Vì sao Mỹ bá chủ trò chơi do thám toàn cầu
Câu chuyện ly kỳ giữa Edward Snowden và Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ cho thấy rõ một điều: vai trò trung tâm của Mỹ trong phát triển Internet và là nơi có các hãng điều hành thế lực nhất trên mạng đã giúp Mỹ có vị trí độc tôn trong tình báo mạng.
Mỹ làm chủ trò chơi do thám toàn cầu. Ảnh minh họa: Reuters |
Các nước trên thế giới, từ chế độ độc tài cho tới dân chủ, đều khát khao sở hữu những công cụ do thám, khả năng thâm nhập vào hệ thống cáp quang tốc độ cao nhằm chặn thu thông tin trên internet, lấy dữ liệu của công dân nước họ từ các máy chủ nội địa, và thậm chí tấn công mạng để xâm nhập vào các hệ thống nước ngoài.
Nhưng theo các chuyên gia về tình báo mạng, chính Thung lũng Silicon đã giúp Mỹ trở thành một siêu cường về do thám, cho phép các gián điệp Mỹ tiếp cận các núi dữ liệu khổng lồ, được thu thập bởi các phương tiện truyền thông hàng đầu thế giới, bởi truyền thông xã hội và các công ty lưu trữ online.
Các núi dữ liệu này chạy qua hệ thống cơ sở hạ tầng cáp quang của Mỹ, chịu trách nhiệm đảm bảo cho khoảng dưới một phần ba năng lực Internet toàn cầu (vận hành), theo công ty nghiên cứu viễn thông TeleGeography, cho phép Mỹ trở thành một trung tâm bưu điện toàn cầu, được tiếp sức bởi khả năng vận hành kể cả khi dung lượng chuyển tải trên hệ thống toàn thế giới tăng cao.
“Sức mạnh tuyệt đối của cơ sở hạ tầng của Mỹ là các dòng dữ liệu được chuyển qua thường xuyên bất chấp xuất phát địa lý của chúng là gì”, Joss Wright, một nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu Internet của Oxford nhận xét. “Tình trạng hiện nay là lợi thế khổng lồ của Mỹ”.
Tình trạng hiện nay đặc biệt thuận lợi cho Mỹ bởi gián điệp mạng thâm nhập sâu vào cuộc sống riêng tư hàng ngày của mỗi người, theo cách mà các biện pháp do thám truyền thống khác không thể đạt được. Chẳng hạn như ở Italy, nơi được cho là việc nghe trộm điện thoại diễn ra tràn lan, thì nhà chức trách cũng không thể nắm hết những thông tin chi tiết của từng cá nhân như do thám bằng mạng, thông qua tìm kiếm trên Internet hoặc từ phân tích email đến và đi.
“Việc đó cũng kinh khủng như là người khác đọc nhật ký của bạn vậy”, Wright nói. “Thậm chí nó còn kinh khủng hơn rất nhiều, bởi vì bạn không bộc bạch ra tất cả trong nhật ký”.
Chi tiết về cách mà chương trình chặn thu PRISM của NSA dùng để lấy dữ liệu từ các công ty thông tin mạng vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng theo những gì mà Snowden nói trên Guardian và Washington Post, thì “hành lang nội bộ” giữa NSA và các hãng là “giá trị, độc nhất, hiệu quả nhất” cho việc thu thập tin tình báo. Mức độ cho phép tiếp cận thông tin giữa các công ty và NSA đến đâu cũng là câu hỏi chưa có lời đáp.
Nhưng cho dù thế nào, khối lượng thông tin trong tay Mỹ là rất lớn. Internet Explorer của Microsoft là trình duyệt có trên một phần ba đến một nửa các máy tính trên thế giới. Google thực hiện hai phần ba lượng tìm kiếm trên mạng của toàn thế giới. Facebook có 900 triệu người dùng, chiếm một phần ba tổng lượng dùng Internet toàn cầu (2,7 tỷ người). Những công ty này đều ở Mỹ.
Việc do thám điện tử ở các nước, tất nhiên khác xa so với Mỹ, cũng diễn ra nhưng với trình độ hoặc quy mô thấp hơn.
