Saturday, November 22, 2014

Vì sao dầu hỏa mất giá ?

NĂNG LƯỢNGKHÍ HẬUĐIỂM BÁOQUỐC TẾ

Vì sao dầu hỏa mất giá ?

mediaGiá dầu thô giảm tác động mạnh đến các nước xuất khẩu - AFP
    Tờ báo thiên tả Libération hôm nay tìm hiểu vì sao giá dầu hỏa lại giảm 30% kể từ mùa hè năm 2014 và tìm cách giải thích nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này trong một hồ sơ dài, qua hàng tựa trên trang 2 : « Vì sao vàng đen không còn đáng giá hơn vàng ».
    Xã luận Libération cho rằng, giá dầu hỏa giảm không phải là một tin tốt lành. Đó chính là triệu chứng của một hoạt động kinh tế đang trì trệ và nó lại không khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ dầu hỏa ít lại, một thói quen mà ta phải tập nếu chúng ta còn nghĩ về tương lai hậu thế.
    Vàng đen hạ giá cũng không kích thích các chính phủ đầu tư để tìm kiếm các nguồn năng lượng rẻ hơn và tôn trọng môi trường hơn. Hơn nữa, dầu thô giảm nhưng cũng không làm cho giá xăng tại các trạm bán lẻ giảm, do thuế vẫn còn cao.
    Theo Libération, nguyên nhân của hiện tượng trên bắt nguồn từ khủng hoảng kinh tế, địa chính trị…, đồng thời cũng gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho một số quốc gia như Nga, vốn gặp khá nhiều khó khăn do bị phương Tây trừng phạt, hay Venezuela đang rơi vào suy thoái. Cũng chính vì dầu hỏa mà Libya rơi vào nội chiến.
    Trước tiên, về nguyên nhân khủng hoảng kinh tế, Libération giải thích rằng, cũng giống mọi thị trường khác, thị trường dầu hỏa cũng tuân theo quy luật cung-cầu. Sự ham muốn dầu hỏa của Trung Quốc giảm. Các quốc gia mới trỗi dậy khác cũng đang chìm trong khó khăn kinh tế, như Brazil trước bờ vực suy thoái, Nga chìm trong khủng hoảng…
    Libération đặt câu hỏi : vậy từ tháng Mười năm nay, quốc gia nào sản xuất dầu hỏa nhiều nhất ? câu trả lời là Hoa Kỳ đã soán ngôi của cả Ả Rập Xê út lẫn Nga. Với danh nghĩa tự chủ về năng lượng, Hoa kỳ đã sản xuất dầu hỏa từ đá phiến nhiều đến mức giờ đây có thể xuất khẩu.
    Tờ báo quan ngại, dầu hỏa rẻ thì môi trường sinh thái sẽ bị lãng quên. Con người vẫn tiếp tục tiêu thụ loại năng lượng thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Quá trình chuyển đổi sang dùng các loại năng lượng tái tạo cũng sẽ gặp trở ngại.
    Ông Thierry Salomon, phó chủ tịch hiệp hội négaWatt báo động : « dầu hỏa rẻ là một thiên tai. Đó là một tác nhân làm chậm trễ quá trình bảo vệ môi trường trong khi điều cấp bách hiện nay là không thải khí carbon vào môi trường nữa ». Tuy giới khoa học vẫn liên tục báo động về tình hình trái đất nóng lên, nhưng con người vẫn giả điếc làm ngơ, hơn nữa, dầu hỏa giảm thì việc gì con người phải mất công đầu tư tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo khác nhằm thay thế dầu hỏa. 
    Phe Cộng hòa đối mặt với « bẫy nhập cư » của Obama
    Nhìn sang Hoa Kỳ, cả ba tờ báo Paris đều quan tâm đến việc Tổng thống Obama quyết định hợp pháp hóa gần 5 triệu dân nhập cư trái phép. Nhật báo Le Figaro có bài viết : « Phe Cộng hòa đối mặt với quyết định nhập cư của ông Obama » mà phe Cộng hòa cho là một cái bẫy.
    Phần đông chỉ trích nhắm vào ông Obama là vì Tổng thống Mỹ đã đưa ra sắc lệnh mà không thông qua ý kiến của Quốc hội, vốn không tán thành việc hợp pháp hóa thành phần nhập cư trái phép. John Boehner, dân biểu Cộng hòa phẫn nộ : « Tổng thống luôn nói rằng mình không phải vua hay hoàng đế, nhưng trong trường hợp này quả là trái với những gì ông nói ».
    Charlie Dent, dân biểu bang Pennsylvania cảnh báo : « Đừng nên rơi vào bẫy mà tổng thống đang giăng ra. Ông ta muốn cho chúng ta công kích và phản ứng một cách tức tối, làm cho ai nấy đều nghĩ chúng ta sẵn sàng gây nên một cuộc khủng hoảng mới về ngân sách ».
    Le Figaro nhận định, chỉ còn 14 tháng nữa là đến kỳ bầu cử bên phía đảng Cộng hòa để chọn ra ứng cử viên tranh cử tổng thống, đề tài đầy gai góc về nhập cư có thể sẽ xác định được tính cách của đối thủ của bà Hillary Clinton.
    Trung Quốc tung “kế hoạch Marshall”
    Liên quan đến Châu Á, tuần san Le Courrier international quan tâm đến Trung Quốc qua bài viết: “Trung Quốc tung ra kế hoạch Marshall” đượcdịch từ tờ The Wall Street Journal. Tờ báo cho biết, thông qua Thượng đỉnh Apec đã được tổ chức thành công tại Trung Quốc, Bắc Kinh đã bỏ thái độ tương đối nhún nhường trước đây trên trường quốc tế và từ nay, Bắc Kinh quyết định lột xác vượt mặt Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
    Tờ báo cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình dự định thiết lập khu vực tự do mậu dịch Châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn cả dự án hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ. Bắc Kinh còn tính lập hai ngân hàng phát triển mới trong khu vực cùng với một quỹ lên đến 40 tỷ đô la, được đặt tên là “Con đường tơ lụa”, nhằm xây dựng hải cảng, đường xá và nối liền các khu vực. Một số khác gọi dự án trên là “dự án Marshall Trung Quốc”.
    Ý tưởng đưa ra một dự án hỗ trợ người dân nhằm kích thích tiêu dùng nội địa không hề mới: kinh tế gia Từ Sơn Đại (Xu Shanda) đã từ gợi ý dự án này vào năm 2009. Thoạt nhìn thì dựa án Marshall của Trung Quốc cũng dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi như Mỹ đã từng tung ra sau Đệ Nhị Thế chiến.
    Câu hỏi thực sự đặt ra là liệu các quốc gia Châu Á có tán thành với việc đổi ngôi hay không, tức là từ nay, thế lực thương mại sẽ chuyển từ tay Mỹ sang Trung Quốc. Bài báo cho rằng chắc hẳn nhiều nước sẽ ngã vào lòng Trung Quốc, mặc dù không phải Trung Quốc không đòi hỏi điều kiện ngược lại. Giống như dưới thời chiến tranh lạnh, một số nước sẽ quyết định đứng giữa để làm “ngư ông đắc lợi”.
    Bài báo nhận định, một ngày không xa, Trung Quốc sẽ buộc các nước láng giềng phải chọn lựa đứng về phe nào. Các quốc gia Đông Nam Á quan ngại về “một mô hình mới trong các mối quan hệ với các đại cường”. Họ đoán trước Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi khu vực Đông Á vào tay Trung Quốc.
    “Mô hình mới này” làm cho nhiều người nghĩ rằng, Trung Quốc tìm cách tái lập hệ thống đế chế mà nước nhỏ phải cống nạp cho nước lớn. Theo đó, nhiều quốc gia Châu Á phải có bổn phận với đế vương để đổi lại quyền lợi thương mại.
    Cựu Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã từng nói bóng gió vào năm 2012 khi ông mỉa mai các “nước nhỏ” Đông Nam Á phản đối việc Trung Quốc đòi chủ quyền tại biển Đông. Một minh chứng khác là các lãnh đạo Cam Bốt đã nhận thấy rằng, chấp nhận sự trợ giúp của Trung Quốc đồng nghĩa với việc phải tuân lệnh Bắc Kinh trên các diễn đàn quốc tế.
    Tờ báo đặt câu hỏi: liệu Trung Quốc sẽ thắng trong ván cá cược này? Luôn tin rằng, sự phát triển và lợi nhuận là yếu tố chủ chốt trong các mối quan hệ quốc tế, lãnh đạo Trung Quốc quả quyết rằng Hoa Kỳ sẽ sớm bị cô lập trong khu vực. Các quốc gia cần phải đề phòng một quốc gia độc tài như Trung Quốc luôn tham vọng tìm lại vinh quang trong quá khứ. Tổng thống Obama có thể nắm lấy cơ hội này để lấy lại tầm ảnh hưởng ở Châu Á, nếu ông vẫn luôn kiên định tiến hành chiến lưọc “xoay trục sang Châu Á”, một hứa hẹn trung tâm trong chiến dịch của ông.
    Thomas Piketty, kinh tế gia Pháp chinh phục thế giới
    Đến với tuần san Le Nouvel Observateur, bạn đọc được biết kinh tế gia Pháp Thomas Piketty với thành công lẫy lừng của cuốn sách mà ông vừa cho xuất bản: “Tư bản ở thế kỷ XXI”. Tạp chí dành nhiều tranh phân tích làm cách nào, vị giáo sư tại trường đại học danh tiếng Pháp Science-Po đã chinh phục được cả thế giới.
    Tạp chí đăng ảnh giáo sư Piketty cùng vợ trong một giảng đường của đại học nổi tiếng Thanh Hoa tại Bắc Kinh. Tại Thượng Hải cũng như tại Bắc Kinh vào giữa tháng 11, các giảng đường đại học danh tiếng đều không thể chứa hết lượng thính giả đến nghe kinh tế gia Pháp giảng. Tại Trung Quốc, ai cũng gọi ông là “Marx của thế kỷ XXI”. Một khán giả trong hội trường giành lấy micro và hô to: “Giáo sư, sách của ngài đáng giá giải Nobel!” trong tràng pháo tay giòn giã.
    Chỉ trong vòng 2 tháng, 100 000 cuốn đã được bán sạch. Nhà xuất bản Citic Press cho biết, sách của ông được in y như nguyên tác, không hề cắt bỏ hoặc kiểm duyệt đoạn nào. Trong khi một số đồng nghiệp ông Piketty ca ngợi công trình làm việc của ông, một số khác lại tỏ ra khá khắt khe với ông. André Orléan trách ông Piketty đã có một cách tiếp cận khá chung chung và Philippe Aghion, giáo sư tại đại học Havard và Collège de France cho rằng, ông Piketty không am hiểu về sự thay đổi của xã hội và nhiều câu hỏi đặt ra về tính thích đáng của lý thuyết mà ông Piketty đưa ra. 
    Khi các công ty Pháp bỏ xứ ra đi
    Trên hồ sơ kinh tế, tuần san L’Express bình luận về hiện tượng ngày càng nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn của Pháp xuất ngoại và các công ty Pháp dời xưởng đi nơi khác, tìm đến những miền đất hứa, dễ làm ăn hơn, không chỉ vì hệ quả của sự toàn cầu hóa mà còn vì tại nơi đó, họ ít chịu áp lực thuế, thủ tục hành chính bớt nhiêu khê hơn.
    Theo một chuyên gia, lãnh đạo của 40% các công ty trong nhóm 40 doanh nghiệp lớn hàng đầu của Pháp (CAC 40) sống tại nước ngoài. Không hẳn là lãnh đạo số một công ty mà trong số đó, có cả các cán bộ cấp cao, thành viên của ủy ban điều hành hay ban giám đốc.
    Rất ít công ty dám nêu nguyên nhân đi khỏi Pháp là vì áp lực thuế khóa vì sợ động chạm đến giới chính trị và bị trã đũa qua các thủ tục hành chính. Tạp chí kết luận, chẳng có cách nào chấm dứt được tình hình này nhưng vẫn còn thời gian đưa ra các biện pháp nhằm làm chậm lại hiện tượng trên.
    Tình sử Hollande-Gayet
    Báo chí Pháp hôm nay trở lại với tình sử của Tổng thống Pháp Hollande-Gayet và về câu hỏi được đặt ra vào hôm qua : “ai đã chụp những tấm ảnh được đăng trên tờ báo bình dân Voici?”. Nhật báo Le Figaro đăng bài: “Bức ảnh bị đánh cắp: câu hỏi đặt ra về an toàn của Tổng thống”.
    Số là có một tấm ảnh được chụp tổng thống và người tình trong vườn của điện Elysée được đăng trên tờ Voici. Ai nấy bàn tán sôi nổi về chủ đề này, duy chỉ có người trong cuộc dường như có vẻ không quan tâm mấy. Nhật báo Le Parisien trích lời của Tổng thống Hollande.
    Ông cho là, thủ phạm chụp bức ảnh không phải là tay chuyên nghiệp mà là người của điện Elysée hoặc là một khách thăm quan qua đường, hẳn là chụp từ tầng một nên có cái nhìn xuống vườn. Tờ báo mỉa mai, khách tham quan mà đôi uyên ương Hollande-Gayat đều không phát hiện ra sao ? quả là khi yêu người ta trở nên mù quáng, tờ báo châm chọc. Tờ Figaro thì không loại trừ khả năng có một chiếc máy bay không người lái do thám nên chụp được tấm ảnh trên.
    Trang nhất các nhật báo Paris ra ngày cuối tuần (22/11/2014) lưu ý đến những đề tài khá phong phú. Nhật báo Le Monde chạy tựa : « Obama muốn hợp pháp hóa hơn 3 triệu cư dân bất hợp pháp ». Nhật báo thiên hữu Le Figaro nhận định : « Bầu tổng thống 2017 : cả cử tri cánh tả cũng không muốn Hollande nữa ».

    Cùng chủ đề

    No comments:

    Post a Comment