Thursday, August 2, 2012

Mỹ tính củng cố quân lực trên đảo Guam

Mỹ tính củng cố quân lực trên đảo Guam

Cập nhật: 05:58 GMT - thứ năm, 2 tháng 8, 2012
Tàu sân bay USS John C. Stennis đang tập trận gần Guam
Mỹ tính biến Guam thành một căn cứ vững chắc để dè chừng Trung Quốc
Các nhà hoạch định chính sách của Lầu Năm Góc sẽ xem xét bổ sung thêm máy bay ném bom và tàu ngầm tấn công ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hôm thứ Tư ngày 31/7.
Đây là một phần của kế hoạch chuyển trọng tâm của Mỹ sang các thách thức an ninh ở khu vực này.
Ông Robert Scher, phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng, đã phát biểu trước các dân biểu Mỹ rằng ‘chúng tôi sẽ xem xét lại’ việc triển khai thêm nhiều khí tài đến đảo Guam, đầu mối chiến lược của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Ông cho biết Bộ Quốc phòng xem xét lại việc này sau khi có một bản báo cáo độc lập về các chính sách quân sự Mỹ ở khu vực.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã loan báo Mỹ sẽ chuyển trọng tâm quân sự, ngoại giao và kinh tế đến khu vực này sau một thập kỷ tiến hành các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng sẽ cân nhắc vấn đề này với tầm nhìn toàn cầu và sẽ tính đến các yêu cầu khác nữa, Scher điều trần trước Tiểu ban Quân lực Hạ viện.
Đảo Guam nằm ở vị trí 3/4 khoảng cách từ Hawaii đến Phillippines đã từng có vai trò quan trọng trong cuộc chiến ở Việt Nam khi từng được sử dụng làm căn cứ cho các máy bay ném bom của Mỹ.
Trên đảo có căn cứ Andersen của Không lực Mỹ, nơi đặt một phi đội B-52 luân phiên. Lực lượng chủ chốt của Mỹ ở đây là có ba tàu ngầm tấn công.

Báo cáo của CSIS

Trước đó, Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Mỹ (CSIS), một nhóm nghiên cứu chính sách độc lập, đã được Quốc hội ủy thác tiến hành đánh giá thế trận của quân lực Mỹ trong khu vực.
Trong bản báo cáo đưa ra hồi tuần trước, CSIS đề xuất đặt thêm một hay nhiều hơn các tàu ngầm tấn công tại đảo Guam để tạo ra một lợi thế quan trọng chống lại các công nghệ ‘chống tiếp cận’ mà Trung Quốc đang phát triển để ngăn chặn hải quân Mỹ tiến vào khu vực.
Một đề xuất nữa mà nhóm nghiên cứu này đưa ra là đặt thường trực một phi đội gồm 12 máy bay ném bom B-52 ở Guam thay vì làm như hiện nay là luân phiên các phi đội từ các căn cứ trong nội địa Hoa Kỳ.
Theo báo cáo của CSIS thì ẩn số địa chiến lược chủ chốt mà Hoa Kỳ và các đồng minh cũng như các đối tác đối mặt trong khu vực là ‘sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc sẽ tác động như thế nào đến trật tự và ổn định của khu vực trong những năm sắp tới’.
Báo cáo này nhận định quân lực Mỹ có thể giúp định hình môi trường hòa bình bằng cách theo đuổi các cam kết an ninh của mình. Bằng cách này Mỹ có thể ‘ngăn chặn sự ức hiếp của Trung Quốc hay sự hung hăng của Bắc Hàn’.
Trong một văn bản điều trần gửi đến Tiểu ban Quân lực Hạ viện ký tên cùng với David Helvey, một phó trợ lý khác của bộ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Sher cho biết Lầu Năm Góc đã đồng ý với đánh giá của CSIS rằng ‘cơ hội đang mở ra để củng cố thêm sức mạnh ở Guam cũng như gửi một tín hiệu quan trọng đến khu vực’.
Hiện giờ, cả máy bay ném bom cũng như tàu ngầm tấn công đều không có trong kế hoạch của Lầu Năm Góc cho khu vực này. Tuy nhiên vấn đề này sẽ được xem xét dựa trên ‘công việc rất tốt’ của CSIS, Scher nói với hãng tin Anh Reuters sau phiên điều trần.
Bộ Quốc Phòng cũng tiếp tục nghiên cứu cơ hội hợp tác với Philippines, một đồng minh có hiệp ước, để triển khai thêm quân lực đến ‘các vị trí ưu tiên’ chưa được xác định để ‘tăng cường an ninh trên biển’, các quan chức Bộ Quốc phòng cho biết trong phiên điều trần.

Thêm về tin này

Chủ đề liên quan

No comments:

Post a Comment