Mỹ và Trung Quốc đều có những lợi ích chiến lược khi duy trì nền hòa bình trên Biển Đông. Do đó, Washington không dại gì hy sinh lợi ích của mình mà xung đột với Bắc Kinh.
Tiến sĩ Xue Li tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng trước những diễn biến thay đổi liên tục trên Biển Đông, dường như, Mỹ sẽ đảm nhận cả vai trò là "đạo diễn" và "diễn viên". Điển hình, hôm 20/5, Mỹ đã điều máy bay do thám tới 3 hòn đảo mà Trung Quốc đang trái phép cải tạo trên Biển Đông. 
Tuy nhiên, theo tạp chí The Diplomat, cả những tuyên bố phản đối và hành động điều máy bay tới khu vực Bắc Kinh ngang nhiên bành trướng chủ quyền trên Biển Đông không có nghĩa là một cuộc chiến giữa quân đội Mỹ - Trung sẽ bùng nổ. 
Không chỉ tăng trưởng kinh tế, quân sự của Trung Quốc cũng ngày càng lớn mạnh khiến Mỹ dè chừng. 
Ở vị trí là cường quốc số 1 thế giới, lợi ích chính của Mỹ nằm trong chính sự duy trì tình trạng trật tự thế giới hiện thời cũng như nền hòa bình và ổn định. Nhắc tới Biển Đông, lợi ích của Mỹ gói trọn trong việc đảm bảo duy trì nền hòa bình và ổn định, tự do hàng không, hoạt động quân sự và các vùng đặc quyền kinh tế. Việc duy trì cán cân sức mạnh hiện thời được xem là chìa khóa để đảm bảo mọi lợi ích của Mỹ. Còn sự trỗi dậy bành trướng chủ quyền của Trung Quốc được xem là mối đe dọa tới cán cân sức mạnh hiện thời. 
Do đó, chiến lược "tái cân bằng khu vực châu Á" là phương pháp giúp Mỹ duy trì cán cân sức mạnh. Một mặt, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mặt khác, Mỹ cho triển khai hỗ trợ các quốc gia thành viên trong khối ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. 
Ngay cả giới chức cấp cao Mỹ cũng từng nhiều lần lên tiếng ám chỉ Washington sẽ can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Tại cuộc họp Đối thoại Shangri-La 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ là ông Chuck Hagel đã chỉ trích "Trung Quốc có những hành động đơn phương gây bất ổn an ninh trong khu vực và bành trướng chủ quyền trên Biển Đông". Tuyên bố của ông Hagel được đưa ra sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi tháng 5/2014. 
Tại cuộc họp Đối thoại Shangri-La 2015, Mỹ tiếp tục lên án và gây sức ép buộc Trung Quốc giảm tiến độ xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như điều máy bay tới giám sát những hòn đảo mà Bắc Kinh đang xâm chiếm của các nước láng giềng. Những động thái của Mỹ tại Biển Đông đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. 
Biển Đông không đóng vai trò chủ chốt với Mỹ
Song thực tế, Biển Đông lại không đóng vai trò chủ chốt đối với lợi ích quốc gia của Mỹ. Mối quan hệ liên minh Mỹ - Philippines cũng không quan trọng bằng quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản. Và quan hệ giữa Mỹ với các nước trong khối ASEAN càng lỏng lẻo hơn. 
Trong khi đó, quan hệ kinh tế song phương Mỹ - Trung phụ thuộc sâu sắc lẫn nhau. Ngoài ra, sức mạnh quân sự của Bắc Kinh cũng không ngừng gia tăng. Do đó, Washington sẽ không có ý định đối đầu quân sự với Bắc Kinh trên Biển Đông. Đặc biệt, Tổng thống Barack Obama, người được mệnh danh là "Tổng thống hòa bình", từng đưa ra quyết định rút quân đội Mỹ khỏi chiến trường Iraq và Afghanistan, sẽ không có lý gì điều quân để chiến đấu chống lại Trung Quốc. 
Mỹ - Philippines tổ chức tập trận quân sự trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng. 
Lợi ích cốt lõi mà Mỹ hướng tới Biển Đông là đảm bảo duy trì hoạt động tự do hàng hải. Trước hành động tăng tốc cải tạo đất ở quần đảo Trường Sa, Washington lo ngại rằng Bắc Kinh đang dần giành quyền bá chủ trên Biển Đông như đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không hay yêu cầu các nước không được phép xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (370 km) tính từ các hòn đảo của Trung Quốc. 
Sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam hồi năm 2014 càng khiến Mỹ quyết tâm can thiệp vào vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. 
Ban đầu, Mỹ vận dụng con đường ngoại giao để thuyết phục Trung Quốc từ bỏ tham vọng bành trướng chủ quyền. Song phương pháp này đã không đạt hiệu quả. Do đó, Washington chuyển sang phương pháp mạnh tay hơn như khích lệ Ấn Độ, Nhật Bản, ASEAN, G7 và Liên minh châu Âu (EU) gây áp lực với Bắc Kinh. Ở trong nước, giới chức Mỹ từ các ban ngành cùng lên tiếng phản đối Trung Quốc "thay đổi hiện trạng" trong khu vực. 
Lời nói không đi đôi với việc làm
Kể từ năm 2015, Washington đã liên tục gây sức ép với Trung Quốc. Điển hình hồi đầu tháng Năm, Mỹ đã cử tàu chiến đấu ven biển USS Fort Worth đi tuần tra vùng hải phận gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hhiện tại, giới chức Mỹ đang cân nhắc kế hoạch điều động lực lượng hải quân và không quân tham gia nhiệm vụ tuần tra trong khu vực 12 hải lý của đảo Trường Sa. 
Washington thừa nhận rằng việc ngăn Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa là một nhiệm vụ vô cùng khó khan. Do đó, Mỹ đã lên án hành động làm thay đổi hiện trạng khu vực của Trung Quốc và đưa ra phương án ngăn chặn Bắc Kinh đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông cũng như vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo. Đây là lý do mà Mỹ điều máy bay trinh sát P-8A cùng các phóng viên tới quan sát hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông. Về phần mình, hải quân Trung Quốc đã 8 lần phát cảnh bảo đuổi máy bay Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định vào thời điểm đó, P-8A đang bay trên vùng không phận quốc tế. 
Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông được máy bay trinh sát P-8A của Mỹ ghi lại. 
Sau đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Steve Warren tuyên bố hoạt động “tự do không phận” trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng, có thể sẽ được thực thi. Nếu tuyên bố này thành hiện thực, Trung Quốc sẽ bị dồn vào thế chân tường và rõ ràng chính quyền của Tổng thống Obama sẽ không làm như vậy. 
Bởi khi Mỹ có những động thái mạnh mẽ hơn trước hành động bành trướng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, mối quan hệ linh hoạt giữa Washington và Bắc Kinh đã bị ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực. Những tranh chấp trên Biển Đông đã biến thành cuộc chơi kéo co giữa Mỹ - Trung và cả hai bên đều tránh bùng nổ một cuộc xung đột quân sự. 
Điều này đã được thể hiện trong tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. “Liên quan tới những bất đồng, quan điểm của chúng tôi về những bất đồng giữa hai nước là điều có thể hiểu được nhưng chúng tôi có thể tránh được sự hiểu lầm và quan trọng hơn là tránh làm căng thẳng leo thang”, Diplomat dẫn lời ông Nghị. 
Đặc biệt, nếu như Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, các quốc gia trong khối ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và những nước không tuyên bố chủ quyền tại vùng biển chiến lược này sẽ đứng về phía Mỹ. Đây cũng là yếu tố gây tác động lớn tới chiến lược “Một vành đai, một con đường” mà Trung Quốc khởi xướng. 
Trong khi đó, chiến lược “Một vành đai, một con đường” sẽ trở thành điểm nhấn trong các chương trình nghị sự quan trọng của Trung Quốc trong những năm tới. Do đó, thay vì khiêu khích, Bắc Kinh cần tăng cường quan hệ kinh tế với các nước ASEAN cũng như giảm thiểu những tranh cãi xung quanh vấn đề chủ quyền với các thành viên trong khối. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ cần thay đổi các chính sách ngoại giao trên Biển Đông và đưa ra những đề xuất giải quyết tranh chấp lãnh thổ. 
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đã trở thành một đề tài “đến hẹn lại lên”, được giới lãnh đạo tham gia các phiên Đối thoại Shangri-La đưa ra thảo luận. Cuộc họp Đối thoại Shangri-La 2015 cũng không phải là ngoại lệ khi giới chức Mỹ nhiều lần lên tiếng về hành động phi lý của Trung Quốc. 
Theo Diplomat, những tuyên bố mạnh mẽ tại Đối thoại Shangri-La 2015 không thể phản ánh rõ nét mối quan hệ Mỹ - Trung. Bởi tất cả những tuyên bố này mới chỉ do giới chức quân sự hai nước trình bày chứ không phải giới chính trị. Thay vào đó, hai nước còn có thể thiết lập mối quan hệ hợp tác khi quan chức Mỹ - Trung cùng tham gia Đối thoại Chiến lược và An ninh diễn ra vào cuối tháng này cùng với Hội thảo khu vực ASEAN và nhiều cuộc họp khác vào cuối mùa hè năm nay. 
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
MINH THU (lược dịch)