Việt Nam có thể trở thành một trục xoay?
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012-08-04
Trong một bài viết đăng trên tờ Asian Review hồi cuối tháng 7, giáo sư Carl Thayer (thuộc Học viện Quốc phòng Úc) nói về việc Việt Nam có thể là một trục xoay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trong khi giới quan sát còn đang tìm hiểu mức độ thành công và lợi ích của chiến thuật này thì một bài viết mới đăng trên Hoàn cầu Thời báo lại tỏ ra không mấy lạc quan về vai trò trục xoay mà ông Carl Thayer đề cập.
Đi nước đôi
Việc Việt Nam cố gắng duy trì một mối quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ - Trung dường như không có gì đáng bàn cãi khi giới quan sát đã có nhiều bài viết phân tích về chiến lược này.
Trong bài viết nhan đề “Vietnam is the real pivot” (tạm dịch “Việt Nam là một trục xoay thực sự”) đăng ngày 25 tháng 7 trên Asian Review, giáo sư Carl Thayer cho rằng Việt Nam đang tìm cách đóng một vai trò trục xoay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tác giả dẫn chứng chính sách giữ gìn độc lập theo lối 3 không (không cho đặt căn cứ quân sự, không liên minh quân sự và không dùng một nước thứ ba để chống lại nước khác) cũng như cách mà ĐCS Việt Nam gọi mối quan hệ giữa Hà Nội với hai cường quốc trên là “hợp tác” và” tranh đấu” để chứng minh cho chính sách đi nước đôi của Việt Nam.
Bài viết của học giả người Úc cũng chỉ ra những hoạt động quân sự, quốc phòng mà Việt Nam dành cho cả hai phía Hoa Kỳ và Trung Quốc nhằm minh họa cho chiến thuật mà ông gọi là “trục xoay”. Ông cũng khẳng định vì e ngại diễn biến hòa bình , Việt Nam duy trì nền độc lập “bằng cách đóng vai trò trục xoay giữa Bắc Kinh và Washington”.Tuy nhiên, xem ra truyền thông Trung Quốc không mấy lạc quan về việc liệu Việt Nam có thể có lợi trong vai trò mà giáo sư Carl Thayer gọi là “trục xoay” này. Ông Định Cương, chủ biên lâu năm của tờ Nhân dân Nhật báo vừa có bài đăng trên Hoàn cầu Thời báo (phụ bản của Nhân dân Nhật báo) trong đó cho rằng trước khi hưởng lợi từ chiến thuật này, phải có “hai điều kiện tiên quyết”.
Theo tác giả Định Cương hai điều đó là việc đối đầu giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc không đi vào thế mất kiểm soát; và thế cân bằng sức mạnh giữa hai cường quốc này về lâu về dài phải được giữ vững.
Cho rằng Việt Nam không phải là kẻ may mắn hưởng lợi từ mối quan hệ Mỹ - Trung, tác giả Định Cương khẳng định “Việt Nam sẽ phải chọn theo Mỹ hoặc Trung Quốc như những nước Đông Nam Á khác”. Cây bút kỳ cựu của tờ báo là tiếng nói chính thức của ĐCSTQ cũng không quên nhấn mạnh rằng một khi Hà Nội còn giữ chế độ một đảng thì khó lòng mà Washington làm thân hơn.
Tiến thoái lưỡng nan?
Xem ra “đi nước đôi” là một chiến thuật thông minh, nhưng không loại bỏ khả năng Việt Nam bị đặt vào thế tiến thoái lưỡng nan vì một bên là không muốn quá lệ thuộc vào Trung Quốc và một bên là không muốn bị ảnh hưởng bởi nền chính trị Hoa Kỳ. Vậy những khó khăn mà Việt Nam gặp phải khi đóng vai trò “trục xoay”? GS Carl Thayer trao đổi với Quỳnh Chi vào ngày 1 tháng 8:GS Carl Thayer: Dĩ nhiên là cả hai nước sẽ cố gắng mặc cả với Việt Nam. Hoa Kỳ rõ ràng muốn Việt Nam cải thiện nhân quyền còn Trung Quốc muốn Việt Nam không đứng về phía Washington. Nếu mối quan hệ Hoa Kỳ -Trung Quốc chuyển biến xấu thì đây là một trở ngại rất lớn cho Việt Nam. Có một điều tôi muốn nói là bài viết của tôi dùng từ “trục xoay” còn ông Định Cương dùng từ “cân bằng”. Tôi không nói là Việt Nam đủ mạnh để có thể cân bằng giữa hai nước.
Quỳnh Chi: Bài viết của ông Định Cương nói đến hai “điều kiện tiên quyết” để Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc làm trục xoay giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông có nhận xét thế nào?
GS Carl Thayer: Về điều đầu tiên thì tôi đồng ý là Hoa Kỳ và Trung Quốc không ở vào tình huống mà không kiểm soát được nhưng có căng thẳng xảy ra giữa họ.
Về điều thứ hai, ông Định Cương nói là Hoa Kỳ có thể không giữ được một chính sách lâu dài ở khu vực này thì tôi không nghĩ vậy. Tôi không nghĩ Hoa Kỳ chọn rời bỏ khu vực này và không đóng một vai trò nào cả. Họ có thể có một mối quan hệ tốt, một mối quan hệ xấu hoặc một mối quan hệ căng thẳng nhưng chọn lựa từ bỏ vùng này phải là phải là lựa chọn thứ tư cơ.
Ông Cương nói là Hoa Kỳ là một “kẻ ngoại đạo” trong khi Trung Quốc có nhiều quyền lợi kinh tế trong khu vực nhưng mà ông ta quên rằng Washington có nhiều nhà đầu tư ở Đông Nam Á hơn. Những nước như Việt Nam có giá trị thặng dư trong thương mại đối với Hoa Kỳ. Còn những nước như Cambodia thì cần phải hòa nhập vào thị trường Mỹ.
Quỳnh Chi: Nhưng mà vẫn có nghi ngờ cho rằng một khi lợi ích của Hoa Kỳ thay đổi thì những nước yếu hơn có thể bị bỏ rơi. Những gì xảy ra trong cuộc chiến Việt Nam khi Hoa Kỳ rút quân có ý nghĩa như thế nào trong trường hợp này?
Để chống lại Trung Quốc trên biển Đông, có vẻ như Việt Nam đang dựa vào Hoa Kỳ để bộc lộ lợi ích thay mình trong vấn đề tự do hàng hải hơn là trực tiếp trở thành đồng minh với Washington.
GS Carl Thayer
GS Carl Thayer: Vâng, Việt Nam có thể thấy rằng Washington có thể sẽ thay đổi lợi ích của mình. Cho nên dựa vào Hoa Kỳ mà trở thành lệ thuộc vào nó thì Việt Nam sẽ trở nên mất phương hướng khi Hoa Kỳ rút đi. Những nước đồng minh nhỏ và yếu hơn thường có suy nghĩ như thế nhưng mà Việt Nam sẽ không trở thành đồng minh với Hoa Kỳ. Để chống lại Trung Quốc trên biển Đông, có vẻ như Việt Nam đang dựa vào Hoa Kỳ để bộc lộ lợi ích thay mình trong vấn đề tự do hàng hải hơn là trực tiếp trở thành đồng minh với Washington.
Quỳnh Chi: Nhiều người cho rằng Việt Nam cũng đang đối diện với thế “tiến thoái lưỡng nan” khi khó lòng thân cận hơn với Hoa Kỳ với chế độ một đảng. Ông Định Cương cũng nói là việc này sẽ ngăn trở mối quan hệ Việt – Mỹ, ông nghĩ sao?
GS Carl Thayer: Chế độ một Đảng sẽ có một thứ mà tôi gọi là “3 không”: không thành phần đối lập chính trị, không nền chính trị đa nguyên, không đảng đối lập. Cho nên những vấn đề như tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo là thứ yếu.
Hoa Kỳ rất nhiều lần cho Việt Nam thấy đó sẽ là một rào cản. Những người bảo thủ trong ĐCSVN sẽ xem đó là diễn tiến hòa bình và họ cho rằng mặc dù có tranh chấp với Trung Quốc đi nữa thì chủ thuyết xã hội cũng làm hai nước có nhiều điểm chung.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đồng thời muốn phát triển kinh tế và tiến đến toàn cầu hóa và đó là những thứ đẩy Việt Nam đến gần với Hoa Kỳ hơn không nhất thiết là trên phương diện chiến lược mà trên phương diện kinh tế, giáo dục. Cho nên nó cũng không hẳn là một thế quá khó xử.
Quỳnh Chi: Thế thì trong lúc Việt Nam có thể thực sự hưởng lợi trong vai trò trục xoay thì một khối ASEAN hùng mạnh sẽ có lợi cho Hà Nội ra sao?GS Carl Thayer: Có vẻ như một khối ASEAN hùng mạnh có thể giúp cân bằng với Trung Quốc nhưng mà rốt cuộc rồi thì ASEAN cũng ngã về phía Bắc Kinh vì nước này sẽ trở thành hùng mạnh nhất khu vực. ASEAN sẽ không cùng đứng về một phía nhưng mà Việt Nam sẽ đứng ở vị trí những nước có sức mạnh trung bình (middle power) như Malaysia, Indonesia, Singapore. Trở lại vấn đề, một khối ASEAN hùng mạnh là điều tiên quyết vì sẽ có một nhóm nước có sức mạnh trung bình để Việt Nam có một chỗ đứng trong đó. Đó cũng là một điểm mà ông Định Cương không nói tới.
GS Carl Thayer khẳng định để thân hơn với Hoa Kỳ, Việt Nam không hẳn phải đối diện với một thế tiến thoái lưỡng nan quá khó khăn. Tuy nhiên, ông cũng không chắc Việt Nam có muốn thân hơn với Mỹ không vì điều này chưa được thể hiện.
Nút thắt nhân quyền giữa Việt – Mỹ vẫn chưa được nới lỏng hơn và cuộc tiếp xúc hồi tháng 7 vừa rồi giữa bà Hilary Clinton và người đứng đầu ĐCSVN được đánh giá là “không thoải mái”.
Người Trung Quốc có câu “Ngao cò tranh đấu, ngư ông đắc lợi”, nhưng không dễ để ở vào vị trí của “ngư ông”. Nó đòi hỏi sự khéo léo và thậm chí cả đánh đổi là mà người đánh cá phải thực hiện. Hãy xem Việt Nam trở thành vị ngư ông may mắn như thế nào.
Theo dòng thời sự:
- Việt - Mỹ và Việt – Trung
- Quốc phòng Việt - Mỹ: Đầu tư liên kết chiến lược
- Ảnh hưởng của ASEAN tại Biển Đông
- Việt Nam-Trung Quốc tuyên bố cùng tìm giải pháp cho biển Đông
- Bắc Kinh reo mừng - Hà Nội nuốt hận
- 10 nước ASEAN đã có những bất đồng
- ASEAN không đạt được thông cáo chung cho Biển Đông
- Có nên giữ ‘16 chữ vàng’ và ‘4 tốt’?
- Học giả không chắc chắn về vai trò của ASEAN
No comments:
Post a Comment