Ô nhiễm môi trường :TQ nhìn vào sự thật
Mỗi năm 3 % GDP của Trung Quốc không cánh mà bay, do không khí, nước và đất bị ô nhiễm. Trung Quốc chiếm một kỷ lục buồn : 13 trên 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Sau ba thập niên phát triển thần kỳ, chủ yếu nhờ vào công nghiệp, cái giá phải trả về mặt y tế ngày càng đắt.
Cung ứng được nước sạch và không khí trong lành cho 1,3 tỷ dân còn là chìa khóa để bảo đảm ổn định xã hội và sự tồn tại của đảng cộng sản Trung Quốc.
Ngày 12/11/2014 Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận lịch sử về khí hậu với Hoa Kỳ bên lên lề thượng đỉnh APEC. Bắc Kinh đề ra mục tiêu giảm khí thải làm hâm nóng trái đất vào năm 2030. Cả thế giới đã chú ý đến sự kiện nói trên khi biết rằng, Trung Quốc và Mỹ là hai nguồn gây ô nhiễm nhất cho nhân loại. Trong năm 2013, các nhà máy của Trung Quốc và 137 triệu chiếc xe đủ cỡ nhả ra 9,9 tỷ tấn CO2, tương đương với hơn 27 % lượng khí thải toàn cầu.
Một cơ quan nghiên cứu trực thuộc Bắc Kinh nhìn nhận để tạo ra 10.000 nhân dân tệ GDP, hiện nay Trung Quốc cần 0,8 tấn than đá. Trong khi đó một quốc gia công nghiệp phát triển trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE chỉ tiêu thụ có 0,25 tấn mà thôi. Do vậy Trung Quốc đang phấn đấu để đạt được mức tiêu thụ than đá trong quá trình sản xuất như của OCDE vào năm 2050.
Bầu trời xanh, « xa xỉ phẩm » của 20 triệu dân Bắc Kinh
Tháng 3/2013 lần đầu tiên bộ Môi trường Trung Quốc công bố danh sách hơn 400 ngôi « làng ung thư » : tại đây, tỷ lệ nguời nhiễm bệnh đạt mức báo động. Chính quyền công nhận « Chất hóa học độc hại là nguyên nhân gây nhiều tai họa cho môi trường, làm ô nhiễm không khí và các nguồn nước sạch ».
Từ năm 1991 đến 2013 tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc chưa bao giờ rơi xuống dưới ngưỡng 7 % một năm. Nhờ thế Trung Quốc qua mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ nhì trên thế giới đồng thời cũng biến nước đông dân nhất địa cầu thành nguồn gây ô nhiễm lớn nhất hành tinh. Chỉ riêng thời gian từ 1999 đến 2004, lượng khí thải của Trung Quốc tăng 120 %.
Trong đà phát triển của Trung Quốc, tới nay, than đá bảo đảm 70 % nhu cầu năng lượng của toàn quốc. Mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ hơn 3,5 tỷ tấn than đá – tương đương với 50 % mức tiêu thụ của thế giới. Mỏ than vừa là cột trụ kinh tế vừa là mối đau đầu về môi trường. Trong suốt năm 2013, thủ đô Bắc Kinh chìm trong khói mù và không khí ngột ngạt tới 183 ngày. Lượng phân tử siêu nhỏ PM 2,5 nguy hại nhất cho đường hô hấp tại Bắc Kinh cao gấp 20 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo một công trình nghiên cứu của Viện khoa học xã hội Thượng Hải, hàng năm có từ 350 ngàn đến 500 ngàn người chết sớm do các bệnh ung thư phổi, tim mạch hay đường hô hấp. Thế nhưng một báo cáo độc lập khác được công bố vào cuối năm 2012 còn đưa ra con số đáng sợ hơn : trong năm 2010 đã có tới 1,2 triệu người trả giá cho phép lạ tăng trưởng.
Một bác sĩ tại bệnh viện Bắc Kinh cho biết tỷ lệ người bị ung thư phổi tăng đáng kể. Cách nay ba năm, khi vào nghề, một năm ông điều trị cho khoảng 1 chục bệnh nhân. Giờ đây 6 tháng có hơn một chục người. Tỷ lệ ung thư phổi trên toàn quốc tăng 60 % trong một thập niên qua.
Reuters
Nhìn đến chất lượng của các nguồn nước, thống kê của Bắc Kinh ghi nhận : năm 2008, hơn 300 triệu dân Trung Quốc không được cung cấp nước sạch và ¼ các nguồn nước trên quốc gia rộng lớn này không đáp ứng với các tiêu chuẩn an toàn theo quy định của Nhà nước. Ngân hàng thế giới thẩm định, nước bẩn là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật và cướp đi khoảng 8 tỷ đô la của Trung Quốc.
Tác động kinh tế và xã hội
Nhìn đến những hậu quả kinh tế, để đối phó với nạn ô nhiễm không khí, bốn thành phố lớn ở Trung Quốc là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Tây An, trong năm 2012 đã chi ra ngân sách hơn một tỷ đô la. Theo các thống kê chính thức, tình trạng môi trường xuống cấp làm thất thoát khoảng 3 % GDP của Trung Quốc. Nhưng nhiều cơ quan tư vấn độc lập cho rằng thiệt hại vật chất cao hơn nhiều so với thống kê được Bắc Kinh đưa ra. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2007 thẩm định, ô nhiễm là nguyên nhân gây thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc khoảng 100 tỷ đô la, tương đương với hơn 5 % GDP của quốc gia này.
Bên cạnh những tác hại kinh tế còn phải kể tới phẫn nộ trong xã hội. Những vụ biểu tình đòi phản đối các dự án xây nhà máy với những tác động tai hại cho môi trường và sức khỏe công cộng ở Trung Quốc ngày càng thường xuyên xảy ra : trong năm 2012 đã có hơn 50.000 vụ tai tiếng liên quan đến các vấn đề môi trường được đưa ra ánh sáng.
Giới quan sát coi ô nhiễm công nghiệp là nguồn gốc chính gây bất ổn trong xã hội, nhất là khi người dân bắt đầu sử dụng các phương tiện hiện đại, như mạng xã hội và internet để đánh động dư luận. Theo lời một giáo sư của khoa sử, đại học Hồng Kông, « Xã hội dân sự Trung Quốc ngày càng ý thức được rằng, nếu khéo tổ chức và đoàn kết, người dân dù thấp cổ bé miệng vẫn có thể làm gây áp lực buộc Trung ương phải nhượng bộ ».
Tại Nội Mông, các nhà máy từ luyện kim đến hóa chất đã mọc lên như nấm làm biến dạng cảnh quan. Ông Vũ, một nông dân ở thị trấn Ô Hải, khu tự trị Nội Mông than phiền : « Không khí ô nhiễm đến nỗi khó mà nhận ra được phong cảnh chung quanh. Trước đây chúng tôi trông thấy sông, núi. Giờ thì sống trong sương mù, không nhìn thấy gì hết ».
Một người hàng xóm của ông, một phụ nữ khác cho biết thêm ô nhiễm làm ảnh hưởng trực tiếp tới hoa mầu và sức khỏe của người dân tại đây như thế nào : « Chung quanh vùng có quá nhiều nhà máy. Thu hoạch kém. Dân trong vùng thì phải hít thở không khí đầy bụi. Mặt mũi, quần áo chúng tôi lúc nào cũng đen, bẩn. Có khi còn dơ hơn cả so với những thợ mỏ ».
Từ hàng chục năm qua chính quyền Trung Quốc không quan tâm tới vấn đề giải quyết rác thải của các nhà máy, của các trung tâm điện lực. Cách Ô Hải khoảng 500 cây số về phía đông, huyện Tuyên Hóa, thuộc tỉnh Hà Bắc dù đã tạm thời đóng cửa một số nhà máy hồi năm 2008 để chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh nhưng người dân tại đây vẫn là nạn nhân của các máy than, nhà máy xi măng, phân bón …
Thách thức đô thị hóa
1/5 dân số trên địa cầu sống ở Trung Quốc. Các thành phố của Trung Quốc càng ô nhiễm chừng nào, các dịch vụ hay hoạt động nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân càng thịnh vượng chừng nấy. Một hãng cho thuê xe hơi điện ngay tại thủ đô Bắc Kinh đang hái ra tiền : « Hiện tại chúng tôi có 7 chi nhánh cho thuê xe hơi điện. Chúng tôi dự kiến, trong tương lai không xa mở 30 địa điểm cho thuê xe tại Bắc Kinh. Chúng tôi đang cho 5000 khách hàng thuê 300 chiếc xe ».
Công cuộc cải tổ kinh tế và tiến trình công nghiệp hóa của nước này đem lại nhiều thách thức : trung bình mỗi một giờ, 1.800 chiếc xe được sản xuất tại đất nước rộng lớn này. Mỗi một phút, các giới chức địa phương phải xử lý 480 tấn rác thải. May mắn thay cho Trung Quốc là trước mắt mỗi người dân chỉ dùng điện bằng 1/5 so với một người ở Hoa Kỳ.
Ngoài nạn sông ngòi và không khí bị ô nhiễm, Trung Quốc phải khắc phục cùng lúc hậu quả của hiện tượng sa mạc hóa, tan băng. Về mật độ dân số, hiện tại 25 % các thành phố đông dân nhất thế giới đều tập trung trên quê hương ông Đặng Tiểu Bình. 220 thành phố của nước này có trên dưới 1 triệu dân.
Chỉ trong ba năm tới, một nửa các công trình xây dựng được thực hiện tại Trung Quốc. Đau đầu hơn cả là mỗi năm có tới 250 triệu người dân ở nông thôn đổ về các thành phố kiếm sông. Điển hình là thành phố Trùng Khánh nơi có tới 30 triệu dân sinh sống trên một diện tích chưa bằng 1/7 so với của Pháp.
Mỗi năm 500.000 người nhập cư tới đây làm ăn. Chủ tịch ủy ban nhân dân Trùng Khánh, Hoàng Cơ Phàm không che dấu áp lực lớn đang đặt ra cho thành phố này : « Áp lực của dư luận đòi làm sạch nước và không khí chứng tỏ đây là hai khúc mắc lớn nhất cần giải quyết. Dân số Trùng Khánh ngày càng đông, các hoạt động công nghiệp ngày càng phát triển khiến. Chúng tôi khó tiết kiệm năng lượng, khó có thể nghĩ tới việc giới hạn hay giảm bớt khí thải carbone, giảm các nguồn gây ô nhiễm. Nhưng dù đó là thách thức lớn, chúng tôi cũng phải vượt qua vì đó là điều sống còn. Chúng tôi bắt buộc phải đi tìm những giải pháp mới để tự giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của thành phố ».
Bà Barbara Finnamore, giám đốc cơ quan tư vấn môi trường, NRDC làm việc tại Trung Quốc từ hơn 15 năm qua : « Trùng Khánh là một thành phố với hơn 30 triệu dân. Đây là một trong những thành phố lớn nhất và đông dân nhất trên thế giới. Tôi đến đây làm việc năm 1997, khi đó Trùng Khánh hoàn toàn không có xe hơi và người dân còn nghèo. Nhưng đó là chuyện ngày xưa. Bộ mặt của Trùng Khánh bây giờ đã khác hẳn. Đi đến đâu người ta cũng nhìn thấy những khu nhà chọc trời. Thực ra, đối với tôi, Trùng Khánh đúng là một phòng thí nghiệm tuyệt vời. Đây là địa điểm lý tưởng để phát huy và thử nghiệm năng lượng sạch, công nghệ sạch »
Trùng Khánh được xem là cái nôi của ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc. Mỗi tuần có 6 000 người tậu xe hơi và tỷ lệ tăng trưởng trung bình của thành phố này trong ba thập niên qua luôn là trên 10 %.
Năm 2009, Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ xe hơi số 1 thế giới, mỗi ngày 35.000 chiếc xe được bán ra trên toàn quốc. Hai tập đoàn sản xuất xe hơi ở Trùng Khánh đang ráo riết phát triển kiểu xe chạy bằng điện. Thành phố này đề ra mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 120 trạm, nơi người ta có thể nạp điện cho xe ô tô.
Nỗ lực của Trung Quốc : giọt nước trong sa mạc
Thực ra Trung Quốc đã ý có một sự chuẩn bị để sống trong một thế giới xanh tươi hơn, lành mạnh hơn. Chẳng hạn như một nhà máy nhiệt điện ở Thượng Hải, dù phải sử dụng than đá để cung ứng 10 % điện cho thành phố nhưng nhóm kỹ sư của nhà máy này đã sử dụng một phương pháp mới để giới hạn lượng khí thải CO2.
Đơn giản là thay vì thải khí carbone, thì nhà máy tìm cách nhốt CO2 lại, chôn xuống lòng đất hoặc tích trữ để sử dụng vào những công việc khác như là chế tạo bia hơi, hay nước ngọt có ga, các loại nước sô-đa. Tuy nhiên phương pháp này chưa hoàn hảo, vì dù giới hạn được khí thải CO2 nhưng các chất gây ô nhiễm và độc hại khác như thủy ngân hay ni-tơ vẫn bị thất thoát ra ngoài.
Nhiều sáng chế khác để làm sạch nước và không khí, hay tiết kiệm năng lượng đã ra đời tại Trung Quốc. Trong số đó phải kể đến thí nghiệm của tập đoàn năng lượng sạch ENN, trụ sở tại Lang Phường, tỉnh Hà Bắc. Cơ quan này đang dùng lục bình để tẩy không khí.
Một nhà tiên phong khác trong lĩnh vực làm sạch môi trường là kiến trúc sư Du Không Kiên (Yu Kongjian) : từ nhiều năm qua, ông chủ trương, lọc tẩy nước bẩn bằng các loài thảo mộc thiên nhiên. Nhiều công trình của ông đã thành công. Đáng chú ý nhất là việc tẩy nước bẩn trên dòng sông Hoàng Phố ở Thượng Hải. Năm 2010 kiến trúc sư họ Du này đã tham gia dự án đấu thầu của thành phố Minneapolis để làm sạch một khúc của dòng sông huyền thoại Mississippi.
Trong các cuộc hội thảo, kiến trúc sư Du Không Kiên luôn giải thích vì sao ông tin vào sức mạnh của thiên nhiên để tẩy các chất hóa học làm ô nhiễm mạch nước hay đất đai. Trong cuộc trường chinh đó, nhà kiến trúc người Hoa này trông cậy vào ý thức và kiến thức cơ bản của những bác nông phu thực sự yêu và sống với ruộng đồng. Theo ông, Trung Quốc chỉ có thể chinh phục được lòng người nếu thành công trong mục tiêu gìn giữ môi trường và bảo vệ thiên nhiên : « Tôi tin chắc vào một điều : Trung Quốc sẽ không thể phô trương sức mạnh với những đập thủy điện khổng lồ. Thế nhưng người Trung Quốc sẽ được tôn trọng và nể phục nếu như chúng ta biết góp phần bảo vệ môi trường, để cho thiên nhiên mãi mãi xanh tươi. Đó mới thực sự là sức mạnh của Trung Quốc cũng như là sự sống còn đối với một quốc gia đông dân như đất nước của tôi ».
Câu hỏi đặt ra là những ý tưởng cao đẹp của một số cá nhân, những sáng kiến của một số các chuyên gia liệu rằng sẽ có được phổ biến rộng rãi hay không. Khi biết rằng đối với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, đối với các chính quyền cấp vùng, tăng trưởng kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Trước mắt những nỗ lực để đảo ngược tình huống trên vấn đề ô nhiễm không khí, nước hay chống hủy hoại môi trường của Trung Quốc mới chỉ là những giọt nước trong sa mạc.
Tư liệu
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
Hiệp định tự do mậu dịch, "vũ khí" của Mỹ và TQ
Các nước trong vùng Châu Á Thái Bình Dương đang đứng trước sự chọn lựa giữa hai sáng kiến thành lập khu vực tự …Thực trạng kinh tế xã hội và cuộc chiến quyền lực tại Việt Nam
Kinh tế đình đốn, thất nghiệp gia tăng, tệ nạn xã hội ngày càng nhiều, đời sống người dân lao động ngày càng hết sức khó …Nhiều thách thức chờ đợi tân Tổng thống Indonesia
Đẩy mạnh những tiềm năng sẵn có, tạo đà đưa Indonesia trở thành một trong mười nền kinh tế hàng đầu thế giới là điều tân tổng …« Cởi trói » cho thị trường để giải quyết thất nghiệp
Pháp có nhiều tiềm năng kinh tế, nhưng để phát triển đúng mức cần trị tận gốc ba căn bệnh : sự ngờ vực, thủ tục rườm rà và …Thế giới lo ngại khi dầu hỏa mất giá
Bất chấp xung đột và khủng hoảng địa chính trị tại một số quốc gia sản xuất dầu hỏa, giá vàng đen giảm hơn 20 % từn tháng 6 đến đầu …Kinh tế Brazil trong sương mù
Viễn cảnh một nhiệm kỳ thứ hai đầy bất trắc đang mở ra với tổng thống mãn nhiệm Brazil, Dilma Rousseff. Đình trệ kinh tế toàn cầu đe dọa xua tan …
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
No comments:
Post a Comment