Saturday, November 22, 2014

TQ lập ADIZ trên Biển đông: Buộc TQ phải dừng lại!

TQ lập ADIZ trên Biển đông: Buộc TQ phải dừng lại!

(Tình hình Biển Đông - Vấn đề Biển Đông) - "TQ đã phải từ bỏ ý định lập vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, VN cũng sẽ buộc TQ phải dừng lại".

Tiếp tục bày tỏ quan ngại trước nhận định khả năng TQ sẽ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông giống như biển Hoa Đông, Đại tá Nguyễn Tấn Vạn – Chính ủy Bộ chỉ huy quân đội tỉnh Bạc Liêu, ĐQH Bạc Liêu cho rằng, đó là quan ngại chung của các nước trong khu vực chứ không riêng gì Việt Nam.
Đại tá Vạn cho hay, từ những hoạt động TQ đang tiếp tục xây dựng nhà ở trái phép trên đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tổ chức một đơn vị đồn trú quân sự và bắt đầu thiết lập một hệ thống tuần tra tại cái gọi là "thành phố Tam Sa" trong năm nay, mở rộng cơ sở hạ tầng, xây dựng trường học và đẩy mạnh du lịch tại khu vực theo đánh giá của các chuyên gia Biển Đông thì nhiều khả năng TQ sẽ thành lập vùng ADIZ để chứng minh chủ quyền trên Biển Đông giống như biển Hoa Đông.
Ảnh chụp cuối tháng 6 cho thấy Trung Quốc tăng số lượng thiết bị và vật liệu xây dựng tại bãi đá Gạc Ma. Ảnh: THE PHILIPPINE STAR
Ảnh chụp cuối tháng 6 cho thấy Trung Quốc tăng số lượng thiết bị và vật liệu xây dựng tại bãi đá Gạc Ma. Ảnh: THE PHILIPPINE STAR
Ủy ban ANQP đã lên tiếng, vẫn tiếp tục theo dõi, phòng ngừa đồng thời vẫn có những giải pháp đấu tranh, ngăn chặn không để điều đó xảy ra.
"Đây là quan ngại chung của các nước trong khu vực, nhưng VN phải kiên trì đấu tranh không để TQ thực hiện được ý đồ, áp đặt chủ quyền trên Biển Đông. Đó là những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển đông (DOC)", Đại tá Vạn nói.
Đại tá Vạn cho rằng, VN cần đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, tiếp tục khẳng định chủ quyền, tranh thủ sự ủng hộ từ dư luận quốc tế. Bởi lẽ, nếu TQ lập vùng nhận diện phòng không đồng nghĩa với việc VN, các nước trong khu vực và ngay cả các nước khác trên thế giới có chung quyền lợi trên Biển Đông đều bị rơi vào tình thế bất lợi.
Khi TQ công bố vùng ADIZ, tức là tất cả những nước có không phận trong vùng nhận diện phòng không này phải chịu sự kiểm soát của nước công bố, cụ thể là TQ.
Như vậy, việc ra vào khu vực đó phải chịu sự kiểm soát, hạn chế cũng có thể tạm thời không cho sử dụng hoặc phải được sự cho phép của TQ mới được đi qua. Tức là tự do hàng hải, tự do hàng không đã bị vi phạm và phải chịu sự kiểm soát của TQ.
Đối với VN, các hoạt động kiểm tra, tuần tra, tiếp tế, thám sát, bảo vệ của VN tại vùng biển Trường Sa sẽ bị hạn chế, gặp phải khó khăn. Điều này là rất nguy hiểm.
"Tôi tin vấn đề này sẽ được tháo gỡ, không làm phức tạp thêm tình hình. Trong cam kết hai nước đã thể hiện rất rõ, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ trang, không dùng vũ lực. VN không lựa chọn biện pháp đầu tranh bằng hình thức đối đầu, VN không mong muốn và điều đó sẽ không xảy ra".
Do đó, ông Vạn cho rằng vấn đề này sẽ được giải quyết thông qua các cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao giữa hai nước, thông qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa các lãnh đạo cấp cao, giữa quốc phòng VN và TQ.
Và thực tế, thời gian qua trên mặt trận ngoại giao VN đã đạt được những thành công nhất định. VN đã nhận được sự ủng hộ của các nước trong khối ASEAN và các nước khác có chung quyền lợi trên Biển Đông.
Vị Chính ủy Bộ chỉ huy quân đội tỉnh Bạc Liêu cũng nhận định trong hoàn cảnh TQ vẫn giữ quan điểm, quyết tâm thực hiện ý đồ sẽ là rất khó cho VN, tuy nhiên VN vẫn phải kiên nhẫn, kiên trì, đấu tranh lâu dài, cương quyết.
Đại tá Vạn cho hay, VN có đủ bằng chứng, pháp lý để chứng minh chủ quyền của mình. VN cần tiếp tục đấu tranh, buộc TQ phải thực thi theo đúng luật pháp quốc tế.
"TQ đã phải từ bỏ ý định lập vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, VN cũng sẽ buộc TQ phải dừng lại".
ĐBQH Phan Văn Tường – Phó tư lệnh Quân khu 1, Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng cho rằng, Bộ Quốc phòng sẽ có những bàn bạc đưa ra giải pháp đấu tranh phù hợp trên tinh thần "tăng đối tác, giảm đối tượng", vừa hợp tác vừa đấu tranh.
Theo ông Tường, nếu TQ công bố vùng ADIZ trên Biển Đông VN sẽ bị đặt vào tình thế bất lợi. Tuy nhiên, có hai khả năng, một là công bố để công bố; hai là công bố kèm giải pháp.
Trong trường hợp, TQ công bố vùng ADIZ kèm những giải pháp nhằm duy trì quyền kiểm soát trong khu vực thì VN sẽ có phân tích và đưa ra những biện pháp đấu tranh phù hợp.
"Tôi không nhận định chủ quan, nhưng trong thời gian tới nếu TQ có công bố vùng nhận diện phòng không thì giải pháp đề kiểm soát, khẳng định quyền của TQ là chưa nhiều", vị đại biểu này nhận định.
Trong diễn biến khác, ngày 20/11, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua một loạt nghị quyết, trong đó có nghị quyết tái khẳng định sự cần thiết phải tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Nghị quyết mang mã số H.Res-714, do Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Eni Faleomavaega bảo trợ, đã được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nhất trí thông qua, trong đó tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ và Quốc hội Mỹ đối với các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình và trên cơ sở các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được các nước công nhận đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Nghị quyết H.Res-714 cũng lên án mọi hành động cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực gây cản trở các quyền tự do tại các vùng biển và không phận quốc tế.
Nghị quyết hối thúc Trung Quốc kiềm chế thực thi quyết định Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông, coi đây là một hành động đi ngược quyền tự do bay qua không phận quốc tế, hối thúc nước này không có các hành động tương tự tại các vùng biển khác của châu Á-Thái Bình Dương.
Đây là lần thứ hai trong năm nay Mỹ thể hiện thái độ mạnh mẽ đối với sự leo thang căng thẳng của Trung Quốc tại biển Đông.
Bình luận về sự kiện này, ông Nguyễn Tấn Vạn nhắc lại khẳng định quan điểm của VN là không dựa vào nước thứ ba để chống lại TQ.
Theo ông Vạn, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết Biển Đông cho thấy Mỹ rất quan tâm tới vấn đề trên Biển Đông và quan tâm tới những hành động vi phạm chủ quyền, vi phạm nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông của TQ thời gian gần đây. "Đây được xem là lời cảnh báo cho TQ trước bất kỳ hành động nào cũng phải suy nghĩ, ứng xử cho đúng luật", ông Vạn nói.
"VN khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông nhưng VN cũng khẳng định rất rõ không dựa vào nước thứ ba để chống lại TQ", ông Vạn tái nhắc lại.
  • Vũ Lan

No comments:

Post a Comment