Friday, October 2, 2015

Nga leo thang, Iran chuẩn bị can thiệp vào Syria

Nga leo thang, Iran chuẩn bị can thiệp vào Syria

mediaBáo Le Monde: Tổng thống Nga « Putin giăng bẫy” phương Tây để trở lại chính trường quốc tế.REUTERS/Regis Duvignau
Putin tính gì khi oanh kích vào Syria? Thượng đỉnh bốn bên tại Paris về tình hình Ukraine? Lãnh đạo Nga độc chiếm báo chí Pháp ngày 02/10/2015 bên cạnh loạt khủng bố “bí ẩn” tại Quảng Tây, Trung Quốc.
« Kẻ cắp gặp bà già »
Trong khi Libération đặt câu hỏi: Nga leo thang để làm gì ? Để cứu nhà độc tài Syria Al Assad hay để thách thức Tây phương ? thì Le Monde khẳng định Tổng thống Nga « Putin giăng bẫy” phương Tây để trở lại chính trường quốc tế. Nhật báo Le Figaro cho biết thêm Putin tấn công trên không để Iran tham chiến trên bộ, tiếp tay với Hezbollah Liban và hậu thuẫn cho chế độ Damas.
Trong bài xã luận « Putin lao vào cuộc chiến », Le Monde nhận định mỉa mai: đề nghị của Nga mời gọi phương Tây tham gia vào một liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo « trong suốt » như « vodka đánh trứng ». Cả Nga lẫn Mỹ đều không có một chiến lược đi đến thỏa hiệp. Làm cách nào để có thể hòa giải cuộc xung đột giữa một bên là phe Shia , đứng đầu là Iran, sử dụng chế độ Bachar al Assad như một trong những điểm tựa để thực hiện tham vọng « đế quốc » trong vùng. Bên kia, là hệ phái Sunni với Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Qatar, sẵn sàng trợ giúp mọi tổ chức thánh chiến kể cả Nhà nước Hồi giáo để ngăn chận sự bành trướng của thế lực bị xem là « đế quốc Shia » do Iran đứng đầu.
Trong chiều hướng này, theo Le Figaro, trước khi Nga oanh kích vào Syria, hàng trăm binh sĩ Iran đã tiến vào lãnh thổ Syria với nhiệm vụ tiếp tay với lực lượng « bộ binh » gồm chiến binh Hồi giáo võ trang Hezbollah, người Liban nhưng do Iran tài trợ và những binh sĩ còn trung thành với chế độ cố gắng chiếm lại một phần lãnh thổ bị mất. Một nguồn tin ẩn danh dự báo chiến sự sẽ sôi động trong những ngày tới tại Idlib và Hama.
Nhật báo cánh hữu, trong bài « 5 cuộc chiến tại Iran » thẩm định với sự can thiệp của Nga, của Iran sẽ giúp cho quân đội trung thành với chế độ củng cố chiến tuyến trong một thời gian cho đến khi phe nổi dậy, được các vương quốc Suni, để chận ảnh hưởng của Iran, tăng cường viện trợ vũ khí để mở một cuộc tấn công mới.
Đối với chuyên gia Julianne Smith, nguyên là chuyên gia an ninh của Lầu Năm Góc,  Tổng thống Putin tuy táo bạo như trong kế hoạch chiếm Crimée nhưng sau đó không biết làm sao rút chân ra khỏi vũng lầy Ukraina. Washington biết rõ giới hạn của khả năng của Nga. Nga gài bẫy phương Tây nhưng chính Nga không thoát ra được chiếc bẫy của chính mình ở Ukraina. Liệu Nga có dám chấp nhận sa vào vũng lầy chiến tranh 10 năm tại Syria hay không ?
Nga: bố già của trục Shia
Tình hình Ukraina yên tĩnh, cấm vận vẫn kéo dài, phương Tây không lay chuyển, bất chấp thiệt hại tài chính, Pháp từ chối giao chiến hạm đa năng Mistral cho Nga, Tổng thống Nga phải sử dụng lá bài Syria để tìm cách thoát cô lập.
Quyết định oanh kích ở Syria được Tổng thống Nga loan báo hai ngày trước khi diễn ra « thượng đỉnh bốn bên » tại Paris, gồm Đức, Pháp, Nga, Ukraina để giải quyết khủng hoảng Ukraina. La Croix đề tựa : Từ Ukraina đến Syria, nước Nga là trung điểm của thời cuộc. Vladimir Putin hạ nhiệt ở Ukraina nhưng phát động chiến tranh ở Syria, đặt phương Tây vào thế bị động.
Tuy nhiên, Le Monde không có cùng quan điểm. Các chuyên gia được nhật báo cánh tả độc lập đặt câu hỏi nhận định : trong những tháng gần đây, Tổng thống Nga vừa tập trung vào «hiệp định ngưng bắn ký tại Minks » vừa tìm cách thoát ra khỏi vòng xoáy cô lập. Do vậy, can thiệp vào Syria không hẳn để cứu Bachar al Assad mà còn vì quyền lợi riêng của Nga .
