« Cách mạng ô dù » Hồng Kông thách thức chính quyền Bắc Kinh
Người biểu tình chận những con đường chính trong khu trung tâm mua sắm Hồng Kông.REUTERS/Carlos Barria
Hàng ngàn người dân Hồng Kông hôm nay, 29/09/2014, tiếp tục biểu tình, thách thức chính quyền, sau một đêm đối mặt với cảnh sát chống bạo động. Đối phó với lựu đạn hơi cay và bột tiêu của cảnh sát, giới sinh viên chỉ có một vũ khí duy nhất là những chiếc ô và từ nay, vật dụng này đã trở thành biểu tượng cho phong trào đấu tranh đòi dân chủ tại Hồng Kông.
Thành ngữ « cách mạng ô dù » đang được lan truyền rộng rãi và thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Thậm chí, một dải băng mang dòng chữ này còn được gắn trên hàng rào cố thủ của sinh viên biểu tình ngay trước một trạm tàu điện ngầm ở Hồng Kông.
Phong trào bất phục tùng dân sự tại Hồng Kông hiện nay có mục đích đòi Bắc Kinh phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn người lãnh đạo lãnh thổ này trong cuộc bầu cử vào năm 2017. Từ một tuần qua, giới sinh viên đã bãi khóa và đến cuối tuần, có thêm sự ủng hộ của giới học sinh trung học. Phong trào đấu tranh bất ngờ gia tăng cường độ trong những ngày cuối tuần và Hồng Kông đã trải qua những cuộc biểu tình, rối loạn, nghiêm trọng nhất kể từ khi lãnh thổ này được trao trả cho chính quyền Trung Quốc.
Cảnh sát bạo động đã được lệnh rút lui vào tối qua và theo đài phát thanh RTHK, có 41 người bị thương đã được đưa đến bệnh viện chăm sóc, 78 người bị bắt giữ. Hôm nay, hơn 200 tuyến đường xe khách ngừng hoạt động hoặc đổi hướng, hệ thống tàu điện ngầm bị xáo trộn. Các trường học, nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa.
Trong phong trào đấu tranh đòi dân chủ, bất phục tùng dân sự, giới sinh viên đã đi đầu, tố cáo sự thao túng của Bắc Kinh đối với chính quyền Hồng Kông. Hôm thứ Sáu, họ đã tràn vào chiếm trụ sở chính quyền lãnh thổ, trước khi bị cảnh sát trấn áp, đẩy lui ra ngoài.
Chính hành động dùng bạo lực của cảnh sát đã làm dấy lên làn sóng ủng hộ phong trào đấu tranh của sinh viên. Hôm qua, Occupy Central quyết định khởi động sớm, trước 3 ngày rưỡi so với dự kiến ban đầu, phong trào chiếm lĩnh khu trung tâm và các địa điểm công cộng khác tại Hồng Kông. Theo giới quan sát, dường như Occupy Central đang trở thành Occupy Hongkong
Tháng Tám vừa qua, Bắc Kinh thông báo là tân lãnh đạo hành pháp đặc khu Hồng Kông sẽ được bầu ra theo hình thức phổ thông đầu phiếu, vào năm 2017, nhưng người dân Hồng Kông chỉ được lựa chọn trong số 2 hoặc 3 ứng viên do một ủy ban có thẩm quyền giới thiệu.
Phong trào Occupy Central đã đòi Trung Quốc phải từ bỏ quyết định này và kêu gọi thúc đẩy tiến trình cải cách chính trị tại Hồng Kông. Theo Occupy, chính quyền lãnh thổ phải gửi đến Bắc Kinh một báo cáo mới về cải cách chính trị phản ảnh đầy đủ nguyện vọng dân chủ của người dân Hồng Kông ». Tuy nhiên, cho đến nay, lãnh đạo hành pháp Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying) đã yêu cầu người biểu tình trở về nhà và không nên « làm xáo trộn cuộc sống hàng ngày của người dân Hồng Kông ». Mặt khác, ông Lương cũng phủ nhận tin đồn là chính quyền Hồng Kông có thể cầu cứu đến quân đội Trung Quốc.
Những người biểu tình đã bác bỏ lời kêu gọi của ông Lương Chấn Anh và đòi ông phải từ chức. Theo tổ chức Occupy, « bất kể ai có chút lương tâm cũng phải hổ thẹn về việc đã hợp tác với một chính phủ rất ít quan tâm đến công luận ».
Trong khi đó, báo chí chính thức của Trung Quốc tố cáo các vụ biểu tình là những manh động của những kẻ « cực đoan chính trị », muốn lợi dụng suy nghĩ lý tưởng hóa và lòng nhiệt tình của sinh viên đòi có bước tiến dân chủ mới. Theo website Mỹ China Digital Times, chuyên theo dõi hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc, thì Bắc Kinh đã ra lệnh cho tất cả các website tại nước này phải xóa bỏ ngay lập tức tất cả thông tin về các cuộc biểu tình tại Hồng Kông. Trong thời đại bùng nổ internet, mọi nỗ lực cấm đoán thông tin chỉ là « dã tràng xe cát ».
No comments:
Post a Comment