Wednesday, April 2, 2014

Việt Nam - Philippines khó lập liên minh quân sự do sức ép của Trung Quốc

Việt Nam - Philippines khó lập liên minh quân sự do sức ép của Trung Quốc

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang tháng 10/2011 - Reuters
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang tháng 10/2011 - Reuters

Đức Tâm
Trong những năm qua, trước thái độ hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông, Việt Nam và Philippines đã gia tăng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, thậm chí, có những chính khách Philippines cho rằng giữa Hà Nội và Manila đang tiến tới việc thành lập một liên minh quân sự. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, triển vọng này là xa vời. Dưới sức ép của Bắc Kinh, liên minh quân sự Việt Nam – Philippines khó trở thành hiện thực.

Trên trang web Foreign Policy in Focus, ngày 18/03 vừa qua, dân biểu Philippines Walden Bellow, thuộc Đảng Hành động Công dân, cho rằng một liên minh quân sự đang hình thành giữa Việt Nam và Philippines để đối đầu với Trung Quốc. Theo ông, hai nước là đồng minh tự nhiên trong cuộc chiến chung chống lại xu hướng bá quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Cùng là thành viên ASEAN, hai nước lại càng tăng cường quan hệ trước việc Trung Quốc ngang nhiên khẳng định có chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông.
Thực tế cho thấy là trong hồ sơ này, Philippines và Việt Nam thường chia sẽ những lo ngại chung về sự quyết đoán của Trung Quốc. Hai bên đẩy mạnh quan hệ ngoại giao và phối hợp lập trường tại các diễn đàn đa phương, như trong ASEAN.
Nhưng, theo chuyên gia Carld Thayer, nếu nhìn lại quá trình hợp tác quân sự song phương trong 5 năm qua, một số tiến bộ đã đạt được, tuy vậy, viễn cảnh hình thành liên minh giữa hai nước còn rất mờ mịt.
Khởi đầu cho sự hợp tác quân sự song phương là vào năm 2010, Việt Nam và Philippines đã ký biên bản ghi nhớ về Thỏa thuận hợp tác quốc phòng, bao gồm trao đổi các phái đoàn quân sự, chia sẻ thông tin chống khủng bố, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, huấn luyện, phối hợp tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, cộng tác phát triển thiết bị và công nghệ.
Trong các năm sau, quân đội hai nước có nhiều động thái gia tăng quan hệ như ký thỏa thuận hợp tác giữa cảnh sát biển hai nước, tổ chức hội thảo, thỏa thuận chia sẻ thông tin giữa các lực lượng hải quân, lập đường dây nóng giữa các đơn vị bảo vệ bờ biển để giám sát các sự cố trên biển. Hai bên còn nêu ra khả năng hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu.
Đi xa hơn một chút, vào tháng 03/2012, Việt Nam và Philippines đã đồng ý là hải quân hai nước tổ chức tập trận và tuần tra chung dọc theo biên giới hàng hải ở Biển Đông, ký thỏa thuận về quy trình chuẩn đối phó với mối đe dọa, giảm thiểu rủi ro (standard operating procedure - SOP).
Ngay lập tức, Trung Quốc lên tiếng phản đối, chống lại các cuộc tập trận giữa Việt Nam và Philipipnes tại Biển Đông. Cả Hà Nội và Manila đều lùi bước, các cuộc tập trận được thay thế bằng các cuộc giao lưu, đấu bóng giữa thủy thủ hai nước đóng trên các đảo ở Trường Sa.
Cho dù trong các năm 2013 và 2014, hai bên có những trao đổi phái đoàn quân sự cấp cao, họp ủy ban hỗn hợp, nhưng hợp tác quân sự giữa hai nước, kể từ năm 2010 đến nay, vẫn chỉ dừng lại ở mức rất thấp. Chưa có một cuộc tập trận chung nào được tổ chức. Trong lúc đó, Philippines chuẩn bị ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Còn Việt Nam tỏ ra ngần ngại trong việc tham gia tập trận chung để nâng cao kỹ năng tác chiến.
Theo chuyên gia Carl Thayer, Việt Nam và Philippines sẽ phát triển và thắt chặt quan hệ ngoại giao để đối phó với các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng không có triển vọng là mối quan hệ hợp tác quốc phòng hiện nay giữa hai nước sẽ phát triển thành một liên minh quân sự không chính thức để chống lại Trung Quốc.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - PHÂN TÍCH - PHILIPPINES - TRUNG QUỐC - VIỆT NAM

No comments:

Post a Comment