Ngân sách và kế sách cứu nguy kinh tế của Trung Quốc
Sau 10 năm thai nghén, kế hoạch cải tổ hệ thống ngân sách Trung Quốc được thông qua vào cuối Tháng Tám, khi kinh tế lại có dấu hiệu đình trệ đáng ngại nhất kể từ sáu năm nay. Vào hoàn cảnh ấy, đâu là triển vọng cải cách và đâu là rủi ro khủng hoảng của nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu câu chuyện này qua phần phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Kính Hòa: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, hôm 31 Tháng Tám, Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua đạo luật ngân sách được chuẩn bị và điều chỉnh nhiều lần từ mười năm nay. Cùng lúc đó, vào tuần trước đây, Cục Thống kê Quốc gia lại cho thấy rằng sản lượng công nghiệp của nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới đã có dấu hiệu đình trệ nặng nhất kể từ nhiều năm qua. Theo dõi tình hình kinh tế Trung Quốc từ lâu, ông nghĩ sao về hai luồng thông tin ấy và dự đoán thế nào về tương lai của Trung Quốc khi lãnh đạo đang muốn cải tổ để tránh khủng hoảng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đi từng bước để trước hết thẩm định tình hình kinh tế Trung Quốc ngay trước mắt, sau đó mới tìm hiểu về nỗ lực cải tổ hệ thống ngân sách mà lãnh đạo đã muốn tiến hành từ lâu. Từ đấy mình mới có thể kết luận về hy vọng lẫn rủi ro cho nền kinh tế cứ tưởng là rồng cọp này.
Trong Tháng Tám, sản lượng công nghiệp Trung Quốc quy ra toàn năm chỉ tăng có 6,9%. Đây là mức gia tăng thấp nhất kể từ Tháng Năm năm 2009, từ năm năm nayNguyễn-Xuân Nghĩa
Về tình hình kinh tế trước mắt, Cục Thống kê của họ cho biết là trong Tháng Tám, sản lượng công nghiệp Trung Quốc quy ra toàn năm chỉ tăng có 6,9%. Đây là mức gia tăng thấp nhất kể từ Tháng Năm năm 2009, từ năm năm nay. Vì thống kê của Trung Quốc không có mức khả tin cao và dữ kiện về sản lượng của một tháng có thể lên hay xuống trong ngắn hạn, người ta mới chú ý đến một dữ liệu có giá trị tiêu biểu cao hơn, nghĩa là trình bày một hình ảnh trung thực hơn về kinh tế. Dữ liệu ấy là sản lượng về điện năng: sản lượng điện của Trung Quốc chẳng những không tăng mà còn giảm mất 2,2% so với năm ngoái. Đây là con số thật sự đáng ngại vì chưa từng thấy kể từ khi thế giới bị nạn Tổng suy trầm sáu năm về trước, từ đầu năm 2008.
Kính Hòa: Thưa ông, khi đọc một bản tin như vậy từ báo chí chuyên đề về kinh tế như xem một tấm hình thì người ta có thể suy luận thế nào về diễn biến kinh tế như trong một khúc phim?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi rất cảm ơn về câu hỏi này vì nó cho thấy khó khăn của người làm truyền thông vì phải nhớ lại hình ảnh trước và so sánh để nhìn ra sự xoay chuyển vận hành của nền kinh tế trong thế động.
Thứ nhất, chúng ta nhớ lại rằng lãnh đạo Bắc Kinh đang lúng túng vì hai yêu cầu trái ngược. Yêu cầu đầu tiên, được nhìn thấy và nêu ra từ năm 2007 là phải cải cách cơ chế kinh tế để có nền tảng quân bình và lành mạnh hơn. Yêu cầu thứ hai là làm sao cho sản lượng kinh tế không sa sút hơn vì có thể gây vấn đề xã hội. Yêu cầu thứ hai này dẫn tới quyết định vẫn bơm thêm tín dụng để kích thích kinh tế, dù là bơm ít hơn vì họ cần tránh rủi ro tài chính khi đã chất lên một núi nợ.
Khi nhớ lại như vậy, ta mới chú ý thấy rằng lãnh đạo Bắc Kinh đã kín đáo bơm thêm chừng 155 tỷ vào nền kinh tế. Vậy mà sản lượng kinh tế lại không tăng nhưng vẫn giảm như ta có thể suy đoán từ con số sản xuất về điện năng.
Kính Hòa: Thưa ông, nhớ đến yêu cầu thứ nhất là quân bình lại cơ chế kinh tế thì việc sản lượng sút giảm như vậy là điều tốt hay xấu? Lý do của câu hỏi là trên diễn đàn này, ông từng phát biểu rằng nền kinh tế Trung Quốc như chiếc xe đạp và nó sẽ đổ nếu không lăn bánh. Nhưng yêu cầu chuyển hướng cũng khiến người ta phải giảm tốc độ với rủi ro sẽ làm cái xe bị đổ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đấy là một ẩn dụ dễ hiểu và khi thấy rằng Bắc Kinh bơm thêm tín dụng để kích thích sản xuất mà sản lượng vẫn giảm thì mình đã có thể kết luận là liều thuốc này thiếu công hiệu và đấy là một vấn đề.
Lãnh đạo Bắc Kinh đã kín đáo bơm thêm chừng 155 tỷ vào nền kinh tế. Vậy mà sản lượng kinh tế lại không tăng nhưng vẫn giảm như ta có thể suy đoán từ con số sản xuất về điện năngNguyễn-Xuân Nghĩa
Nhìn trong dài hạn hơn như qua khúc phim, ta còn thấy bài toán trường kỳ của Trung Quốc. Trong năm qua, kinh tế Trung Quốc vẫn cần lực đẩy của cái đòn bẩy đầu tư, nó chiếm đến 47% của Tổng sản lượng. Sức bật đến 47% này đáng chú ý vì tăng quá mạnh so với chưa đầy 40% vào năm 2012, để bù vào sự giảm sút của xuất khẩu, trong khi tỷ trọng của tiêu thụ vẫn nằm ở mức quá thấp là chỉ có 34% Tổng sản ượng mà thôi.
- Vấn đề thứ hai là khoản đầu tư lớn đến 47% lại trút vào khu vực xây cất gia cư, các dự án hạ tầng, chuyển vận hay năng lượng của hệ thống doanh nghiệp nhà nước và của các địa phương với hậu quả là gây ra nạn bong bóng đầu cơ. Vấn đề thứ ba là Bắc Kinh vẫn chưa cải thiện được cơ chế qua việc nâng cao sức tiêu thụ của thị trường nội địa, nghĩa là tìm ra một lực đẩy khác. Vì vậy, nếu đà tăng trưởng kinh tế mà có giảm thì cũng chưa là vấn đề, miễn rằng khi cỗ xe chạy chậm hơn thì cũng là lúc chuyển hướng qua việc cải cách.
Kính Hòa: Chính là trong khung cảnh ấy ta mới bước qua phần hai, là trở lại việc cải cách hệ thống ngân sách vừa được thông qua. Thưa ông, việc cải cách này nhắm vào những mục tiêu gì và có khả thi hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách từ đầu năm 1979 thì năm 1994, Trung Quốc mới có một hệ thống ngân sách khác để trung ương phân bố phương tiện cho các địa phương. Đạo luật Ngân sách 1995 có đáp ứng một số yêu cầu, mà cũng gây hậu quả tai hại là đòi hỏi các địa phương phải tìm phương tiện ngân sách cho yêu cầu sở tại. Họ giải quyết bằng quyền sử dụng đất đai để tìm ra 40% số thu cho ngân sách. Từ đó mới có nạn cướp đất của dân và đầu tư vào đất đai theo kiểu đầu cơ. Một cách giải quyết khác là các đảng bộ địa phương lập ra công ty đầu tư của địa phương để vay tiền và chất lên một núi nợ của khu vực công, mà bên trong xấu tốt thế nào thì chẳng ai biết.
Chế độ chính trị Trung Quốc trao độc quyền cho một thiểu số, cho nên bên trong nhiều người được quyền làm bậy và đạo luật ngân sách mới sẽ tìm cách giải quyết vấn đề ấy bằng cách gia tăng kỷ luật. Nếu lạc quan thì có lẽ đấy là một bước tiến, ít ra về mặt đạo đức và trách nhiệmNguyễn-Xuân Nghĩa
Song song, một vấn đề khác cũng được đặt ra là trung ương phải tái phân phối tài nguyên và lợi tức cho các địa phương hay thành phần dân chúng bần cùng để có nền tảng phát triển cân bằng và ổn định hơn. Dù có thấy ra vấn đề và cần điều chỉnh lại hệ thống ngân sách từ năm 2005, mãi tới nay lãnh đạo Bắc Kinh mới tìm ra sự đồng thuận để biểu quyết đạo luật ngân sách mới cho một nền kinh tế đã thay đổi khá nhiều so với mươi năm trước.
Kính Hòa: Thưa ông, Đạo luật Ngân sách mới của Trung Quốc nhắm vào những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết là yêu cầu về thông tin. Các địa phương phải minh bạch hóa thủ tục ngân sách để trung ương biết họ làm những gì, lấy tiền ở đâu, nhằm tài trợ mục tiêu gì? Một cách cụ thể thì mọi nguồn tài trợ của chính phủ phải được bút ghi trong bốn loại ngân sách: thứ nhất là ngân sách chung của toàn quốc, thứ hai là ngân sách do chính phủ quản lý, thứ ba là ngân sách các khoản tài sản của từng doanh nghiệp nhà nước và sau cùng là ngân sách về an sinh và bảo hiểm xã hội. Hệ thống chi thu ấy phải được công khai hóa trong 20 ngày sau khi được biểu quyết. Trên một quốc gia quá rộng lớn, việc nắm vững thông tin về tài chính là một yêu cầu mãi cho tới nay mới trở thành luật và sau vài năm thi hành thì mới biết được kết quả.
Yêu cầu thứ hai sau thông tin là tìm sự ổn định để tránh rủi ro tài chính tại 31 tỉnh và thành phố. Một cách cụ thể thì mọi nơi phải lập ra một dự phóng ngân sách đa niên của nhiều năm, với mục tiêu được xác định hầu tránh nạn trùng dụng, lãng phí, vay mượn dễ dàng để đầu cơ hay làm bậy. Năm nào mà được thặng dư, là thu nhiều hơn chi, thì số thặng dư ấy phải được giữ trong một quỹ dự phòng để thanh toán cho năm bị bội chi thay vì được tung ra xài hết. Chỉ với điều kiện đó, từ nay các địa phương mới có quyền phát hành trái phiếu, tức là đi vay, nếu yêu cầu đó nằm trong hạn ngạch do Quốc vụ viện là Hội đồng Chính phủ chấp thuận trước. Cán bộ nào mà vi phạm thì sẽ bị kỷ luật và có thể bị trục xuất khỏi đảng.
Về công chi thu của khu vực công quyền thì khoản vay mượn của các cấp nhà nước đã tăng gần gấp đôi trong có bốn năm, từ 2010 đến 2013, tức là bình quân thì mỗi năm tăng đến hơn 17%.Nguyễn-Xuân Nghĩa
Kính Hòa: Thưa ông, người ta có thể thắc mắc về vài chuyện sau đây. Như trong các chế độ dân chủ thì chính đại diện của người dân mới quyết định về ngân sách của các cấp chính quyền. Ở đây, chính phủ trung ương lại có thẩm quyền và đang cố bắt các địa phương tuân thủ, trong khi người dân lại chẳng có tiếng nói và ít được quyền tiêu thụ. Đấy có là vấn đề hay chăng? Thắc mắc kia là dự tính cải cách này có khả thi không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Các vấn đề ông nêu lên quả thật là cơ bản về chế độ chính trị và về khả năng quản lý.
Chế độ chính trị Trung Quốc trao độc quyền cho một thiểu số, cho nên bên trong nhiều người được quyền làm bậy và đạo luật ngân sách mới sẽ tìm cách giải quyết vấn đề ấy bằng cách gia tăng kỷ luật. Nếu lạc quan thì có lẽ đấy là một bước tiến, ít ra về mặt đạo đức và trách nhiệm.
Về tính cách khả thi cao hay thấp của việc cải cách này, chúng ta nên thấy rằng ngay trước mắt thì tình hình chưa thể thay đổi trong ngắn hạn và kết quả đúng sai thì phải mất vài ba năm mới tính ra được. Mà vài ba năm nữa cũng là giai đoạn cực kỳ rủi ro về cả kinh tế lẫn chính trị.
Kính Hòa: Thưa ông, một cách cụ thể thì rủi ro như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong mấy năm qua, Trung Quốc chất lên một núi nợ sẽ sụp đổ khi ta nhớ lại số lượng tín dụng đã được bơm ra ào ạt. Chúng ta đã nhiều lần nói đến rủi ro này. Riêng về công chi thu của khu vực công quyền thì khoản vay mượn của các cấp nhà nước đã tăng gần gấp đôi trong có bốn năm, từ 2010 đến 2013, tức là bình quân thì mỗi năm tăng đến hơn 17%. So với sức tăng của sản lượng trong cùng thời gian đó thì cao hơn gấp đôi.
Đấy là sự lãng phí vô cùng phi lý và thật ra là bất công vì tài nguyên đó do nhân dân thanh toán mà lại trút vào túi của một thiểu số có chức có quyền, chính vì vậy mà thiểu số này mới cưỡng chống việc cải cách và đạo luật ngân sách mới bị ngâm tôm trong cả chục năm.
Hậu quả thuần về kinh tế là nợ của khu vực công, gọi là nợ công hay công trái đã gia tăng đột ngột và đa số các khoản nợ sẽ đáo hạn vào năm 2016, tức là đến kỳ thanh toán trong hai năm tới. Ngoài nguy cơ khủng hoảng tài chính của các ngân hàng, rủi ro lớn nhất của hai năm tới cũng vẫn là chuyện nhà nước địa phương phải trả nợ! Từ nay đến đó, việc cải tiến ngân sách chưa thể có kết quả và vì thế, biến động tài chính vẫn dễ xảy ra, trong một môi trường quốc tế đang có nhiều bất trắc.
Kính Hòa: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi khá chuyên môn này về những rủi ro trước mắt của kinh tế Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment