Tuesday, August 2, 2016

‘Nghị sĩ Đài Loan đến vì thiện chí’

‘Nghị sĩ Đài Loan đến vì thiện chí’

  • 2 giờ trước
Image copyrightSAM YEH AFP GETTY
Image captionCộng đồng người Việt tại Đài Loan biểu tình phản đối công ty Formosa tháng 6/2016
Một nhà hoạt động người Việt tại Đài Bắc bình luận với BBC về chuyến đi của bà Tô Trị Phương, dân biểu Đài Loan trong lúc báo Việt Nam đặt vấn đề về trách nhiệm của cựu lãnh đạo bộ tài nguyên.
Bà Tô, nghị sĩ của đảng cầm quyền Dân Tiến, viết trên Facebook hôm thứ Hai 1/8 rằng bà không được phép lên máy bay từ Hà Nội đi Vinh.
Bà nghị sĩ và nhóm của bà dự định bay đi Vinh, rồi chuyển sang đi xe đến Hà Tĩnh làm việc với nhà máy thép Formosa.
Bà Tô viết rằng phía Việt Nam yêu cầu đoàn của bà phải ở lại Hà Nội trong lúc thương thuyết ngoại giao diễn ra.
Đến buổi tối, bà thông báo đoàn của mình được phép đi tiếp, nhưng lần này họ sẽ đi bằng xe, chứ không phải máy bay.
Trang China Post hôm 2/8 tường thuật: “Bà Tô đến Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác cho "Chính sách xuôi Nam" của Đài Bắc và bị giữ ở sân bay Nội Bài trong chín giờ”.

'Lợi ích hai chiều'

Hôm 2/8, từ Đài Bắc, Linh mục Nguyễn Văn Hùng, trưởng Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô dâu Việt ở Đài Loan, khẳng định với BBC rằng ông không có mặt trong chuyến đi của bà Tô như thông tin trên trang tin tiếng Hoa Liberty Times Net nói tại Nội Bài, nhà chức trách Việt Nam giải thích trong đoàn của bà Tô có một linh mục bị Việt Nam xem là "chống chính phủ".
“Bà Tô là một dân biểu có uy tín, xuất thân từ vùng Vân Lâm, nơi gánh chịu nạn ô nhiễm do công ty Formosa gây ra nên rất quan tâm đến vụ cá chết ở Việt Nam”, ông Hùng nói.
“Tôi được biết chuyến đi của bà là để tìm hiểu thêm ngọn ngành của thảm họa cá chết ở miền Trung Việt Nam cũng như phản hồi của Formosa”.
Image copyrightGETTY
Image captionChủ tịch Formosa Hà Tĩnh Trần Nguyên Thành trong clip phát biểu xin lỗi về vụ cá chết
“Sau chuyến đi này, bà sẽ tư vấn cho chính phủ của bà Thái Anh Văn về chính sách đầu tư kinh tế của doanh nghiệp Đài tại Đông Nam Á, nhằm đảm bảo lợi ích hai chiều, vừa đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp vừa có trách nhiệm với cộng đồng dân cư địa phương”.
Nhà hoạt động cũng cho biết thêm: “Dân biểu Đài Loan đến vì thiện chí nhưng cách hành xử của phía Hà Nội gây trở ngại như vậy thật vô trách nhiệm, trong bối cảnh chính phủ Việt Nam luôn tuyên bố khuyến khích đầu tư nước ngoài”.
Theo ông Hùng, công luận Đài Loan đang đặt rất nhiều câu hỏi: “Tại sao Việt Nam được Formosa bồi thường mà những vùng bị công ty này gây thiệt hại tại Đài Loan thì không?;
Tại sao Formosa không đưa ra chương trình làm sạch biển ở Việt Nam sau thảm họa; Chính phủ Việt Nam không công bố kết quả điều tra nồng độ nhiễm độc hóa chất của vùng biển mà chỉ nói Formosa là thủ phạm, vậy thì số tiền bồi thường 500 triệu đôla Mỹ căn cứ vào đâu và được chi như thế nào?...
Hôm 2/8, báo Lao Động viết: "Lật lại trách nhiệm của cả Bộ Tài Nguyên - Môi Trường, chúng tôi thấy rằng, việc “ủy nhiệm bừa” và “nhắm mắt ký” đã từng tồn tại ngay từ thời điểm đầu tiên bộ này thông qua đánh giá tác động môi trường của Formosa".
Trước đó, báo này đăng bài "đặt câu hỏi về trách nhiệm của nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang xung quanh việc chấp thuận cho Formosa xả thải thẳng ra biển".
Nhà máy thép của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) bị Việt Nam kết luận gây ra sai phạm môi trường, dẫn đến tình trạng cá chết ở miền Trung hồi tháng Tư.
Sau ba tháng điều tra, Formosa đã chấp nhận xin lỗi và cam kết trả số tiền bồi thường 500 triệu đôla Mỹ.
Hồi tháng Sáu, bà Tô Trị Phương đã kêu gọi chính phủ Đài Loan quan tâm vấn đề cá chết ở miền Trung.
Bà cũng kêu gọi Formosa và các công ty Đài Loan chứng tỏ trách nhiệm đối với môi trường và nhân quyền.

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment