Putin bỏ G20 về sớm, Nga có thể cứng rắn hơn về Ukraina
- REUTERS /David Gray
Việc Tổng thống Vladimir Putin rời Thượng đỉnh G20 ở Úc sớm hơn dự kiến, sau khi bị các lãnh đạo thế giới đón tiếp lạnh nhạt, làm cho quan hệ Nga-phương Tây căng thẳng hơn và điều này có thể làm cho chiến sự gia tăng tại miền đông Ukraina.
Tại Thượng đỉnh G20, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng hành động Nga xâm lược Ukraina là một « mối đe dọa đối với thế giới » và coi việc bắn hạ chiếc máy bay của Malaysia Airlines, chuyến bay MH17, hồi tháng Bẩy vừa qua, trên phần phía đông Ukraina do quân ly khai thân Nga kiểm soát, là « điều khủng khiếp ».
Còn Thủ tướng Úc Tony Abbott tố cáo ông Putin tìm cách làm sống lại thời kỳ « huy hoàng đã qua của chế độ Nga Hoàng ». Thậm chí, dường như Thủ tướng Canada Stephen Harper còn tránh khi Tổng thống Nga muốn tiến lại gần để bắt tay.
Theo giới phân tích, sự bực bội của ông Putin về cách các lãnh đạo phương Tây đối xử với ông ta có thể là cho khủng hoảng Ukraina thêm nghiêm trọng.
Chuyên gia phân tích độc lập, ông Stanislav Belkovsky nói với AFP : « Nếu ông ta khó chịu bỏ về trước, thì có nguy cơ chiến sự gia tăng tại Ukraina »
Tạp chí trên mạng Expert, có xu hướng thân điện Kremlin, bình luận : « Tại G20, Úc, nước chủ nhà đã tìm mọi cách hạ nhục Vladimir Putin ».
Được tạp chí Forbes đánh giá là người « có quyền lực nhất thế giới » và được tới 80% người dân tại Nga ủng hộ, ông Putin đến dự Thượng đỉnh G20, cùng với một hạm đội bốn tàu chiến hiện diện ở ngoài khơi nước Úc.
Thượng đỉnh G20 là chuyến công du ngoại quốc khó khăn nhất đối với ông Putin, kể từ khi xẩy ra cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây về việc Kremlin ủng hộ lực lượng khai ở miền đông Ukraina.
Cho dù không hy vọng là tại G20, ông Putin và phương Tây đạt được một bước tiến trong hồ sơ khủng hoảng Ukraina, nhưng cũng không một ai nghĩ rằng các bất đồng này lại được phơi bày ra ánh sáng như vậy.
Các nhà phân tích cho rằng những lời chỉ trích của các lãnh đạo phương Tây nhắm vào các chính sách của điện Kremlin và việc ông Putin đột ngột rời Úc để về nước cho thấy là cả hai bên, Nga và phương Tây, đều không cần quan tâm đến việc giữ cái vẻ bề ngoài lịch sự nữa.
Với thái độ khinh thị, ông Putin, người vẫn tự hào có sức khỏe tráng kiện, nêu lý do là « cần ngủ » và đi đường xa, để về nước sớm. Hơn nữa, hành động của ông Putin bỏ mặc các lãnh đạo phương Tây để ra về trước sẽ nhận được sự đồng tình của những người ủng hộ ông ở trong nước.
Ông Konstantin Kalachev, lãnh đạo Nhóm Chuyên gia Chính trị, nói với AFP : « Tất cả các hành động, cử chỉ của nguyên thủ Nga đều nhằm vào cái gọi là đa số ủng hộ Putin ».
Theo chuyên gia này, thái độ của ông Putin có thể được những người ủng hộ ông ta diễn giải như sau : « Lãnh đạo Nga có gì cần phải nói với các nước phương Tây thối nát ? »
Ông Kalachev nhấn mạnh, khi bỏ qua những tinh tế ngoại giao, ông Putin có thể cố tình làm cho mình khác biệt với các lãnh đạo khác. Bởi vì « càng đồng bóng thì càng thu hút sự chú ý ».
Trên website thông tin Slon.ru, nhà báo Alexander Baunov, nguyên là nhà ngoại giao, giải thích : « Vladimir Putin có phong cách riêng và điều này cũng ám chỉ đến quyền lực của ông ta».
Nếu như Hoa Kỳ, Canada, Úc tỏ ra cứng rắn trong cách đối xử với Putin thì Châu Âu lại tìm mọi cách duy trì đối thoại với nguyên thủ Nga. Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, « điều quan trọng là phải nắm bắt mọi cơ hội để đối thoại. Có một sự gần gũi về quan điểm giữa Châu Âu và Nga trong hồ sơ Ukraina ».
Chính vì thế, tân lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, bà Federica Mogherini cho rằng cần khẩn cấp nói chuyện với Nga và đề nghị các Ngoại trưởng Châu Âu là song song với việc xem xét khả năng gia tăng trừng phạt Nga, cho phép bà đóng vai trò trung gian thúc đẩy đối thoại giữa Kiev và Matxcơva.
No comments:
Post a Comment