Mỹ sắp nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam?
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam gần tàu cảnh sát biển Trung Quốc ngoài khơi Biển Đông, tháng 5/2014. Washington muốn giúp Việt Nam tăng cường khả năng giám sát và phòng vệ duyên hải và một trong những thiết bị quân sự đầu tiên Mỹ có thể bán cho Việt Nam là máy bay hải giám P-3.
24.09.2014
Hoa Kỳ đang tiến gần đến việc dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, một hành động có thể giúp Hà Nội ứng phó với các thách thức hải quân từ Trung Quốc trên Biển Đông.
Hãng tin Reuters ngày 24/9 dẫn nguồn tin từ các giới chức cao cấp trong chính quyền Mỹ biết về kế hoạch này cho biết như vừa kể, nói rằng Washington muốn giúp Việt Nam tăng cường khả năng giám sát và phòng vệ duyên hải và một trong những thiết bị quân sự đầu tiên Hoa Kỳ có thể bán cho Việt Nam là máy bay hải giám P-3 nhưng không kèm theo vũ khí trang bị.
Theo tường thuật của Reuters, các phi cơ này sẽ giúp Việt Nam theo dõi sát các hành tung lấn lướt của Trung Quốc trên Biển Đông, điểm nóng có thể xảy ra xung đột vì tranh chấp chủ quyền chồng chéo nhau giữa các nước trong khu vực.
Hai giới chức cao cấp trong chính quyền Tổng thống Obama cho Reuters biết các cuộc thảo luận về việc nới lỏng cấm vận vũ khí cho Hà Nội đang diễn ra ở Washington và có thể sẽ có kết quả quyết định trước cuối năm nay.
Một trong hai giới chức không muốn nêu tên nói với Reuters rằng mọi việc đang thay đổi và việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là điều đang được cân nhắc nghiêm túc. Giới chức này nói ‘Chúng tôi đã tìm thấy một đối tác mà qua đó lợi ích của đôi bên cùng hội tụ lại.”
Hai quan chức điều hành cao cấp trong ngành công nghệ vũ khí Hoa Kỳ nói với Reuters họ dự kiến chính phủ Mỹ sẽ sớm dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Một trong hai vị này được Reuters thuật lời cho biết ‘Đang diễn ra nhiều cuộc thảo luận về việc cho phép bán vũ khí sang Việt Nam. Đây là lĩnh vực đầy hứa hẹn đối với chúng tôi.’
Việt Nam chưa có bình luận tức thời về tin này.
Theo tường trình của Reuters, dù Washington quan ngại về thành tích nhân quyền Việt Nam, nhưng mong muốn đạt các mối quan hệ mật thiết hơn với Hà Nội phù hợp với chiến lược của Tổng thống Obama tái chú trọng về Châu Á trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự.
Bản tin này nói rằng người súy nối lại bang giao Việt-Mỹ hồi thập niên 90, Thượng Nghị sĩ John McCain, cho biết sắp đưa ra một đề nghị mang tính lưỡng đảng nhằm tháo dỡ phần nào lệnh cấm vũ khí cho Việt Nam.
Hè năm nay, ông McCain đã gặp giới lãnh đạo Hà Nội và thảo luận về lệnh cấm vận này trong bối cảnh quan hệ Việt-Trung tuột xuống mức thấp nhất trong nhiều chục năm qua.
Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel lưu ý chớ có đánh giá quá mức về mối quan hệ đang nối lại giữa hai nước Việt-Mỹ.
Reuters thuật lời ông Russel rằng ông không tin Việt Nam muốn đánh đổi mối quan hệ lâu dài giữa hai đảng cộng sản Việt-Trung để đổi lấy một mối quan hệ đặc biệt hay đồng minh với Hoa Kỳ.
Dù vậy, ông Russel nói vị trí chiến lược của Việt Nam là lý do để Washington làm việc chặt chẽ hơn với Hà Nội và rằng nới lỏng cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam không phải là điều dở.
Tuy nhiên, lập trường “Việt Nam không cải thiện nhân quyền, Hoa Kỳ không bỏ cấm vận vũ khí sát thương” vẫn đang được một số nhà lập pháp Mỹ khẳng định mạnh mẽ.
Thành viên cao cấp thứ nhì thuộc đảng Dân chủ của Tổng thống Obama trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, dân biểu Loretta Sanchez, từng nói bà hết sức quan ngại ngại giữa lúc chính quyền Việt Nam tìm cách tăng cường kho vũ khí cho quân đội mà ưu tiên cao nhất của lực lượng này chỉ là bảo vệ chế độ.
Dân biểu Sanchez nhấn mạnh đó là lý do các nhà lập pháp Mỹ vận động cải thiện nhân quyền Việt Nam như bà nỗ lực làm việc với Quốc hội và chính quyền của Tổng thống Obama để đối phó với các chính sách nhân quyền tàn bạo của Hà Nội và để vạch ra các giới hạn rõ ràng với chính phủ Việt Nam rằng các mong muốn trong quan hệ với Washington chỉ được đáp ứng một khi Hà Nội tôn trọng nhân quyền căn bản của người dân, trong đó có quyền tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do lập hội, và tự do ngôn luận.
Dân biểu Loretta Sanchez:
“Sau ba nhiệm kỳ chính quyền theo dõi các lợi ích thương mại gia tăng với Việt Nam nhưng vấn đề nhân quyền của Hà Nội vẫn cứ ngày càng tồi đi. Đã đến lúc chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Obama và Bộ Ngoại giao Mỹ hiện nay phải làm theo đúng những luật lệ của họ cũng như những bản phúc trình của họ vốn đã chỉ rõ nhân quyền, đặc biệt là tự do tôn giáo, đang bị nhà cầm quyền Hà Nội bóp nghẹt và nhấn mạnh rằng thực trạng này sẽ được giải quyết trước khi Hoa Kỳ có thêm bất kỳ thỏa thuận nào với Việt Nam.”
“Sau ba nhiệm kỳ chính quyền theo dõi các lợi ích thương mại gia tăng với Việt Nam nhưng vấn đề nhân quyền của Hà Nội vẫn cứ ngày càng tồi đi. Đã đến lúc chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Obama và Bộ Ngoại giao Mỹ hiện nay phải làm theo đúng những luật lệ của họ cũng như những bản phúc trình của họ vốn đã chỉ rõ nhân quyền, đặc biệt là tự do tôn giáo, đang bị nhà cầm quyền Hà Nội bóp nghẹt và nhấn mạnh rằng thực trạng này sẽ được giải quyết trước khi Hoa Kỳ có thêm bất kỳ thỏa thuận nào với Việt Nam.”
Hạ viện Mỹ nhiều lần thông qua Luật Nhân quyền Việt Nam ngăn chặn Hoa Kỳ viện trợ không có mục đích nhân đạo cho Việt Nam cho tới khi nào Hà Nội chứng tỏ những cải thiện đáng kể về mặt nhân quyền, trong đó có việc phóng thích tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo. Tuy nhiên, văn kiện luật này bị chặn khi lên tới Thượng viện.
Một thành viên cao cấp trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nói với VOA Việt ngữ Hà Nội có thể trông cậy vào một nước bạn Hoa Kỳ trước sự uy hiếp ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông với điều kiện Việt Nam phải cải thiện thành tích nhân quyền đang bị lên án gay gắt. Dân biểu Chris Smith:
"Với sự đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc ở Biển Đông và toàn khu vực, Việt Nam cần hết sức quan tâm về các vấn đề an ninh. Họ sẽ tìm thấy nơi Hoa Kỳ một người bạn sẵn lòng, nhưng trước nhất, Mỹ cần Hà Nội chứng tỏ có cải thiện đáng kể trong lĩnh vực nhân quyền, mà chúng tôi lại chưa thấy, chỉ thấy tồi tệ đi.”
Thời gian gần đây, Việt Nam trở thành bạn hàng lớn mua sắm nhiều vũ khí của Nga, trong đó có hợp đồng 2 tỷ đô la tậu về 6 tàu ngầm lớp Kilo trước cuối năm 2016. Việt Nam cũng mua một số tàu khu trục và tàu hộ tống nhỏ, đa số cũng từ Nga. Thế nhưng, các máy bay hải giám P-3 của Mỹ sẽ giúp Việt Nam giúp bổ sung khả năng tuần tra biển trên không và chống tàu ngầm, một khi lệnh cấm vận vũ khí của Wasghinton đối với Hà Nội được nới lỏng.
Tháng 4 năm nay, một giới chức điều hành hãng Lockheed Martin của Mỹ cho tạp chí quốc phòng IHS Jane biết Việt Nam có thể đề nghị mua 6 chiếc P-3 và dường như ngày càng có nhiều sự hậu thuẫn trong chính phủ Mỹ về việc chấp thuận đề nghị này.
Bản tin của Reuters nói Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối không cho biết liệu Việt Nam có gửi thư chính thức đề nghị mua các máy bay P-3 hay không. Một nguồn tin rành về vấn đề này cho Reuters hay các giới chức vẫn đang cân nhắc các quyết định trước khi một đề nghị như thế được đệ nạp.
Một nguồn tin nói với Reuters rằng nhiều giới chức trong chính phủ Mỹ xem việc bán trang bị hải giám cho Việt Nam là bước khởi đầu tốt cho một chương mới trong quan hệ Việt-Mỹ và các máy bay tuần tra P-3 là một ‘lựa chọn hợp lý.’
Tháng 8 vừa rồi, chỉ 6 ngày sau chuyến thăm Việt Nam của Thượng nghị sĩ McCain, Chủ tịch Liên quân Hoa Kỳ, đại tướng Martin Dempsey, trở thành tướng cao cấp nhất của Mỹ đặt chân đến Việt Nam kể từ năm 1971 đến nay.
Mới tuần trước, Tư lệnh Hải quân Việt Nam, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, tới Mỹ để bàn thảo với Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus về các cuộc tập trận hải quân chung Việt-Mỹ.
Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ gặp gỡ người đồng nhiệm phía Mỹ John Kerry vào đầu tháng sau trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel dự kiến sẽ sang thăm Việt Nam trước cuối năm nay.
No comments:
Post a Comment