nhận được thông báo từ phía Mỹ song lại chưa đưa ra câu trả lời chính thức.
Các nhà quan sát nhận định, Mỹ muốn tạo được một liên minh, nhưng trong trường hợp không thể, Mỹ sẽ vấn tiến hành “dự án” của riêng mình, qua đó chứng minh quyết tâm trước các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Phong Minh

No comments:

Post a Comment