29/07/2015
BÀN VỀ NHỮNG ĐIỀU CẤM ĐẢNG VIÊN
Nguyễn Đình Cống
Trong những Điều lệ Đảng trước đây không thấy qui định những điều đảng viên không được làm. Sau Đại hội X, khi công nhận đảng viên có quyền làm kinh tế tư nhân thì phát sinh vấn đề cấm đảng viên bóc lột. Sau đó, vào tháng 12 năm 2007 Bộ Chính trị ra QĐ 115, cấm đảng viên làm một số việc. Đại hội XI thông qua điều lệ mới, trong điều 2 về nhiệm vụ đảng viên , ngoài các việc như chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không ngừng nâng cao trình độ và đạo đức, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí v.v…(như các điều lệ trước ), thì còn thêm : “chấp hành quy định của BCH TƯ về những điều đảng viên không được làm”. Thế rồi tháng 11 năm 2011, BCH TƯ ra Quy định 47 QĐ/TƯ nêu 19 điều đảng viên không được làm, thay thế QĐ 115 của BCT.
QĐ 47 đã gây ra một làn sóng lo lắng, sợ sệt trong một số các tổ chức đảng ở cơ sở. Tôi đã chứng kiến cảnh các đảng viên hỏi nhau, liệu việc làm như thế này, như thế kia có vi phạm 19 điều cấm hay không. Người ta còn dùng 19 điều cấm để dọa nhau, ngăn cản nhau làm một số việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng hoặc giúp đỡ người khác . Tôi đã bỏ công tìm hiểu và ngạc nhiên thấy một văn bản vi phạm nhiều lỗi lôgic. Trước đây tôi chậc lưỡi cho qua, nhưng sau khi nghe lời kêu gọi phản biện của TBT Nguyễn Phú Trọng nên mạnh dạn nêu vài ý kiến để trao đổi với những ai quan tâm và hy vọng ý kiến đến được những người có trách nhiệm để có thể đem ra thảo luận tại Đại hội XII sắp tới.
1- Về lệnh cấm nói chung
Một tổ chức bình thường nên bao gồm các thành viên hiểu rõ những việc mà họ nên và không nên làm, được phép và không được phép làm. Để được như vậy thì cần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh và những người đứng đầu gương mẫu trong thực hiện. Khi phải đề ra nhiều điều cấm đoán chứng tỏ tổ chức đang suy yếu và tiềm ẩn sự rối loạn. Ngay cả việc thưởng và phạt, chỉ vừa phải thôi và công bằng thì mới có tác dụng tốt, còn nếu nhiều quá sẽ trở nên nhàm chán và phản tác dụng. Tuy vậy khi mà trong tổ chức có những lúc xuất hiện các thói hư tật xấu thì phải làm thế nào? Lúc này người lãnh đạo sáng suốt sẽ kịp thời phát hiện, tìm nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân gốc để kịp thời khắc phục, và trước hết họ nêu gương trong việc thực hiện. Với những người đứng đầu kém tài và đặc biệt là những kẻ thiển cận, độc đoán, họ chỉ thấy được hiện tượng khi đã trở thành phổ biến, chỉ thấy được nguyên nhân gần, trực tiếp, chỉ nghĩ ra được những biện pháp trừng phạt và ngăn cấm, nhưng như thế chỉ xử lý được một số hiện tượng ở ngọn, dẹp được chỗ này sẽ mọc ra chỗ khác tinh vi hơn, thâm độc hơn, không ngăn cản và xóa bỏ được tật xấu từ gốc.
Xin kể chuyện cũ viết lại. Ngày xưa ở nước Tấn, Cảnh Công là ông vua kém tài, dùng một số quan nịnh hót và tham nhũng, dân bị áp bức, bóc lột, lại gặp năm mất mùa, sinh ra nhiều trộm cắp. Vua tin dùng Khước Ung là người có tài bắt trộm, mỗi ngày bắt được vài chục tên. Triều đình quả quyết rằng chẳng mấy chốc sẽ dẹp tan hết nạn trộm cắp. Bọn trộm đã liên kết lại, giết chết Khước Ung và hoành hành mạnh hơn. Chỉ đến khi được Dương Thạch Chức hiến kế, phân tích tình hình, vua tỉnh ngộ ra, dùng được Sĩ Hội là người giỏi và thanh liêm đứng đầu triều đình, loại bỏ các quan lại chuyên quyền độc đoán, giảm bớt sưu thuế, mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống của toàn dân, đề cao đức tính liêm sĩ trong quan lại và nhân dân thì nạn trộm cắp tự nhiên giảm rồi mất hẳn.
Có một hiện tượng khá phổ biến ở Việt Nam. Tại hầu khắp trụ sở công và tư, kể cả khách sạn đều có nội quy, ghi rõ mọi người phải làm việc này việc nọ, không được làm việc ấy việc kia. Tôi thấy phần lớn chỉ là hình thức và nó chỉ thích hợp cho trình độ dân trí quá thấp. Ở các nước văn minh, tiên tiến rất ít thấy các nội quy kiểu ấy.
Thông thường, ở một tổ chức mà có quá nhiều điều cấm, nhiều hình phạt thì bên ngoài thấy là nghiêm túc, là kỷ cương, nhưng bên trong chứa nhiều bất ổn, nhiều rối loạn. Nguyên nhân gần, trực tiếp của những điều bất ổn và rối loạn là sự thoái hóa, biến chất của các thành viên, sự kém hiệu quả của luật pháp, còn nguyên nhân gốc, nguyên nhân sâu xa phải tìm ở nền văn hóa và sự lãnh đạo hoặc cai trị từ cấp cao nhất.
2- Phân tích lệnh cấm về mặt lôgic
Lệnh “cấm…” hoặc “không được làm…” thường có giá trị và ý nghĩa như nhau. Đôi khi để nhấn mạnh người ta ghép thành “cấm không được làm…”. Trong một lệnh như vậy thường có từ 2 đến 4 yếu tố sau : đối tượng , việc bị cấm, không gian , thời gian, ngoài ra có thể thêm một vài yếu tố phụ khác. Thí dụ : Cấm xe tải chạy trong thành phố từ 6 đến 10 giờ sáng. Trong lệnh trên không cấm xe ô tô con hoặc xe khách vào bất kỳ lúc nào, không cấm xe tải chạy trong thành phố từ 10 giờ sáng ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau , và từ 6 đến 10 giờ không cấm xe tải đỗ trong thành phố, không cấm xe tải chạy ngoài thành phố.
Trong xã hội Việt Nam, Đảng CS chia mọi người thành đảng viên và quần chúng ngoài đảng . Tập hợp đảng viên nằm trong tập hợp lớn hơn là công dân. Như vậy một điều nào đó đã cấm công dân thì đương nhiên là đảng viên cũng bị cấm, trừ khi viết rõ là cấm công dân ngoài đảng. Trong điều lệ Đảng đã ghi : đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước. Như vậy một điều mà pháp luật đã cấm công dân thì Đảng không cần ra thêm quy định cấm đảng viên nữa. Theo lôgic thì một việc mà cấm đảng viên thì người ngoài đảng có quyền làm, dù cho là dân thường hay quan chức cao cấp. Việc Đảng quy định cấm đảng viên vi phạm những điều đã có trong luật pháp hoặc những điều phổ thông về đạo đức và đạo lý làm người chỉ làm rối loạn và mâu thuẩn trong nhận thức. Điều lệ đã quy định đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Khi lãnh đạo Đảng thấy, ngoài pháp luật Nhà nước, đạo đức và đạo lý làm người, chỉ thị nghị quyết của Đảng đã có, mà cần cấm đảng viên làm một việc gì đó do tình hình đột xuất gây ra thì chỉ nên ban hành thành một chỉ thị mới, ngắn gọn. Việc đưa vào Điều lệ và ban hành một danh sách dài 19 điều cấm, mà mỗi điều lại gồm nhiều nội dung, báo hiệu bên trong đang chứa nhiều bất ổn, đến lúc Đảng phải chấn chỉnh lại nhiều thứ từ gốc rễ, nghĩa là từ tổ chức và luận thuyết chứ không phải chỉ ra những lệnh cấm mà giải quyết được vấn đề.
Có lập luận cho rằng phải kể ra những điều cụ thể bị cấm thì đảng viên mới biết để chấp hành. Đó là một kiểu lập luận ngụy biện, phiến diện, coi thường trình độ đảng viên. Có một điều cần nhận thức đúng là : “quy định càng cụ thể thì càng thiếu”. Thí dụ với quy định “cấm xả rác nơi công cộng”, muốn cụ thể hóa rác là những thứ gì ( vỏ hoa quả, lá gói bánh, túi ni lông….), càng kể càng thấy thiếu, nơi công cộng là nơi nào ( phòng đợi ở bệnh viện, nhà ga, sân trường, đường phố…), càng kể càng thiếu, kể sao cho hết.
Một vài thí dụ trong 19 điều đảng viên không được làm: Điều 9 “Làm trái quy định trong những việc: quản lý nhà, đất, tài sản, vốn, tài chính của Đảng và Nhà nước; huy động vốn và cho vay vốn tín dụng; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu dự án; thực hiện chính sách an sinh xã hội, cứu trợ, cứu nạn; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, các quy định trong hoạt động tố tụng”.
Tưởng rằng quy định như thế là cụ thể, nhưng theo lôgic thì những việc không thuộc điều 9 kể trên đảng viên có thể làm trái, như là kiểm lâm, bảo vệ môi trường, tài chính của tư nhân v.v…
ĐIều 19- “Tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới; mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên cấp, chuyển công tác xa hoa, lãng phí hoặc nhằm trục lợi”. Quy định như vậy tưởng là hết sức chặt chẽ nhưng nếu tổ chức ăn mừng khỏi ốm, ăn mừng tránh được tai nạn ( của bất kỳ người nào trong gia đình) nhằm trục lợi thì rõ ràng không vi phạm điều cấm vừa kể.
3- Bình luận thêm một vài điều
Ngoài 2 điều 9 và 19 vừa kể, xin bình luận thêm vài điều không chặt chẽ về lôgic. Trong các điều 8, 11 và 16 có quy định là “cấm việc để cho bố, mẹ, vợ ( chồng ), con, anh chị em ruột thực hiện một số điều như làm dự án, kinh doanh, lợi dụng chức vụ, đi du lịch tham quan… trái quy định. Theo lôgic thì không cấm việc để cho những người khác ngoài các người đã kể (không cấm việc để cho chú bác cô cậu, anh chị em họ, bạn bè, người quen…) làm trái quy định. Thí dụ có đảng viên cao cấp để cho ông cậu lợi dụng chức vụ của minh nhằm trục lợi, không thể kết luận đảng viên đó vi phạm điều 11, vì ông cậu không thuộc những người đã được liệt kê trong điều đó. Như vậy để xem xét hoặc xử phạt việc để cho ông cậu lợi dụng trục lợi phải vận dụng điều luật khác. Mà đã có điều luật khác bao quát hơn thì còn cần soạn thêm điều cấm 11 làm gì.
Xét điều 7: Cấm “đảng viên tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội (theo quy định phải do tổ chức Đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức Đảng có thẩm quyền cho phép”. Điều cấm này là một sự hạn chế dân chủ trong Đảng, đúng là chỉ có đảng viên bị cấm còn dân thường thì không. Theo mục 2, điều 3 của điều lệ Đảng thì đảng viên có quyền ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng. Đó là quyền đương nhiên, không cần thêm điều kiện “được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép”. Hay là BCH TƯ cho rằng người được đề cử vào Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội cần tiêu chuẩn cao hơn người vào cơ quan lãnh đạo của Đảng. Hay là BCH TƯ sợ rằng những thành viên của Mặt trận và tổ chức chính trị-xã hội không đủ trình độ, không đủ sáng suốt để lựa chọn người đảng viên để bầu mà phải “được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép” mới bảo đảm chất lượng.
Còn một số điều khác mới đọc qua thì thấy bình thường, hợp lý, khi phân tích kỹ mới phát hiện ra sự thiếu chặt chẽ về lôgic, tuy vậy bài viết đã hơi dài, xin tạm dừng ở đây.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN