'Việt Nam lôi kéo Ấn Độ chống TQ'
Cập nhật: 15:28 GMT - thứ tư, 1 tháng 8, 2012
Báo Trung Quốc nói Việt Nam có động cơ chính trị khi giữ công ty dầu khí Ấn Độ ở Biển Đông.
Việt Nam đã thuyết phục Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) tiếp tục thăm dò dầu khí ít nhất thêm hai năm nữa ở Biển Đông tại Lô 128, vốn phần lớn cũng nằm trong các lô mà chính Trung Quốc cũng mời thầu nước ngoài.
Chủ đề liên quan
Trước đó ONGC tuyên bố sẽ ngưng liên quan tới lô này vì 'thiếu hiệu quả kinh tế'.
Hoàn Cầu Thời Báo hôm 31/7 có bài viết bằng tiếng Anh của tác giả Chu Hạo, người có tiếng với các bài chỉ trích Việt Nam, nói rằng sự hợp tác giữa New Delhi và Hà Nội không xuất phát từ lợi ích kinh tế mà có mục tiêu chính trị.
Ông Chu Hạo viết: "Ý định chiến lược của việc dính líu tới chuyện Biển Đông của Ấn Độ là rõ ràng.
"New Delhi muốn làm phức tạp thêm vấn đề nhằm ghìm Trung Quốc vào đó để họ [Ấn Độ] có thể thống lĩnh trong các vấn đề ở khu vực."
Hoàn Cầu Thời Báo nói Ấn Độ cũng tiến hành các cuộc tập trận chung và tăng cường hợp tác an ninh với các nước có mâu thuẫn với Trung Quốc.
'Phản ứng mạnh'
Về ý định của Hà Nội, tác giả Chu Hạo viết:
"Về phía Việt Nam, họ ý thức được rằng việc bòn mót tài nguyên dầu khí ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] bị Trung Quốc coi là trái phép và họ hy vọng có được sự ủng hộ từ những quốc gia lớn khác.
"Việt Nam muốn lợi dụng chiến lược của Ấn Độ để đối đầu với Trung Quốc.
"Việt Nam muốn lợi dụng chiến lược của Ấn Độ để đối đầu với Trung Quốc."
Chu Hạo viết trên Hoàn Cầu Thời Báo
"New Delhi và Hà Nội thực sự có lợi ích chung trong vấn đề này."
Tác giả bài báo nói Trung Quốc cần đẩy nhanh các hoạt động phát triển và khai thác dầu khí ở Biển Nam Trung Hoa và phải có "phản ứng mạnh" khi nước ngoài khai thác dầu khí tại vùng "lãnh hải thuộc chủ quyền Trung Quốc".
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tới 80% Biển Đông, điều mà Hoa Kỳ từng coi là sự "xâm phạm chủ quyền" của các nước khác khi nó vượt xa vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, hay 320 km của Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển.
Đối thoại và đàm phán
Cũng hôm 31/7, Tân Hoa Xã cũng có bài cảnh báo nước ngoài tránh tham gia vào tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Cảnh Nhạn Sinh được dẫn lời nói: "Chúng tôi phản đối bất kỳ nước nào ở bên ngoài khu vực can thiệp vào các tranh chấp này.
"Bất cứ sự can thiệp nào của các nước ở bên ngoài khu vực sẽ làm vấn đề thêm phức tạp và thậm chí làm cho tình hình xấu đi," ông Cảnh nói và bổ sung thêm rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp thông qua đàm phán song phương.
Ông cũng tuyên bố việc sẽ đồn trú ở Tam Sa là phù hợp với quy định về quản lý hành chính và cơ cấu quân đội.
Phía quân đội Trung Quốc cũng nói họ tránh dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn.
"Trung Quốc luôn luôn ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế và dùng đối thoại và đàm phán trên cơ sở bình đẳng để giải quyết xung đột và các vấn đề trong khi phản đối sử dụng vũ lực," Đại tá Vũ Tây Hoa, phó giám đốc cơ quan phản ứng khủng hoảng của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tuyên bố.
Còn Đại tá Lâm Bạch thuộc Cục Quân nhu của PLA nói rằng Trung Quốc sẽ không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang.
“Chúng tôi sẽ vũ trang cho quân đội một cách phù hợp căn cứ vào yêu cầu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước vì Trung Quốc sẽ tiếp tục đi theo con đường phát triển hòa bình,” ông nói.
Ông nói thêm rằng việc nâng cấp quân đội nước này là ‘phù hợp với nhu cầu và lợi ích quốc gia’ cũng như ‘tuân theo tập quán quốc tế’.
“Chúng tôi đã củng cố năng lực trong việc xây dựng trang bị và phát triển nhiều loại vũ khí mới. Tuy nhiên so với trình độ quốc tế thì chúng tôi vẫn thua xa về các tính năng kỹ thuật cũng như số lượng.”
No comments:
Post a Comment