Thursday, October 1, 2015

Ngăn ngừa một cuộc đụng độ quân sự Trung-Việt (Full)

Ngăn ngừa một cuộc đụng độ quân sự Trung-Việt (Full)

VietnamDefence - Nguy cơ đối đầu đang gia tăng và Washington nên giúp tháo ngòi nổ căng thẳng.
VietnamDefence giới thiệu một bài viết đáng chú ý mới đây của tác giả Joshua Kurlantzick, chuyên viên về Đông Nam Á của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Council on Foreign Relations) đăng trên trang cfr.org và The Diplomat để quý vị tham khảo. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của VietnamDefence.
Các nguy cơ đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam đang tăng lên. Mặc dù hai nước có quan hệ gần gũi giữa hai đàng trong nhiều thập kỷ, từ năm 2011, cả hai nước đều đã khẳng định những yêu sách mâu thuẫn đối với Biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố 90% Biển Đông là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Trung Quốc đã nhiều lần đưa các giàn khoan dầu vào các khu vực tranh chấp, nạo vét và chiếm đóng các bộ phận của quần đảo tranh chấp Hoàng Sa, và đã xây dựng ít nhất một đường băng và khả năng là nhiều đường băng có thể dùng cho quân đội ở quần đảo Trường Sa.

Việt Nam cũng đã tiến hành hoạt động thăm dò dầu để khẳng định chủ quyền đối với các vùng biển tranh chấp. Việt Nam đã tạo dựng quan hệ quân sự chặt chẽ với Mỹ, các nước Đông Nam Á khác như Philippines và cường quốc khu vực như Ấn Độ. Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng tăng ở Đông Nam Á lục địa, nơi Việt Nam từng có vị thế mạnh mẽ từ những năm 1970 đến cuối những năm 2000.

Những căn nguyên làm bất hòa đang gia tăng có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng giữa hai nước trong 12-18 tháng tới, với những hậu quả tiềm tàng lớn đối với Mỹ. Do đó, Mỹ cần tìm cách tháo ngòi nổ căng thẳng và giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Các kịch bản
Có ba kịch bản tiềm năng mà có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam. Xếp theo khả năng xảy ra từ cao xuống thấp, các kịch bản đó là:

Leo thang căng thẳng trên vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông. Trong phần lớn các thập niên 1990 và 2000, chính phủ Trung Quốc, mặc dù không bao giờ từ bỏ yêu sách từ lâu đối với Biển Đông, sử dụng phương pháp ít quyết đoán hơn trong tranh chấp với các bên yêu sách khác. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã tái khẳng định yêu sách đối với khoảng 90% diện tích Biển Đông là EEZ của họ. Việt Nam đã phản ứng mạnh, khởi động các dự án cải tạo ở quần đảo Trường Sa, và tại đảo Sơn Ca và đảo Đá Tây. Ngoài ra, mặc dù Biển Đông luôn có vai trò chiến lược quan trọng, giá trị kinh tế được nhìn nhận của nó đã tăng lên trong thập kỷ qua. Sở Khảo sát địa chất Mỹ ước tính Biển Đông có trữ lượng 290 ngàn tỷ feet khối khí đốt. Biển Đông cũng chiếm khoảng 1/10 toàn bộ lượng cá đánh bắt toàn cầu hàng năm.

Tháng 5/2014, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) do nhà nước sở hữu đã đưa một giàn khoan dầu vào vùng biển tranh chấp với Việt Nam. Các tàu hải quân và cảnh sát biển đối mặt xung quanh giàn khoan, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nổ ra ở Việt Nam. Mặc dù hai nước cuối cùng đã tháo được ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng, nhưng sau đó là nhiều tuần căng thẳng, khi mà các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và Việt Nam phớt lờ nhau. Một vụ việc tương tự có thể nổ ra trong tương lai gần và leo thang; một số thông tin trong tháng 7/2015 cho hay, Trung Quốc đã bắt đầu tái triển khai một giàn khoan cũng ở vùng biển tranh chấp trong năm 2014. Nếu CNPC định tái thăm dò ở khu vực này, hoặc trong các block dọc theo bờ biển Việt Nam, các giàn khoan của họ có thể sẽ được hộ tống bởi lực lượng bán quân sự ngày càng hiện đại và các tàu hải quân Trung Quốc. Trung Quốc đã mở rộng đáng kể căn cứ tại đảo Hải Nam để bố trí lực lượng hải quân ngày càng lớn, trong khi Việt Nam cũng đã bắt đầu hiện đại hóa các lực lượng tàu mặt nước và tàu ngầm của mình.

Với các tàu hải quân của mình đối mặt nhau, nguy cơ giao tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể bùng nổ. Hà Nội và Bắc Kinh có thể củng cố các vị trí trên biển của họ bằng nhiều phương tiện hải quân, các cuộc tuần tra thường xuyên và các đơn vị đặc nhiệm.

Nếu hai bên không ngăn chặn tình hình leo thang, Trung Quốc và Việt Nam cuối cùng có thể đi đến đánh nhau và trực tiếp lao vào một cuộc chiến trên biển, dù là có giới hạn.

Chạm súng xuyên biên giới Trung-Việt. Biên giới đất liền Trung-Việt trở nên ngày càng căng thẳng khi các lực lượng an ninh của cả hai bên đã chạm súng ít nhất hai lần trong năm 2014 và 2015. Các lý do cho những sự cố này vẫn chưa rõ - có thể lực lượng biên phòng Trung Quốc đã bắn vào người Uighur vượt biên. Nhưng chúng đã làm cho tình hình biên giới đất liền trở nên nguy hiểm hơn. Cuộc đụng độ tới đây, đặc biệt là nếu chúng diễn ra trùng với căng thẳng gia tăng vì các tranh chấp khác như Biển Đông hay sông Mekong, nơi các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn đã làm Việt Nam giận dữ, có thể dẫn đến việc Trung Quốc và Việt Nam tăng cường củng cố biên giới đất liền, làm gia tăng nguy cơ leo thang quân sự hơn nữa.

Đụng độ quân sự ngoài ý muốn xung quanh một cuộc diễn tập quân sự của Việt Nam với các đối tác chiến lược mới của Hà Nội. Việt Nam bắt đầu các loại hoạt động diễn tập với Hà Nội với các đối tác chiến lược đang tăng lên nhanh chóng. Trong tương lai gần, các hoạt động diễn tập có thể sẽ bao gồm diễn tập hải quân với Ấn Độ, Philippines, Singapore và thậm chí cả Mỹ và Nhật Bản. Các hoạt động diễn tập đó chắc chắn sẽ bị Trung Quốc giám sát chặt chẽ, ngay cả khi các hoạt động diễn tập diễn ra ở các vùng biển, vùng trời ngoài Biển Đông; Bắc Kinh thường có thái độ thù địch với quan hệ đối tác mới của Việt Nam. Tiềm năng xảy ra các sự cố không mong muốn, chẳng hạn như máy bay vờn nhau hoặc ép nhau hạ cánh, hoặc các tàu bắn gần nhau sẽ gia tăng.

Những chỉ dấu đáng báo động

Một số chỉ dấu cảnh báo cho thấy nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự đang gia tăng. Trong số những dấu hiệu chung nhất về quan hệ song phương đang xấu đi, đáng chú ý là:

Các tuyên bố chính thức công khai của Trung Quốc và Việt Nam. Hai chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đã tổ chức họp báo để tố cáo nhau sau các thông báo chính sách liên quan đến Biển Đông, biên giới Trung-Việt và các vấn đề gây tranh cãi khác. Những cuộc họp báo và tuyên bố công khai bằng văn bản có xu hướng bao gồm các tuyên bố chỉ trích nhau của những người phát ngôn cấp cao. Tin tức về các cuộc họp báo ở Bắc Kinh hay Hà Nội liên quan đến quan hệ Trung-Việt do đó nên được xem là một dấu hiệu chung của tình trạng căng thẳng gia tăng giữa hai nước.

Huy động các cuộc biểu tình. Trong một số dịp trong ba năm qua, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc rộng lớn đã được tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thường là để phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và đôi là để phản đối các hành động khác của Bắc Kinh. Sự hiện diện của các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Việt Nam hay các cuộc biểu tình chống Việt Nam tại Trung Quốc sẽ là một dấu hiệu của sự gia tăng căng thẳng giữa hai nước.

Những thông báo về các quan hệ đối tác chiến lược mới của Việt Nam. Việt Nam đang tích cực tìm cách chính thức hóa các mối quan hệ gần gũi hơn với nhiều cường quốc khu vực hơn nữa như Indonesia, những nước có chung quan ngại về sự thống trị của Trung Quốc. Thông báo thiết lập quan hệ đối tác chiến lược mới giữa Việt Nam với một quốc gia châu Á như Indonesia nên được xem như một dấu hiệu tiềm năng của căng thẳng gia tăng giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Đưa các giàn khoan dầu vào các vùng biển tranh chấp và/hoặc các tuyên bố chủ quyền. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã sử dụng các tuyên bố chính thức, thường được thông qua tại các các cuộc họp đảng, để bày tỏ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Họ cũng đã sử dụng các công ty dầu khí nhà nước làm công cụ để khẳng định chủ quyền đối với các khu vực tranh chấp. Trong quá khứ, cả Trung Quốc và Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng với hoạt động thăm dò dầu khí mới của phía bên kia bằng cách tăng cường tuần tra tại các khu vực tranh chấp hay cắt cáp của các tàu khảo sát. Vì vậy, các tuyên bố chính thức hoặc các thông báo về hoạt động thăm dò mới ở Biển Đông có thể báo hiệu một cuộc khủng hoảng quân sự sắp xảy ra.

Các hoạt động diễn tập quân sự gần biên giới đất liền Trung-Việt. Trong bối cảnh cả Trung Quốc và Việt Nam hiện nay đều không tiến hành các cuộc diễn tập quân sự thường xuyên gần biên giới đất liền, do đó các cuộc diễn tập trận gần biên giới có thể báo hiệu một cuộc đối đầu sắp xảy ra.

Các hoạt động chuẩn bị quân sự của Trung Quốc để đáp trả với các hoạt động diễn tập được giữa Việt Nam và các đối tác của mình. Các máy bay tiêm kích phản lực Trung Quốc trong những năm gần đây đang ngày càng sẵn sàng bay gần một cách nguy hiểm với các máy bay trinh sát và tiêm kích của nước ngoài, cả trong không phận gần và khá xa bờ biển Trung Quốc. Trung Quốc và Việt Nam không có thỏa thuận về các nguyên tắc cho các tình huống gặp gỡ đối mặt trên không và Trung Quốc cũng không có thỏa thuận cho cuộc gặp gỡ trên không với các đối tác của Việt Nam, trong đó có Mỹ. Những thông tin về các vụ Trung Quốc đánh chặn máy bay của Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang tiến hành hoạt động diễn tập với các đối tác của Hà Nội nên được coi là một chỉ dấu cảnh báo chiến thuật.

Những tác động đối với lợi ích của Mỹ 
Bất kỳ cuộc khủng hoảng quân sự nào giữa Trung Quốc và Việt Nam đều có thể gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ, nhưng thiệt hại tiềm năng đối với lợi ích của Mỹ bắt nguồn từ một cuộc khủng hoảng trên biển Trung-Việt sẽ lớn hơn rất nhiều thiệt hại do một cuộc xung đột biên giới trên đất liền.

Đông Á đã chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang hải quân và không quân gấp gáp trong thập kỷ qua, cùng với việc gia tăng hơn nữa việc thử nghiệm các phương tiện hải quần và không quân làm gia tăng khả năng tính toán sai, đối đầu và thậm chí là chiến tranh công khai.

Mặc dù khả năng cuộc chạy đua vũ trang này có thể làm cho tính toán sai lầm và xung đột tăng lên, một cuộc khủng hoảng trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc về lý thuyết có thể phục vụ lợi ích của Mỹ ở châu Á. Một cuộc khủng hoảng bắt nguồn chủ yếu từ hành động gây hấn của Trung Quốc và gặp phải sự phản ứng của Mỹ thúc đẩy Trung Quốc thoái lui và ngăn chặn xung đột, có thể khiến các nước châu Á tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ. Các nước như Malaysia và Singapore vốn đã là đối tác của Mỹ có thể tìm cách chính thức hóa quan hệ với Hoa Kỳ thông qua các hiệp ước và hạn chế hợp tác quân sự với Trung Quốc. Các nước như Indonesia hiện có quan hệ quân sự hạn chế với Mỹ có thể sẽ tìm cách nhanh chóng mở rộng quan hệ quân sự.

Tuy nhiên, một kịch bản, trong đó một cuộc khủng hoảng trên biển khiến các quốc gia châu Á thúc đẩy quan hệ với Mỹ và vẫn tránh được một cuộc chiến tranh hải quân có thể không thực hiện được. Nếu một cuộc khủng hoảng hàng hải nổ ra và phản ứng của Mỹ là không hiệu quả, làm kéo dài cuộc xung đột và không buộc được Trung Quốc rút lui, thì ngay cả các đối tác thân cận của Mỹ có thể cũng tìm cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc và hy sinh quan hệ quân sự với Washington. Thậm chí cả khi phản ứng của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng hàng hải là có hiệu quả, khiến Bắc Kinh lùi bước, thì một số quốc gia châu Á như Indonesia hay Malaysia vẫn có thể quyết định tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc và giảm hợp tác với Hoa Kỳ vì nghĩ rằng, họ không có cách nào để ngăn chặn các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở vùng biển châu Á trong dài hạn. Và thậm chí nếu Washington phản ứng hiệu quả với một cuộc khủng hoảng, và các nước châu Á đã tìm kiếm các quan hệ quân sự gần gũi hơn với Mỹ, thì các nước này vẫn có thể tiếp tục nhanh chóng mở rộng năng lực hải quân và không quân của họ. Những rủi ro của một cuộc chạy đua vũ trang như thế dẫn đến tính toán sai lầm và leo thang ở vùng biển và vùng trời châu Á sẽ vẫn tồn tại.

Các phương án phòng ngừa
Mỹ có nhiều phương án để làm giảm nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng quân sự Trung-Việt, mặc dù ảnh hưởng của Mỹ đối với Trung Quốc và kể cả Việt Nam còn hạn chế. Chúng bao gồm các chiến lược để thúc đẩy hợp tác; các giải pháp dùng để tăng cường khả năng của Việt Nam răn đe các hành động của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải và/hoặc lợi ích chiến lược của Mỹ; và các phương án cho phép Mỹ rút khỏi cuộc xung đột Trung-Việt mà không đe dọa đến lợi ích chiến lược của Mỹ hoặc dính líu đến đồng minh của Mỹ.

Thúc đẩy hợp tác. Một bộ quy tắc ứng xử cho tàu bè hoạt động ở Biển Đông có thể là chiến lược hợp tác hiệu quả nhất. Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đã tham gia đàm phán về bộ quy tắc ứng xử kể từ tháng 9/2013. Tuy nhiên, 10 thành viên ASEAN đã bị chia rẽ về mức độ thúc đẩy mạnh mẽ bộ quy tắc ứng xử và bộ quy tắc như vậy bao gồm những gì. Trong các tranh chấp khác, Trung Quốc đã phản ứng tích cực khi các nước ASEAN thể hiện một lập trường thống nhất.

Mỹ có thể làm việc với Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác để tạo lập một lập trường thống nhất vềbộ quy tắc ứng xử. Nếu Trung Quốc từ chối tiếp tục tham gia các cuộc thảo luận về bộ quy tắc ứng xử, Mỹ nên khuyến khích ASEAN xây dựng một dự thảo bộ quy tắc riêng của mình và công khai trình bày nó với Bắc Kinh.

Chiến lược hợp tác thứ hai có thể là thúc đẩy các dự án kinh tế và khoa học chung ASEAN-Trung Quốc ở Biển Đông, chẳng hạn như các chương trình hệ thống hóa đa dạng sinh học biển. Những dự án khoa học có tác dụng tạo lập lòng tin và có thể dẫn đến các dự án thăm dò dầu khí chung ASEAN-Trung Quốc vốn có thể có tiềm năng làm giảm mạnh tình trạng căng thẳng.

Chiến lược hợp tác thứ ba có thể là khuyến khích các cuộc tuần tra chung Trung-Việt đường biên giới trên bộ giữa hai nước, mặc dù ảnh hưởng của Mỹ đối với các vấn đề liên quan đến biên giới đất liền Trung-Việt là cực kỳ hạn chế. Mặc dù biên phòng hai nước tổ chức tham vấn thường xuyên và đôi khi trao đổi thông tin tình báo, nhưng họ không tiến hành tuần tra chung vốn sẽ giúp các sĩ quan cao cấp có mối liên hệ gần gũi hơn và làm giảm nguy cơ chạm súng dọc biên giới.

Sử dụng các cuộc tập trận hải quân, hoạt động mua bán vũ khí, các tuyên bố về chính sách của Mỹ và các cuộc tập trận chung để răn đe Trung Quốc. Một chiến lược phòng ngừa cũng có thể là một cách răn đe có thể được lựa chọn ở Biển Đông đồng thời với việc Mỹ khuyến khích các biện pháp hợp tác. Mỹ có thể phái các tàu hải quân đi qua các khu vực ở Biển Đông, nơi Trung Quốc vừa ngăn chặn các tàu thuyền của Việt Nam hoặc nước khác đi lại để chứng tỏ cam kết của Mỹ đối với tự do hàng hải.

Bước thứ hai có thể là sử dụng ngoại giao nhân dân và cá nhân để làm rõ các cam kết của Mỹ đối với các đồng minh có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Các nhà lãnh đạo Mỹ có thể tuyên bố công khai rằng, các lực lượng Mỹ sẽ đến hỗ trợ bất kỳ đồng minh có hiệp ước với Mỹ nào nếu họ phải đối mặt với các cuộc tấn công vô cớ tại các khu vực ở Biển Đông mà nhiều quốc gia có tuyên bố chủ quyền. Hiện nay, các quan chức Mỹ mới chỉ nói mơ hồ rằng, tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ có thể giảm tối đa khả năng các tuyên bố công khai của mình làm mếch lòng Trung Quốc bằng cách đồng thời cung cấp những cảnh báo công khai cho các đối tác của mình ở khu vực Biển Đông - Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia - rằng, Mỹ sẽ không nhất thiết phải bảo vệ họ trong một cuộc xung đột trên biển nếu họ khiêu khích gây ra khủng hoảng. Những ví dụ về các hành động khiêu khích như vậy có thể là trường hợp một nước tấn công trước các tàu Trung Quốc hoặc ngăn chặn các tàu Trung Quốc đi lại trong vùng biển quốc tế.

Bước thứ ba có thể là hỗ trợ nâng cấp khả năng phòng thủ của Việt Nam bằng cách mở rộng danh mục vũ khí sát thương của Mỹ bán cho Hà Nội mà Quốc hội Mỹ đã thông qua vào mùa thu năm 2014 để bao gồm cả máy bay và tàu hải quân. Mỹ cũng có thể giúp cải thiện khả năng phòng thủ của Việt Nam bằng cách thúc đẩy, tổ chức các hoạt động huấn luyện chiến đấu Mỹ-Việt hàng năm. Những loại răn đe này có thể đẩy các lực lượng của Mỹ, Việt và Trung Quốc vào sát gần nhau và gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm. Tuy nhiên, sự răn đe có thể có hiệu quả trong việc ngăn chặn Trung Quốc triển khai sức mạnh theo những cách có thể kích động một cuộc đối đầu với các nước láng giềng.

Giảm dính líu đến cuộc đối đầu Trung-Việt trên đất liền ở Đông Nam Á lục địa. Một chiến lược giảm thiểu sự tham gia của Mỹ trong bất kỳ cuộc xung đột biên giới đất liền tiềm năng nào hoặc sự cạnh tranh rộng lớn hơn trên lục địa Đông Nam Á có thể là lựa chọn tốt nhất đối với Mỹ. Nước Mỹ có lợi ích chiến lược và kinh tế cực nhỏ ở phần lớn lục địa Đông Nam Á; biên giới đất liền Trung-Việt không có tầm quan trọng đáng kể đối với nền kinh tế Mỹ, và Mỹ đã từng để các đối tác khác ở châu Á tự giải quyết tranh chấp biên giới mà không cần bất kỳ sự tham gia nào của Mỹ.

Các giải pháp kiềm chế

Mỹ có thể sử dụng một số biện pháp phòng ngừa để tháo ngòi một cuộc khủng hoảng quân sự. Các tùy chọn này, mặc dù bị hạn chế bởi thực tế là Việt Nam không phải là một đồng minh có hiệp ước với Mỹ và quan hệ Mỹ-Trung vẫn còn nhiều vướng mắc, khoảng cách giữa các chiến lược thúc đẩy sự đồng thuận chống leo thang căng thẳng đến các biện pháp có tính cưỡng chế hơn.

Giải pháp có tính hợp tác: Khuyến khích Hà Nội và Bắc Kinh sử dụng đường dây nóng và các cuộc gặp cấp cao, và thúc giục các đối tác của Việt Nam tổ chức ngay lập tức các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc và Việt Nam đã mở một đường dây nóng trong năm 2013 để các nhà lãnh đạo hàng đầu có thể nói chuyện trực tiếp với nhau, cả hai chính phủ đã bỏ qua công cụ này trong cuộc khủng hoảng tháng 5/2014. Ngoài ra, hai nước trong một tháng trời cũng từ chối tổ chức một cuộc gặp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc.

Nếu một tình huống đối đầu khác xảy ra ở Biển Đông vì hoạt động diễn tập quân sự của Việt Nam, hoặc dọc theo biên giới Trung-Việt, Washington có thể khuyến khích cả Hà Nội và Bắc Kinh lập tức sử dụng đường dây nóng riêng của họ; mặc dù Việt Nam không phải là đồng minh, Mỹ có lẽ có ảnh hưởng đối với Hà Nội nhiều hơn bất cứ cường quốc bên ngoài nào khác. Nếu khủng hoảng quân sự bắt nguồn từ những sự cố sau hoạt động diễn tập của Việt Nam với các đối tác như Philippines hay Ấn Độ, Mỹ có thể thúc đẩy các quốc gia như Philippines mà Washington có ảnh hưởng tổ chức các cuộc gặp giữa các lãnh đạo của họ với Bắc Kinh, trong vòng bí mật nếu cần, để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng.

Giải pháp có tính cưỡng chế: Triệu tập một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ. Nếu một cuộc khủng hoảng quân sự Trung-Việt bắt nguồn từ bất kỳ tình huống nào trong ba tình huống bất ngờ này leo thang thành đụng độ bạo lực nguy hiểm, Mỹ cần mạnh mẽ thúc giục Tổng thư ký LHQ triệu tập một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ. ASEAN lúc này không thể làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng liên quan đến Hà Nội vì Tổng thư ký ASEAN hiện nay là một nhà ngoại giao Việt Nam. Việc triệu tập phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Trung Quốc có thể có vẻ giống như một chiến lược nhằm công khai hạ nhục Bắc Kinh, nhưng Washington cần làm cho Bắc Kinh và Hà Nội hiểu rõ rằng, mục tiêu của việc này là tạo ra một nơi để thảo luận. Tuy nhiên, Mỹ và các quốc gia khác sẽ vẫn bảo lưu quyền sử dụng phiên hợp để đề xuất các nghị quyết kêu gọi một hoặc cả hai bên xung đột xuống thang nếu không sẽ đối mặt với trừng phạt, mặc dù Trung Quốc có thể sử dụng quyền phủ quyết của họ để ngăn chặn bất kỳ nghị quyết nào mà họ phản đối.

Giải pháp có tính cưỡng chế: Báo hiệu cam kết của Mỹ đối với Việt Nam. Nếu một cuộc khủng hoảng quân sự nảy sinh do các hành động quyết đoán và vô cớ của Trung Quốc ở Biển Đông, hoặc phản ứng của Trung Quốc đối với hoạt động diễn tập quân sự Mỹ-Việt Nam, cuộc khủng hoảng leo thang thành bạo lực nguy hiểm và đe dọa tự do hàng hải, và không có lựa chọn khác để tháo ngòi đối đầu, Washington có thể phái cho một cụm tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông để thúc giục các nhà lãnh đạo Bắc Kinh ngồi lại với các nhà lãnh đạo cấp cao Việt và một bên trung gian hòa giải để giải quyết tranh chấp.

Những khuyến nghị về chính sách

Chiến lược hiệu quả nhất của Mỹ để giảm nguy cơ xảy ra khủng hoảng quân sự Trung-Việt là chiến lược kết hợp: việc sử dụng ASEAN để thúc đẩy xây dựng lòng tin đa phương ở Biển Đông; thúc đẩy các nguyên tắc chỉ đạo bằng văn bản và rõ ràng để giải quyết tranh chấp trên biển; làm cho chính sách của Mỹ rõ ràng hơn đối với các đồng minh có hiệp ước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông; củng cố khả năng phòng thủ của Việt Nam và các đối tác Đông Nam Á khác để răn đe các hoạt động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông; và giảm tối đa sự tham gia của Mỹ vào bất kỳ cuộc xung đột biên giới đất liền Trung-Việt nào.

Cụ thể, Mỹ cần phải thực hiện các bước sau đây:

Tăng cường khả năng hòa giải của ASEAN. Khi một nhà ngoại giao từ một nước khác ngoài Việt Nam lên giữ chức Tổng thư ký ASEAN vào năm 2018, ASEAN có thể đóng vai trò trung gian giữa Trung Quốc và Việt Nam. Việt Nam, một trong những thành viên mới của ASEAN, coi trọng tư cách thành viên trong tổ chức khu vực này và phấn đấu tỏ ra là một nước chú ý đến vai trò lãnh đạo của ASEAN. Mỹ nên khuyến khích vai trò hòa giải của Tổng thư ký ASEAN và giúp tăng cường năng lực hòa giải xung đột cho Ban thư ký ASEAN. Mỹ nên cung cấp viện trợ hàng năm 2-4 triệu USD hàng năm để giúp Viện Hòa bình và Hòa giải (Institute for Peace and Reconciliation) thuê thêm nhân viên và cử họ đi học hỏi các kinh nghiệm từ các nước khác từng làm trung gian hòa giải các cuộc xung đột ở Đông Nam Á như Na Uy.

Khuyến khích Trung Quốc và Việt Nam tiến tới có bản ghi nhớ về giải quyết các tranh chấp trên biển. Mỹ nên khuyến khích cả hai bên nối lại đàm phán về các nguyên tắc thỏa thuận về quy tắc xử lý tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Coi quy tắc ứng xử ở Biển Đông là một ưu tiên của ngành ngoại giao Mỹ. Các quan chức Mỹ, gồm cả Tổng thống Obama, nên sử dụng các chuyến thăm Đông Á để thể hiện sự ủng hộ của Mỹ cho các cuộc đàm phán thường xuyên Trung Quốc-ASEAN về quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Đại sứ Mỹ tại ASEAN cần coi việc xác lập lập trường thống nhất của ASEAN về quy tắc ứng xử là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của mình.

Làm rõ các quan điểm của Mỹ về vấn đề bảo vệ các đối tác ở Biển Đông. Mỹ nên sử dụng các tuyên bố công khai để xác định rõ hơn các cam kết của Mỹ bảo vệ các lực lượng Philippines tại khu vực tranh chấp nếu họ bị tấn công vô cớ.

Mở rộng quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt. Mỹ cần nỗ lực mở rộng quyền tiếp cận vịnh Cam Ranh cho các hạm tàu hải quân Mỹ và tăng số lượng các chương trình huấn luyện, đào tạo cho các sĩ quan cao cấp của Việt Nam để chuẩn bị cho các hoạt động diễn tập hải quân Mỹ-Việt trong tương lai. Mỹ cũng nên tăng cường bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, mặc dù danh mục vũ khí xuất khẩu nên được giới hạn trong phạm vi các phương tiện hải quân và không quân.

Báo hiệu cho Hà Nội hiểu rằng, Mỹ là không định mở rộng hợp tác sang một cuộc xung đột biên giới trên bộ. Mỹ cần phải báo hiệu cho Hà Nội biết rằng, hợp tác chiến lược Mỹ-Việt gần gũi hơn sẽ không bao gồm cam kết của Mỹ bảo vệ biên giới trên bộ của Việt Nam, trừ khi Việt Nam có khả năng bị tấn công vô cớ, bằng cách hạn chế các hoạt động diễn tập chung hải quân và không quân Mỹ-Việt trong tương lai ở Biển Đông.
Nguồn: Averting a China-Vietnam Military Clash / Joshua Kurlantzick // The Diplomat, 2015.9.25.
 PrintPrintShare on Zing MePrintPrintPrintChia sẻ bài này lên Yahoo Messenger
E-mailPrint

No comments:

Post a Comment