NATO tập trận lớn tại Ba Lan
Lính Ba Lan tập trận ở vùng Liviv gần biên giới Ukraina, ngày 19/09/2014.Reuters
Ngày mai 24/09/2014, tại Ba Lan sẽ khai mạc cuộc tập trận hai năm một lần của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO, với sự tham gia của tổng cộng 12.500 binh sĩ, trong đó có 750 quân nhân từ 8 quốc gia thành viên, không kể Ba Lan. Cuộc tập trận này nhằm chuẩn bị cho việc triển khai lực lượng phản ứng nhanh của NATO, theo quyết định tại hội nghị thượng đỉnh khối mới đây, nhằm đối phó với đe dọa từ Nga.
Cuộc tập trận tổ chức cứ hai năm một lần, kể từ năm 2006, do quân đội Ba Lan tổ chức, mang tên Anaconda, có sự tham gia của các nước Estonia, Litva, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Canada, Hoa Kỳ và Anh Quốc. Tập trận diễn ra tại miền bắc Ba Lan cho đến ngày 03/10, nhằm mục tiêu chính là chuẩn bị các cơ sở cho việc tiếp nhận, trong trường hợp cần thiết, các lực lượng phản ứng nhanh của khối NATO.
Ba Lan và các quốc gia vùng Bantich rất lo ngại an ninh quốc gia bị đe dọa, kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée và tiến hành các hoạt động ủng hộ phe nổi dậy ly khai tại miền Đông Ukraina.
Tại thượng đỉnh của khối NATO tại Newport (xứ Wales) đầu tháng 9/2014, NATO tuyên bố sẽ duy trì một « sự hiện diện liên tục » tại khu vực này, nhờ việc lập ra một lực lượng « phản ứng tức thời » (NRF) trong khuôn khổ NATO. Lực lượng đặc biệt này bao gồm hàng ngàn bộ binh, sẵn sàng triển khai trong vòng ít ngày, với sự hỗ trợ của không quân, hải quân và các lực lượng đặc biệt.
Vào thứ bảy tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Litva, Jonas Vytautas Zukasa, tuyên bố NATO sẽ mở ra các trung tâm khu vực « chỉ huy và kiểm soát » tại bốn hoặc năm nước (cụ thể là Litva, Latvi, Estonia, Ba Lan và/hoặc Rumani), mỗi trung tâm bao gồm đến 120 quân nhân.
Cũng trong tháng 10, tại Ba Lan sẽ có thêm một số cuộc tập trận khác với sự tham gia của các đơn vị Mỹ và Anh.
Sau hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cam kết không quân Mỹ sẽ tăng cường kiểm soát không phận các nước Bantich, tiếp tục triển khai chiến hạm tại Biển Đen và biển Bantich, gia tăng gấp đôi các cuộc tập trận ở miền Đông.
Năm 1997, NATO và Liên bang Nga đã ký một ký « Hiệp ước nền tảng », theo đó liên quân Nato cam kết không thành lập « căn cứ quân sự thường trực » tại các nước thuộc Hiệp ước Vacxava cũ, tức các quốc gia Đông Âu. Việc sử dụng từ các trung tâm « chỉ huy và kiểm soát » như trên có hàm ý phân biệt với « căn cứ quân sự thường trực » theo Hiệp ước NATO-Nga.
No comments:
Post a Comment