Saturday, October 3, 2015

VN cần đột phá và khôn ngoan thế nào?

VN cần đột phá và khôn ngoan thế nào?

3 tháng 10 2015 Cập nhật lúc 21:44 ICT
Tình hình thế giới và khu vực đang có những chuyển biến mau lẹ và sâu sắc, Việt Nam do đó phải có những 'đột phá' và 'khôn ngoan' về chiến lược, chính sách, theo một cựu thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Trao đổi với BBC tuần này về chiến lược và sách lược của Việt Nam trong lúc Đảng Cộng sản đang trong quá trình gấp rút chuẩn bị cho Đại hội Toàn quốc lần thứ 12 dự kiến vào đầu năm sau, Giáo sư Tương Lai cho rằng Việt Nam cần phải 'đột phá ra khỏi tư duy cũ kỹ và đường lối bế tắc' mà theo ông đã 'đẩy đất nước lún sâu vào lạc hậu'.
Theo nhà phản biện, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, một 'đường lối mới' giúp tạo ra sự đột phá chính là Việt Nam phải 'gia nhập TPP', tức Hiệp định hợp tác Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

'Khi giặc đến nhà'

Theo ông, đây là một 'ngưỡng' tạo ra sự khác biệt và đem lại sự chuyển đổi có tính bước ngoặt cho Việt Nam trong khi cần phải có 'một cái nhìn động' đối với thời cuộc và bối cảnh.
Tuy nhiên, ông cũng đặt câu hỏi 'ai, thế lực nào' trong nước và đội ngũ lãnh đạo có thể giúp tận dụng cơ hội này để tạo ra sự chuyển biến mà ông cho là có khác biệt về 'chất' so với thời điểm Việt Nam chuẩn bị và gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mấy năm về trước.
Về mặt đối ngoại, nhà xã hội học tin rằng Việt Nam cần phải một mặt đối phó có tính ưu tiên với toan tính và mưu đồ rõ ràng của nhà cầm quyền Trung Quốc trên Biển Đông, được thể hiện qua phát biểu mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Liên Hợp Quốc, khẳng định các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa 'từ xa xưa đã thuộc về cha ông' của người Trung Quốc, nhưng mặt khác cũng cần biết khéo léo giữ hòa hiếu với nhân dân Trung Quốc, như những bài học mà 'ông cha' đã để lại.
Ông tin rằng về mặt ngoại giao, Việt Nam 'có lý' khi nói bề ngoài rằng nước này cần có chính sách 'không liên kết, liên minh' với một nước thứ hai để chống lại nước thứ ba, nhưng bên trong thì cần 'khôn ngoan' tìm kiếm liên minh giúp cho mình bảo vệ được an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, trước các nguy cơ, đe dọa xâm phạm chủ quyền của cường quốc ở khu vực mà có thể hiểu là Trung Quốc.
"Giặc đến nhà rồi, nó vào đến sân rồi, có người láng giềng muốn giúp chúng ta chống giặc, thì bảo 'không, không, không ông để tôi thu xếp bàn với nó thôi' thì đó là sự ngu xuẩn," Giáo sư Tương Lai nhấn mạnh.

No comments:

Post a Comment