Vị trí ông lớn
Trung Quốc và Nga đều có các bộ máy chặn thu giám sát từ lâu. SORM của Nga, một từ viết tắt theo tiếng Nga cho “Hệ thống Hoạt động Tác chiến Điều tra”, cho phép các quan chức Chính phủ tiếp cận trực tiếp gần như mọi nhà cung cấp dịch vụ internet trong nước. Ban đầu nó thiết lập để cho phép Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tiếp cận không giới hạn tới hệ thống lưu chuyển internet ở Nga. Và quy mô của SORM đã gia tăng nhanh chóng kể từ khi ông Vladimir Putin cầm quyền vào năm 2000 và hiện nay cho phép nhiều các cơ quan hành pháp giám sát các tin nhắn ở Nga.
Tại Trung Quốc, do thám là “tỏa khắp, phạm vi rộng nhưng có lẽ không giống công nghệ cao” như ở Mỹ, Andrew Lih, một giáo sư về báo chí tại Washington cho hay. Ông nói phần lớn những người sử dụng Internet như là dịch vụ dạng blog như Sina, dịch vụ chat QQ hay nhà tìm kiếm khổng lồ Baidu đều được yêu cầu có đội ngũ nhân viên, có thể lên đến hàng trăm người, thực nhiệm nhiệm vụ theo yêu cầu của Nhà nước, từ do thám cho tới kiểm duyệt.
Điều khiến Mỹ vượt trội các nước kia là vì Mỹ là trung tâm của phần lớn lưu lượng truyền thông xã hội, thông tin liên lạc và lưu trữ trực tuyến của toàn thế giới.
“Vị trí độc tôn của Mỹ trong hệ thống, phạm vi các dịch vụ mà họ đưa ra cho thế giới, quy mô cơ cở hạ tầng , năng lực băng thông khổng lồ, những điều đó tạo cho Mỹ một vị thế đặc biệt để có thể do thám toàn cầu”, Wright nói. “Điều đó đặc biệt đúng khi ta nói đến các dịch vụ đám mây, chẳng hạn như Gmail với 452 triệu người dùng tính đến năm ngoái”.
Nhiều nước đang cố chống lại sự thống trị về công nghệ của Mỹ bằng cách yêu cầu các công ty Mỹ mở các chi nhánh địa phương, điều mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đề xuất với Twitter. Mạnh hơn nữa là cấm tiệt, như trường hợp của WhatsApp , có thể sớm bị cấm hoạt động ở Ả rập Xê út. Các chính phủ cũng tìm cách giành giật dòng thông tin lưu chuyển ra vào, mua thiết bị, thiét lập các trung tâm giám sát.
“Kịch bản cuối cùng sẽ là: không chỉ có mỗi ông anh cả”, Richard J. Aldrich, tác giả một cuốn sách về cơ quan do thám của Anh GCHQ nhận định. “Sẽ có hàng trăm chú em khác ra đời”.
Nhưng các chú em này sẽ có vô khối việc để làm nếu muốn sánh vai với ông anh Mỹ. Vì thế có một số người đã tìm cách “san bằng sân chơi” bằng những ngón hack, chẳng hạn như vụ tấn công người dùng Gmail năm 2010 hay nghi án tấn công các dịch vụ webmail của Mỹ do những hacker có thể là người Iran thực hiện.
Nhưng kể với “nghệ thuật do thám trong bóng tối” trên mạng, Mỹ dường như đã khẳng định vị thế bậc thầy. FBI đã có chương trình theo dõi tội phạm với phần mềm do thám phức tạp trong nhiều năm, trong khi một tướng Mỹ mới đây vừa khoe chiến tích hack các kẻ thù ở Afghanistan.
Trong trao đổi với South China Morning Post, Snowden tiết lộ rằng người Mỹ đã đột nhập vào các hệ thống máy tính của đại học Thanh Hoa nổi tiếng của Trung Quốc, một công ty cáp quang và các nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc.
“Chúng tôi hack mọi người ở tất cả mọi nơi”, Snowden nói.
Giới chức Mỹ cũng không phủ nhận điều này.
“Mọi người đều lấy thông tin từ nơi chúng được lưu trữ; trích xuất thông tin từ hệ thống mạng của đối phương”, cựu giám đốc NSA Michael Hayden từng phát biểu đầu năm nay. “Chúng tôi làm việc đó giỏi nhất”
Khánh Lynh (theo AP)
No comments:
Post a Comment