25/10/2015
Nước cờ kế tiếp của Putin là Biển Đông?
Đoàn Hưng Quốc
Đài Spunik Việt Nam (tức là Tiếng nói nước Nga) hôm 18 tháng 10 năm 2015 đọc bài bình luận “Nước Nga quen dần chống kẻ xấu” [1] cho biết Nga chuẩn bị hiện diện tại Biển Đông với chiêu bài chống hải tặc sau khi đã can thiệp ngoạn mục vào Syria làm Tây Phương sửng sốt. Điểm thứ nhì đáng ghi nhận khi bài bình luận đánh đồng “khủng bố” với “chống đối vừa phải ôn hoà”, và “cướp biển” với “chiến sĩ đấu tranh vì tự do hàng hải”; guồng máy tuyên truyền của Nga mạnh và hữu hiệu trong các sự kiện ở Ukraine và Syria nên người ta có thể tiên liệu bộ phận này sẽ hoạt động mạnh như thế nào một khi Nga can dự vào Đông Nam Á.
Nhưng trước hết hãy vòng qua các sự kiện quốc tế: dù thương hay ghét Putin vẫn phải nhìn nhận rằng ông này tiến hành ngoại giao như một võ sư thượng thặng đánh độc thủ atémi nhắm tấn công vào điểm yếu của đối phương giỏi hơn cả Tống Văn Bình! Putin luôn nắm phần chủ động và không hề tỏ ra yếu thế ngay trong hoàn cảnh nước Nga bị cô lập ngoại giao, suy thoái kinh tế, hay khi đàn em Assad ở Syria lâm nguy. Sau chiến tranh Georgia năm 2008 và Ukraine năm 2014 các nhà quan sát nhận định đây là phản ứng của Nga nhằm bảo vệ vùng ảnh hưởng truyền thống để đối đầu với NATO ngày càng tiến đến sát gần. Nhưng khi Nga can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria người ta mới thấy tầm nhìn của Putin ở mức chiến lược toàn cầu, không chỉ giới hạn trong khu vực cận-Nga nhắm vào các điểm nóng quốc tế, ông dụng tâm khôi phục lại vai trò của Liên Xô cũ để đẩy lùi ảnh hưởng của Tây Phương nơi những vùng tranh chấp mà Âu-Mỹ không tìm ra giải pháp.
Biển Đông phù hợp với mục tiêu này vì khu vực đang căng thẳng nhưng không có đáp số trong ngắn và trung hạn cho cả Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á, còn Trung Quốc dù có bị ngăn trở nhưng không hề chùn bước. Hoa Lục tuy bị cô lập về ngoại giao nhưng mang củ cà-rốt kinh tế và cây gậy quân sự hậu thuẩn cho chính sách tầm ăn dâu, đối thủ duy nhất ngăn trở tham vọng bành trướng của Bắc Kinh là Hoa Kỳ. Bù lại Mỹ dù chuyển trục hải quân 60-40 sang Thái Bình Dương hay hoàn tất hiệp định TPP vẫn không ngăn được ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc; tàu chiến Hoa Kỳ có vào biển Đông vẫn không thể giúp ngư dân Việt-Phi, không ngăn được hạm đội tàu đánh cá tàu hải giám cùng các dàn khoang hoạt động trái phép, cũng như tàu có chạy sát vào các đảo nhân tạo cũng không đảo ngược việc Bắc Kinh bồi đắp xây dựng hoàn thành những căn cứ nổi.
Thứ Trưởng Quốc Phòng Nga tại Hội Nghị Về An Ninh tại Bắc Kinh tuần rồi cho biết Nga sẵn sàng tham dự vào các chiến dịch chống hải tặc tại Biển Đông. Chiến hạm của Nga nếu xuất hiện chắc chắn sẽ phức tạp hoá tình hình khu vực. Trung Quốc không muốn có thêm quốc gia can thiệp nhưng bù lại hải quân Hoa Lục sẽ không còn bị cô lập dưới áp lực của tàu chiến và máy bay Mỹ. Hoa Kỳ hẳn phản đối gay gắt nhưng phải thận trọng gấp bội để tránh va chạm bất ngờ với cả Nga-Trung. Phản ứng của từng nước Đông Nam Á khó đoán trước, đối với Việt Nam có thuận lợi khi Biển Đông thêm quốc tế hoá và có thêm một kênh liên lạc với Bắc Kinh mà Hoa Kỳ không thể cung cấp, nhưng cái giá phải trả nếu Nga - vốn là nguồn cung cấp vũ khí hàng đầu – yêu cầu cho tàu chiến và máy bay tu bổ tại Cam Ranh để sau đó theo dõi quấy rầy chiến hạm Mỹ tại biển Đông tương tự như vụ máy bay Nga từ Cam Ranh tiếp liệu cho các thám thính cơ ở Thái Bình Dương chỉ vài tháng trước đây. Nga-Trung qua đó khai thác bất đồng để đẩy Việt Nam xa dần ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Mục tiêu của Putin tại Biển Đông giống như ở Syria không nhằm đưa ra đáp số cho bài toán khu vực vì Nga không đủ khả năng làm việc này. Bù lại Nga cho các nước xung quanh thấy Hoa Kỳ bất lực không thể đứng đầu tàu giải quyết tranh chấp; thế giới không còn đơn cực với một siêu cường nên mọi giải pháp được thảo luận phải có phần quyền lợi của Nga trong đó. Tóm lại Nga đẩy lùi dần ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong lúc tăng cường ảnh hưởng của chính mình.
Đài Sputnik Việt Nam cho biết Nga đang tiến gần đến các thỏa thuận về hải quân với Singapore, Mã Lai, Miến Điện và nhiều nước khác. Không biết việc Indonesia mới đây từ chối lời mời của Trung Quốc để tập trận chung về hải quân nhằm tránh gia tăng căng thẳng trong khu vực sẽ ảnh hưởng đến các quyết định tương tự của những lân bang như thế nào. Tất cả còn là giả thuyết, nhưng tín hiệu từ Sputnik Việt Nam cho thấy nếu Putin chọn đi những bước ngoạn mục tại Biển Đông cũng không đáng ngạc nhiên – ông này dù có bị bao vây cô lập nhưng vẫn ra tay nắm tiên cơ chủ động mà không hề chùn bước!
Đ.H.Q.
[1] Người viết không tìm được bài “Nước Nga quen dần chống kẻ xấu” trên trang mạng Spunik Việt Nam nên chỉ viết theo phần âm thanh của internet radio
Tác giả gửi BVN