Khi báo chí chỉ là công cụ của nhà cầm quyền
Giữa muôn vàn tin tức, sự kiện tiêu cực có, tích cực có (mà phần lớn là tiêu cực) xảy ra trong đời sống xã hội VN thời gian gần đây, thông tin về tinh trạng sức khỏe của ông Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là một trong những thông tin khiến người Việt trong và ngoài nước hết sức quan tâm.
Vẫn dắt mũi được dư luận
Sau hơn một tháng “biến mất” một cách bí ẩn mặc cho mọi lời đồn đoán, đến ngày hôm qua, 25.7, ông Đại tướng được báo chí VN loan tin đã về đến Hà Nội từ Paris sau chuyến đi điều trị bệnh tại Pháp. Dù báo chí đã đưa tin, và báo Tuổi Trẻ còn có được một tấm hình quý hiếm chụp từ xa hình dáng một nhân vật trông hao hao ông Phùng Quang Thanh tại sân bay Nội Bài, nhưng không vì thế mà dư luận bớt nghi ngờ. Bởi nếu thực sự ông Phùng Quang Thanh còn sống và khỏe mạnh, chỉ cần một động tác đơn giản là để báo chí chụp cận mặt ông ấy hoặc để cho ông ấy xuất hiện ít phút trên truyền hình, nhà cầm quyền cũng không làm được.
Nhưng khác với nhiều người cho rằng dư luận đã thắng thế và nhà cầm quyền hoàn toàn bị động, lúng túng, vụng về trong suốt màn kịch về sự “mất tích và xuất hiện cũng như không” của ông Phùng Quang Thanh, người viết bài này lại nghĩ khác.
Đúng là xung quanh sự việc của ông Đại tướng, báo chí “lề dân” và các trang mạng xã hội tha hồ thoải mái, nhanh nhạy đưa tin, bình luận, săm soi trong lúc báo “lề đảng” bị trói tay, đưa thông tin gì, bao giờ đưa, đưa như thế nào… hoàn toàn phụ thuộc vào sự cho phép của đảng và nhà nước. Và đúng là nhà cầm quyền lúng túng trước cơn bão dư luận, cứ phải biện minh, bào chữa, và hễ đưa ra thông tin gì để bào chữa thì bị dư luận cầm kính lúp soi, vạch ra đủ thứ phi lý, mâu thuẫn, sai sót, khiến người dân càng nghi ngờ thêm. Nhưng cuối cùng đảng và nhà nước cộng sản VN vẫn dắt mũi được dư luận và đạt được mục đích của họ, đó là vẫn không ai biết được thực sự chuyện gì đã xảy ra cho ông Phùng Quang Thanh. Ông có thực sự phải vào bệnh viện Georges Pompidou ở Paris để trị bệnh không, và nếu có thì có đúng là bệnh về phổi, ông còn sống hay đã chết, sinh mạng chính trị của ông sắp tới sẽ ra sao cũng như nguyên nhân thực sự đằng sau việc nhà cầm quyền phải ra sức giấu diếm, che chắn này là gì.
Cũng giống như trước kia, với trường hợp của ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương, phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Cho dù báo chí “lề dân” có phanh phui được việc ông Nguyễn Bá Thanh đang điều trị ung thư tại một bệnh viện ở Mỹ, có cả hình, thậm chí còn có thông tin ông bị đầu độc phóng xạ, buộc nhà cầm quyền phải lên tiếng, hay các trang mạng biết trước cả thông tin ông sẽ được đưa về VN ngày giờ nào…Nhưng tóm lại, vẫn không ai được nhìn hay nghe thấy hình, tiếng trực tiếp từ ông Nguyễn Bá Thanh kể từ lúc ông bị bệnh, dù ở nước ngoài hay lúc đã về nước, ông có thực sự chết vì bệnh rối loạn sinh tủy như tin chính thức cho hay, và chết vào ngày giờ nào (vì có người còn đặt nghi vấn trên chiếc máy bay từ Mỹ về có một vật rất giống cái hòm)…
Nghĩa là mặc dù nhà cầm quyền bị động, phải vất vả hết phủ nhận, chối cãi đến biện minh, nhưng cuối cùng, kẻ bị dắt mũi vẫn là nhân dân.
Cũng may mà thời bây giờ có internet, có tai mắt của người dân ở khắp nơi trong và ngoài nước mà đảng “ta” còn dắt mũi được dư luận như vậy, huống gì trước kia khi chưa có internet.
Ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân?
Có thể có những người cho rằng chuyện ông Phùng Quang Thanh còn sống hay đã chết, chết vì lý do gì thì có liên can gì đến ai, thêm hay bớt một quan chức, lại là một ông quan có tiếng thân Tàu thì có gì là quan trọng. Khi cả một hệ thống độc đảng độc tài “hèn với giặc ác với dân” vẫn còn tồn tại thì việc sống hay chết, lên hay xuống của một cá nhân cũng chẳng thay đổi được gì. Có thể nhưng lại cũng không hẳn là thế. Bởi trong tình hình hiện nay, mỗi một biến động xảy ra cho một cá nhân thuộc hàng cao cấp trong bộ máy lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN không chỉ cho thấy tình hình nội bộ bên trong đảng đang rối ren như tơ vò, mà còn hé lộ những bước đi chập chờn, nghiêng ngả của họ trong sự lựa chọn giữa ngã ba đường quốc tế, sẽ có ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước và dân tộc, tức là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng người dân VN.
Quan trọng không kém, người dân cần phải biết rằng mình có quyền được biết sự thật mọi chuyện xảy ra cho đất nước và trong xã hội. Từ nguyên nhân vì sao giá xăng dầu tăng, tiền thuế của nhân dân đóng góp đi đâu, vì sao, cơ chế như thế nào mà chẳng hạn, một tay quan chức vụ không cao như Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH MTV vận tải Viễn Dương Vinashin, thuộc Tập đoàn Vinashin) còn có thể tham nhũng đến gần 19 triệu USD..., cho đến tình trạng sức khỏe của một vị tướng, Bộ trưởng Bộ quốc phòng…tât cả đều phải minh bạch. Bởi vì chính nhân dân chứ không phải cái đảng cộng sản mới là chủ nhân thực sự của đất nước này, chính người dân phải đóng thuế nuôi cái bộ máy cầm quyền này.
Sự việc thứ hai, cũng thu hút sự quan tâm của dư luận, là vụ thảm sát khiến 6 người trong một gia đình chết thảm tại Bình Phước. Hai sự việc chẳng liên quan gì đến nhau, và lý do quan tâm của người dân vì vậy cũng hoàn toàn khác nhau, nhưng lại cho thấy những điểm chung mà hệ quả là từ một chế độ độc tài, không có một nền báo chí tự do, dân chủ. Đó là báo chí chỉ được đưa tin theo những gì mà nhà nước cho phép. Trong vụ sức khỏe của Đại tướng Phùng Quang Thanh là nguồn tin từ cấp nhà nước, còn trong vụ án mạng tại Bình Phước là tin tức do công an cung cấp.
Ở các nước tự do, dân chủ trong khi đang điều trị bệnh hoặc tệ nhất, sau khi điều trị xong trở về, một nhân vật cỡ Bộ trưởng Bộ quốc phòng như ông Thanh phải có “nghĩa vụ” xuất hiện trước truyền thông bằng cách này cách khác đề thông báo cho nhân dân an tâm rằng mình vẫn còn sống, vẫn minh mẫn, vẫn có thể tiếp tục làm việc. Còn trong những vụ án, đặc biệt án gây chấn động dư luận như vụ án tại Bình Phước, cảnh sát phải có nghĩa vụ họp báo ngay tức khắc để thông tin chính xác cho báo chí và sau đó thường xuyên cập nhật tin tức, chứ không phải đợi mấy ngày sau mới họp báo rồi còn trách báo chí đưa tin không đúng điểm này điểm kia.
Cả hai sự việc đều cho thấy lòng tin của người dân đối với nhà cầm quyền đã sút giảm một cách nghiêm trọng, trừ một thiểu số vẫn cứ nhà nước nói gì là nghe, là tin nấy, bây giờ đối với đa số người VN nhà nước nói gì cũng không tin hoặc chỉ tin một phần nào. Trong câu chuyện về ông Phùng Quang Thanh, người dân hoàn toàn có lý do để nghi ngở bởi mới trước đó không lâu, nhà cầm quyền cũng tìm cách che chắn xung quanh vấn đề sức khỏe của một ông Thanh khác, ông Nguyễn Bá Thanh. Và lần này nhà cầm quyền cũng lại có thái độ loanh quanh dấu đầu hở đuôi, vụng về không khác. Còn trong vụ án Bình Phước, người dân nghi ngờ vì sao phá án quá nhanh, có bị tác động gì từ sức ép của dư luận không, vì sao có quá nhiều điểm còn nghi vấn, vì sao không cho thực nghiệm lại hiện trường… Nhưng lý do trên hết vẫn là vì từ trước tới nay đã có quá nhiều vụ án oan sai, người bị bắt thừa nhận tội ác dù không thực hiện chỉ vì bị nhục hình, bị bức cung.
Sự mất lòng tin này là hậu quả mà nhà cầm quyền xứng đáng nhận lãnh, bởi đã hàng triệu triệu lần dối trá bưng bít, bóp méo sự thật với nhân dân.
Trong một chế độ độc tài, số phận của mọi người dân-từ những thân phận tầm thường như những nghi phạm trong vụ án Bình Phước cho tới một nhân vật chính khách cấp cao như ông Phùng Quang Thanh đều hết sức mong manh. Càng leo cao càng bấp bênh. Đến lúc đảng không cần nữa thì cho sống hay chết, lúc nào mới được chết, cho thân bại danh liệt theo kiểu nào là tùy đảng. Số phận của ông Phùng Quang Thanh và phản ứng thậm chí vui mừng của số đông dân chúng trong suốt thời gian qua may ra có thể khiến cho những nhân vật khác trong bộ máy lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN phải suy nghĩ, rằng trung với đảng có ngày cũng bị chính các đồng chí của mình hãm hại, mà dân thì oán ghét. Chi bằng trung với dân với nước, khi còn tại vị cố gắng sống cho tử tế, tìm cách thoát khỏi đảng hoặc ít nhất, tìm cách lái đảng đi theo con đường dân chủ hóa, thoát Trung, gần với các nước dân chủ để cứu nước, thì còn được lòng dân. Có dân bên cạnh lo gì không làm được tất cả.
Không phải đợi đến bây giờ, từ những vụ việc như trên mới cho thấy sự cần thiết phải có một nền báo chí tự do dân chủ. Không có một nền báo chí tự do, độc lập, nhà cầm quyền còn dắt mũi người dân dài dài, đảng còn thao túng đất nước dài dài, từ cái thuở xa xưa xung quanh nhân thân, lý lịch, cái chết của ông Hồ Chí Minh cho tới tận bây giờ. Không có báo chí tự do, một vụ án hình sự như Bình Phước, khó mà biết được liệu có oan sai hay ít nhất, có bỏ lọt tột phạm, nguyên nhân vụ án có thực là vì ghen tuông cộng với tiền bạc hay có ai đứng đẳng sau thuê giết người vì lý do khác…; cho tới sự thật nào phía sau những “nghi án chính trị” như kiểu Nguyễn Bá Thanh, Phùng Quang Thanh…
Tất nhiên, có một nền báo chí tự do không đủ, phải có một thể chế chính trị đa đảng, tam quyền phân lập để hạn chế quyền lực trong tay một đảng lãnh đạo duy nhất.
Và cuối cùng về phía người dân, bài học nhỏ cho những ai còn một lòng một dạ tin vào nhà cầm quyền, vào hệ thống báo chí của đảng, đó là khi phải sống trong một chế độ độc tài toàn trị ở đó luật pháp hay báo chí đều nằm trong tay nhà cầm quyền, người ta phải tập cách “đọc giữa hai dòng chữ” từ những gì mà nhà nước nói, báo chí của đảng nói, tập phân tích, phán đoán sự việc bằng cái đầu của mình, thay vì cứ nhất nhất tin theo.
Song Chi
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
No comments:
Post a Comment