Nhà hoạt động Trung Quốc bị tội lật đổ
- 2 giờ trước
Nhà hoạt động Trạch Nham Dân bị tội lật đổ chính quyền sau phiên xử kéo dài một ngày ở Thiên Tân.
Ông Trạch là một trong số 300 luật sư và nhà hoạt động bị bắt từ tháng Bảy năm ngoái trong vụ đàn áp các hoạt động pháp lý – khoảng 20 người vẫn đang bị giam giữ.
Trong phiên xử đầu tiên kể từ đợt bắt bớ, ông thụ án ba năm tù treo.
Vụ việc làm dấy lên chỉ trích từ quốc tế và cáo buộc có động cơ chính trị.
Thêm ba nhà hoạt động từ hãng luật Phong Nhuệ của ông Trạch, chuyên phụ trách các vụ án nhân quyền, cũng bị xử ở Thiên Tân.
Ông Hồ Thạch Căn, Chu Thế Phong and Lý Hòa Bình cũng chịu cáo buộc tương tự.
Hôm thứ Hai, luật sư có tiếng của hãng Phong Nhuệ, bà Vương Vũ được thả tự do sau khi nộp bảo lãnh, và cũng xuất hiện đoạn phim mà trong đó bà tuyên bố từ bỏ các hoạt động pháp luật của mình.
Tuy nhiên vẫn chưa rõ đoạn phim được quay khi nào, và liệu bà Vương đã được tự do hay chưa.
John Sudworth, BBC News
Trung Quốc gọi đây là phiên xử "mở" và nói một số phóng viên được "mời" vào dự để đưa tin. Có lẽ thư mời BBC đã bị thất lạc đâu đó.
Không lâu sau khi tới bên ngoài tòa án ở Thiên Tân, chúng tôi bị cảnh sát mặc thường phục chặn không cho quay phim, đòi kiểm tra chứng minh thư rồi đưa chúng tôi lên xe buýt chở tới một khách sạn gần đó.
Trong một căn phòng ở tầng trên, màn hình chiếu vào "bản dịch trực tiếp" từ phiên xử. Cũng như các luật sư và thân nhân, những người bị từ chối không cho gặp các bị cáo trong suốt hơn một năm, không có cách nào có thể đánh giá độc lập về những bằng chứng đưa ra để chống lại họ, hay tính chân thực của những gì mà họ nhận là "có tội".
Sự cởi mở mỏng manh là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc hiểu rõ rằng cộng đồng quốc tế đang dõi theo những phiên xử này.
Nhưng nó chỉ đổ thêm vào nghi ngờ rằng có động cơ chính trị với mục tiêu chính là gửi ra thông điệp lạnh người tới tất cả những ai dám thử sức với quyền lực của Đảng Cộng sản, dù là bên trong hay bên ngoài tòa án.
------------------------------------------------------------------------------------
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc nói tòa án đã dành ba giờ đồng hồ mới đưa ra tuyên án đối với ông Trạch, người bắt đầu hoạt động từ đợt biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989.
Tờ China Daily nói ông đã cho đăng nhiều bình luận trên mạng làm tổn hại tới an ninh quốc gia và bình ổn xã hội, và tổ chức biểu tình gây rối trật tự công cộng.
Tân Hoa xã gọi ông Trạch là người được thuê đi biểu tình và là “người thất nghiệp sống ở Bắc Kinh”.
Án treo có nghĩa là ông không phải ngồi tù, nhưng ông sẽ bị theo dõi chặt chẽ và không thể tham gia bất kỳ hoạt động chính trị nào.
'Nực cười và xấu xa'
Các luật sư bị bắt giữ được biết đến rộng rãi với tên gọi “709” – nhằm nhắc tới ngày xảy ra đàn áp 09/07/2015.
Gia đình của một số người bị bắt viết trong thông cáo hôm thứ Hai 01/08 rằng phiên xử “nực cười và xấu xa”, và kêu gọi sự chú ý của quốc tế.
Thông cáo cũng cáo buộc vợ ông Trạch đang mất tích, và nhiều người khác phải đối mặt với khả năng “bị bắt đi”.
Thân nhân nói họ không được phép tham dự phiên xử.
Đợt bắt bớ năm ngoái ở Trung Quốc nhắm tới phong trào ủng hộ nhân quyền, có sự tham gia của các luật sư giải quyết các trường hợp liên quan tới tự do ngôn luận, tôn giáo hay lạm quyền.
Đa số các nhà hoạt động bị bắt đều đã được thả nhưng các nhà quan sát nói Trung Quốc khá cứng rắn với những người vẫn đang bị giam giữ.
Trong đoạn video được tung ra hôm thứ Hai, bà Vương Vũ lên án ông Chu Thế Phong, phụ trách hãng Phong Nhuệ, là luật sư không đủ khả năng.
Bà nói thêm rằng “lực lượng nước ngoài” đang sử dụng hãng luật nhằm làm suy yếu và làm chính quyền mất uy tín.
Các quan sát gia nói có chỉ dấu cho thấy có sự ép buộc “nhận tội”. Trong những tháng gần đây, một số vụ ở Trung Quốc đã dùng tới ép buộc nhận tội trước công chúng.
No comments:
Post a Comment