Ngoại trưởng Mỹ nói IS bị tổn thất nặng

  • 5 giờ trước
IS bị cho là đã tra tấn và sát hại những người không theo cùng tôn giáo
Các cuộc không kích của liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu tấn công nhóm Hồi giáo cực đoan IS đã giáng những tổn hại "to lớn" cho khả năng hoạt động của IS, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói.
Ông Kerry nói chiến dịch chống lại IS có thể kéo dài hàng năm, nhưng liên quân sẽ tiếp tục hành động "chừng nào còn cần thiết".
Hoa Kỳ trước đó nói rằng Iran chứ không phải là một thành viên trong liên quân đã tiến hành các vụ không kích vào IS ở Iraq.
Tuy nhiên, Iran bác bỏ điều này.
Hoa Kỳ nói đã không hề có sự phối hợp gì với Iran trong bất kỳ cuộc không kích nào.
IS kiểm soát các vùng rộng lớn ở Syria và Iraq, áp dụng các quy định hà khắc trong luật Hồi giáo Sunni và tra tấn hoặc thậm chí sát hại những người không theo cùng tôn giáo.

'Nguy hiểm cho tất cả'

Ông Kerry phát biểu tại cuộc họp của các quan chức từ tất cả các nước có tham gia liên quân, đang nhóm họp tại Brussels.
"Trách nhiệm của chúng ta nhiều khả năng sẽ được tính bằng năm, nhưng các nỗ lực của chúng ta đến nay đã có tác động to lớn," ông nói.
Hai tháng không kích đã "làm giảm vai trò của Daesh [IS] và gây tổn thất cho năng lực hậu cần và hoạt động của tổ chức này".
Nhờ có hành động của liên quân, ông nói, IS đang trở nên ngày càng khó khăn hơn trong việc "tập trung lực lượng và sức mạnh để di chuyển thành từng đoàn xe và tiến hành các vụ tấn công có phối hợp".
"Không một đơn vị Daesh lớn nào có thể tiến lên một cách hung hăng mà không phải lo nghĩ về việc rồi sẽ có cái gì từ trên trời giáng xuống," ông Kerry nói.
Theo một danh sách do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lập thì ít nhất có 62 quốc gia là thành viên của liên quân, tuy hầu hết đều không có vai trò trực tiếp nào trong các vụ không kích.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hiện đang có mặt tại cuộc họp bên cạnh các ngoại trưởng từ Liên hiệp Âu châu, các nước trong khối Ả rập và các nước khác.
Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về chiến lược quân sự thích hợp nhất nhằm đối phó với IS và ngặn chặn việc các chiến binh nước ngoài tới Iraq và Syria.
Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang có những khác biệt to lớn, với việc Thổ Nhĩ Kỳ đòi thiết lập một khu vực an toàn chạy dọc một phần biên giới của nước này với Syria trước khi cho phép dùng các căn cứ quân sự của Thổ làm nơi tiến hành các vụ không kích.

'Chẳng có gì thay đổi'

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Thiếu tướng hải quân John Kirby nói Hoa Kỳ đã nhận được những chỉ dấu cho thấy Iran đã có các cuộc không kích riêng vào Iraq trong những ngày gần đây.
Iran, quốc gia do người Hồi giáo Shia nắm quyền, có quan hệ gần gũi với chính phủ Iraq cũng do người Shia lãnh đạo, vốn đang khó khăn trong việc đối phó với IS ở miền bắc và miền tây.
Người ta cho rằng các chiến đấu cơ Phantom của Iran đã tấn công tỉnh Diyala ở miền đông, nơi quân chính phủ Iraq đang giao tranh với các tay súng.
Một chiếc phi cơ được hãng truyền thông Al-Jazeera có trụ sở chính tại Qatar ghi hình bay ở Iraq đã được tuần báo Quốc phòng xác định là chiếc Phantom của Iran.
"Chẳng có gì thay đổi về chính sách của chúng tôi về việc không hợp tác phối hợp quân sự với Iran," Thiếu tướng Kirby nói.
Một quan chức Iran giấu tên nói với Reuters: "Iran chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ cuộc không kích nào chống lại các mục tiêu của Daesh ở Iraq. Bất kỳ sự phối hợp nào với Hoa Kỳ trong các cuộc tấn công như vậy đều không có sự tham gia của Iran."
Trước đó, phó tổng tham mưu trưởng các lực lượng có vũ trang của Iran, Tướng Massound Jazayeri được dẫn lời nói trên hãng thông tấn của Iran rằng việc Iran hợp tác với liên quân để đánh bom các mục tiêu IS là "hoàn toàn sai sự thật".
Ông nói Iran cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm về "tình trạng bạo loạn và các rắc rối" ở Iraq và rằng Hoa Kỳ"chắc chắn không có chỗ trong tương lai của quốc gia đó".
Kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo 1979 tới nay, Hoa Kỳ và Iran đã luôn căng thẳng.