Wednesday, July 29, 2015

Nước cờ sai lầm đẩy TQ phải đối đầu với đối thủ mạnh truyền kiếp?

29/07/2015

Nước cờ sai lầm đẩy TQ phải đối đầu với đối thủ mạnh truyền kiếp?

Lê Ngọc Thống
“… một quốc gia giàu có chỉ là nhất thời, mạnh về quân sự mới là vĩnh viễn. Giàu mà không mạnh thì bị đe dọa hay trấn lột bất cứ lúc nào. Chỉ có sức mạnh quân sự của quốc gia mới bảo đảm tính ổn định, bền vững và phát triển của nền kinh tế”. Từ nhận định rất chính xác của tác giả Lê Ngọc Thống, người đọc có quyền đặt câu hỏi, vậy thì một quốc gia nghèo (do năng lực quản trị kém và tham nhũng xếp vào top đầu) mà lại yếu toàn thân về tiềm lực quân sự thì số phận sẽ ra sao khi mà các nhà lãnh đạo vẫn kiên trì quan điểm “Việt Nam không liên minh, liên kết, đồng minh với nước nào, không dùng nước thứ 3 để chống lại nước khác?”. Không nói đâu xa, ngay trong khu vực Đông Á, những nền  kinh tế hùng mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, từ lâu đã là đồng minh thận cận của Mỹ. Bởi lẽ, các nhà lãnh đạo của họ là những chính trị gia có tầm nhìn thấu thị, thấy rõ bản chất ngông cuồng của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Họ đọc vị một cách dễ dàng dã tâm của các “Hoàng đế Đỏ” qua nhiều dự án phiêu lưu để độc chiếm Biển Đông, nhằm từng bước thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, nên đã tăng cường củng cố quốc phòng, trang bị thêm nhiều vũ khí hiện đại, sẵn sàng đáp trả hành vi gây hấn của Bắc Kinh.
Thế nhưng, Việt Nam vẫn cứ lửng lơ con cá vàng “kiên trì” nghệ thuật đi dây để khỏi làm mất lòng “thượng quốc”. Có lẽ hiểu được tâm lý này, Trung Nam Hải cũng chơi trò bẩn bằng cách, gần đây, cứ mỗi lần một nhân vật vip láng giềng “môi hở răng lạnh” sang thăm, họ lại cử Lục Tiểu Linh Đồng, nhân vật từng đóng vai con khỉ trong bộ phim Tây Du Ký ra thù tiếp.
Tuy nhiên, “Thiên triều” đang rơi vào thế kẹt. Ngoài cú sốc ba ngàn sáu trăm tỷ USD chứng khoán “bốc hơi” chỉ trong vòng hơn một tháng làm dân chúng bất an,  thì hiện tại họ Tập còn bị búa rìu dư luận toàn cầu lên án mạnh mẽ về hành vi hút cát xây đảo, kiến tạo các công trình quân sự trái phép trên Biển Đông và thiết lập vùng nhận diện bay…
Một nền kinh tế tăng trưởng nóng bằng mọi giá tất yếu sẽ phải trả giá, mà cái giá đắt nhất là khắc phục môi trường đã bị hủy nặng nề.. Ta chỉ cần hình dung, vào buổi sáng một ngày u ám vì khói bụi nào đó, người ta phát hiện ra mười sáu ngàn con lợn tai xanh trương phềnh, trôi nổi trên sông Hoàng Phố thì khủng khiếp biết nhường nào!
Liên minh quân sự với Hoa Kỳ, Nhật Bản lúc này là điều kiện sống còn đối với Việt Nam. Hãy dũng cảm đoạn tuyệt thứ ý thức hệ cổ hủ, lỗi thời từ lâu đã trói chặt đầu óc chúng ta trong vòng kim cô “Mười sáu chữ vàng” và “Bốn tốt”, bởi chính những khẩu hiệu hão huyền đó chẳng những làm cho đất nước tụt hậu, mà chưa biết chừng còn là nguyên nhân mất nước nữa.
Bauxite Việt Nam
Sự nôn nóng cùng dã tâm “nuốt trọn” Biển Đông đã khiến Bắc Kinh mù quáng và vô hình trung tự tay “tháo xích” cho đối thủ truyền kiếp đầy sức mạnh – Nhật Bản. 
   