Một ngày trước khi máy bay Nga oanh kích ở Syria, đột nhiên, phe nổi dậy thân Nga ở đông Ukraina chấp thuận rút xe tăng và đại pháo ra xa đường giới tuyến 15km. Vấn đề là các nước phương Tây sẽ không rơi vào bẫy của Putin lấy Syria bỏ Ukraina. Theo Le Monde, ngay sau cuộc gặp tay đôi với Tổng thống Nga bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Obama đã ra lệnh cung cấp hệ thống ra-đa chống tên lửa cho quân đội Ukraina. Với vũ khí mới này, Kiev sẽ định vị được tức khắc nơi đặt pháo của đối phương để phản kích ngay. Thông điệp của Washington rất rõ ràng : Mỹ không bỏ áp lực trên Matxcơva, Mỹ không hy sinh Ukraina để đổi lấy một giải pháp ở Syria.
Paris dường như cũng cảnh giác không kém Washington.Với góc nhìn kinh tế, nhật báo Les Echos trích lời  Thứ trưởng kinh tế Nga Stanislav Voskrensenky dự báo : quan hệ giữa Pháp và Nga, về mặt chính trị sẽ xấu thêm nhưng về thương mại, có dấu hiệu tốt đẹp. Tại sao ? Trong tình trạng kinh tế suy thoái đến -4% vì dầu hỏa xuống giá, kinh tế bị trừng phạt Nga tỏ ra dễ dàng mở cửa nhiều lãnh vực đầu tư cho doanh nghiệp Pháp từ thực phẩm, trang thiết bị nhà cửa cho đến xe lửa cao tốc. Tuy nhiên, nghi ngờ Matxcơva tỏ thái độ hòa dịu ở Ukraina để đánh đổi ủng hộ của Pháp ở Syria, Paris cho biết trước, hồ sơ nào ra hồ sơ nấy, không có chồng chéo giữa Ukraina và Syria.
Trong bài xã luận « Thách thức công khai », Libération, cũng cùng nhận định : ngoài số phận của Bachar al Assad, Tổng thống Putin muốn tránh một sự sụp đổ toàn diện của chế độ để bảo vệ quyền lợi của mình. Thế nhưng chẳng ai ở Washington và Paris bắt đầu đặt câu hỏi về « tính hợp lý » về chiến lược của Tổng thống Nga. Theo nhật báo cánh tả khai phóng của Pháp, hồ sơ Ukraina và Syria nhắc nhở chúng ta là ông Putin chỉ quan tâm đến vấn đề tương quan lực lượng. 
Trung Quốc : khủng bố vì « bức xúc » ?
Loạt nổ tại Trung Quốc trong hai ngày 30/09 và 01/10, ngày quốc khánh của Hoa lục, giết chết 7 người và 51 người bị thương vẫn là một bí ẩn. Chính quyền cố gắng kiểm duyệt thông tin nhưng thất bại. Công luận cho rằng tác giả là một « một nhóm người có khả năng tổ chức cao ».
Bạo lực hình sự, khủng bố chính trị hay hành động tuyệt vọng ? Theo La Croix, loạt bom thư ở Liễu Thành, tỉnh Quảng Tây Trung Quốc và nhất là đợt thứ hai xảy đúng ngày quốc khánh của Hoa lục càng làm dày thêm bức màn bí mật. Tuy nhiên, chuyện này phản ảnh rõ nét tình trạng bất mãn cao độ trong một xã hội càng ngày càng bất bình đẳng. Nạn nhân không ngần ngại sử dụng bạo lực để biểu lộ lòng phẫn uất căm hờn. Một nhà báo Trung Quốc xin ẩn danh nói với La Croix : Với sức công phá dữ dội của loạt bom thư và cách tổ chức gửi đến nhiều địa chỉ, cho thấy đây không phải là hành động của một cá nhân mà là của một nhóm người có bản lĩnh.
Cũng nhấn mạnh đến yếu tố « bí ẩn » của loạt bom thư, Le Monde đi sâu vào cội nguồn của mối căm hờn này. Cho đến giờ, báo chí nhà nước được lệnh không tường thuật loạt bom thư, không được khai thác thông tin trên mạng xã hội mà chỉ đưa tin theo Tân Hoa Xã cho nên chưa có dấu hiệu nào cho phép kết luận đây là một hành động tuyệt vọng của một dân oan hay của một kẻ tội phạm.
Vấn đề là từ nhiều năm trở lại đây, Hoa lục đã quen với những cuộc khủng bố được gọi là « do bức xúc » mà thủ phạm là dân oan, là nạn nhân của công lý một chiều. Thư kêu oan khiếu kiện chất hàng đống không được trả lời mà còn bị chính quyền dùng biện pháp trấn áp trả thù. Le Monde kể lại một loạt các vụ « khủng bố vì bức xúc » điển hình từ năm 2001 đến nay, trong đó có vụ 47 người chết cháy vào tháng 6/2013 khi một dân oan tự thiêu trên xe buýt để phản đối cảnh sát hoặc là vụ hàng trăm người chết ở Thạch Gia Trang vì một loạt bom vào năm 2001 mà thủ phạm là một người chồng trả thù vợ. Theo Le Monde, những hành động này phản ảnh tâm lý bất mãn đến gây tội ác trong xã hội khép kín của Trung Quốc.
Để kết thúc điểm báo hôm nay, xin gửi đến quý thính giả yêu thuốc lá một khám phá của các nhà khoa học Pháp : Nếu bố mẹ nghiện thuốc thì hãy cẩn thận vì nicotine ảnh hưởng đến bào thai. Chính vì bị ảnh hưởng trong lúc còn trong bụng mẹ mà trẻ con bị rối loạn tâm lý và hành vi.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment