Tuesday, April 1, 2014

Cách mạng hướng dương của thanh niên Đài Loan

Cách mạng hướng dương của thanh niên Đài Loan

Với nhành hướng dương trên tay, sinh viên Đài Bắc biểu tình trước tòa nhà Quốc hội, phản đối hiệp định thương mại với Trung Quốc, hôm 21/03/2014.
Với nhành hướng dương trên tay, sinh viên Đài Bắc biểu tình trước tòa nhà Quốc hội, phản đối hiệp định thương mại với Trung Quốc, hôm 21/03/2014.
REUTERS/Cheng Ko

Lê Vy
Thời sự Châu Á khá sôi nổi trên các nhật báo Pháp ngày cuối tuần, thứ Bảy 29/03/2014 lẫn các tạp chí ra số ra tuần này. Trước tiên, đến với Đài Loan, báo Le Monde có bài đề tựa : « Tại Đài Bắc, cách mạng hoa hướng dương cho thấy thanh niên đang khó chịu trước chính quyền Bắc Kinh ».

Đặc phái viên báo Le Monde tại Đài Bắc tường thuật, sinh viên với hoa hướng dương trên tay, chăn gối và thức ăn, tụ tập đông đảo nhiều ngày tại tòa nhà Quốc hội để phản đối hiệp định thương mại ký kết với Bắc Kinh.
Tờ báo giải mã hình tượng hoa hướng dương. Đó là biểu tượng của ánh sáng, chống lại tất cả những việc làm trong bóng tối. Chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu đã cố thông qua hiệp định thương mại với Trung Quốc vào ngày 17/03/2014 vừa qua, thay vì đem ra tranh luận từng điều khoản trong hiệp định như yêu cầu của đảng đối lập từ nhiều tháng nay. Ngay hôm sau, sinh viên đã tụ tập tại Quốc hội để phản đối.
Theo một trong những sinh viên biểu tình thì hiệp định thương mại với Trung Quốc không phải là xấu nhưng có rất nhiều điểm mập mờ. Theo anh, cần lập hệ thống pháp lý giám sát từ khâu ký kết đến thực thi hiệp định. Luật này nếu được chấp nhận chính là điều kiện để dân thôi biểu tình tại tòa nhà Quốc hội. Thế nhưng, chỉ có dân biểu thuộc đảng đối lập chiếm thiểu số là ủng hộ dự luật này.
Ngày 23/03/2014, cảnh sát chống bạo động đã giải tán đám đông. Lực lượng biểu tình cho biết sẵn sàng huy động lực lượng về lâu dài. Họ thông báo một cuộc biểu tình lớn trước dinh thổng thống vào ngày mai (Chủ Nhật 30/03/2014).
Tại nơi biểu tình, các sinh viên báo chí chịu trách nhiệm tường thuật trực tiếp diễn biến trên trang mạng xã hội Facebook. Chân dung biếm họa Tổng thống Mã Anh Cữu bị vẽ đầy trên tường, người đã quyết định xích lại gần với Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc bị ràng buộc bằng một quy chế : không độc lập mà cũng chẳng phải là thống nhất đất nước.
Báo Le Monde thuật lại, một đoàn sinh viên khác của Hồng Kông đáp máy bay đến Đài Loan với biểu ngữ đỏ cùng hàng trăm chữ ký để đấu tranh về dự án Trung Quốc muốn sát nhập Hồng Kông vào Trung Quốc vào mùa hè này, nhằm thúc đẩy Bắc Kinh giữ lời hứa cho bầu cử phổ thông đầu phiếu vào năm 2017 mà cho đến nay, Bắc Kinh thường vẫn không giữ lời.
Cuộc cách mạng hướng dương được người trong cuộc nhận định là kết quả của nhiều sự ức chế tích tụ lâu ngày, trong đó có biểu tình về các vấn đề môi trường, về việc phá dỡ một số ngôi làng. Nguyên nhân làm cho dân chúng phẫn nộ là sự độc tài và bá quyền của đảng lãnh đạo. Người tiền nhiệm của ông Mã Anh Cửu luôn theo chủ trương « độc lập » còn Tổng thống đương nhiệm lại luôn muốn xích lại gần với Trung Quốc.
William Trần, lãnh đạo sinh viên biểu tình nhận xét : « Sinh viên Đài Loan không chống lại Trung Quốc nhưng họ chống lại sự can dự của Trung Quốc vào hệ thống chính trị và kinh tế Đài Loan. Để giải quyết được điều đó thì cần phải củng cố cơ chế dân chủ của chúng tôi ».
Cả Đài Loan và Hồng Kông đều không ưa sự can dự của Trung Quốc
Nhật báo Le Monde tiếp tục phân tích qua bài viết khác đề tựa : « Cả Đài Loan và Hồng Kông đều không ưa sự can dự của Trung Quốc ». Chưa bao giờ mà nhu cầu được bảo vệ khỏi chế độ Bắc Kinh lại mãnh liệt tại Đài Loan và Hồng Kông vào lúc này.
Hai con rồng Châu Á có văn hóa lịch sử và chính trị khá khác biệt nên họ liên tục biểu hiện thái độ khước từ xích lại gần một Trung Quốc bình dân, luôn hau háu sát nhập các vùng tự trị.
Các cuộc biểu tình phản đối cũng liên tục nổ ra chống lại việc vi phạm tự do báo chí trên đất Hương Cảng. Người Trung Quốc ngày càng đổ xô đến Hồng Kông, nào là du khách, các sản phụ Trung Quốc tràn ngập trong bệnh viện Hồng Kông hay những tay tài phiệt Trung Quốc đầu tư vào bất động sản cũng gây nên sự oán hận cho người Hồng Kông đến nỗi họ gọi dân Trung Quốc với giọng điệu miệt thị là « sự xâm lược của những con châu chấu ».
Bực tức của thanh niên Đài Loan chống Trung Quốc qua cuộc cách mạng hoa hướng dương nói trên thể hiện tuổi trẻ Đài Loan đang ao ước được độc lập. Một lãnh đạo sinh viên nhận định, nếu thăm dò người Đài Loan giữa hai lựa chọn là độc lập hay thống nhất với Trung Quốc thì chắc hẳn đa số sẽ lựa chọn độc lập.
Ukraina trước mối đe dọa quân Nga xâm lược tại biên giới
Chuyển sang tình hình tại Ukraina, nhật báo Le Figaro có bài viết : « Ukraina trước mối đe dọa xâm lược của quân Nga taị biên giới ». Theo tờ báo, Kiev ước tính có 100 000 binh sĩ Nga tụ tập tại biên giới phía Đông Ukraina và sẵn sàng lập lại kịch bản Crimée tại phía Đông Ukraina.
Lần đầu tiên sau khi Hoa Kỳ áp đặt trừng phạt lên các quan chức cấp cao của Nga, tổng thống Putin đã gọi điện thoại cho người đồng nhiệm Mỹ Obama để bàn luận về đề nghị Mỹ nêu ra là tìm lối thoát cho khủng hoảng. Ít lâu trước đó, Tổng thống Mỹ đã khuyến khích Nga rút quân đang đồn trú tại biên giới phía Đông Ukraina.
Tổng thống Mỹ phát biểu cho hãng truyền thông CBS : « Có thể là quân Nga muốn đe dọa Ukraina nhưng cũng có thể là họ có dự định khác », ý muốn ám chỉ là quân Nga có thể sẽ xâm lấn biên giới phía Nam và phía Tây Ukraina. Tổng thống Putin thì cam đoan với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon rằng không hề có ý đồ xâm lược. Ukraina lo ngại Putin sẽ làm cho tình hình Ukraina tệ hơn bằng cách kích động chia rẽ và hỗn loạn tại Ukraina để chờ gặt quả chín khi thời điểm đến.
Tân Cương : vùng đất của sợ hãi
Tạp chí Le Nouvel Observateur ra tuần này quan tâm đến vùng tự trị Tân Cương, một trong những vùng khép kín nhất của Trung Quốc. Nhìn từ phía Bắc Kinh thì đây là một điểm nóng khủng bố cần phải bài trừ, thế nhưng, vùng tự trị Tân Cương có một gương mặt khác : đó là một dân tộc Hồi giáo bị sống trong sợ hãi và nghèo khổ.
Tạp chí nhắc lại vụ tấn công của người Duy Ngô Nhĩ vào nhà ga Côn Minh và tại quảng trường Thiên An Môn làm nhiều người thiệt mạng và bị thương. Sau các vụ bạo động liên tục nổ ra tại Tân Cương, đâu đâu cũng được canh phòng nghiêm ngặt, máy camera giám sát được trang bị khắp nơi công cộng tại Urumqi, thủ phủ của Tân Cương.
Chính vì vậy mà tạp chí nhận định, không lấy làm ngạc nhiên khi chẳng ai giám nói điều gì trái ngược với chính quyền Trung Quốc. Khi hỏi một người Duy Ngô Nhĩ tại đây rằng nguyên nhân dẫn đến bạo lực tại đây là gì thì họ sẽ thuật lại bài ca của Tân Hoa Xã là : đó là do « những thành phần khủng bố ly khai Hồi giáo được điều khiển từ nước ngoài ». Phóng viên tuần báo cho biết phải kiên nhẫn và đề phòng lắm mới mới hỏi được một người đồng ý kể sự thật.
Sidik, một nhà giáo về hưu thuật lại : đâu đâu cũng có gián điệp, ông không dám nói to. Trong năm người Duy Ngô Nhĩ thì có đến hai người là gián điệp. Ông cho biết nguyên nhân là vì tiền bởi vì, một người làm gián điệp được trả lương cố định là 1800 nhân dân tệ/tháng (210 euro) và cứ mỗi vụ tố được ai đó thì được lãnh 300 nhân dân tệ (35 euro). Do đó, nhất cử nhất động đều có người theo dõi để tố cáo mọi hành vi hơi khác thường cho cảnh sát.
Ông kể tiếp, cứ mỗi khi có lời tố là cảnh sát nhắm vào thanh niên, bất chấp họ có tội hay không. Cảnh sát cũng nhận được tiền thưởng khi phát hiện được khủng bố. Do đó, bất kỳ người nào gây gổ hay một bạo động nhỏ nào ngoài đường cũng bị dán nhãn là « khủng bố » và bị xử lý rất nặng. Thường thì chẳng ai sống xót.
Tại Tân Cương, cảnh sát bắt người mà không cần phải báo cho gia đình người bị bắt. Nghi can bị mất tích. Cha mẹ nạn nhân sẵn sàng chi tiền cho công an để họ thả con mình. Đôi khi việc này đã trở thành một mối làm ăn thật sự cho công an. Thế nhưng, vẫn theo ông Sidik kể thì khi người ta không quen biết nhân vật có thế lực, không đủ tiền hay vụ việc bị dán mác « chính trị » thì các gia đình coi như mất con.
Một số gia đình nạn nhân bị bắt chạy đến sở công an để cứu con mình và sau đó, ẩu đả nổ ra. Họ trang bị dao, bom xăng và tấn công cảnh sát để trả thù cho con mình. Đa số những vụ trên đều mang tính nội bộ, xung đột sắc tộc tại Tân Cương. Các vụ bạo động của người Duy Ngô Nhĩ là nhằm đòi hỏi tự do tín ngưỡng, văn hóa, ngôn ngữ, chống lại chính sách trấn áp của Bắc Kinh do công ăn việc làm của người Duy Ngô Nhĩ bị rơi vào tay người Hán. Nhưng Trung Quốc vẫn cáo buộc là các vụ bạo động trên bị giật dây từ nước ngoài. Ông Sadik nhận định : « Việc làm của Bắc Kinh là nhằm gieo rắc sự hận thù và hỗn loạn trong một vùng đất cho đến nay vốn hòa bình ».
Nhà báo nằm trong miệng Rồng
Tạp chí L’Express quan tâm đến tình trạng báo giới bị kiểm duyệt gay gắt tại Trung Quốc cho dù đó là phóng viên Trung Quốc hay nước ngoài qua bài viết : « Nhà báo trong miệng Rồng ».
Tạp chí nhận định, mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình tự nhận nhiều thành công trong lĩnh vực kinh tế nhân chuyến công du tại Pháp vừa rồi nhưng quyền tự do ngôn luận vẫn không có chút tiến bộ nào thậm chí còn tệ hơn. Một số người ngây ngô tin rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ thúc đẩy tự do ngôn luận. Số phận của nhà báo Mỹ Paul Mooney làm việc cho tờ South China Morning Post, tờ báo tiếng Anh của Hồng Kông là một ví dụ điển hình.
Ông bị lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco từ chối cấp visa tiếp tục làm việc bởi vì ông đã đi khắp nơi tại Trung Quốc, viết nhiều bài về ô nhiễm, các ngôi làng bị ung thư, hay nạn bắt giữ những người đấu tranh cho nhân quyền. Tạp chí nhận định, Trung Quốc càng phát triển thì Đảng Cộng sản cầm quyền dường như càng cố tình bịt miệng những chỉ trích, kể cả đó là người nước ngoài.
RFI : khao khát sự thật
Cũng liên quan đến số phận của các nhà báo, nhật báo Libération hôm nay trở lại vụ hai nhà báo Pháp là Ghislaine Dupont và Claude Verlon bị sát hại vào ngày 2/11/2013 tại Kidal, Mali. Gần năm tháng sau vụ việc, thân nhân nạn nhân Ghislaine Dupont bắt đầu thiếu kiên nhẫn, theo nhận định của Libération. Giữa tuần rồi, họ đã công khai đề nghị chính quyền Pháp « phá tan im lặng » và bổ nhiệm nhanh nhất một thẩm phán chịu trách nhiệm điều tra vụ việc này. Cho đến nay thì hồ sơ này vẫn nằm trong tay Viện kiểm sát Paris.
Trang nhất các báo Pháp: bầu cử địa phương
Một ngày trước bầu cử vòng hai cấp địa phương tại Pháp là chủ đề phủ kín trang nhất các nhật báo ra ngày hôm nay. Le Monde chạy tựa : « Chiến lược của Marine Le Pen để giành quyền lực ». Nhật báo thiên hữu Le Figaro hăm hở với tựa : « Bầu cử địa phương : Đảng xã hội lo ngại một sự thất bại lịch sử ». Theo Le Figaro thì sau khi thất thế tại bầu cử vòng một vào chủ nhật tuần trước, chưa bao giờ mà đảng viên cánh tả lại bi quan như lúc này. Họ đã dự trù đến những tình thế tệ nhất có thể xảy ra vào vòng hai và lúc đó, chính phủ của Tổng thống Hollande sẽ phải nhanh chóng cải tổ nội các.
Nhật báo thiên tả Libération đặt câu hỏi : « Liệu có thể giảm thiểu chiến thắng đã được đoán trước của cánh hữu ? ». Báo Libération nhận định, đảng cánh hữu UMP chỉ đợi để ăn mừng chiến thắng vào bầu cử vòng hai trong khi cánh tả chỉ hy vọng là có thể giảm thiểu được thất bại.
Nhật báo thiên hữu Le Figaro giải mã một « chiến thuật cũ kỹ » của báo cánh tả khi đăng tải « thảm họa » của đảng xã hội qua một « kịch bản đen » để rồi sau kỳ bầu cử vào ngày mai, cánh tả sẽ đăng một quang cảnh thoáng đãng hơn. Báo Le Figaro tiên đoán, tối mai, sau kết quả bầu cử, địa phương nào tránh được bàn thua và vẫn giữ nguyên được màu cờ đảng xã hội thì sẽ được ca ngợi như là một chiến thắng ».
TAGS: BIỂU TÌNH - CHÍNH TRỊ - TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN - ĐIỂM BÁO

No comments:

Post a Comment