Nước cờ sai lầm đẩy TQ phải đối đầu với đối thủ mạnh truyền kiếp?
Diễn biến mới nhất ở Biển Đông 
Luật An ninh mới của Nhật Bản đã chứng tỏ Lực lượng phòng vệ nước này giờ đây có tính chất và tầm vóc của một cường quốc quân sự.
Họ, quân đội Nhật Bản, có thể tác chiến bất cứ nơi đâu, với bất cứ ai khi an ninh của Nhật Bản, của đồng minh, bạn bè của Nhật Bản bị tấn công, đe dọa…
Được coi như một “mũi tên đã lắp vào nỏ” thì Sách trắng quốc phòng Nhật Bản năm 2015 đã chỉ rõ “đích” mà mũi tên hướng đến.
Trung Quốc lo ngại, phản đối quyết liệt khi cho rằng, đây là hành động trỗi dậy của “chủ nghĩa quân phiệt Nhật”. Nhưng ngược lại, khu vực châu Á-Thái Bình Dương lại không có thái độ như vậy với sự trỗi dậy, thay đổi của nước Nhật.
 
Trong tương lai, quân đội Nhật Bản có thể chủ động tham chiến ở nước ngoài dưới sự ra lệnh từ chính Thủ tướng. 
Nước cờ chiến lược sai lầm của Trung Quốc 
  1. Lấy nước sau dùng làm nước đi đầu, tạo điều kiện cho Nhật Bản trỗi dậy 
Kể từ năm 2010, khi GDP của Trung Quốc chính thức vượt Nhật Bản cũng là lúc tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) cũng được Bắc Kinh đẩy lên nấc thang cuối của cuộc xung đột.
Thực ra, quần đảo này, về địa chính trị, quân sự và kinh tế đối với Trung Quốc không đến mức vì nó mà sẵn sàng xung đột, chiến tranh với liên minh hùng mạnh Mỹ-Nhật Bản.
Nhưng chủ nghĩa dân tộc như một con dao hai lưỡi, quá lạm dụng thì như “cưỡi trên lưng hổ” cho bất cứ chính phủ nào.
Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của nó, vì thế, chuyến “ra khơi” đầu tiên để thâu tóm Biển Đông lại bị “mắc cạn” tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Đây là một sai lầm tai hại của Trung Quốc mà từ đó, làm nên chiến thắng vang dội của đảng Dân chủ Tự do (LPD), đưa ông Shinzo Abe – một người được Mỹ ủng hộ – lên làm Thủ tướng Nhật Bản. 

Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc vô tình thúc đẩy việc “cởi trói” Nhật Bản. Ảnh: Kyodo News.
Vụ tranh chấp với Bắc Kinh về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vừa qua, Nhật Bản đã rút ra 2 bài học giá trị từ chính Trung Quốc.
Một là, một quốc gia giàu có chỉ là nhất thời, mạnh về quân sự mới là vĩnh viễn. Giàu mà không mạnh thì bị đe dọa hay trấn lột bất cứ lúc nào. Chỉ có sức mạnh quân sự của quốc gia mới bảo đảm tính ổn định, bền vững và phát triển của nền kinh tế.
Hai là, mối hận thù dân tộc của Trung Quốc với Nhật Bản chưa bao giờ mờ phai. Nhật Bản luôn bị Trung Quốc coi là mối “quốc nhục” 100 năm chưa trả hận.
Đảng LPD cầm quyền của ông Shinzo Abe thừa nhận thức sâu sắc 2 bài học này và quyết tâm tái vũ trang, xây dựng một sức mạnh quân sự đủ sức răn đe Trung Quốc, đề phòng liên minh Mỹ-Nhật không có giá trị.
Thực hiện quyết tâm này, về mặt kỹ thuật thì không mấy khó khăn với Nhật Bản khi nước này có một nền công nghiệp tiên tiến hiện đại bậc nhất thế giới.
Tàu ngầm, máy bay, tàu chiến, tên lửa… nói chung là những thứ vũ khí trang bị hiện đại, Nhật Bản muốn là họ tự sản xuất chế tạo.
Tuy nhiên, khó khăn nhất với chính phủ của ông Abe là cơ chế, cụ thể là “điều 9 Hiến pháp” đã trói buộc, mà muốn xóa bỏ nó thì tác động của bên ngoài mang yếu tố quyết định.
Trung Quốc đã làm rất tốt vai trò tác động này khi biến mình là nguyên nhân duy nhất, nguy hiểm nhất buộc Nhật Bản phải lựa chọn.
Chỉ chưa đầy 2 năm với từng bước đi cụ thể, chính phủ của ông Shinzo Abe đã có những cách giải thích về “điều 9 Hiến pháp”, tiến tới xóa bỏ bằng Luật an ninh mới.
Không rõ Trung Quốc đi nước cờ sai lầm ở Senkaku/Điếu Ngư hay là Nhật Bản, chỉ biết Mỹ đã lợi dụng Senkaku/Điếu Ngư để “cởi trói” Tokyo, cho phép Nhật Bản tham gia sâu, trực tiếp vào cấu trúc an ninh Tây Thái Bình Dương.
Nhưng, điều mà Trung Quốc không muốn, không bao giờ muốn là đối đầu với Nhật Bản tại Biển Đông bất cứ hình thức nào, thì nó đã và đang đến. 

HỘI ĐỒNG QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI (CFR), MỸ
Sheila Smith
Vấn đề không chỉ nằm ở những tranh chấp lãnh thổ, mà thực chất lý do lớn nhất khiến quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản sẽ khó có thể cải thiện là sự mất lòng tin lẫn nhau, sự ngờ vực của một bên đối với các tham vọng trong khu vực của bên còn lại.
Biển Đông, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng cảnh báo: “Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường”.
Trong khi đó, sự trùng hợp “lạnh sống lưng” giữa Trung Quốc và Nhật Bản là tuyến hàng hải trên Biển Đông đều là “đường sinh mạng”.
Cho nên, dễ hiểu là, Biển Đông chứ không phải là Senkaku/Điếu Ngư mới là “chiến trường chính” của cuộc đối đầu Trung-Nhật vì tính chiến lược sống còn của đôi bên trên đó.
Rõ ràng Trung Quốc đã đi sai nước cờ khi phải đối đầu với một đối thủ mạnh, truyền kiếp quá sớm là Nhật Bản mà nguy cơ “bị loại khỏi vòng bảng” đang ám ảnh bởi “lời nguyền từ Nhật Bản” không phải là điều không thể.
Hạ viện Nhật thông qua dự luật an ninh mới là một thành công lớn của Nội các Thủ tướng Abe (giữa). (Ảnh: AP) 
2.Từ bỏ sách lược “giấu mình chờ thời”
Phải khẳng định chắc chắn dã tâm của Bắc Kinh muốn chiếm trọn Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao nhà” là trước sau như một, không bao giờ thay đổi, không sớm thì muộn. Vấn đề là từng giai đoạn, bước đi thực hiện chiến lược này ra sao mà thôi.
Chiến lược thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc, đúng ra phải là nước cờ cuối sau khi đã “đuổi” được Mỹ ra khỏi Đông Nam Á và Tây-Thái Bình Dương.
Điều này vốn được thực hiện bằng “cuộc chiến địa chính trị” mà thời gian đầu khi Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược “giấu mình chờ thời” (‘Tao guang yang hui’ Policy) của ông Đặng Tiểu Bình đã tỏ ra rất hiệu quả.
Đáng tiếc, Trung Quốc bị cái tăng trưởng GDP liên tục làm mờ mắt, ảo tưởng sức mạnh của mình và với truyền thống ngạo mạn, bành trướng, Bắc Kinh cho rằng không cần “giấu mình”, muốn “ăn” ngay Biển Đông béo bở mà bất chấp tất cả.
Hành động của Bắc Kinh trong các tuyên bố chủ quyền phi lý, phi pháp và chuẩn bị quân sự để đe dọa sử dụng sức mạnh… đã bộc lộ mục tiêu, ý đồ nguy hiểm nhất quán của họ.
Động thái này đã khiến các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam, Nhật Bản… và kể cả Mỹ phản kháng với một tinh thần “ngay và luôn”.
Như vậy, vội vàng từ bỏ sách lược “giấu mình chờ thời”, Trung Quốc đã phạm sai lầm lớn về xây dựng thế trận.
Thay vì để Biển Đông tạm thời là một vùng đệm chiến lược, mở rộng vòng vây thì Bắc Kinh lại biến nó thành “vùng nóng”, có thể trở thành vùng chiến sự bất cứ lúc nào.
Chính Trung Quốc tự thu hẹp không gian chiến lược của mình. 
Nhật Bản có khả năng sát cánh bên Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương trong vai trò một cường quốc quân sự. Điều này đủ khiến Trung Quốc lo sợ? (Ảnh minh họa) 
Tại sao Trung Quốc phản đối quyết liệt Nhật Bản tuần tra trên Biển Đông? 
Thực ra, việc tuần tra trên biển, đại dương đề bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải là vấn đề thường xuyên, không có gì ghê gớm của các cường quốc biển như Mỹ. Và tuần tra trên Biển Đông – một tuyến hàng hải rất quan trọng của thế giới – cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại ngang nhiên tuyên bố Biển Đông là chủ quyền của họ nên không ai được quyền đưa máy bay, tàu chiến vào vùng này.
Hành động “tuần tra” trên vùng biển mà Trung Quốc gọi là “chủ quyền” bị Bắc Kinh “bóp méo” là thách thức, tuyên chiến.
Đó là lý do vì sao Trung Quốc và Mỹ trở nên căng thẳng quyết liệt đến mức mà báo chí Trung Quốc cho rằng “chiến tranh với Mỹ là không thể tránh khỏi…” khi Mỹ đem máy bay, tàu chiến tuần tra trên Biển Đông.
Và đến khi cả Nhật Bản tuyên bố sẽ “tuần tra” trên Biển Đông với sự hậu thuẫn của Philipines khi dùng căn cứ Rubic tiếp tế hậu cần cho Hải quân Nhật Bản thì Trung Quốc “giãy lên như đỉa phải vôi”.
Như vậy, khi Mỹ-Nhật Bản bắt tay “tuần tra” trên Biển Đông thì cán cân so sánh lực lượng ở khu vực Tây Thái Bình Dương mà cụ thể là trên biển Hoa Đông và Biển Đông đã hoàn toàn nghiêng về Mỹ bởi Nhật Bản tham gia vào thế trận với tư cách của một cường quốc kinh tế và quân sự.
Không hồ nghi gì nữa, Tokyo đã sẵn sàng cùng Mỹ tham chiến tại Biển Đông nếu như Trung Quốc có ý đồ chiếm Biển Đông, biến thành “ao nhà”, tức là ngăn chặn, phong tỏa tuyến hàng hải sống còn của Nhật Bản trên vùng biển quốc tế này và đe dọa an ninh Mỹ…
Trước việc “tuần tra” của Mỹ và Nhật Bản trên Biển Đông, Trung Quốc chỉ có thể hoặc là bằng vũ lực, xua đuổi hay đánh đuổi lực lượng tuần tra của Mỹ-Nhật Bản ra khỏi Biển Đông hoặc là tôn trọng luật chơi chung.
Vậy, Trung Quốc chọn lựa thế nào đây?
L.N.T.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Ngọc Thống, Kỹ sư chỉ huy-Hoa tiêu, nguyên sỹ quan Tham mưu Hải quân.
Nguồn:  http://www.baomoi.com/Nuoc-co-sai-lam-day-TQ-phai-doi-dau-voi-doi-thu-manh-truyen-kiep/119/17141553.epi
(Trang này dẫn nguồn từ Đại lộ)

No comments:

Post a Comment