Trung Quốc vận hành đập thủy điện Brahmaputra gây tranh cãi
Sông Brahmapoutra bắt nguồn từ các vùng núi Tây Tạng.China Photos/Getty Images
Đập thủy điện trên dòng sông Brahmaputra, Tây Tạng, hôm qua (23/11/2014) đã chính thức đi vào hoạt động sản xuất điện. Công trình thủy điện quan trọng này gây nhiều quan ngại trong khu vực do nằm tại thượng nguồn của nhiều nhánh sông lớn tại Châu Á, chủ yếu tại Ấn Độ và Pakistan.
Theo Tân Hoa Xã, bộ phận sản xuất đầu tiên đã được vận hành vào ngày hôm qua tại đập thủy điện được xây dựng trên dòng Brahmaputra hay Yarlung Zangbo, theo tên gọi của người Trung Quốc.
Đập thủy điện nằm ở độ cao 3.300 mét, với ngân sách đầu tư 9,6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,26 tỷ euro), dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2015 và công suất vận hành sẽ đạt đến mức 510 MW. Như vậy, đập thủy điện “sẽ giải quyết được vấn nạn thiếu điện tại Tây Tạng, nhất là trong mùa đông”, theo như khẳng định của một quan chức ngành điện lực tại Tây Tạng.
Tuy nhiên, việc xây đập thủy điện trên thượng nguồn Brahmaputra khiến chính quyền Ấn Độ và Pakistan quan ngại. Đây là nơi xuất phát nhiều nhánh sông lớn cho các vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu nhất và tập trung đông đúc dân cư nhất hành tinh tại hai quốc gia Nam Á này.
Bị thúc bách bởi nhu cầu ngày càng lớn về năng lượng, các quốc gia xung quanh dãy núi Himalaya, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia mới trỗi dậy, tiến hành nhiều dự án đập thủy điện đầy tham vọng, làm nảy sinh các căng thẳng với các nước láng giềng ở hạ lưu.
Bên cạnh đó, tình trạng khí hậu ấm dần và các hệ quả của việc băng tuyết trên đỉnh Himalaya tan chảy còn làm tăng thêm các mối lo âu. Để trấn an các nước láng giềng, Bắc Kinh đảm bảo sẽ có tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý các nguồn nước xuyên biên giới và khẳng định xem xét các hệ quả có thể cho các khu vực ở hạ lưu.
No comments:
Post a Comment