Wednesday, December 10, 2014

Trung Quốc thật sự là nền kinh tế số một thế giới ?

Trung Quốc thật sự là nền kinh tế số một thế giới ?

mediaPhố Đông, khu vực mới của Thượng Hải bên bờ đông sông Hoàng Phố, theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Trung Quốc sẽ lên hạng đầu cuối năm 2014 - REUTERS /Aly Song
    Do đình công bộ phận in ấn, các nhật báo Pháp hôm nay không đến tay bạn đọc, trừ Le Monde ra từ chiều hôm qua. Dĩ nhiên thời sự Pháp được dành ưu tiên cho Serge Lazarevic, con tin Pháp cuối cùng được trả tự do. Tuy nhiên, sự kiện Trung Quốc vươn lên thành nền kinh tế số một hành tinh đã được tờ báo lớn Le Monde mổ xẻ với câu hỏi thành tựa « Kinh tế Trung Quốc trước kinh tế Mỹ ? ». Đối với Le Monde đó chỉ là « Một vấn đề chỉ số ».
    Tác giả bài viết Anne Eveno, nhắc lại từ nhiều năm qua người ta đã nêu lên vấn đề này. Sau khi trở nên cường quốc thương mại hàng đầu vào năm 2013, với lượng trao đổi cao hơn Hoa Kỳ, thì Trung Quốc đã lên bệ phóng để trở thành cường quốc kinh tế số 1 của thế giới. Trong số liệu công bố tháng 10 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cho biết là Trung Quốc sẽ đứng đầu bảng vào năm 2014 này. 
    Theo số liệu của FMI, tính theo chỉ số sức mua – PPA, GDP của Trung Quốc vào cuối năm nay sẽ là 17.632 tỷ đô la, nhỉnh hơn một chút so với GDP của Mỹ là 17.416 tỷ. Năm 2013, theo Le Monde, hai nước cũng đã sít soát nhau, nhưng Hoa Kỳ vẫn còn trội hơn một chút. 
    Đầu năm nay, Ngân hàng Thế giới cũng loan báo Trung Quốc sẽ đứng đầu vào năm 2014. Trước đây thì Ngân hàng Thế giới đã ra thời hạn cho sự kiện này vào năm 2019. 
    Tuy nhiên, theo bài báo, sự kiện được xem như "cách mạng" này lại không được mấy ai quan tâm, cho đến khi chủ đề được nêu bật trở lại dưới ngòi bút của nhà bình luận Brett Arends của Market Watch. 
    « Chính thức rồi ! Mỹ đứng hạng nhì ! »  
    Dưới tựa đề : « Chính thức rồi ! Mỹ đứng hạng nhì ! », Brett Arends nói đến một vụ « động đất địa chính trị » vì Mỹ không còn là cường quốc kinh tế mạnh nhất thế giới, mất đi vị trí chiếm giữ từ 1872, sau khi đánh bật Anh Quốc. 
    Tuy nhiên bài báo lưu ý, đó là tính theo chỉ số PPA, còn nếu tính GDP theo tỷ giá hối đoái, thì Hoa Kỳ vẫn hơn xa Trung Quốc, GDP của Mỹ sẽ là 17.416 tỷ, còn của Trung Quốc chỉ là 10.355 tỷ. 
    Thậm chí, nếu người ta đo lường sự hùng mạnh kinh tế của một nước qua chỉ số thu nhập bình quân đầu người thì Trung Quốc tuột xuống hàng thứ 89 thế giới, và quốc gia đứng đầu hiện nay là Qatar.
    Bài báo cũng trích nhận định của kinh tế gia Philippe Waecher, của Natixis Asset, cho là việc Trung Quốc có GDP tính theo chỉ số PPA cao nhất thế giới, phải được xem như « mức đo lường sức trỗi dậy của Trung Quốc, phản ánh sự hùng mạnh kinh tế và chính trị mà Trung Quốc không có cách đây 10 năm ». 
    Điều này cũng cho thấy là kinh tế Mỹ và các nước công nghệ phát triển không còn ở mức có thể cho phép họ làm mưa làm gió nữa, mà bây giờ phải tính đến Trung Quốc. Và Châu Âu, theo kinh tế gia Philippe Waecher, phải tính đến cách duy trì được chỗ đứng. 
    Chênh lệch giàu nghèo ngày càng dữ dội 
    Trong một bài khác cũng về kinh tế chạy tựa đầu trên trang nhất, Le Monde ghi nhận : « Hố chênh lệch giữa người giàu và nghèo không ngừng sâu thêm từ 30 năm nay ». 
    Le Monde nêu số liệu công bố hôm 09/12/2014, của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE về các nước thành viên giàu có của mình, cho thấy một bối cảnh không đáng lạc quan chút nào : Thu nhập của số 10% giàu nhất cao đến gần 10 lần (9,5 lần) thu nhập số 10% nghèo nhất. Trong những năm 1980, chênh lệch này chỉ là 7 lần. 
    Chênh lệch gia tăng tác hại đến tăng trưởng kinh tế, vì ảnh hưởng trên giáo dục, đào tạo, ngành nghề. Trong bài xã luận, tờ báo nêu bật trở lại hiện tượng chưa bao giờ hố chia cách giàu nghèo trong 34 thành viên của OCDE lại sâu đến mức này và hầu như đang trở lại tình hình đầu thế kỷ 20.
    Tờ báo nêu lên hiện tượng những kẻ giàu nhất ngày càng tránh được thuế, những người nghèo nhất sống sót nhờ trợ cấp, còn tầng lớp trung bình chịu gánh nặng thuế, giáo dục, đào tạo đắt đỏ lại cản trở sự tiến thân của họ. 
    Tờ báo phân tích và nhắc nhở là một bối cảnh như thế không thể nào không có ảnh hưởng chính trị Nó giải thích phần nào sự hoang mang của một phần không nhỏ cử tri Âu Mỹ, sự mất tin tưởng vào tầng lớp chính trị. 
    Trong mắt tác giả bài viết, bất bình đằng ngày càng sâu là "đại lộ" để các đảng phái cực đoan đi lên. Le Monde kêu gọi các đảng trung tả, trung hữu nắm quyền phải xắn tay áo, xem xét lai chính sách thuế và vấn đề phân chia tài sản quốc gia. 
    Pháp không còn con tin 
    La Croix trong bài xã luận ngay trang nhất tóm lược ý chung sau vụ Serge Lazarevic, con tin Pháp cuối cùng được trả tự do. Trong hàng tít tờ báo nói đến « niềm vui và nỗi đau khổ đối với con tin được tự do ». 
    Theo la Croix việc trả tự do này lại nhắc lại số phận của các người, phương tây hay dân tại chỗ bị các tổ chức thánh chiến bắt làm tù nhân. 
    Về thời sự quốc tế, nổi bật là báo cáo về phương thức hỏi cung của CIA, công bố hôm qua. La Croix nêu bật trong hàng tựa trang thế giới : « Cách hỏi cung của CIA quá tàn nhẫn và không hiệu quả ». Le Monde thì nhìn thấy : « Obama đối diện với khía cạnh đen tối của chiến dịch chống khủng bố ». 
    Seoul hứa hẹn hòa giải với Tokyo 
    Nhìn về Châu Á hôm nay, báo Les Echos chú ý đến Hàn Quốc : « Cam kết hòa giải với Tokyo», một tựa trang quốc tế. 
    Tờ báo trở lại phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye vào hôm qua. Khi khai mạc Hội nghị chính trị quốc tế - World Policy Conference (WPC), bà đã thông báo sẽ có một cuộc họp thượng đỉnh tay 3 với lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản. 
    Les Echos nhắc lại là từ 2008 đến 2012, lãnh đạo 3 nước đã gặp nhau 5 lần trong các cuộc họp thượng đỉnh 3 bên để cố gắng ‘định chế hóa’ quan hệ của họ và tạo hào quang trên sân khấu thế giới cho đất nước của họ, mà gộp lại chiếm đến 25% GDP thế giới. 
    Nhưng từ năm 2012, với Tập Cận Bình, thì đã không có cuộc gặp tay 3 nào, cho nên Tổng thống Hàn Quốc đã nhấn mạnh : « Cần phải vãn hồi sự tin tưởng ở Đông Bắc Á ». 
    Bà Park Geun Hye đã tiết lộ là ngoại giao Hàn Quốc đang làm việc ráo riết để tổ chức cuộc họp tay 3 vào năm tới đây. 
    Theo Les Echos, Seoul đang thương lượng với Tokyo để hai bên xích lại gần nhau, như Trung Quốc và Nhật Bản đã làm trong những tháng qua. Điều kiện của Seoul là Tokyo phải tôn trọng lịch sử, không chối bỏ tội ác thời chiếm đóng bán đảo Triều Tiên nửa đầu thế kỷ 20. 
    Đối với Les Echos thì khó mà Seoul và Tokyo xích lại gần nhau một cách êm thắm được. Tờ báo cho là nếu các chuyên gia hoan nghênh ý muốn này thì họ vẫn không tin 3 nước lớn Đông Á có thể ‘che phủ’ quá khứ đầy tranh chấp của họ. 
    Một nhà ngoại giao Pháp cho là « di sản chiến tranh thế giới thứ hai vẫn còn đè quá nặng lên vùng này, và đến nay không có một tiến trình hòa giải như mô hình xích lại gần nhau Pháp-Đức, cơ sở cho công trình xây dựng Châu Âu ». 
    Như chứng minh cho lời đánh giá trên, Les Echos nêu sự kiện các nhà ngoại giao Trung Quốc và Nhật Bản hôm qua tại Hội nghị WPC đã đấu khẩu với nhau liên quan đến quá khứ, khi phía Nhật cố giải thích quan điểm của Tokyo về đến Yasukuni. 
    Nhà ngoại giao Trung Quốc còn hỏi : « Người Châu Âu sẽ nói gì nếu Thủ tướng Đức đến viếng một ngôi đền vinh danh Adolf Hitler ? » 
    Du lịch 2015 dưới tác động của địa chính trị 
    Năm 2014 sắp kết thúc, Le Monde ở trang « Phong cách – Style » đã nhìn sang 2015, chuẩn bị cho khách du lịch, nhìn thấy trong hàng tựa : « Du lịch năm 2015 : Địa chính trị đã vẽ nên một địa hình mới ». 
    Tờ báo trích dẫn danh sách các nơi nên đến mà các site du lịch, những người hướng dẫn, những chuyên san và cả những du khách lập ra, từ những nơi không thể bỏ qua, đến những nơi kỳ lạ. 
    Theo Le Monde , tuy đề nghi khá tản mạn, nhưng cũng thấy được một số nơi chủ yếu : Brazil, một năm sau Cúp Bóng đá Thế giới, vẫn là nơi du lịch thời thượng, được các trang web và sách hướng dẫn du lịch như Lonely Planet xếp trong 10 địa điểm hàng đầu cần đến trong năm 2015. 
    Về Châu Á thì họ đã xếp các nước Cam Bốt, rồi Việt Nam, Sri Lanka, tiếp theo là Miến Điện, Thái Lan, và không quên Singapore mà vào năm tới đây sẽ mừng sinh nhật thứ 50. Theo Le Monde, đó là những nơi được liệt vào danh sách những địa điểm không thể bỏ qua. 
    Châu Âu có vẻ không được các trang mạng quan tâm nhiều, một vài nước được nêu : Island, Nga, Rumani, Croatia, Scotland... Trung Đông không mấy được khuyến khích do tình trạng các tổ chức thánh chiến. Ngược lại Lonely Planet khuyên du khách đến một nơi vừa lạ vừa tuyệt đối an toàn : Nam Cực.
    Cùng chủ đề

    No comments:

    Post a Comment