Giới chức Mỹ đang dần tiến gần hơn tới việc xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam nhằm giúp Hà Nội ngăn chặn những thách thức ngày càng lớn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Theo các quan chức cấp cao Mỹ, Washington muốn hỗ trợ Việt Nam năng cao khả năng kiểm soát và phòng thủ khu vực bờ biển. Do đó, các máy bay trinh sát không vũ trang P-3 có thể là một trong những thiết bị quân sự đầu tiên được xuất sang Việt Nam. 
Sự góp mặt của máy bay trinh sát P-3 sẽ cho phép Việt Nam theo dõi những hành động khiêu kích tranh giành chủ quyền ngày càng nhiều của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông. Hai quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Barack Obama tiết lộ các cuộc thảo luận xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam đang diễn ra tại Washington và quyết định cuối cùng có thể được công bố vào cuối năm nay. 
Máy bay trinh sát P-3 Orion của Không quân Hàn Quốc tham gia tìm kiếm chuyến bay MH370 của Malaysia bị mất tích. 
Động thái làm ấm lại mối quan hệ với Việt Nam nằm trong chiến lược của Tổng thống Obama nhằm tái tập trung định hướng kinh tế, chính trị và quân sự của Mỹ tại châu Á. 
Chia sẻ với Reuters, hai nhà lãnh đạo cấp cao trong ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ cho hay họ mong muốn chính phủ Mỹ sẽ nhanh chóng gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. "Rất nhiều cuộc thảo luận về các thỏa thuận bán vũ khí cho Việt Nam đã diễn ra. Việt Nam là miền đất hứa với chúng tôi", một trong hai vị quan chức giấu tên nói. 
Tăng cường quan hệ quân sự
Các cuộc bàn thảo xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam của Mỹ được tổ chức sau sự kiện hồi tháng Năm, Trung Quốc lai dắt và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Tới giữa tháng Bảy, Bắc Kinh đã kéo Hải Dương-981 về khu vực bờ biển của nước này. 
Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu tù binh Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam đồng thời là người dẫn đầu trong công cuộc bình thường hóa quan hệ với Hà Nội từ đầu thập niên 90, cho biết ông sẽ sớm đề xuất gỡ bỏ một số điều khoản trong danh mục cấm xuất khẩu vũ khí. 
Ông McCain cũng là một trong bốn thượng nghị sĩ Mỹ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam đồng thời thảo luận về lệnh cấm xuất khẩu vũ khí trong mùa hè năm nay. 
Lễ bàn giao và thượng cờ Tổ quốc, cờ Hải quân Việt Nam trên đài chỉ huy của Tàu ngầm HQ-182 Hà Nội ngày 15/1.  
Hồi tháng Tám, 6 ngày sau chuyến thăm của ông McCain, Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam. Tiếp đó, hồi tuần trước, Đô đốc Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Văn Hiến cũng đã tới Mỹ và thảo luận về các cuộc tập trận chung hải quân với Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus.
Ngoài ra, vào đầu tháng 11 tới, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tới Washington để thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cũng sẽ thực hiện chuyến thăm tới Việt Nam vào cuối năm nay. 
Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhận định việc xóa bỏ các rào cản tiến tới xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam "không phải là điều tồi tệ". 
"Chúng tôi đang cân nhắc về những lợi ích của mình trong việc giúp những quốc gia như Việt Nam giành vị thế hàng hải cũng như nâng cao năng lực hàng hải và nhiều lĩnh vực khác", ông Russel nói.  
Trong khi đó, lâu nay, các loại vũ khí được Việt Nam nhập khẩu chủ yếu do Nga sản xuất. Hiện tại, Việt Nam đã tiếp nhận 2 tàu ngầm Kilo hiện đại và nhận chiếc thứ ba vào tháng 11 theo bản hợp đồng trị giá 2,6 tỷ USD ký kết với Moscow hồi năm 2009. Ngoài ra, 3 chiếc Kilo còn lại sẽ được chuyển tới Việt Nam trong vòng 2 năm tới. Hà Nội cũng đã đặt mua thêm các tàu khu trục và tàu hộ tống hiện đại chủ yếu do Nga cung cấp. 
Tuy nhiên, các máy bay trinh sát P-3 được đánh giá là phương tiện giúp Việt Nam lấp khoảng trống trong năng lực giám sát hàng hải. Hiện nay, khoảng 435 chiếc P-3 do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo, đang hoạt động trên thế giới tại 21 quốc gia. Hải quân Mỹ đã thay thế các máy bay P-3 bằng loại máy bay trinh sát hiện đại hơn P-8 do Boeing sản xuất. 
Hồi tháng 4/2013, IHS Janes dẫn lời một quan chức trong tập đoàn Lockheed Martin cho hay Việt Nam có thể đề xuất mua 6 chiếc P-3. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối xác nhận về việc Việt Nam đã đệ "đơn chính thức mua P-3". 
Giới chức chính phủ Mỹ nhận định các bản hợp đồng mua bán thiết bị giám sát hàng hải là một khởi đầu tốt mở ra chương mới trong mối quan hệ Mỹ - Việt và khẳng định máy bay trinh sát P-3 là "một sự lựa chọn hợp lý". 
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.
MINH THU (lược dịch)