Cuộc viễn chinh chặn đứng ngoại bang khai thông Con Đường Tơ Lụa
Hơn 2.000 năm trước, nhà Hán hoàn thành thống nhất Trung Quốc, một mặt tìm cách mở rộng giao thương ra phía Tây và phía Bắc lãnh thổ, mặt khác đối phó với sự tấn công của các bộ lạc du cư ở vùng biên giới. Hán Vũ Đế trị vì nhà Hán từ năm 141 TCN đến năm 87 TCN. Ông nổi tiếng với những chiến dịch quân sự quy mô nhằm bình định những vùng đất hoang sơ chưa có tên trên bản đồ và thiết lập mối liên giao với các bộ tộc nơi đó.
Người đi viễn chinh không chỉ đối mặt với hiểm nguy trùng trùng mà họ còn tận tâm tận sức cho công cuộc này. Những câu chuyện về họ là những thiên anh hùng ca bất hủ, mở ra một thế giới mới cho dân tộc Trung Hoa, nơi mà giang sơn cũng chính là “Thiên hạ”.
Sau đây là câu chuyện về hai người đàn ông: một người có công thiết lập quan hệ hữu hảo giữa Hán triều và các nước Tây Vực; còn người kia một lòng tận trung báo quốc, trải qua hai thập kỷ lưu đầy mãi cho đến khi chiến tranh Hán – Hung kết thúc.
Quảng cáo
Trương Khiên và hành trình đi tìm “Thiên lý mã”
Năm 138 TCN, Hán Vũ Đế phái đi một trăm kỵ binh từ cổng Trường An, kinh đô của nhà Hán. Trương Khiên thừa lệnh dẫn theo đoàn kỵ binh tìm kiếm đồng minh cùng chống lại Hung Nô, thủy tổ của người Mông Cổ ngày nay, và cũng là bộ lạc thường xuyên nhăm nhe Nam tiến tấn công nhà Hán.
Họ đi tìm loài ngựa quý có thể chất và tốc độ vượt trội ngựa Trung Nguyên, ngày phi ngàn dặm không biết mệt.
Trương Khiên đi sứ chuyến này mục đích là để kết giao với nước Nguyệt Chi, vốn là một quốc gia thái bình thịnh trị, sống gần biên giới Trung – Kazakhstan ngày nay. Ngoài ra còn muốn tìm loài ngựa quý có thể chất và tốc độ vượt trội ngựa Trung Nguyên, ngày phi ngàn dặm không biết mệt. Nhà Hán kỳ vọng “thiên lý mã” sẽ giúp họ trở thành kỳ phùng địch thủ với kỵ binh Hung Nô danh tiếng lẫy lừng.
Sách “Sử ký” của Tư Mã Thiên cũng ghi chép về chuyến đi đầy gian nan này. Khi đi ngang qua núi Thiên Sơn, Trương Khiên bị kỵ binh Hung Nô bắt giữa đường và đưa đến gặp Thiền Vu Hung Nô. Trương Khiên cùng gia thuộc bị giam lỏng 10 năm, sau này trốn thoát và tiếp tục hành trình đến nước Nguyệt Chi.
Lúc ấy, nước Nguyệt Chi tuy rằng khoản đãi Trương Khiên nhưng dứt khoát không muốn chiến tranh, từ chối liên minh cùng nhà Hán chống lại Hung Nô. Trương Khiên thấy rằng không thể thuyết phục được Nguyệt Chi đành về triều phục mệnh. Trên đường về nước, một lần nữa lại bị Hung Nô bắt giữ mất hơn một năm, như vậy mãi đến năm 125 TCN mới trở về đến Trường An.
Mặc dù không thuyết phục được Nguyệt Chi liên minh, cũng không tìm được ngựa quý, nhưng chuyến đi Tây Vực của Trương Khiên đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, mở ra sự giao lưu thương mại và chính trị của triều Hán với các nước Tây Vực vốn có nền hòa bình và văn hóa đặc sắc.
Khi nhà Hán bắt đầu trao đổi thương mại với các nước này, nhiều giao dịch được diễn ra, cuối cùng tuyến đường giao thương vươn tới tận Đế quốc La Mã. Đó cũng chính là lúc Con Đường Tơ Lụa nối liền Đông – Tây mà chúng ta biết đến ngày này thực sự ra đời. Nó đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình hơn một thiên niên kỷ mãi cho đến khi Thời đại Khám phá của Châu Âu thiết lập tuyến đường biển thay thế.
