Saturday, October 3, 2015

Rau xanh không còn an toàn

Rau xanh không còn an toàn

Nhóm phóng viên tường trình từ VN

rau-xanh-622.jpg
Những người nôi trợ ngày càng ngại mua những loại rau xanh có màu xanh mơn mởn như thế này. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
RFA
Rau xanh không còn là thực phẩm an toàn đối với con người, đây là một thẩm trạng mà càng ngày người Việt Nam càng lún sâu vào. Nếu như với khoa học, rau xanh là một loại thực phẩm quan trọng, có khả năng bổ sung vitamin mạnh nhất thì với người nông dân, rau xanh là một tấm xốp hút đầy thuốc độc và bán nó, người ta kiếm được tiền. Còn với người tiêu dùng, rau xanh là một loại thực phẩm có chứa độc vừa đủ để ngấm dần vào cơ thể cho đến một lúc nào đó tự động phát tác mà hằng ngày người ta phải bỏ tiền ra để mua độc vào cơ thể.

Lượng thuốc độc quá cao

Một người nông dân tên Thiện, sống ở huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ, chia sẻ: “Ở ngoài này họ trồng nhiều rau lắm, nhưng phân đạm, phân lân thì nhiều chứ phân hữu cơ thì ít lắm! Rau cải, rau muống… các thứ đều bơm thuốc dưỡng chứ. Nhưng mà đắt đỏ chứ lúc nào rau quá rẻ thì họ để cho lên tự nhiên…!”
Ở ngoài này họ trồng nhiều rau lắm, nhưng phân đạm, phân lân thì nhiều chứ phân hữu cơ thì ít lắm! Rau cải, rau muống… các thứ đều bơm thuốc dưỡng chứ. Nhưng mà đắt đỏ chứ lúc nào rau quá rẻ thì họ để cho lên tự nhiên…
-Ông Thiện
Ông Thiện cho biết thêm là hiện tại, không có loại rau nào là đáng tin cậy cho dù rau được trồng theo công nghệ trồng rau sạch. Bởi những làng trồng rau sạch vẫn có bơm thuốc nhưng thay vì bơm ban ngày, người ta chuyển sang bơm ban đêm, vào lúc người khác đã đi ngủ. Ông Thiện đã nhiều lần chừng kiến người ta bơm thuốc hàng loạt cho rau xanh vào lúc nửa đêm khi ông đi bán rau chợ khuya.
Ông Thiện cho rằng sở dĩ một số làng rau sạch lại lén lút bơm thuốc trừ sâu cho rau của họ là vì họ cũng rơi vào thế bí. Họ đã bỏ ra không ít tiền để đầu tư làm rau sạch nhưng lại không có đầu ra, không có chỗ tiêu thụ ổn định, cuối cùng, phải mang ra chợ bán chạy đua với rau không an toàn. Và khi họ làm như vậy, để gở được một phần vốn của họ, họ buộc phải nói dối với các đầu mối thường đến mua rau sạch của họ. Cuối cùng, người tiêu dùng chịu trận nặng nhất khi mua rau với giá cao nhưng lại không sạch, vẫn nguy hiểm.
Cũng theo ông Thiện, hiện nay, rau xanh trên thị trường không có rau nào là không bơm thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng cây, chống nấm. Bởi vì thời tiết quá khắc nghiệt, khi nắng thì như đổ lửa, mưa thì như trút nước, không có cây rau nào trụ nổi với thời tiết như vậy. Muốn giữ vườn rau, người nông dân buộc phải bơm thuốc.
Có hai cách để giữ vườn rau, hoặc là làm giàn, che lưới, đưa nguồn nước sạch từ thủy cục vào hồ chứa chừng ba ngày để lượng clo trong nước hoàn toàn bốc hơi, sau đó tưới rau và bón rau bằng phân chuồng. Hoặc là dùng thuốc hóa học và bơm thường xuyên mỗi ngày, dùng phân hóa học, có thể tưới nước giếng bơm.
Nếu chọn phương án che giàn lưới và tưới nước sạch, chi phí cho một vụ rau sẽ đội lên rất cao, người nông dân sẽ không thu được lãi nếu bán đồng giá trên thị trường. Chỉ bán cho siêu thị, nhà hàng thì mới có thể kiếm chút lãi, mà những siêu thị, nhà hàng, khách sạn thường có mối ổn định, người nông dân khó mà lọt vào được.
rau-xanh-400.jpg
Ảnh minh họa. RFA PHOTO.
Ngược lại, chọn phương án tưới nước giếng bơm và bón phân hóa học, bơm thuốc kích thích sinh trưởng, chu kì phát triển của cây rút ngắn đáng kể, từ chỗ một tháng hoặc một tháng rưỡi rút xuống còn một tuần hoặc nửa tháng. Người nông dân thường xuyên bơm thuốc vào mỗi chiều tối, bơm chất kích thích tăng trưởng, sau một tuần là vụ thu hoạch bắt đầu.
Ông Thiện cho rằng nguồn nước giếng bơm với hàm lượng phèn, thậm chí thạch tín trong đó quá cao cũng sẽ là mối nguy cho người tiêu dùng bởi cây rau phải thường xuyên tiếp xúc với nước không an toàn, thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng cây, kích thích tăng trưởng.
Để chốt lại vấn đề, ông Duy khẳng định là hiện tại, không bao giờ có rau sạch bán trên thị trường, trừ khi đó là rau do tự người ta trồng ra. Bởi muốn có rau sạch, việc đầu tiên phải có một thị trường sạch và có một môi trường chính trị, văn hóa và kinh tế sạch.
Những thứ này tưởng chừng không liên quan với nhau nhưng trên thực tế, khi sống trong một môi trường chính trị, kinh tế và văn hóa sạch sẽ, lành mạnh, tâm hồn người nông dân sẽ nhanh chóng trở về với bản nguyên hồn nhiên, tốt bụng và chất phác.

Mũi dùi Trung Quốc

Một nông dân khác tên Khải, sống ở huyện Đoan Hùng, Phú Thọ, chia sẻ thêm: “Dùng thì người ta vẫn phải dùng (loại rau bơm thuốc). Bởi rau ở đây khô cằn, không tăng trưởng được, nó tùy thuộc vào thời tiết, khí hậu của từng năm. Mùa Đông thì rau tốt chứ mùa này thì cằn lắm. Ví dụ như vào mùa này thì rau đang bị cằn cỗi lắm, mùa đông thì đỡ hơn.”
Dùng thì người ta vẫn phải dùng (loại rau bơm thuốc). Bởi rau ở đây khô cằn, không tăng trưởng được, nó tùy thuộc vào thời tiết, khí hậu của từng năm. Mùa Đông thì rau tốt chứ mùa này thì cằn lắm.
-Ông Khải
Theo ông Khải, vấn đề rau xanh trở nên độc hại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng hiện nay lại có một nguyên nhân sâu xa khác mang tên Trung Quốc. Yếu tố Trung Quốc đã chi phối quá nặng trên thị trường Việt Nam, tao ra những cơn lốc sử dụng vô hồn, nghĩa là cứ rẻ thì mua, mua xài xong lại vứt, lại xài tiếp. Chính thứ tâm lý này đã tác động không nhỏ đến người nông dân.
Người nông dân đã trở nên nóng vội trong việc kiếm tiền, bất chấp sức khỏe đồng loại để kiếm tiền. Đương nhiên, cũng vì hố sâu ngăn cách quá rõ rệt, ngày càng nới rộng giữa đời sống xa hoa, phung phí của giới quan quyền, tư bản đỏ và nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn mọi thứ của người nông dân, giới lao động nghèo. Trong khi đó, chính người nông dân và giới lao động nghèo phải hằng ngày còng lưng đóng đủ các loại thuế trong từng chai nước mắm, gói bột ngọt, chai xì dầu…
Chính hố sâu ngăn cách cùng với những bất công về đất đai đã khiến người nông dân một mặt chạy đua với thời gian, còn nước thì còn tát, cố gắng đào thật nhiều tiền trên mảnh vườn trước khi nó dính vào một dự án nào đó.
Nhưng đáng sợ hơn là sâu thẳm trong tâm hồn người nông dân, sự oán giận đã biến thành hành động, họ bơm thuốc vô tội vạ và không bao giờ ăn rau mình trồng bởi họ biết rằng những kẻ có tiền, ăn trên ngồi trốc sẽ là khách hàng của họ trong một ngày nào đó. Đương nhiên điều này đã được chuyển hóa thành hành động gần với vô thức của người nông dân.
Ông Khải nói rằng ông không đồng cảm với người nông dân trong vấn đề trồng rau xanh của họ nhưng điều này cũng nói lên rằng nếu như có một xã hội tử tế, một hệ thống nhà nước tử tế, người nông dân sẽ cho ra đời những cây rau sạch. Cây rau Việt Nam hiện tại giống như một biểu kế đo sự tử tế của nhà nước. Hệ thống quản lý càng tốt thì cây rau càng sạch, ngược lại, hệ thống quản lý nhà nước càng bệ rạc bao nhiêu thì cây rau càng chứa nhiều độc tố bấy nhiêu. Đây giống như luật nhân quả vậy!
Nói đến đây, ông Khải lắc đầu, thở dài.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment