Hoa Vi tung tiền tỷ mua chất xám ở Pháp
REUTERS/Denis Balibouse/Files
Trong một thông cáo gởi đến hãng tin Pháp AFP ngày 30/09/2014, đại tập đoàn viễn thông và Trung Quốc Hoa Vi (Huawei) xác nhận sẽ đầu tư 1,5 tỷ euro trong vòng 5 năm vào Pháp, và dự trù tuyển dụng 650 cán bộ nhân viên.
Trọng tâm chiến lược Pháp của Hoa Vi là lãnh vực nghiên cứu và phát triển.
Trong thông cáo Hoa Vi cho biết là ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), Chủ tịch sáng lập tập đoàn Hoa Vi đã tiếp xúc với Thủ tướng Pháp Manuel Valls tại Paris ngày 29/09/2014 để giới thiệu kế hoạch của tập đoàn Trung Quốc.
Theo kế hoạch này, Hoa Vi sẽ thành lập 4 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời tăng cường quan hệ đối tác với « các công ty công nghệ cao », các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các công ty mới nổi (start-up) trong lãnh vực hi-tech tại Pháp.
Bản thông cáo của tập đoàn Hoa Vi không che giấu dụng tâm tranh thủ chất xám của Pháp khi xác định rằng họ chủ trương « tăng cường lợi thế cạnh tranh của Pháp trong lĩnh vực kỹ thuật số » và các khoản đầu tư của họ sẽ « mài sắc sức cạnh tranh của Pháp trong địa hạt công nghệ mới và tạo việc làm cho các tài năng Pháp. »
Theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, tập đoàn Trung Quốc đã hiện diện tại Pháp và có kế hoạch tăng gấp đôi lực lượng lao động của họ ở Pháp từ nay đến năm 2018 bằng cách thu nhận thêm 650 nhân viên, trong đó có 200 người riêng cho công việc nghiên cứu và phát triển. Các khoản đầu tư của Hoa Vi còn sẽ có thể gián tiếp tạo ra 2.000 việc làm khác ở Pháp.
Hoa Vi là một tập đoàn viễn thông Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ. Theo khảo sát của văn phòng nghiên cứu IDC, trong quý II vừa qua, Hoa Vi đã vươn lên đứng thứ ba thế giới về doanh số điện thoại thông minh bán ra, tăng gần gấp đôi doanh số trong một năm. Với 20,3 triệu đơn vị, tập đoàn Trung Quốc đã vươn lên chiếm được 6,9% thị phần, chỉ đứng sau Apple của Mỹ, hạng nhì với 11,9% và Samsung của Hàn Quốc với 25,2%. Hoa Vi đã vươn lên được, trong lúc thị phần của Apple và Samsung lại bị giảm.
Vấn đề là sự phát triển của Hoa Vi không phải là không gây tranh cãi. Hiện là tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông đứng hàng thứ hai trên thế giới, Hoa Vi đã bị cấm cung cấp loại thiết bị này cho các cơ quan công cộng tại Mỹ và Úc. Cả Washington lẫn Canberra đều giải thích quyết định cấm đoán bằng các rủi ro liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia và gián điệp mạng, điều mà Hoa Vi luôn luôn phủ nhận.
Tại Việt Nam, vào tháng Năm vừa qua, trước khi diễn ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và biến thành bạo động, Hoa Vi đã có thông báo trước cho nhân viên về việc sơ tán ngay lập tức cùng với xe của họ kèm theo ba số điện thoại di động với tiếng Trung Quốc và Việt Nam cho những ai cần giúp đỡ.
Theo nhật báo Đài Loan Want China Times ngày 15/05, Hoa Vi thừa nhận đã ra thông báo, xác định rằng họ có thể có được thông tin tình báo về cuộc biểu tình, vì có những chi nhánh tại hơn 150 quốc gia trên thế giới và có đầy kinh nghiệm trong việc đối phó với thảm họa do thiên nhiên hay con người gây ra.
No comments:
Post a Comment