Ấn - Trung ký nhiều thỏa thuận đột phá
Cập nhật: 09:07 GMT - thứ sáu, 19 tháng 9, 2014
Ấn Độ và Trung Quốc đã ký 12 thỏa thuận tại Delhi, trong đó Trung Quốc sẽ đầu tư 20 tỷ đô la Mỹ (khoảng 12.2 tỷ Bảng) cho cơ sở hạ tầng của Ấn Độ trong 5 năm.
Tại cuộc họp báo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói ''hòa bình biên giới'' quan trọng cho phát triển.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Hai bên cũng đàm phán về cáo buộc của Ấn Độ đối với Trung Quốc về việc xâm nhập lãnh thổ mới đây ở Ladakh.
Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ nhưng hai quốc gia đang tranh gianh ảnh hưởng trong khu vực và tranh chấp lãnh thổ.
Ông Modi và ông Tập phát biểu riêng vào cuối buổi hội đàm tại Dehli hôm thứ Năm 18/09.
Theo các kế hoạch đầu tư, Trung Quốc cam kết:
- Giúp hiện đại hóa hệ thống đường sắt đã cũ của Ấn Độ với các tuyến đường sắt cao tốc và nâng cấp nhà ga.
- Thành lập các khu công nghiệp tại Gujarat và Maharashatra.
- Ấn Độ được tiếp cận thị trường rộng rãi hơn với nhiều loại sản phẩm, gồm dược phẩm và nông sản.
Hai bên cũng tập trung vào việc đẩy mạnh hợp tác thuơng mại, thám hiểm không gian và năng lượng hạt nhân dùng cho dân sự.
Ông Modi kêu gọi giải quyết sớm tranh chấp biên giới chung giữa hai nước và nói ''tiềm năng thực sự của quan hệ của chúng ta'' sẽ được hiện thực hóa khi có ''hòa bình trong mối quan hệ của chúng ta và trên biên giới''.
Truyền thông Ấn Độ đã đưa tin về việc quân đội Trung Quốc đang cố gắng xây dựng dải đường tạm thời vào lãnh thổ Ấn Độ qua Đường Kiểm soát Thực tế (đường ranh giới thực tế) ở khu vực tranh chấp Ladakh trong tuần qua.
Ông Tập Cận Bình nói ông cam kết hợp tác với Ấn Độ để duy trì “hòa bình và ổn định” cho biên giới.
''Biên giới Trung-Ấn là vấn đề đã gây cản trở cho cả hai bên trong một thời gian dài... Do khu vực chưa được phân định, có thể có một vài sự cố,'' Chủ tịch Trung Quốc nói.
Phóng viên Sanjoy Majumder của BBC từ Delhi phân tích:
Chạm trán giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ dọc biên giới tranh chấp đang được đưa tin rộng rãi ở Ấn Độ, một vài ý kiến cho rằng nó có thể làm hỏng đàm phán giữa hai nước. Điều đó rất khó xảy ra.
Tranh chấp biên giới là vấn đề tồn tại từ lâu, xuất phát từ năm 1914 khi Anh, cựu thực dân của Ấn Độ, ký thỏa thuận với Tây Tạng về đường biên giới trên thực tế MacMahon Line giữa hai nước. Trung Quốc vẫn luôn phủ nhận thỏa thuận này.
Hai nước cũng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của nhau - Ấn Độ coi khu vực Aksai Chin là một phần của Kashmir còn Trung Quốc từ chối công nhận Ladakh và Arunacha Pradesh là một phần của Ấn Độ.
Quân lính Trung Quốc từng vài lần xâm nhập qua biên giới ở những khu vực này và truyền thông Ấn Độ cũng nhấn mạnh các sự kiện xảy ra qua tin tức.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao hai nước đã giảm nhẹ những vi phạm này.
Sự thật đơn giản là có cách nhận thức khác nhau về việc biên giới đặt ở đâu - Ấn Độ tin rằng việc quân đội Trung Quốc vượt qua lãnh thổ của họ được Bắc Kinh nhìn nhận ngược lại: quân đội Ấn Độ chiếm đất của Trung Quốc.
Những cuộc đối đầu này rất khó dẫn tới xung đột công khai hay thậm chí làm quan hệ giữa hai nước xấu đi. Nhưng nó phản ánh sự nghi ngờ và bất tín đang tồn tại giữa hia quốc gia.
Hôm thứ Tư 17/09, Ông Tập bắt đầu chuyến thăm Gujarat, quê hương của ông Modi, trước khi tới Delhi.
Trong cùng ngày, hai bên đã ký một số thỏa thuận, bao gồm thỏa thuận xây dựng khu công nghiệp do Trung Quốc tài trợ ở Gujarat.
Các công ty Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã ký thỏa thuận sơ bộ trị giá hơn 3 tỷ Đôla Mỹ (1.8 tỷ Bảng) về cho thuê máy bay và viễn thông, cùng các lĩnh vực khác.
Bất chấp căng thẳng tiếp diễn, thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng lên gần 70 tỷ Đôla Mỹ (43 tỷ Bảng) một năm, mặc dù thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đã tăng lên hơn 40 tỉ Đôla Mỹ từ 1 tỉ đô la Mỹ giai đoạn 2001-2002.
No comments:
Post a Comment