Hà Nội và Manila cùng chống TQ hủy hoại biển Đông?
Giới quan sát cho rằng hành động của Trung Quốc ở biển Đông đang đẩy chính quyền cũng như người dân Việt Nam lại gần nhau hơn.
18.06.2015
Một nhà nghiên cứu ở trong nước cho rằng Việt Nam và Philippines nên hợp tác ngăn chặn việc Trung Quốc phá hủy hệ sinh thái ở biển Đông vì các hoạt động lấp biển, xây đảo nhân tạo của nước này.
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng phòng sinh thái biển thuộc Viện Hải dương học Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết rằng quần đảo Trường Sa “được hình thành chủ yếu từ các rặng san hô”, và việc bồi đắp đảo của Trung Quốc “ảnh hưởng rất lớn tới hệ sinh thái”.
“Nó sẽ làm đục, ảnh hưởng tới chất lượng môi trường nước. Nó phá hủy rặng san hô thì sẽ phá hủy nơi sống của các loài sinh vật biển đa dạng, và các loài cá tôm sống cùng với rặng san hô”, ông Huân nhận định.
Chính vì lý do đó, theo nhà nghiên cứu này, không chỉ chính quyền Hà Nội và Manila mà các nhà nghiên cứu về sinh vật biển của hai nước phải cùng nhau phản đối việc làm của Bắc Kinh.
Ông nói: “Tất nhiên khi mà có một hoạt động nào đó mà nó đi trái với quy định chung của thế giới, trái với công ước quốc tế về luật biển thì tất cả những người lương thiện, chính nghĩa cùng nhau đấu tranh, ngăn chặn những hành động vi phạm quy định chung của công ước quốc tế về luật biển cũng như quy định về bảo vệ môi trường và đại dương. Những người chính nghĩa, chúng ta phải đứng lại cùng nhau để ngăn chặn những điều luật vi phạm như thế".
Nhà nghiên cứu từ Viện Hải dương học Việt Nam nói thêm: "Trong nghiên cứu biển và đại dương thì hợp tác quốc tế rất quan trọng vì vấn đề khai thác, nghiên cứu biển và đại dương rất phức tạp và việc bảo vệ biển và đại dương mang tính liên quốc gia, của toàn thế giới, chứ không thể nào một nước có thể làm được”.
Ông Huân cho biết Viện Hải dương học Việt Nam đã và đang có nhiều dự án khảo sát chung về hệ sinh thái với phía Philippines tại Trường Sa, và bản thân ông cũng từng tới quần đảo tranh chấp này.
Mới đây, truyền thông Philippines dẫn lời cựu Bộ trưởng Môi trường nước này cảnh báo rằng các dự án xây đảo mà Bắc Kinh đang thực hiện ở biển Đông có thể gây ra những tổn thất nặng nề về đa dạng sinh học và về lâu dài, ảnh hưởng tới nguồn tôm cá cũng như gây tác động tới các cộng đồng vùng duyên hải.
Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam và Philippines nằm gần các công trình xây dựng của Bắc Kinh nhất, và vì thế, chịu tác động môi trường trước tiên.
Chính quyền Manila gần đây dẫn ra một nghiên cứu của Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc cho biết những hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc làm tổn hại hơn 300 hectare san hô, dẫn đến thiệt hại kinh tế cho những quốc gia ven biển ước tính 100 triệu đôla mỗi năm.
Hủy hoại đa dạng sinh học
Philippines cũng tính tới việc gửi một công hàm ngoại giao khác để phản đối Trung Quốc về việc hủy hoại sự đa dạng sinh học hải dương ở biển Đông.
Trong khi đó, dù vấp phải sự phản đối của các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, Việt Nam mới đây thông báo kế hoạch tổ chức các chuyến tàu du lịch ra Trường Sa.
Tùy vào mục đích. Ví dụ như mình tổ chức du lịch với ý nghĩa thuần túy du lịch để tham quan, để tìm hiểu về biển và đại dương thì nó hầu như không ảnh hưởng mấy tới môi trường và hệ sinh thái. Tuy nhiên, nếu như hoạt động du lịch của họ mà lồng ghép vào những ý đồ, chẳng hạn như đi khai thác tài nguyên thiên nhiên, hoặc là khai thác những loài quý hiếm ở biển Đông thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng rất đáng kể rồi.
Về tác động của những chuyến hải hành như vậy tới môi trường ở biển Đông, ông Huân nói: “Tùy vào mục đích. Ví dụ như mình tổ chức du lịch với ý nghĩa thuần túy du lịch để tham quan, để tìm hiểu về biển và đại dương thì nó hầu như không ảnh hưởng mấy tới môi trường và hệ sinh thái. Tuy nhiên, nếu như hoạt động du lịch của họ mà lồng ghép vào những ý đồ, chẳng hạn như đi khai thác tài nguyên thiên nhiên, hoặc là khai thác những loài quý hiếm ở biển Đông thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng rất đáng kể rồi”.
Trung Quốc cũng từng đưa du khách ra Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), và năm ngoái, nước này tuyên bố sẽ mạnh tay đối với khách du lịch nước này sau khi một số người đăng lên mạng hình ảnh các “chiến lợi phẩm” bắt được ở biển Đông, trong đó có nhiều loại nằm trong “sách đỏ”.
Hồi đầu năm, Trung Quốc thông báo đã hoàn tất việc đánh giá nguồn thủy sản tại một số nơi ở biển Đông sau hai năm tiến hành.
Theo kết quả nghiên cứu, vùng biển quanh Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) có trữ lượng thủy hải sản khoảng 1,8 triệu tấn, và hơn 20 loài trong số đó là loại quý hiếm và có giá trị kinh tế cao.
Còn tại các vùng biển xung quanh Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trung Sa có trữ lượng hải sản từ 73 tới 172 triệu tấn.
No comments:
Post a Comment