Hồng Kông muốn ra khơi xa rời đại lục
Bích chương kêu gọi sinh viên đại học Hồng Kông bãi khóa để phản đối luật bầu cử của Bắc Kinh.REUTERS/Tyrone Siu
Trên trang Tranh luận của Le Monde hôm nay, 22/09/2014, điểm lại một bài viết đăng trên tạp chí Phê bình ( Critique) số ra trong tháng này có tựa đề « Hồng Kông rời bến ra khơi » đề cập đến những xáo động chính trị xã hội gần đây trên vùng đất có quy chế đặc khu hành chính của Trung Quốc.
Theo Le Monde, sau 17 năm trở về với Trung Quốc, Hồng Kông vùng đất thuộc địa cũ của Anh đang kháng cự. Mặc dù chịu nhiều sức ép của Bắc Kinh, xã hội Hồng Kông vẫn không được « bình thường hóa ».
Bài viết ngược lại thời gian, nhắc lại vào thời điểm năm 1997 khi Hồng Kông trở về với Trung Quốc lục địa, nhiều người bi quan đã dự báo về sự sụp đổ của trung tâm tài chính lớn ở Châu Á, về sự suy tàn của tiếng Quảng Đông, thứ ngôn ngữ của 7 triệu người dân Hồng Kông, và người ta cũng dự báo về hệ thống « một đất nước hai chế độ » như thỏa thuận giữa Đặng Tiểu Bình và Margaret Thatcher ( thủ tướng Anh lúc bấy giờ) sẽ không thể duy trì được.
Thế nhưng những tiên liệu đó đã không xảy ra, Hồng Kông với một xã hội dân sự sôi sục vẫn bảo tồn được bản sắc riêng của mình. Đây là điều đã được nhiều nhà báo, chuyên gia, học giả người Hồng Kông, Trung Quốc đề cập đến qua nhiều bài viết ở các góc độ khác nhau về chính trị văn hóa xã hội ở vùng đất này.
Tuy nhiên theo, Le Monde, nếu như Trung Quốc lục địa ưu ái thậm chí hỗ trợ Hồng Kông trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997, thì chính quốc đại lục cũng đã bị ảnh hưởng bởi mảnh đất từng một thời bị coi là biểu tượng nhục nhã của triều đại Trung Hoa trong thế kỷ 19 dưới thời nhà Thanh.
Tự do ngôn luận, hoạt động tích cực của các tổ chức xã hội dân sự từ Hồng Kông đang lan sang ảnh hưởng tới bầu không khí chính trị của tỉnh Quảng Đông nằm kế bên.
Nhưng từ năm 2003, ý đồ đưa vào luật pháp Hồng Kông tội « xâm hại an ninh quốc gia », một tội danh vẫn được sử dụng ở Trung Hoa lục địa để kết án những nhà ly khai với chế độ, thì bầu không khí ở Hồng Kông bắt đầu trở nên căng thẳng. Sự huy động của phe dân chủ và đặc biệt sinh viên cũng như thái độ thù hằn với du khách đến từ đại lục là những dấu hiệu căng thẳng dễ thấy nhất.
Gần đây, chính quyền Bắc Kinh vừa mới ấn định, theo cách thắt chặt hơn, những điều kiện chỉ định ứng cử viên lãnh đạo đặc khu cho bầu cử phổ thông đầu phiếu.
Bài báo trích dẫn nhà nghiên cứu Khổng Cáo Phong (Ho-fung Hung) thuộc đại học Johns Hopkins – Hoa Kỳ nhận định những diễn biến chính trị tại Hồng Kông gần đây cho thấy đường lối của Bắc Kinh đang nôn nóng muốn đồng hóa Hồng Kông và áp đặt cho vùng đất này cách thực thi quyền hành ở đại lục, muốn nền dân chủ truyền thống của Hồng Kông phải dựa trên ảo ảnh cải cách dân chủ của Trung Quốc. Trong khi đó các phong trào tự quản địa phương đang thách thức Bắc Kinh đòi dân chủ cho Hồng Kông nhưng vẫn hướng tới cuộc đấu tranh rộng lớn hơn cho việc dân chủ hóa ở Trung Quốc.
Các nhà đầu tư ngoại quốc bị vạ lây cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc ?
Trang kinh tế báo Le Monde có bài viết chạy tựa : « Bắc Kinh tấn công vào tham nhũng và các công ty đa quốc gia », nhân sự kiện tư pháp Trung Quốc hôm 19/9 tuyên án công ty dược phẩm nổi tiếng của Anh GSK mức phạt kỷ lục 3 tỷ nhân dân tệ (tương đương trên 400 triệu đô la Mỹ ) vì đã móc ngoặc hối lộ các nhân viên y tế Trung Quốc nhằm giành thị phần bán sản phẩm của mình.
Theo Le Monde thì đây là án phạt làm gương trong lúc mà chính quyền Bắc Kinh đang mở chiến dịch tấn công vào tham nhũng dưới mọi hình thức và mục tiêu đặc biệt chú ý tới các công ty nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc. Nhiều hãng xe hơi lớn cũng đang bị lao đao vì chính quyền áp dụng luật chống độc quyền thông qua năm 2008. Thực tế này đang khiến các nhà đầu nước ngoài ở Trung Quốc không khỏi hoang mang lo lắng.
Cuộc trở lại đầy náo động của cựu tổng thống Pháp
Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trở lại chính trường Pháp không phải là thông tin mới, nhưng cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình kéo dài 55 phút ngày hôm qua (21/9) làm náo động báo chí Pháp. Hầu hết các báo giấy ra sáng nay đều đưa lên trang nhất hình sự kiện này cùng với những hàng tựa, bài viết đủ các góc độ tranh luận xoay quanh cuộc « trở lại » của ông Nicolas Sarkozy.
Trước đó hai hôm, ông Sarkozy, qua Facebook đã thông báo chính thức quay trở lại chính trường với việc ra tranh cử chức chủ tịch đảng cánh hữu UMP, đảng đối lập chính hiện nay đang trong khủng hoảng vì tranh giành quyền lực nội bộ. Mặc dù vậy lần xuất hiện trên truyền hình tối qua đã làm dư luận chính trị và báo giới Pháp sôi sục bàn luận. Điều quan tâm đầu tiên của dư luận là liệu ông Sarkozy có thay đổi gì kể từ sau thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Ở điểm này, đa số các báo đều có chung một nhận xét là ông không thay đổi gì.
Nhật báo Le Parisien, chạy tựa trang nhất « Đúng là ông ta ! ». Tờ báo nhận định : « Nicolas Sarkozy đã trở lại. Người ta vẫn thấy ông những bản tính vốn có, say sưa với những điều mà ông không tài nào giấu được, đam mê chính trị, thèm khát hành động, hiếu thắng, nỗi bức xúc, ham muốn trở thành người đứng mũi chịu sào với đất nước và trong sâu xa vẫn hiện lên vết thương thất bại năm 2012..... », tờ báo nhấn mạnh, « dù ông đã suy nghĩ, muốn quy tụ đoàn kết để đưa đất nước thoát khỏi những chia rẽ thì con người ông không thay đổi ».
Libération thì ngoáy vào khía cạnh sự trở lại (trước tiên là trong đảng) của ông Sarkozy sẽ gây những hệ lụy trước tiên cho UMP với tấm chân dung đặc tả cựu tổng thống phủ kín trang nhất dưới hàng tựa : « Cánh hữu trong chiến tranh ».
Libération nhận định : « Từ giờ, Nicolas Sarkozy đối mặt với các đối thủ không còn lẩn tránh và họ sẵn sàng đối đầu với ông ». Tờ báo kết luận : « Những hiềm khích trong lòng một cánh hữu đang tàn lụi, không tiền, không ý tưởng đang chính thức mở ra ».
Trong khi đó nhật báo Le Figaro, có xu hướng thiên hữu, thì ngược lại nhìn thấy sự quay lại của Nicolas Sarkozy có thể khép lại thời kỳ rối ren của đảng cánh hữu UMP, bắt đầu từ sau khi ông François Hollande thắng cử. Từ đó đến nay đối lập UMP đã có hai năm rưỡi rơi vào khủng hoảng tranh giành quyền lực nội bộ. Xã luận báo Le Figaro khẳng định cựu tổng thống trở lại trong đảng cánh hữu là một tin tốt lành. « Người ta muốn nói rằng hãy để cho trăm hoa đua nở, ai mạnh thì thắng ».
Với báo l’Humanité, cuộc « mã đáo » của ông Sarkozy là «triệu chứng của một nền dân chủ đang ốm yếu », tựa trang nhất của nhật báo Cộng sản Pháp. Vẫn với chủ đề này nhật báo công giáo la Croix đề cập rộng hơn đến việc trở lại chính trường sau thất bại của các nhà chính trị lớn ở Pháp. Việc ông Sarkozy quay lại chính trường không có gì đặc biệt, nhiều đời tổng thống Pháp gần đây thôi cũng đã từng có những cuộc quay rẽ, trở lại ngoạn mục trong sự nghiệp chính trị của mình.
Tờ báo nhận thấy trong chuyện này « những kinh nghiệm tích lũy, kể cả kinh nghiệm thất bại có thể tạo nên một thế mạnh cho việc thực thi quyền lực. Nhưng đặc tính rất Pháp này lại bộc lộ những bất cập quan trọng, theo tờ báo, đó là trước tiên nó tạo cho người Pháp cảm giác là những nhà chính trị tham quyền cố vị bằng mọi giá. Và nhất là, điều này cản trở đáng kể việc đổi mới con người và sự phát triển của thế hệ trẻ ».
Nga : Tài phiệt lại đụng đầu với chính quyền
Trang quốc tế báo Libération chú ý đến nước Nga qua bài : « Kremlin khoắng túi của một tài phiệt ». Tờ báo trở lại vụ Evtouchenko, một tỷ phú khá kín tiếng đứng đầu một đế chế dầu mỏ của Nga vừa bị chính quyền quản thúc tại gia và đang đứng trước nguy cơ lĩnh án tới 7 năm tù.
Libération cho hay, nhà tài phiệt dầu mỏ này không có được vẻ ngoài hấp dẫn hay ăn nói sắc sảo như tỷ phú Mikhail Khodorkovski, ông chủ cũ của Ioukos, từng phải ngồi tù 10 năm vì tội chống lại Vladimir Putin. Nhưng có điểm giống đó là Vladimir Evtouchenko, người được xếp hạng giàu thứ 15 ở nước Nga với khối tài sản trị giá khoảng 9 tỷ đô la, đang nằm trong tầm ngắm của chính quyền Nga. Từ một tuần nay ông bị quản thúc tại gia vì bị Ủy ban điều tra Nga cáo buộc tội tẩy tiền và biển thủ tài sản của công ty .... những cáo buộc có nguy cơ khiến nhà tài phiệt này sẽ phải lĩnh mức án cao nhất 7 năm tù.
Bề ngoài thì thuần túy đây là một án kinh tế nhưng bên trong giới quan sát đã nhìn thấy một « vụ Ioukos bis », bởi Evtouchenko không chấp nhận nhượng lại một phần tài sản của tập đoàn cho Nhà nước. Theo Libération thì số phận của Evtouchenko sẽ phụ thuộc vào việc ông có chấp nhận làm ăn cùng với những kẻ được cho là « ăn cắp » của ông hay không. Hay nói một cách khác nhà tài phiệt này có chịu đổi dầu lấy tự do hay không.
Libération trích dẫn nhật báo kinh tế tại Nga Vedomosti giải thích rằng từ một thập kỷ nay, tại Nga vẫn tồn tại những thỏa thuận bất thành văn về việc chia chác lợi nhuận giữa các giới tài phiệt lớn với chính quyền. Giờ đây khi khó khăn, nguồn thu thiếu hụt thì tất cả các ông chủ lớn ở Nga đều cảm thấy bị đe dọa, bất chấp họ vẫn tận tụy hay gần gũi với Kremlin. Những thương vụ mờ ám, thường là nền tảng của các đế chế tài chính, thì nay lại trở thành những bằng chứng để chống lại chính họ. Sở hữu tư nhân vẫn là khái niệm mong manh ở Nga, và cuộc tấn công nhằm vào Evtouchenko cho thấy một dấu hiệu bất an đối với giới tài phiệt Nga.
Dân số thế giới vẫn còn tiếp tục tăng mạnh
Nhật báo La Croix dẫn nguồn từ một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Mỹ cho biết, đến năm 2100 dân số thế giới có thể sẽ đạt 11 tỷ người, tức là cao hơn mức dự báo trước đây 2 tỷ. Các chuyên gia về dân số vẫn dự báo đến khoảng năm 2050 dân số hành tinh sẽ lên đến 9 tỷ người rồi sau đó sẽ chững lại hoặc thậm chí còn có xu hướng giảm. Nhưng số liệu này giờ đây đã phải xem xét lại vì tạp chí Khoa học của Mỹ trong tuần qua vừa công bố một nghiên cứu của các nhà thống kê, dân số và xã hội học quốc tế. Theo đó các nhà khoa học đã tính toán chi tiết ở từng khu vực và chỉ ra rằng dân số thế giới vẫn tiếp tục tăng đều đều để đến năm 2100 sẽ lên tới 11 tỷ người. Tăng mạnh nhất sẽ là ở khu vực bắc Phi. Tại đây dân số sẽ tăng gấp 4 lần, đạt con số 4 tỷ dân.
No comments:
Post a Comment