Đà Nẵng bất bình vì Huế cho Trung Quốc thuê một phần Hải Vân
Với người dân Đà Nẵng, việc người Trung Quốc xuất hiện một cách mờ ám và bí ẩn ở thành phố này, trên tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa, sau này đường Hoàng Sa đổi tên thành Võ Nguyên Giáp là việc không thể chấp nhận được bởi quá sức nguy hiểm đến an ninh quốc gia. Bây giờ cộng thêm chuyện nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cho người Trung Quốc thuê một phần đèo Hải Vân để xây dựng khu du lịch sinh thái là một chuyện động trời, vượt quá sức chịu đựng của những người có ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước, dân tộc.
Lỗi của quân đội?
Môt cư dân Đà Nẵng tên Tiên, chia sẻ:
“Đây là lỗi của quân đội, đừng đổ cho chính quyền. Lỗi của quân đội vì đây là trách nhiệm của anh. Trách nhiệm của anh là về mặt quốc phòng là tất cả mọi động thái về quốc phòng trong khu vực của anh là anh phải chịu trách nhiệm chứ. Làm sao đổi lỗi cho chính quyền của Huế được. Giờ trong quân khu V thì phải thuộc trách nhiệm của quân khu V. Đứng về nguyên tắc phân nhiệm thì bây giờ nó thuộc về trách nhiệm của quân đội, quân đội bảo không được làm ở đó thì anh không được làm. Tại vì nó bắt anh chịu trách nhiệm, anh phải giải trình, quân đội có quyền đó. Thật không hiểu được.”
Đây là lỗi của quân đội, đừng đổ cho chính quyền. Lỗi của quân đội vì đây là trách nhiệm của anh.
-Cô Tiên
Theo ông Tiên, hiện nay toàn bộ phần bờ biển của Quảng Nam - Đà Nẵng đang lâm nguy, điều này diễn ra giống như một thứ nghiệp chướng của người miền Trung mà nói chính xác là người Quảng Nam - Đà Nẵng. Nếu như cả một dãy dài bờ biển Cửa Đại, Hội An đẹp và thơ mộng bị sóng nuốt chửng hơn 50 mét vào bờ, bãi tắm bị mất dấu và người dân phải lo nơm nớp ngày đêm về chuyện rất có thể đang lúc ngủ, biển xâm thực đẩy cả nhà xuống nước thì nguyên một dãy bờ biển dài gần 30km dọc theo tuyến đường biển Hội An – Đà Nẵng đã rơi vào tay người Trung Quốc.
Nhà cầm quyền Đà Nẵng và Quảng Nam đã cho người Trung Quốc thuê dãy bờ biển này, đặc biệt là nhà cầm quyền thành phố Đà Nẵng đã cho người Trung Quốc thuê một phần lớn những vị trí chiến lược dọc theo vị trí đồn trú nhìn ra biển mà trước đây Mỹ đã xây dựng. Những căn cứ quân sự của Mỹ dọc theo bờ biển Đà Nẵng – Quảng Nam đã thuộc về người Trung Quốc, một phần họ xây dựng sòng bài, phần khác là những công trình dở dang suốt 10 năm nay cứ che kín mít bên ngoài, không nhìn thấy được họ làm gì bên trong và người Việt Nam không được phép bước vào khu vực đã che chắn của họ.
Bây giờ, thêm phần đèo Hải Vân rơi vào tay người Trung Quốc nữa thì xem như gọng kiềm chiến lược quân sự miền Trung đã nằm chắc trong tay người Trung Quốc. Vì Đà Nẵng, suy cho cùng giống như một cô gái ngồi tựa lưng vào gốc cây, mà gốc cây ở đây chính là đèo Hải Vân và dãy Trường Sơn. Phần chủ yếu vẫn là đèo Hải Vân, ngay từ thời Minh Mạng, nhà lãnh đạo phong kiến có tầm nhìn tương đối xa này đã cho xây Hải Vân Quan làm đài quan sát cửa ngõ phía Nam. Và một khi chiếm được vị trí của đài quan sát này cũng đông nghĩa với con mắt đối phương đã bị bịt, mọi tình huống sẽ thay đổi.
Hiện tại, giả sử Trung Quốc xây dựng xong khu du lịch đèo Hải Vân thì mọi chuyện hết sức bi đát đối với dân Đà Nẵng, bởi lẽ, về mặt quản lý hành chính, khu du lịch này không nằm trong địa phận Đà Nẵng nhưng về mặt chiến lược thì lại có liên hệ sống còn đối với thành phố này. Một khi ngoài bờ biển đã có người Trung Quốc ở đó, cộng thêm trên núi, người Trung Quốc đi tham quan, du lịch khắp mọi ngỏ ngách, đi chụp hình, không thể cấm người ta chụp hình du lịch được. Đương nhiên là không ai biết được có bao nhiêu gián điệp, mật vụ Hoa Nam đến đây chụp theo diện khách du lịch.
