Đến lượt phe dân tộc cực đoan Nga là nạn nhân của điện Kremli
Cuộc Tuần hành Nga do những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Nga tổ chức ngày 4/11/2012.REUTERS/Maxim Shemetov
Le Figaro trong bài viết mang tựa đề « Điện Kremli đưa các nhóm cực đoan vào khuôn phép » cho biết, sau một thời gian cổ vũ, nay chính quyền Nga muốn trói chặt những phong trào cực đoan toan vượt thoát khỏi vòng kiềm tỏa của mình.
Những bản án tù nặng nề, các vụ bố ráp của cảnh sát, cấm biểu tình, cấm lên truyền hình…các nhóm dân tộc chủ nghĩa ở Nga đang bị siết chặt. Hai khuôn mặt có nhiều ảnh hưởng trong cánh siêu bảo thủ Nga vào cuối tuần rồi đã bị cho vào « danh sách đen » của các đài truyền hình liên bang dưới sự kiểm soát của điện Kremli.
Vitali Milonov, người khởi xướng chiến dịch chống người đồng tính luyến ái bắt đầu từ năm 2013, và Evgeni Milonov, nhà sáng lập một tổ chức chống Mỹ kịch liệt ; tuy vậy đều là các dân biểu của đảng Nước Nga Thống nhất đang cầm quyền. « Có lẽ họ đưa ra quá nhiều sáng kiến cá nhân làm chính quyền bực tức » - Alexandre Verkhovsky, giám đốc Sova, một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu vè các phong trào cực đoan tại Nga, bình luận như trên.
Sự hiện diện của một danh sách đen những người bị cấm xuất hiện trên truyền hình Nga đã được những người chuyên nghiệp trong ngành này khẳng định từ lâu, nhưng không muốn nêu tên. Đa số các lãnh tụ đối lập hoạt động độc lập, từ Alexei Navalny tới Boris Nemtsov đã quá cố, đã bị biến mất khỏi màn ảnh nhỏ từ nhiều năm qua.
« Điện Kremli ngày càng ít khoan dung với chúng tôi » - Konstantin Krylov giải thích. Krylov lãnh đạo đảng Dân chủ Quốc gia, đã ba lần cố phấn đấu để được coi là đảng thân chính quyền. Ông nói : « Chúng tôi hãy còn may mắn, vì không có anh em nào bị bắt vào tù ». Hôm thứ Sáu 24/7, lãnh tụ « đơn vị chiến đấu của những người dân tộc chủ nghĩa Nga », Ilia Goriatchev, đã bị lãnh án chung thân vì tội tổ chức năm vụ sát nhân mang tính phân biệt chủng tộc. Đối với Krylov, phiên tòa này là một dấu hiệu bổ sung gởi đến phe dân tộc chủ nghĩa, vì « hai người ra làm chứng chống lại Goriatchev đã ở tù nhiều năm. Và tại Nga, người ta có thể bắt các tù nhân phát biểu bất cứ điều gì ».
Một công trình nghiên cứu được Sova công bố hôm thứ Sáu cho thấy điện Kremli trong những tháng gần đây đã tăng mạnh áp lực lên các phong trào dân tộc chủ nghĩa tại Nga, khi cấm đoán các cuộc biểu tình trước đây vẫn được phép. Alexandre Verkhovsky cho biết : « Nhiều lãnh tụ đã bị bắt, công an khám xét nhà riêng của họ. Các cuộc điều tra được mở ra với lý do độc đáo là về các khẩu hiệu được tung ra từ năm 2013. Đó là những dấu hiệu đe dọa ».
Trong khi đó đa số các tổ chức và phong trào dân tộc chủ nghĩa đều tích cực ủng hộ chính sách của Kremli tại Crimée hay miền đông Ukraina, thậm chí còn gởi cả các tình nguyện quân đi chiến đấu. Krylov than phiền : « Crimée là một vụ rất tệ hại cho chúng tôi. Làn sóng dân tộc chủ nghĩa đã bị Kremli tóm gọn. Cỗ máy toàn trị không dung thứ cho bất cứ dấu hiệu độc lập nào trong xã hội ». Verkhovsky phân tích : « Ngay cả các tổ chức bày tỏ sự trung thành với Kremli cũng phải chịu đựng áp lực. Chính quyền không còn nới tay cho các phong trào mà chính mình đã trực tiếp thành lập ».
Trung Quốc : Hồi kết của chính sách một con
Nhìn sang châu Á, nhật báo công giáo La Croix cho biết « Người Trung Quốc sắp được phép có hai con ». Sau nhiều cải cách trong những năm gần đây, những đổi mới về chính sách một con đưa ra từ năm 1979 sẽ được áp dụng từ cuối năm nay. Nghịch lý thay, vào lúc không còn bị cấm sinh hai con nữa, thì các cặp vợ chồng trẻ Trung Quốc lại chỉ muốn có một đứa con, vì chi phí giáo dục quá cao.
Theo La Croix, chính sách một con chẳng bao lâu nữa sẽ đi vào quá khứ. Tuy lịch trình cụ thể chưa được chính thức đưa ra, nhưng các biện pháp linh hoạt mới lần này giúp đại đa số các cặp vợ chồng có thêm con thứ hai, sẽ được loan báo trong vài tháng tới.
Thử thách dân số lão hóa đang rất rõ. Một công trình nghiên cứu của chuyên gia Isabelle Attané thuộc Viện Dân số Quốc gia (INED) khẳng định : « Đến năm 2050, một phần ba người Trung Quốc sẽ ở độ tuổi trên 64 tuổi », tức khoảng 400 triệu người. Từ nhiều năm qua, nhiều nhà dân số học Trung Quốc đã cảnh báo chính quyền trước sự mất thăng bằng nghiêm trọng về kim tự tháp tuổi tác ở Trung Quốc.
Số người trên 60 tuổi tăng lên 16% trong năm nay, còn tỉ lệ thanh niên ngày càng ít đi, gây tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Thêm vào đó là mất cân bằng nam nữ : cứ 117 nam thì chỉ có 100 nữ. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nhắc nhở, hiện nay một phụ nữ chỉ có 1,4 con, trong khi tỉ lệ này phải là 2,1 để thế hệ mới có thể thay thế. Viện này kêu gọi cho phép các gia đình có thêm con thứ hai.
Trên thực tế tại các vùng nông thôn, các cặp vợ chồng đã được sinh thêm con thứ hai nếu con đầu lòng là gái. Còn những cặp không phải là công nhân viên, ngay cả ở thành phố, cũng có thể có hai thậm chí ba con, với điều kiện đóng phạt. Trong những năm 2000, chính sách một con thực ra chỉ liên quan đến 40% dân số.
Thế nhưng vào lúc luật này sắp được bãi bỏ, và chỉ còn áp dụng cho 30% dân số, các cặp vợ chồng trẻ ở thành thị lại không muốn có thêm con thứ hai vì để bảo đảm con cái có được nền giáo dục tốt họ phải tốn kém rất nhiều. Một nghịch lý thứ hai nữa : truyền thống trọng nam khinh nữ đang bị đảo ngược. Để cưới vợ cho con trai, gia đình buộc phải đảm bảo có một căn hộ, xe hơi, lương cao…thêm một gánh nặng trên vai, trong khi đối với con gái thì khỏi phải lo.
Châu Âu cấm 700 loại thuốc gốc (générique) của Ấn Độ
Cũng liên quan đến châu Á, Le Monde thông tin kể từ ngày 21/8, Liên hiệp Châu Âu đòi hỏi các quốc gia thành viên không được buôn bán 700 loại thuốc gốc được thử nghiệm và sản xuất tại Ấn Độ. Quyết định này được đưa ra từ ngày 16/7, do Cơ quan An toàn Dược phẩm Pháp (ANSM) nhận ra những gian dối khi thanh tra một trong những địa điểm của GVK BIO, một công ty chuyên xét nghiệm ở Hyderabad, Ấn Độ.
Được báo động, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) kiểm tra lại 1.000 loại thuốc được GVK BIO xét nghiệm trong 5 năm gần đây, kết luận các dữ liệu của 700 loại không đầy đủ, và khuyến cáo rút khỏi thị trường. Các nước thành viên như Pháp, Đức, Bỉ, Luxembourg đã làm theo khuyến cáo trên. Có thể kể các tên thuốc Advil (giảm đau), Seroplex (chống trầm cảm), Aerius (trị dị ứng), Inexium (bao tử)…
Đây không phải là lần đầu tiên chất lượng xét nghiệm ở Ấn Độ bị cáo giác. Hồi cuối tháng Sáu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã cảnh báo trường hợp công ty Ấn Độ Quest Life Sciences. Các thanh tra WHO phát hiện những kỹ thuật viên công ty này ở Chennai vội vã điền vào các bản khai còn thiếu, đề lui ngày lại, còn các dụng cụ đo điện tâm đồ thì mang tên nhiều bệnh nhân với ngày tháng khác nhau.
Nhằm chinh phục thị trường thế giới, Ấn Độ, nước xuất khẩu thuốc gốc nhiều nhất đã ưu tiên cho việc giảm giá thành thay vì tăng chất lượng, để cạnh tranh với Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan.Le Monde cho biết thêm, hai năm gần đây, Hoa Kỳ vốn nhập khẩu 40% thuốc gốc (générique) từ Ấn Độ, đã liên tục cảnh báo và đưa ra lệnh cấm nhập đối với nhiều công ty Ấn kể cả những công ty hàng đầu. Cơ quan kiểm tra dược phẩm của Mỹ Food and Drug Administration (FDA) đã tăng gấp ba số lượt kiểm soát tại Ấn Độ. Tuy nhiên Hoa Kỳ chỉ kiểm tra các công ty cung cấp thuốc cho mình mà thôi. Nhiều nước khác không có phương tiện, đành phải tiêu thụ dược phẩm chất lượng xấu của Ấn.
Assad lần đầu thú nhận sự bất lực của quân đội Syria
Tại Trung Đông, sự kiện nhà độc tài Bachar Al Assad lên truyền hình nhìn nhận sự yếu kém của quân đội Syria đã làm cho nhiều báo Pháp chú ý. Lần đầu tiên, Tổng thống Syria công nhận sự bất lực của quân chính phủ, không thể chiến đấu trên mọi mặt trận.
Lời thú nhận hiếm hoi được đưa ra, khi ông Assad muốn biện minh cho sự cần thiết phải triển khai lực lượng bảo vệ những vùng đất được đánh giá là sống còn, trong chiến lược được giới thiệu là tạm thời, « để các khu vực khác không bị sụp đổ ».
Quân đội Syria năm 2011 có khoảng 300.000 người chưa kể lực lượng dự bị. Bốn năm sau, lục quân chỉ còn có phân nửa do lính đào ngũ, tử trận và đầu quân cho nơi khác. Theo ước tính, khoảng 50.000 lính chính quy và 30.000 dân quân thân chính phủ đã bị tử thương kể từ đầu cuộc nổi dậy đến nay.
Du lịch Pháp được mùa
Trên lãnh vực kinh tế, cụ thể là du lịch, nhật báo Les Echos tỏ ra hoan hỉ trước việc mùa hè năm nay, lượng khách du lịch cả khách nội địa lẫn ngoại quốc, đặc biệt là người Anh, chọn nước Pháp làm nơi nghỉ hè tăng cao. Đây là mùa du lịch tươi sáng nhất kể từ ba năm qua. Tờ báo cho rằng không nên bỏ lỡ cơ hội hiếm có này, và kêu gọi « Hãy kéo dài mùa hè đẹp đẽ của ngành du lịch Pháp ».
Trong phần xã luận, Les Echos nhận định có ba « ngôi sao tốt lành » đã mang lại tin vui cho nước Pháp. Trước hết là ánh nắng mặt trời tràn ngập trong mùa hè năm nay, tiêu dùng tăng lên, và thứ ba là sự kém may mắn của khu vực Nam Địa Trung Hải, với các vụ khủng bố như ở Tunisia chẳng hạn.
Lãnh vực du lịch chiếm khoảng 7 đến 8% tổng sản phẩm nội địa Pháp. Bộ Ngoại giao cho biết đã có kế hoạch hỗ trợ cho du lịch với tham vọng nâng số lượng du khách ngoại quốc từ 84 triệu lên 100 triệu vào năm 2020. Nhưng theo Les Echos, còn nhiều khía cạnh khác phải chú ý : trình độ tiếng Anh và các ngoại ngữ khác, cho phép các cửa hàng mở cửa ngày Chúa nhật, cho đến việc giảm giá khách sạn, giảm thuế, mở tuyến đường xe lửa nhanh nối liền Paris với sân bay…
Thuốc trị viêm gan siêu vi C quá đắt tiền
Về mặt y tế, nhật báo cánh tả Libération trong mục Ý kiến đăng bài viết của bà Françoise Sivignon, chủ tịch tổ chức Y sĩ Thế giới mang tựa đề « Viêm gan siêu vi C, một quả bom virus nổ chậm ».
Nhân Ngày thế giới chống các loại bệnh viêm gan, 28 tháng Bảy, tác giả tố cáo cái giá trên trời của loại thuốc mới trị viêm gan siêu vi C, cho rằng hệ thống y tế đang bị kỹ nghệ dược phẩm chèn ép.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 185 triệu người bị viêm gan siêu vi C, với 700.000 trường hợp tử vong mỗi năm. Đa số bệnh nhân không biết mình nhiễm bệnh, đến giai đoạn cuối, khoảng 20 đến 40 năm sau mới phát giác, sau khi các tế bào gan đã bị tàn phá.Virus này bắt đầu lây lan nhanh từ thập niên 50, cho đến cuối thập niên 80,90 khi chúng được phát hiện và nhờ đó các biện pháp phòng chống được đưa ra ; nay tỉ lệ tử vong lên đến đỉnh điểm.
Hầu hết bệnh nhân viêm gan siêu vi C sống tại các nước thu nhập thấp và trung bình (Đông Âu và châu Á), nơi mà việc chẩn đoán và chữa trị rất ít ỏi. Từ vài năm qua, hy vọng đã được khơi dậy với các loại thuốc thế hệ mới, có thể trừ khử được virus. Nhưng giá bán lại cao ngất ngưởng do kỹ nghệ dược phẩm áp đặt : tại châu Âu, lên đến 100.000 euro cho liệu pháp phối hợp hai loại thuốc, khiến ít ai vói tới nổi. Ở Pháp, bảo hiểm y tế chỉ thanh toán cho những người trong giai đoạn bệnh đã tiến triển.
Bài viết tố cáo, doanh số bán của công ty dược phẩm Mỹ Gilead Sciences, nơi sản xuất loại thuốc trị viêm gan siêu vi C đắt tiền nhất, lên đến 24,9 tỉ đô la, trong đó lợi nhuận là 12,1 tỉ đô la. Y sĩ Thế giới đã tiến hành chiến dịch chống lại cung cách ấn định giá dược phẩm hiện nay, mà theo tác giả là thiếu minh bạch, không được kiểm soát một cách dân chủ.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment