Tuesday, November 25, 2014

Báo động tình hình biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng (P2)

Báo động tình hình biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng (P2)

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2014-11-25
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
001_GR361319
Bản đồ các khu vực trên thế giới bị tác động bất lợi vì biến đổi khí hậu.
 AFP/IPCC

Trong chương trình kỳ trước, chúng tôi giới thiệu đến quí thính giả một số điểm đáng chú ý về tầm mức quan trọng của báo cáo do Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu- IPCC công bố hồi đầu tháng 11 vừa qua. Mời quí vị tiếp tục theo dõi vấn đề này trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.

Cần sự đồng thuận mang tính ràng buộc

Thời điểm năm 2015 là mốc thời gian quan trọng đối với những người quan tâm đến tình hình biến đổi khí hậu của thế giới. Tại hội nghị biến đối khí hậu do Liên hiệp quốc chủ trì vào sang năm ở Paris, các quốc gia phải đạt được đồng thuận về một thỏa ước mang tính ràng buộc trong việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhằm hạn chế nhiệt độ Trái Đất đến cuối thế kỷ này không tăng thêm quá 2 độ C.
Căn cứ để các nhà hoạch định chính sách của mọi quốc gia trên toàn thế giới đi đến cam kết mang tính quyết định như thế là báo cáo thứ năm của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu- IPCC vừa công bố vào đầu tháng 11 vừa qua.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, chuyên gia về biến đổi khí hậu từng tham gia biên soạn báo cáo thứ tư của IPCC hồi năm 2007 và được hạ viện bang Hawaii Hoa Kỳ vinh danh hồi năm ngoái về những đóng góp của ông trong lĩnh vực biến đổi khí hậu; hiện ông cũng là chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Môi trường (CERED) ở Hà Nội, cho biết mục đích tối hậu của báo cáo được hơn 800 nhà khoa học bỏ công sức thực hiện trong thời gian hơn một năm qua như sau:
Quyết định mang tính ràng buộc pháp lý đưa ra được tại hội nghị vào sang năm ở Paris sẽ giúp cho việc phát triển, bảo đảm phát triển bền vững nếu chúng ta muốn ổn định nhiệt độ tăng vào năm 2100 dưới 2oC.
-TS Nguyễn Hữu Ninh
“Hiện nay mỗi năm chúng ta đưa vào khí quyển khoảng 40 tỷ tấn CO2. Đây là một khối lượng khổng lồ và với đà như hiện nay mà để nhiệt độ tăng dưới 2oC vào năm 2100 là không khả thi. Nếu như tốc độ phát thải như hiện nay, đặc biệt của các nước công nghiệp không cắt giảm thì chiến lược đưa ra, theo tôi sẽ quyết liệt hơn. Hy vọng tại Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu vào sang năm ở Paris sẽ đưa ra được những quyết định mang tính chất đột phá về việc cắt giảm CO2 mang tính chất đột phá bởi những khối nước như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác… Tôi cho rằng quyết định mang tính ràng buộc pháp lý đưa ra được tại hội nghị vào sang năm ở Paris sẽ giúp cho việc phát triển, bảo đảm phát triển bền vững nếu chúng ta muốn ổn định nhiệt độ tăng vào năm 2100 dưới 2oC. Bằng không tác động của việc biến đổi khí hậu mà đang diễn ra trong vòng 15 năm tới sẽ rất khủng khiếp, tiến tới một gian đoạn mà không thể quay ngược trở lại, mọi cố gắng của chúng ta đều là vô ích.”
Ông Vũ Trung Kiên, thuộc Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi Khí hậu tại Hà Nội, cũng nêu ra mục đính chính của báo cáo mới nhất của IPCC:
“Thời gian tới tăng trưởng xanh là hướng có tiềm năng lớn và được ưu tiên; kể cả chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm đến mảng này. Tôi tin rằng COP-20 sắp đến chỉ là bước đệm thôi nhưng COP-21 ở Paris vào năm tới mới đóng vai trò quyết định vì lúc đó các nước trên thế giới phải cùng nhau ra một hiệp ước toàn cầu thay thế cho (Nghị định thư) Kyoto.”
Hướng đến của các quốc gia sau khi có báo cáo thứ năm của IPCC được tiến sỹ Nguyễn Hữu Ninh cho biết như sau:
000_Hkg3016210.jpg
Biến đổi khí hậu làm nguồn nước sông Hồng cạn kiệt, ảnh chụp ngày 4/12/2009. AFP photo/Hoang Dinh Nam
Vấn đề ở chỗ chuyển giao công nghệ mới cho những nước đang phát triển mà theo Nghị Định thư Kyoto trong cái CDM. Bây giờ thêm một số nghiên cứu nữa mà dễ dàng làm hơn CDM. Những chuyển giao lâu nay mang tính trình diễn (dù rằng rất tốt) nên hạn chế. Để mang tính chất đột phá đòi hỏi phải có một thể chế kèm theo mang tính chất ràng buộc, không chỉ đối với những nước như Bắc Âu bây giờ mà đối với tất cả các nước trên toàn thế giới để hướng đến cùng phát triển. Có thể nói những ràng buộc không chỉ đối với các nước phát triển mà cả đối với các nước đang phát triển mà đang phát thải CO2 rất lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi… Phải có những thỏa thuận mang tính hợp lý cho tất cả các bên, quá trình trao đổi phải hài hòa để các phía có thể đưa ra một mức phát thải mang tính chất ràng buộc được.
Để chuyển giao công nghiệp từ giai đoạn mang tính chất trình diễn, qui mô nhỏ sang qui mô lớn thì các nền kinh tế phải có thể vận động tự chính mình không chỉ nhờ vào sự hỗ trợ của nước khác. Không chỉ tiếp thu công nghệ mà còn phải đầu tư tài chính vào để phát triển công nghệ đó thì mới có được công nghệ giá rẻ hơn tại chính quốc của mình.
Chính vì vậy mà có một cơ chế ràng buộc về phát thải CO2 như REDD+ hay những cơ chế khác về chi trả dịch vụ carbon và trong những vấn đề khác nữa thì sẽ có một số tiền rất lớn để giúp những nước đang phát triển, đang bảo vệ nguồn tài nguyên rừng hay những nguồn khác mà có tác động bảo vệ tốt cho bầu khí quyển. Như thế cần giúp họ một số tiền tương xứng để họ có thể đầu tư được vào các công nghệ đó. Đồng thời cũng có sự giúp đỡ về công nghệ với sự chuyển giao công nghệ hợp lý, và tài chính từ Liên hiệp quốc, các nước công nghiệp giúp cho các nước đang phát triển, các nước phát triển chậm để có thể thay đổi công nghệ nhanh hơn, giá cả hợp lý hơn, hợp lý với mức thu nhập bình quân hợp lý… Nếu không có giải quyết mang tính đồng bộ như thế thì không thể giải quyết cả gói trong chiến lược phát triển bền vững của Trái Đất.”

VN tuyên bố sẽ thực hiện cam kết

Theo ông Vũ Trung Kiên thì Việt Nam sẽ thực hiện những cam kết được quốc tế đồng thuận và hiện thời Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi Khí hậu nơi ông làm việc đang có một số dự án nghiên cứu thuộc một số lĩnh vực khác nhau nhằm có những khuyến nghị cho chính phủ Việt nam về chính sách ứng phó biến đổi khí hậu, ông cho biết:
“Chúng tôi có những nghiên cứu, đề xuất vận động chính sách là chính; ví dụ chúng tôi đang nghiên cứu một số các dự án: có một anh người Pháp làm việc ở đây đang nghiên cứu tác động về mặt pháp lý của COP-20 và COP-21 đến khung pháp lý về thị trường carbon, và một cái nữa chúng tôi đang mong muốn vận động là hình thành thị trường carbon, tức  ‘climate exchange’ tại Việt Nam.
Ở Việt Nam các khung cơ bản cũng đã được ban hành, nhưng còn thiếu khá nhiều về tăng trưởng xanh. Về hình thành thị trường carbon thì cần khá nhiều thời gian nữa.
-Vũ Trung Kiên
Đầu tiên nghiên cứu về điều kiện pháp lý thì điều kiện thực ra cũng sẽ phụ thuộc vào quá trình đàm phán của COP-20 và COP-21 thôi. Còn ở Việt Nam các khung cơ bản cũng đã được ban hành, nhưng còn thiếu khá nhiều về tăng trưởng xanh. Về hình thành thị trường carbon thì cần khá nhiều thời gian nữa và còn thay đổi cả về mặt pháp lý, ví dụ như quyền carbon chưa được công nhận và ví dụ đặc biệt có liên quan đến quyền sở hữu đất đai nữa. Vì khi người ta có một khu rừng chẳng hạn, và ban quản lý rừng được giao cho một khu rừng thì họ có quyền carbon tích trữ trong cây rừng hay không?, quyền carbon đó có được coi là hoa lợi hay không? và có thuộc sở hữu toàn dân khi hút CO2 vì theo Hiến pháp CO2 nằm trong không khí có thuộc sở hữu của Nhà nước hay không? Tất cả những vấn đề đó còn chưa rõ. Còn nhiều vấn đề để đạt được khung pháp lý cụ thể, nhưng tuy nhiên theo tôi nghĩ sẽ tùy thuộc nhiều vào quá trình đàm phán quốc tế thôi. Chính phủ Việt Nam chắc chắn sẽ dựa vào những thống nhất trên thế giới, chẳng hạn như hiệp ước sắp tới tại Paris. Nếu thống nhất thì chính phủ Việt Nam theo hướng đó và sẽ điều chỉnh luật pháp cho phù hợp.
Vừa rồi là vận động về chính sách, còn về người dân chúng tôi có nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với những người di cư từ nông thôn vào thành phố và chịu những tác động. Vấn đề này chúng tôi là với bên nghiên cứu Quyền Con Người. Ngoài ra còn có một nghiên cứu nữa về biến đổi khí hậu tác động đến sức khỏe tinh thần người dân.”
Là một nhà hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, tiến sỹ Nguyễn Hữu Ninh có một số đánh giá về nhận thức tại Việt Nam đối với vấn đề này cũng như những hoạt động được triển khai:
“Việt Nam hiện nay đã nhận ra rất rõ thách thức của biến đổi khí hậu. Đối với chính phủ, địa phương và người dân đều nhận thức rõ ràng bị tác động như thế nào rồi. Trong vòng 15 năm vừa qua, người ta đánh giá thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra ra năm sau cao hơn năm trước: bão đổ bộ vào với tốc độ lớn hơn, nhanh hơn, cường độ lớn hơn. Thiệt hại gây ra lớn hơn và mức độ thiệt hại năm sau cao hơn năm trước. Rồi vấn đề các vùng duyên hải bị xâm thực, nước mặn vào sâu, ngập mặn; vấn đề nóng- lạnh bất thường  Việt Nam đều nắm rõ, chính phủ Việt Nam rất rõ điều này và đã có những chương trình, chiến lược, chính sách đưa ra để đưa ‘biến đổi khí hậu’ là vấn đề trọng điểm trong phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam.”
Có thể nói giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính là một yêu cầu cấp bách để cứu hành tinh nơi con người đang sinh sống khỏi bị diệt vong. Tạp chí Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới.
Gia Minh chào tạm biệt.

No comments:

Post a Comment