Và đáng sợ hơn cả là những hoạt động mờ ám của họ nhắm vào Đà Nẵng không thể giải quyết được bởi họ không trực thuộc phạm vi quản lý hành chính của thành phố Đà Nẵng. Lấy một ví dụ, họ đưa nhiều loại hàng hoá của họ sang khu vực này để phục vụ du lịch nhưng trên thực tế là để “rò rỉ” ra bên ngoài và giữa hàng trăm thứ hàng hoá độc hại họ đưa sang với lý do phục vụ người dân của họ sang du lịch Việt Nam, có cả ma tuý lẫn lộn trong đó cũng rất khó kiểm soát. Và bài học về nạn xì ke, ma tuý của thanh niên Hà Tĩnh do người Trung Quốc gây ra vẫn còn rành rành, không thể chối bỏ.
Đáng sợ nhất và nhạy cảm nhất trên toàn Việt Nam này không đâu khác ngoài đèo Hải Vân, vì đây là ranh giới giữa hai tỉnh thành phố có địa hình quá phức tạp. Mà ngay trong việc quản lý đối với người Việt đã rất phức tạp ở những khu vực giao thoa các tỉnh rồi, huống chi quản lý đối với người nước ngoài vốn có óc bành trướng, xâm lược như Trung Quốc!
Đà Nẵng sẽ thuộc về Trung Quốc?
Hải Vân rơi vào tay Trung Quốc cũng đồng nghĩa với Đà Nẵng thuộc về Trung Quốc.
Ông Trường, cư dân quận Thanh Khê, Đà Nẵng, chia sẻ:
Bây giờ nó đi đông như quân Nguyên ấy. Để công nhân mình có việc làm với chứ, nó qua nó lấy hết. Như Hà Tĩnh, Hoàng Sa, Trường Sa là một cái tam giác chi đó… mất hết rồi.
-Ông Trường
“Bây giờ nó đi đông như quân Nguyên ấy. Để công nhân mình có việc làm với chứ, nó qua nó lấy hết. Như Hà Tĩnh, Hoàng Sa, Trường Sa là một cái tam giác chi đó… mất hết rồi.”
Ông Trường cũng bức xúc nói thêm rằng không hiểu nhà cầm quyền Huế ăn phải thứ gì mà chậm tiêu như vậy. Vì trên hết, Hải Vân là con đèo quá sức nhạy cảm về mặt hành chính bởi một phần do nó quanh co, khúc khuỷu, phần khác nó nằm giáp giới giữa hai địa phận hành chính, khó mà quản lý. Ngay cả một nhóm cướp nhỏ chuyên trấn lột trên đèo Hải Vân vài năm trở lại đây mà phải tốn cả mấy năm trời phối hợp giữa Huế và Đà Nẵng mới bắt được. Bây giờ giao Hải Vân cho Trung Quốc khai thác du lịch thì khác nào giao rừng cho hổ để nộp mạng dân Đà Nẵng cho họ.
Chỉ cần nói đơn giản nhất, nếu chiến tranh xãy ra, ngoài biển đánh thốc vào, trên núi nã pháo xuống, lực lượng ngoài biển được yểm trợ bởi các tàu chiến và công sự dọc bờ biển, lực lượng trên núi được che chở bởi rừng thông, hẻm núi, hang động, suối đá. Trong khi đó, thuỷ quân lục chiến của Trung Quốc được đánh giá mạnh nhất khu vực Châu Á bởi họ có số lượng quá đông và quen đánh đường rừng, khi đó, Đà Nẵng sẽ bị tê liệt bởi số đông áp đảo của quân Trung Cộng.
Mà một khi Đã Nẵng bị bất kì một tổn thương nào, xem như Việt Nam bị cắt làm đôi và lúc đó, mọi thứ giao thương cũng như hoạt động trọng yếu đều bị tê liệt. Chính vì vậy, giao Hải Vân cho người Trung Quốc là xem như mất Hải Vân, mất Hải vân cũng đồng nghĩa với mất Đà Nẵng và Huế trở thành cái chuồng gà trong mắt quân Trung Quốc. Một khi mất Đà Nẵng thì nhân dân lại một lần nữa điêu đứng bởi những cái đầu lãnh đạo của nhà cầm quyền Huế.
Nói đến đây, ông Trường chép miệng, lắc đầu rồi thở dài!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment