Vàng vẫn là dự trữ an toàn nhất
Các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đua nhau tích trữ vàng. Nhiều quốc gia tại châu Âu đòi hồi hương vàng được ủy thác ở nước ngoài. Đây là dấu hiệu cho thấy tiền mặt đang đánh mất niềm tin và điều này báo trước một cuộc khủng hoảng sắp tới hay chỉ là phản xạ của những người lo xa vẫn tin tưởng vào vàng là một ngoại tệ an toàn nhất ?
Cuối tháng 11/2014, không kèn không trống, Hà Lan đã chuyển 120 tấn vàng từ Mỹ về Amsterdam. Từ nay gần một phần ba dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Hà Lan DNB ngủ yên ngay trên lãnh thổ quốc gia. Để giải thích cho quyết định hồi hương một phần dự trữ vàng quốc gia về nước, ngân hàng DNB cho rằng việc làm đó « đem lại niềm tin cho công luận ».
Trước Hà Lan, năm ngoái, Đức cũng đã thông báo kế hoạch « hồi hương » một phần lớn kho vàng quốc gia đang được cất giữ trong nhà kho của Ngân hàng dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tại New York. Nhưng khác với Amsterdam, Berlin đã không được toại nguyện và đã phải từ bỏ ý định đưa 300 tấn vàng về nguyên quán.
Berlin từ bỏ ý định thu hồi vàng từ Mỹ
Với 3. 386 tấn, Đức là quốc gia có dự trữ vàng lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ thua có nước Mỹ. Khi Thế chiến thứ Hai bùng nổ, rồi tiếp theo đó là chiến tranh lạnh, nước Đức bị chia đôi, Bonn ngay từ những năm 1950 đề phòng trước nguy cơ bị Liên Xô tấn công nên đã ủy thác đến 98% vàng của Cộng Hòa Liên bang Đức ở nước ngoài. Chủ yếu là ở New York, Luân Đôn và Paris. Ngân hàng trung ương Pháp giữ hộ đối tác Đức 374 tấn vàng, tương đương với 11 % tổng dự trữ của nước Đức thống nhất ngày nay.
Từ sau cơn bão tài chính 2008 và nhất là từ 2010 khi một số thành viên trong khối euro lâm vào khủng hoảng tài chính, tại Đức, ngày càng có nhiều tiếng nói đòi Berlin đưa vàng về nước. Đầu năm 2014, Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank thông báo ý dịnh chuyển toàn bộ 374 tấn vàng đang ủy thác tại Pháp về nước. Quyết định này tương đối dễ hiểu, bởi ngày nay Pháp và Đức cùng trong khối euro, cùng sử dụng chung một đơn vị tiền tệ, vàng do đó không là phương tiện thanh toán giữa hai quốc gia châu Âu ngày. Khác với trường hợp của Anh hay Mỹ.
Đối với khối lượng vàng tại Anh, Ngân hàng Trung ương Đức thông báo giữ nguyên 13 % dự trữ vàng quốc gia tại Luân Đôn – khoảng 700 tấn. Ngược lại Berlin muốn đưa ít nhất 300 tấn vàng trên tổng số 1.500 tấn đang được cất giữ ở New York về lại Frankfurt, trụ sở của Bundesbank trước năm 2020. Hiện tại Đức đang ký gửi trong nhà kho của Ngân hàng dự trữ Liên bang Hoa Kỳ 45 % khối lượng vàng của toàn quốc.
Khủng hoảng tài chính châu Âu càng kéo dài, áp lực đòi Berlin hồi hương vàng về Đức càng lớn.
Nhưng dưới những « áp lực ngoại giao » của Washington, đến mùa hè vừa qua Ngân hàng Trung ương Đức từ bỏ kế hoạch đưa vàng về nước với một thông báo chung chung : « Vàng của chúng ta rất an toàn trên đất Mỹ ».
Vàng, một ngoại tệ an toàn
Mới chỉ cách nay vài năm, vàng từng bị chê là “lỗi thời”, nhưng từ khi khủng hoảng tài chính trong khối euro mở màn, chưa bao giờ các ngân hàng trung ương trên thế giới tỏ ra quan tâm đến loại quý kim này hơn bao giờ hết. Nhiều nền kinh tế đang trỗi dậy tích trữ vàng để đa dạng hóa các nguồn dự trữ ngoại tệ bên cạnh hai đơn vị tiền tệ mạnh khác của thế giới là đô la và euro.
Chỉ riêng trong năm 2013 các ngân hàng trung ương trên thế giới mua vào gần 500 tấn vàng. Theo như thống kê của Hội đồng quản lý vàng thế giới- World Gold Council, đây là một kỷ lục chưa từng có từ năm 1964. Và theo các nhà quan sát, kỷ lục của năm 2013 sẽ được vượt qua trong năm nay do trong 10 tháng đầu 2014, các nước Đông Âu đua nhau mua vàng. Nga cũng đã nhâp cuộc và hiện đang giữ trong tay một khối lượng vàng cao nhất kể từ năm 1993 tới nay, với khoảng hơn 1090 tấn.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế tính tới tháng 4/2014 trong 7 tháng liên tiếp không chỉ Nga mà cả Kazakhstan đã mua thêm vàng để dự trữ. Thổ Nhĩ Kỳ, Bélarus và cả Azerbaidjan cũng như Hy Lạp cũng có khuynh hướng tích trữ vàng.
Tại châu Á, theo các số liệu chính thức, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang ngồi trên một khối vàng hơn 1000 tấn, tương đương với 1,6 % khối dự trữ ngoại tệ của nền kinh tế số 2 thế giới này. Nhưng theo giới trong ngành thì dự trữ vàng của Bgân hàng Trung ương Trung Quốc cao gấp ba lần so với các thống kê chính thức vừa nêu. Nếu đúng là như vậy thì Trung Quốc là siêu cường có nhiều vàng thứ nhì trên thế giới chỉ thua có Mỹ mà thôi
Tuy nhiên lượng vàng đang được cất giữ trong kho của Ngân hàng Trung Quốc không thấm vào đâu so với hơn 8000 tấn của Mỹ, và cũng mới chỉ xấp xỉ so với 3.500 tấn của Đức.
Tuy nhiên lượng vàng đang được cất giữ trong kho của Ngân hàng Trung Quốc không thấm vào đâu so với hơn 8000 tấn của Mỹ, và cũng mới chỉ xấp xỉ so với 3.500 tấn của Đức.
Nhìn chung theo thống kê của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu đang kiểm soát 1/5 khối lượng vàng của thế giới cho dù là từ năm 1973, chế độ bản vị vàng đã bị xóa bỏ.
Đối với hầu hết các đơn vị tiền tệ trên thế giới, không còn một đồng tiền nào được cột chặt vào kim loại này. Thế nhưng như phân tích của ông Didier Bruneel, cựu nhân viên Ngân hàng Trung ương Pháp, Banque de France và cũng là tác giả của cuốn « Những bí mật của vàng », từ muôn thuở, vàng luôn là « biểu tượng của sức mạnh và sự giàu có (…) và vẫn luôn được coi là phương tiện thanh toán sau cùng được quốc tế công nhận trong mọi trường hợp ».
Điều đó đã được chứng minh qua rất nhiều các cuộc khủng hoảng, từ khủng hoảng dầu hỏa ở những năm 1970 cho tới gần đây hơn là khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008. Mỗi lẫn như vậy, giá vàng lại được đẩy lên cao chót vót.
Nghiên cứu mới nhất của tổ chức mua bán vàng bạc thế giới World Gold Council trong năm 2013 và cả 2014 các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào rất nhiều vàng để đa dạng hóa các nguồn dự trữ gồm ngoại tệ, công trái phiếu, cổ phiếu bất động sản ...
Từ sau khủng hoảng tài chính 2008 và cho mãi tới cuối 2013 vàng tăng giá. Đồng đô la Mỹ mãi cho tới năm ngoái vẫn « mềm giá » so với euro. Lãi suất của công trái phiếu do chính phủ Mỹ ấn hành tương đối thấp. Nói cách nôm na, buôn đô la hay euro, mua công trái của Hoa Kỳ, lãi thì ít, mà rủi ro thì nhiều.
Nhìn tới châu Âu, kinh tế của khối euro tăng trưởng èo uột, đe dọa những mắt xích yếu kém nhất trong số 18 nước sử dụng đồng tièn chung châu Âu bị loại khỏi eurozone vẫn là một "bản án treo". Nhìn tới một đơn vị tiền tệ đáng tin cậy khác của châu Âu là đồng bảng Anh, thì trong năm 2013 và 2014 đơn vị tiền tệ của Anh Quốc cũng không gây nhiều hào hứng cho các nhà đầu tư. Đó là động cơ khiến các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đua nhau tích trữ vàng.
Tích trữ vàng đề phòng rủi ro khối euro tan vỡ ?
Bên cạnh việc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đua nhau tích trữ vàng, điều đáng chú ý hơn là tại sao gần như cùng một lúc áp lực đòi các quốc gia ở châu Âu thu hồi các khoản vàng đang được ủy thác ở hải ngoại về nước ngày càng mạnh ?
Không chỉ có Đức và Hà Lan quan tâm đến khối lượng vàng quốc gia. Tháng 5/2014 Áo cũng đòi kiểm kê kho vàng của mình ở trong nước và hải ngoại. Cuối tháng 11, đảng đân túy UDC của Thụy Sĩ đòi trưng cầu dân ý để ngân hàng trung ương phải kiểm thu hồ vàng được cất giữ ở Mỹ, Anh và Canada nước ngoài về nước. Tại sao đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp lại chất vấn Ngân hàng Banque de France, đòi kiểm kê về khối lượng vàng quốc gia. Đảng này cũng đòi được biết ai đang nắm giữ vàng của nước Pháp. Trong trường cần thiết, Pháp có dễ dàng huy động vàng để bảo đảm ổn định tài chính và kinh tế hay không.
Phải chăng có một số hoài nghi về tính vững chắc của một số đơn vị tiền tệ, mà đứng đầu là đồng euro ?
Thông thường, quyết định chuyển vàng cất giữ ở hải ngoại về nước diễn ra một cách kín đáo, như trong trường hợp của Hà Lan. Chỉ riêng tại Đức, nhiều người đặt câu hỏi vì sao Bundesbank vốn rất kín tiếng về khối lượng vàng đang nắm giữ, về những nơi cất giấu vàng … nhưng lần này lại khua chiêng, gióng trống về chuyện đưa vàng về nước.
Phải chăng Đức không còn tin cậy vào đối tác tài chính Hoa Kỳ để gửi gấm đến gần một nửa kho vàng quốc gia ? Tin Ngân hàng Trung ương Đức có kế hoạch thu hồi vàng về Frankfurt đã lập tức được nhiều trang mạng bình luận rộng rãi. Nhiều người nói tới “hồi kết không xa của khối euro”. Có những bài viết nêu lên đe dọa châu Âu bị chao đảo, trước khả năng Anh Quốc từng bước rút lui khỏi liên hiệp châu Âu. Một số khác lại lo ngại đe dọa đến từ phía Ý khi chính sách của thủ tướng Matteo Renzi không vực dậy nổi nền kinh tế đứng thứ ba trong khu vực đồng euro.
Điên rồ hơn thì có người phỏng đoán là tới một lúc nào đó, nước Đức của thủ tướng Merkel sẽ “bỏ chạy khỏi eurozone” để cứu lấy thân, để mặc cho các đối tác châu Âu ngập chìm trong bể nợ công.
Nghiêm túc hơn một chút, như chuyên gia kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp – CNRS Gael Giraud, thì cho rằng nợ tư nhân trong khối euro đang bùng nổ và đó sẽ là quả bom nổ chậm đe dọa toàn thể khu vực.
Tóm lại chỉ riêng đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu, không mấy ai nhìn thấy một tương lai tươi sáng, thanh thản cho khối này. Nhưng tất cả những giả thuyết về sự bùng nổ của khối euro đó, dù có đáng tin cậy hay không, cũng không thể giải thích vì sao, một số các quốc gia có khuynh hướng chuyển vàng về nước.
Đơn giản là vì, nếu muốn sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán quốc tế, thì việc cất giữ vàng ở hải ngoại hay trên lãnh thổ quốc gia không hề quan trọng.
Giữ vàng đề phòng thế giới trở lại với bản vị vàng ?
Về lập luận cho rằng, đồng đô la của Mỹ đang mất dần vai trò trên sân khấu quốc tế và trong một tương lai không xa bản vị vàng sẽ được làm sống lại, tức là một quốc gia sẽ neo đơn vị tiền tệ của mình vào giá vàng, các chuyên gia nêu lên ít nhất hai lý do cho thấy kịch bản đó không thể xảy tới.
Lý do thứ nhất bản vị vàng chỉ có thể được khôi phục lại với đồng thuận của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Thứ hai là cho dù đồng đô la có mất đi vai trò dự trữ ngoại tệ quốc như điều đã xảy tới với đồng bảng Anh xưa kia, thì sự ra đi đó cũng sẽ chỉ diễn ra từng bước và trong trường hợp đó, thế giới sẽ ngày càng chú ý tới những đồng tiền mạnh khác, như là đồng euro của châu Âu hay nhân dân tệ của Trung Quốc.
Thứ hai là cho dù đồng đô la có mất đi vai trò dự trữ ngoại tệ quốc như điều đã xảy tới với đồng bảng Anh xưa kia, thì sự ra đi đó cũng sẽ chỉ diễn ra từng bước và trong trường hợp đó, thế giới sẽ ngày càng chú ý tới những đồng tiền mạnh khác, như là đồng euro của châu Âu hay nhân dân tệ của Trung Quốc.
Các chuyên gia cũng cho rằng trở lại với bản vị vàng là điều không tưởng, vì những lý do chính trị : trở lại với bản vị vàng, có nghĩa là gián tiếp trao cho cho các quốc gia có những mỏ vàng lớn nhất trên thế giới như Venezuela, Nga, Trung Quốc, Nam Phi … trọng trách “in tiền” cho thế giới. Cầm chắc là điều đó sẽ không bao giờ xảy ra !
1000 tấn vàng hay 3000 tấn đang ngủ trong kho của Ngân hàng Trung ương TQ ?Reuters
Trung Quốc tích lũy vàng để tạo sức mạnh cho đồng tiền
Có một điều chắc chắn là cho tới nay, vàng vẫn là biểu tượng của sức mạnh và ổn định tài chính, kinh tế. Căn cứ vào thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới, trong năm 2013 Trung Quốc đã mua vào hơn 1. 000 tấn vàng, nhập vàng nhiều hơn cả Ấn Độ và trong vỏn vẹn hai năm Bắc Kinh đã mua vào một lượng vàng tương đương với những gì mà Ngân hàng Trung ương Pháp đang cất giấu trong kho. Bắc Kinh không che đậy tham vọng ngồi trên một núi vàng để đồng nhân dân tệ đủ sức cạnh tranh với đô la Mỹ.
Thống kê chính thức của Trung Quốc thông báo Ngân hàng Trung ương đang nắm giữ hơn 1.000 tấn vàng, nhưng theo báo cáo mới nhất của WGC thì kho vàng của ông khổng lồ châu Á cũng rất tương xứng với trọng lượng kinh tế của nước đông dân nhất địa cầu. Trong hai năm rưỡi, Trung Quốc đã mua vào đến 2.500 tấn vàng !
Chưa kể Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia có nhiều mỏ vàng, có thể sản xuất tới 430 tấn một năm. Nếu theo dõi sát các hoạt động tài chính của Trung Quốc trên thị trường Hồng Kông thì tới nay Trung Quốc đã tích lũy được một khối lượng vàng gần 3.500 tấn, tức chỉ thua có Hoa Kỳ, nhưng đứng trước Đức và Pháp.
Thị trường vàng Thượng Hải Shanghai Gold Exchange mới chỉ ra đời năm 2002 nhưng tới nay đã trở thành thị trường quan trọng nhất của thế giới. Trong năm 2013 Trung Quốc mua vào 23 % vàng của thế giới. Hai thị trường vàng lớn nhất hành tinh đều đặt cả ở châu Á : Thượng Hải và Singapore.
Theo đà này giới trong ngành dự phóng chỉ tới năm 2017 Trung Quốc sẽ qua mặt luôn cả Hoa Kỳ để kiểm soát nguồn dự trữ vàng lớn nhất hành tinh và đây là một bước chuẩn bị của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cho thời kỳ « hậu đô la ».
Nhiều nguồn tin thông thạo được báo Les Echos số đề ngày 08/11/2013 trích dẫn khẳng định : Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang từng bước thay thế khoản dự trữ ngoại tệ đô la bằng vàng. Vàng được coi là ổn định hơn và dễ sử dụng hơn một khi đồng nhân dân tệ được chuyển đổi.
Khi đó không còn trở ngại nào để đồng tiền Trung Quốc cạnh cạnh với đồng đô la của Hoa Kỳ. Cũng vào mùa thu năm ngoái, bản tin của Tân Hoa Xã đã chính thức nêu lên khả năng « phi đô la hóa » để đồng tiền của Trung Quốc ngày càng trở thành đơn vị thanh toán trên các thị trường nguyên và nhiên liệu của thế giới.
Tháng 11/2014 Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất chỉ đạo để tiếp sức cho kinh tế đang bị hụt hơi. Một trong những hệ quả đầu tiên là người dân xứ này đã đua nhau đi mua vàng. Đẩy giá vàng trên thị trường quốc tế tăng lên cao nhất kỷ từ cuối năm 2012 tới nay, với giá 1208 đô la /ounce. Cầm chắc rằng cơn khát vàng của Trung Quốc chưa tới lúc bão hòa.
Tư liệu
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
Châu Âu đang lún sâu vào giảm phát
Tháng 10/2014, 4 trong số 18 thành viên khối euro chính thức lâm vào cảnh giảm phát. Bruxelles đang kỳ vọng Tokyo sớm …Kinh tế Nhật : "Đừng vội chôn vùi Abenomics"
Nhật Bản lại rơi vào suy thoái : gáo nước lạnh đối với nội các Shinzo Abe. Chính sách vực dậy kinh tế mang tên thủ tướng …Ô nhiễm môi trường :TQ nhìn vào sự thật
Mỗi năm 3 % GDP của Trung Quốc không cánh mà bay, do không khí, nước và đất bị ô nhiễm. Trung Quốc chiếm một kỷ lục buồn …Hiệp định tự do mậu dịch, "vũ khí" của Mỹ và TQ
Các nước trong vùng Châu Á Thái Bình Dương đang đứng trước sự chọn lựa giữa hai sáng kiến thành lập khu vực tự …Thực trạng kinh tế xã hội và cuộc chiến quyền lực tại Việt Nam
Kinh tế đình đốn, thất nghiệp gia tăng, tệ nạn xã hội ngày càng nhiều, đời sống người dân lao động ngày càng hết sức khó …Nhiều thách thức chờ đợi tân Tổng thống Indonesia
Đẩy mạnh những tiềm năng sẵn có, tạo đà đưa Indonesia trở thành một trong mười nền kinh tế hàng đầu thế giới là điều tân tổng …
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
Các chương trình
No comments:
Post a Comment