Đánh giá chính sách ngoại giao Châu Á của Shinzo Abe
Chính sách ngoại giao của Shinzo Abe chưa chắc gì mang lại kết quả và giúp giảm căng thẳng tại Đông Á - REUTERS /Toru Hanai
Vào ngày 14/12/2014, Nhật Bản tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn. Nhân dịp này, báo Japantimes, số ngày 04/12/2014, có bài xã luận « Đánh giá về chính sách ngoại giao Châu Á của Abe ».
Trong hai năm qua, kể từ khi quay lại cầm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã đi thăm 50 nước – một kỷ lục đối với một lãnh đạo cấp cao Nhật Bản – nhằm thúc đẩy một chính sách « ngoại giao hòa bình chủ động ». Thế nhưng, chưa có gì rõ ràng là liệu các sáng kiến ngoại giao của ông mang lại kết quả và đóng góp thực sự vào việc giảm các căng thẳng tại Đông Á hay không, vào lúc các quan hệ của Nhật Bản với các láng giềng cận kề vẫn còn căng thẳng.
Trong khi các lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc tìm cách sử dụng các vấn đề lịch sử đối với Nhật Bản để thúc đẩy các lợi thế về chính trị ở trong nước họ, thì điều không thể phủ nhận được là những nghị kỵ của hai nước láng giềng về quan niệm xét lại của ông Abe đối với lịch sử hiện đại, đặc biệt là các cuộc chiến tranh, cũng như quyết định của nội các Abe diễn giải lại Hiến pháp cho phép Nhật Bản có thể thực hiện các hành động phòng thủ tập thể.
Ngay trước khi giải thể Hạ viện để cho bầu cử trước hạn, ông Abe đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất hai nước – tại Bắc Kinh, bên lề Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương hồi đầu tháng 11. Hai bên đã đồng ý có các nỗ lực để thúc đẩy quan hệ song phương, vốn bị giá lạnh do các vấn đề lịch sử chiến tranh và do tranh chấp đối với quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông.
Ngay trước cuộc gặp này, Tokyo và Bắc Kinh đã đăng một tuyên bố bốn điểm theo đó, hai nước thỏa thuận thúc đẩy quan hệ chiến lược cùng có lợi, thiết lập một cơ chế quản lý khủng hoảng nhằm ngăn ngừa việc phát triển các tình huống không lường trước và từng bước tái khởi động đối thoại về các vấn đề chính trị, ngoại giao và an ninh.
Theo bản tuyên bố, hai nước, trong tinh thần thẳng thắn đối mặt với lịch sử và tiến về tương lai, chia sẻ thừa nhận về những khó khăn chính trị ảnh hưởng đến mối quan hệ hiện nay giữa hai nước. Văn bản cũng nói rằng Nhật Bản và Trung Quốc có những quan điểm khác nhau về căng thẳng gần đây liên quan đến Senkaku – một sự ám chỉ mà truyền thông do đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý cho rằng Nhật Bản thừa nhận là có tồn tại tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về các hòn đảo nhỏ này.
Đây là một tuyên bố ngoại giao được soạn thảo một cách cẩn thận, cho phép dẫn tới cuộc hội đàm giữa Abe và Tập Cận Bình, đánh dấu bước tiến đầu tiên hướng tới việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Nhưng vài ngày sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Fumio Kishida đã dội một gáo nước lạnh khi tuyên bố trước Hạ viện Nhật Bản rằng bản tuyên bố không có tính ràng buộc pháp lý và không phải là một cam kết quốc tế.
Mặt khác, một nguồn tin từ đảng Cộng sản Trung Quốc phàn nàn với báo chí là bản tuyên bố này là không thỏa đáng bởi vì không nhắc đến việc tạm gác lại tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Senkaku và cam kết từ phía ông Abe không đi thăm đền thờ Yasukuni, nơi thờ phụng không chỉ người Nhật bỏ mình vì tổ quốc, mà cả những kẻ phạm tội ác chiến tranh loại A.
Hai tuần sau cuộc gặp Abe-Tập Cận Bình, ba tàu tuần dương Trung Quốc đã xâm nhập vào hải phận của quần đảo Senkaku. Những diễn tiến này gây ra các nghi ngờ về ý nghĩa của cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước nhằm thúc đẩy quan hệ song phương tiến về phía trước. Đây là lý do vì sao Nhật Bản lại hợp tác với các nước khác, bao gồm Hoa Kỳ cũng như các quốc gia Đông Nam Á, như Việt Nam và Philippines, những nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại Biển Đông và kêu gọi thực hiện luật pháp quốc tế về tự do lưu thông hàng hải nhằm ngăn cản Trung Quốc có các hoạt động thiết lập một sự bá quyền hàng hải trong vùng biển này. Nếu Nhật Bản nhấn mạnh đến mối đe dọa do Trung Quốc gây ra và có các biện pháp bảo đảm an ninh cho mình, thì các nghi ngờ của Trung Quốc về ý đồ của Nhật Bản có thể là sâu nặng hơn – mà kết quả là không tạo thuận lợi cho việc ổn định an ninh khu vực.
Mối quan hệ của Nhật Bản với Hàn Quốc còn có nhiều khó khăn do các bất đồng liên quan đến vấn đề « gái giải sầu », những người phụ nữ bị cưỡng bức phục vụ tình dục cho quân đội Nhật, trong các trạm giải sầu ở mặt trận, vào thời kỳ những năm 1930 và 1940. Đích thân ông Abe đã có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Việc chính quyền Hàn Quốc kết tội một cựu trưởng văn phòng của báo Sankei Shimbun ở Seoul về những cáo buộc được đăng trên báo nhắm vào bà Tổng thống Park cũng đã làm u ám thêm quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Rất tiếc là triển vọng thúc đẩy mối quan hệ giữa hai láng giềng trong tương lai vẫn còn mờ nhạt.
Ông Abe đã cố gắng giải quyết vấn đề các công dân Nhật bị tình báo Bắc Triều Tiên bắt cóc, qua việc bãi bỏ một phần các trừng phạt kinh tế nhắm vào đất nước khép kín này, hồi tháng Bẩy, đổi lấy việc Bình Nhưỡng hứa sẽ điều tra làm rõ số phận những người bị bắt cóc. Việc giải quyết hồ sơ này đòi hỏi phải có những phối hợp giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên không thể giải quyết được mà không có sự hợp tác giữa Nhật Bản và các thành viên khác trong vòng đàm phán sáu bên về hồ sơ này, bao gồm cả Trung Quốc và Nga. Tái dựng lòng tin với Trung Quốc và Hàn Quốc là cần thiết với Nhật Bản vào lúc Tokyo cố gắng xử lý các hồ sơ trong quan hệ với Bắc Triều Tiên.
Người ta tự hỏi phải chăng ông Abe có hiểu được tầm quan trọng của sự cần thiết này hay không. Khi đi thăm đền thờ Yasukuni, hồi tháng 12/2013, ông Thủ tướng đã không chỉ làm dấy lên những chỉ trích mạnh mẽ từ phía Trung Quốc và Hàn Quốc, mà Hoa Kỳ cũng bất đồng ; Washington ngày càng cảnh giác về mối quan hệ căng thẳng giữa Tokyo với các láng giềng Đông Á.
Theo báo chí, các hành động mang tính xét lại lịch sử của ông Abe lúc nào cũng làm cho Bắc Kinh và Seoul bực tức, bị Washington coi là một tín hiệu tiêu cực và gây mất ổn định. Ông Abe cần phải hiểu rằng lời kêu gọi của ông theo đó, cần có một sự khởi phát từ một chế độ hậu chiến, có thể được diễn giải như là một sự chối bỏ những phán quyết của Tòa án Quân sự Quốc tế khu vực Viễn Đông, tại đó, các lãnh đạo chiến tranh của Nhật Bản bị xét xử dưới thời Mỹ chiếm đóng và bản thân giai đoạn này thuộc về thời kỳ hậu chiến quốc tế - và điều này có thể đưa đến việc cô lập Nhật Bản đối với cộng đồng quốc tế.
Các cử tri, khi đi bỏ phiếu ngày 14/12, sẽ không quên tính tới đường lối và các kết quả trong chính sách ngoại giao của chính quyền Abe.
No comments:
Post a Comment