Tô Vũ hai mươi năm chịu lưu đầy và hòa bình với Hung Nô
Năm 100 TCN, sau chuyến đi Tây Vực của Trương Khiên, Hán Vũ Đế cử trung lang tướng Tô Vũ cầm tiết đi sứ sang Hung Nô. Chuyến đi của ông được ghi chép lại trong “Tư trị thông giám”, cuốn biên niên sử quan trọng của Trung Quốc vào thế kỷ XI.
Cũng giống Trương Khiên khi trước, lần này Tô Vũ dẫn theo một trăm binh sĩ, mang theo nhiều lễ vật để tặng Thiền Vu Hung Nô mới lên ngôi, tỏ ý muốn hòa hảo.
Nơi đó đói khổ thiếu thốn trăm bề, phải đào rễ cây dại, bắt loài gặm nhấm làm thức ăn nhưng Tô Vũ chưa ngày nào quên sứ mệnh triều đình giao phó.
Cuối cùng đến được đất Hung Nô, nhưng Thiền Vu không mấy mặn mà, trái lại tỏ ra nghi hoặc, khinh khi. Phó sứ của Tô Vũ là Trương Thắng tự ý liên lạc với hai quan chức Hung Nô, bày mưu ám sát một viên quan cố vấn quan trọng và lật đổ Thiền Vu. Thiền Vu biết chuyện liền nổi trận lôi đình.
Sự việc bất thành, Trương Thắng bị tra khảo, buộc phải khai ra toàn bộ kế hoạch và bị xử tử; làm liên lụy đến Tô Vũ và nhiệm vụ triều đình giao phó. Tô Vũ không can hệ gì đến kế hoạch này nhưng Thiền Vu vốn đang sục sôi lửa giận khăng khăng rằng nhà Hán âm mưu lật đổ ngôi vị của mình.
Viên quan cố vấn của Hung Nô biết Tô Vũ là người có tài, muốn chiêu mộ ông thành người dưới trướng. Bản thân Thiền Vu trước sự cương nghị kiên trung của Tô Vũ cũng rất xem trọng, bèn tha tội chết cho Tô Vũ hy vọng ông sẽ quy hàng.
Hai mươi năm sau đó là cuộc đấu trí giữa Tô Vũ và người Hung Nô. Ông bị đày đến một khu vực hoang vắng gần Bắc Hải, ngày nay gọi là hồ Bai-can nằm ở Siberi, nước Nga. Nơi đó đói khổ, thiếu thốn trăm bề, phải đào rễ cây dại, bắt loài gặm nhấm làm thức ăn, nhưng trong thâm tâm Tô Vũ chưa ngày nào quên sứ mệnh triều đình giao phó, cự tuyệt tất cả lời chiêu mời quy thuận của Hung Nô.
Thiếu thốn về vật chất chưa hết, lại thêm thống khổ về tinh thần trước những hung tin ập đến từ quê nhà. Trong suốt thời gian bị lưu đày, Hung Nô cử người đến báo tin cho Tô Vũ hai lần. Hán Vũ Đế băng hà, huynh đệ bị tống giam rồi tự vẫn, mẹ già qua đời, nương tử tái giá.
Năm 81 TCN, sau những nỗ lực không ngừng, hòa bình giữa hai nhà Hán – Hung được lập lại. Thiền Vu Hung Nô cuối cùng đồng ý thả Tô Vũ. Mang theo đoàn tùy tùng, râu tóc bấy giờ cũng đã bạc phơ, Tô Vũ trở về Trường An trong sự nghênh đón của Hán Chiêu Vương, quần thần và muôn dân trăm họ.
Trải qua hàng thế kỷ, mối quan hệ giữa Trung Quốc cổ đại và các dân tộc thiểu số lân cận biến đổi không ngừng từ bình sang chiến, từ bạn sang thù và ngược lại.
Tấm lòng kiên trung bất động của Tô Vũ đã trở thành bảo chứng cho ý chí kiên định của dân tộc Trung Hoa cổ đại, dù đứng trước thiên tai hay nhân họa vẫn giữ vững khí tiết cao cả truyền thừa qua đời đời con cháu.
Nếu bạn thấy bài viết hay, hãy chia sẻ nó với bạn bè
No comments:
Post a Comment