Wednesday, August 1, 2012

Nhật Bản lo ngại về giới quân sự trong chính quyền Trung Quốc


Nhật Bản lo ngại về giới quân sự trong chính quyền Trung Quốc

Hải quân Trung Quốc duyệt binh tại căn cứ Ngang Thuyền, Hồng Kông, 28/07/2012
Hải quân Trung Quốc duyệt binh tại căn cứ Ngang Thuyền, Hồng Kông, 28/07/2012
REUTERS

Trọng Nghĩa
Trong bản báo cáo quốc phòng thường niên, công bố vào hôm nay, 31/07/2012, chính quyền Nhật Bản một lần nữa đã nêu bật mối quan ngại về các hoạt động không ngừng gia tăng của Hải quân Trung Quốc. Cộng thêm với tình trạng thiếu rõ ràng về việc ai quyết định chính sách quân sự của Trung Quốc, các hoạt động này, theo Tokyo, đang tạo ra các đe dọa về an ninh cho khu vực.

Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản ghi nhận là trong thời gian gần đây, các tướng lãnh quân đội Trung Quốc càng lúc càng lên tiếng nhiều hơn về đường lối ngoại giao. Đối với Tokyo, đó là một chuyển biến đáng quan ngại trong quan hệ giữa giới lãnh đạo chính trị - tức là đảng Cộng sản Trung Quốc – với giới lãnh đạo quân đội của nước này.
Theo bản báo cáo, “mức độ ảnh hưởng của giới quân sự trên chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang thay đổi”. Trong một cuộc họp báo vào hôm nay, giới chức quốc phòng Nhật Bản đã nhắc đến các sự kiện như nhiều sĩ quan quân đội cao cấp của Trung Quốc đã lớn tiếng hơn trước, công khai bình luận về các cuộc tập trận quân sự của Mỹ ở các vùng biển trong khu vực...
Tuy nhiên, báo cáo của Nhật Bản cũng ghi nhận một mâu thuẫn trong nội tình Trung Quốc hiện nay : Vào lúc các tưóng lãnh quân đội ngày càng lên tiếng manh mẽ hơn, thì số cán bộ quân đội trong các cơ quan mang tính chất quyết định chính sách lại có chiều hướng giảm bớt. Điều này, theo Tokyo có thể là dấu hiệu cho thấy là trong thực tế, ảnh hưởng của quân đội trên chính trường Trung Quốc chỉ hạn chế.
Vấn đề đặt ra là các hoạt động hải quân của Trung Quốc càng lúc càng gia tăng trong vùng, vào lúc Bắc Kinh có tranh chấp biển đảo với hầu hết các láng giềng, với Nhật Bản ở vùng Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, cũng như với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan ở vùng Biển Đông.
Sách trắng, một lần nữa, đã chỉ trích tính chất “quyết đoán” của các phản ứng của Trung Quốc, liên quan đến tranh chấp chủ quyền với các láng giềng. Theo Tokyo, “các động thái quân sự của Trung Quốc, cùng tình trạng thiếu minh bạch của nước này trong các vấn đề quân sự và an ninh, là điều đáng quan ngại”, đặc biệt trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng Trung Quốc đã tăng gấp 30 lần trong hai thập kỷ qua.
Vào lúc các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở vùng biển khu vực trở nên thường xuyên hơn, mối lo ngại là hiện nay, không rõ giới quân sự Trung Quốc có thế lực ra sao trong tiến trình đưa ra quyết định so với đội ngũ lãnh đạo dân sự Trung Quốc.
Đối với ông Toshinori Tanaka, giám đốc văn phòng phân tích chiến lược và tình báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tình hình không rõ ràng tại Trung Quốc đáng lo ngại, vì rất khó mà dự đoán được “các ý định và mục tiêu đằng sau các hành động quân sự của Trung Quốc”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Satoshi Morimoto xác nhận “có một mức độ quan ngại nhất định, không chỉ ở Nhật Bản mà ở toàn bộ khu vực Đông Á, trước hướng đi mà Trung Quốc sẽ theo đuổi”.
TAGS: CHÂU Á - NHẬT BẢN - PHÂN TÍCH - QUÂN SỰ - TRUNG QUỐC

No comments:

Post a Comment