Ngành xe hơi ở Đức quan hệ gắn bó với giới chính trị
Volkswagen trước vụ tai tiếng lớn nhất trong lịch sử.REUTERS/Fabian Bimmer
Nhật báo Le Monde tiếp tục theo dõi vụ tai tiếng của hãng xe hơi Đức Volkswagen : « Tại Đức ngành xe hơi và giới chính trị sống hòa thuận » để cho thấy mối liên hệ giữa giới chính khách với các nhà chế tạo xe hơi của nước này.
Tờ báo ghi nhận, vụ bê bối Volkswagen còn phơi ra mối liên hệ đầy thế lực gắn kết giữa các nhà chế tạo xe hơi của Đức với nhiều chính phủ nối tiếp nhau ở nước này, dù đó là phe bảo thủ hay xã hội dân chủ .... Ba hãng xe lớn (VW, Daimler và BMW) đều đã hào phóng chi tiền cho các chiến dịch vận động bầu cử của những đảng phái chính trị lớn, kể cả đảng Xanh. Đổi lại các hãng xe luôn nhận được sự ủng hộ hết mình của chính quyền trung ương, đặc biệt trong các cuộc thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu.
Với chính phủ hiện nay, theo Le Monde, Thủ tướng Đức Angela Merkel là người rất quan tâm và gần gũi với ngành sản xuất xe hơi, không giống như với giới ngân hàng mà bà luôn muốn giữ khoảng cách hay với ngành điện lực mà bà là nhân vật không được hoan nghênh khi ra quyết định từ bỏ điện hạt nhân.
Là ngành nuôi sống hàng triệu người, công nghiệp ô tô ở Đức được coi như là một trong những báu vật quốc gia. Người tiền nhiệm của bà Merkel là ông Gerhard Schroder thuộc đảng (SPD), người từng được mệnh danh là « thủ tướng của ngành xe hơi » bởi những hoạt động loby tích cực cho lĩnh vực này mà đặc biệt là cho hãng xe Volkswagen, có trụ sở trung tâm tại Basse-Saxe thành trì chính trị của ông. Không ít những người thân cận trong chính phủ Schroder xuất thân từ ban lãnh đạo của VW.
Theo le Monde, ngành xe hơi cũng ăn sâu vào trong đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU). Vùng ảnh hưởng ở đảng này thuộc về hãng Daimler – Mercedes. Các quan chức lãnh đạo của hãng đều là những người từng kinh qua các chức vụ quan trọng trong chính phủ, hay đảng chính trị.
Hãng BMW cũng không nằm ngoài xu thế đó, họ gắn bó với đảng Liên minh Xã hội Thiên chú giáo – CSU.
Điểm đáng nói là những mối liên hệ ảnh hưởng đó thường kéo theo các thương vụ chuyển ngân lớn. Các hãng xe như vậy có thể cung cấp tiền hoàn toàn hợp lệ cho các đảng chính trị của họ. Hãng Daimler đã thông báo trong năm 2014 họ đã chi 320 nghìn euro cho các đảng khác nhau.
Hôm 29/9 vừa rồi tổ chức thuộc chính phủ Deutch Umwelt đã công bố tài liệu cho thấy là từ năm 2007, tổ chức này đã báo động cho các chính phủ Đức khác nhau về tình trạng các nhà sản xuất xe hơi không tôn trọng các chuẩn mực bảo vệ môi trường. Nhưng những cảnh báo như vậy không hề được lắng nghe. Đây cũng là điều dễ hiểu và hậu quả nhỡn tiền là vụ Volkswagen hiện nay.
Putin gấp rút đưa không quân tham chiến Syria
Chuyển sang chủ đề thời sự nóng trong ngày : Cuộc chiến hỗn loạn tại Syria. Tựa trang nhất của báo le Figaro đơn giản thông báo « Nước Nga tham chiến tại Syria ». Ngay sau khi xin và được Thượng viện cho phép ngay, tổng thống Putin đã gấp rút cho không quân Nga mở không kích tại Syria với lý do tổng thống Bachar al-Assad xin cầu viện. Tuy nhiên câu chuyện không chỉ đơn giản như vậy.
Vấn đề là Nga tấn công ai và mục đích là gì ? Matxcơva khẳng định chiến dịch không kích nhằm vào quân thánh chiến Nhà nước Hồi giáo, nhưng phương Tây tố cáo mục tiêu của Nga là lực lượng nổi dậy.
Le Figaro ghi nhận đây là lần đầu tiên kể từ đầu cuộc khủng hoảng Syria, Nga không kích vào Syria. Damas cho biết các cuộc oanh kích này nhằm vào 7 điểm trong tỉnh Homs và Hama. Ngay lập tức Paris và Washington đặt nghi ngờ Matxcơva không nhằm tiêu diệt quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo mà chủ yếu nhằm vào lực lượng nổi dậy chống chế độ Bachar al-Assad.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không giấu diếm ý định qua tuyên bố : « Chúng ta sẽ chỉ hỗ trợ quân đội Syria trong cuộc chiến chính đáng của họ chống lại các nhóm khủng bố ».
Le Figaro nhận định, giọng điệu cố ý thận trọng của tổng thống Nga lại ngược với màn kịch diễn ra trong sáng hôm qua tại Matxcơva : Thượng viện Nga bất ngờ cho ngừng công việc thường ngày, đuổi các nhà báo ra ngoài nghị trường để nghiên cứu khẩn cấp đề nghị của Kremlin xin « được phép điều động quân đội Nga tham chiến bên ngoài lãnh thổ ». Cách làm được so sánh là giống hệt với vụ Thượng viện hồi tháng 3/2014 cho phép Nga can thiệp quân sự vào Crimée. Rất nhanh sau đó, 162 thượng nghị sĩ nhất trí tán thành đề nghị của tổng thống Nga với lý do là "văn phòng của Bachar al-Assad đã đích thân xin Matxcơva can thiệp quân sự".
Theo Le Figaro, về hình thức, Kremlin đã hành động theo đúng quy định, có đèn xanh của Thượng viện, một công đoạn bắt buộc cho mọi cuộc can thiệp quân sự của Nga. Bên cạnh đó theo giải thích của Chủ tịch ủy ban đội ngoại Thượng viện Nga Vladimir Djabarov, giờ đây Hoa Kỳ, Úc hay cả Pháp nữa đang tấn công vào Syria mà có cần nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc đâu, vậy thì cớ sao Nga không thể can thiệp. Song song đó Matxcơva tối qua trình lên Hội đồng Bảo an một dự thảo nghị quyết và « đấu tranh chống khủng bố » để như chứng tỏ rằng Nga biết tôn trọng luật pháp quốc tế.
Giới quan sát nhận định việc Nga nhảy vào tham chiến hỗ trợ chế độ Bachar al-Assad có nguy cơ làm cho cuộc xung đột ở Syria trở nên rối tung lên và cuộc chiến có thể kéo dài không có có người chiến thắng.
Tranh cử tổng thống Mỹ : Hillary Clinton, chặng đầu đã hụt hơi
Tiếp tục với Le Figaro, trang quốc tế của báo quan tâm đến chiến dịch vận động ra tranh cử tổng thống Mỹ của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Le Figaro nhận thấy cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của nữ ứng cử viên nổi tiếng này giờ đang có dấu hiệu hụt hơi.
Mặc dù có mạng lưới tổ chức, các chuyên gia truyền thông và túi tiền đầy ắp, ứng viên nhiều ưu thế trong cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng Dân chủ đang gặp phải khó khăn khi mà cuộc đua vẫn chỉ ở giai đoạn đầu. Theo tờ báo thì nhiều dấu hiệu đang gợi lại thất bại của bà trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2008.
Với tất cả những thế mạnh của một bản « lý lịch vàng » như : Đệ nhất phu nhân tiểu bang Arkansas, đệ nhất phu nhân nước Mỹ, Thượng nghị sĩ của New York và cuối cùng là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton bước vào cuộc đua với tư thế hiên ngang đã mang bóng dáng của một người chiến thắng.
Thế nhưng mới chỉ sau 5 tháng, ứng cử viên đã bắt đầu đuối sức và ngày càng có chiều hướng tụt lại phía sau. Các cuộc tham dò mới nhất cho thấy bà Hillary Clinton chỉ chiếm được 48% phiếu bầu, thay vì 58% các đây một tháng. Tại nhiều tiểu bang như Iowa hay New Hampshire ứng viên Hillary Clinton liên tục bị đối thủ bỏ xa lại phía sau hàng chục điểm. Tất cả bắt đầu từ cái vụ « e-mail », sử dụng hộp thư cá nhân cho công việc chung, bị bung ra hồi tháng 6 vừa qua. Le Figaro đánh giá đây là sai lầm lớn. Hillary đã đánh giá thấp cơ bão đang hình thành, chỉ giải thích cho qua chuyện rằng bà được phép làm như vậy... Thế nhưng dần dần, các câu hỏi khó chịu bắt đầu nổi lên : Cách làm như vậy có hợp pháp ? Việc làm của cựu lãnh đạo Ngoại giao có gây nguy hại đến an ninh quốc gia hay không ? Và tại sao bà lại làm như vậy ?
Mặc dù đã làm tất cả nhưng đám cháy dường như vẫn không bị dập tắt hẳn. Hình ảnh của một người giả dối, vô kỷ luật nổi lên trong khi trước mặt ứng viên này vẫn còn cả một chặng đường dài.
Đốt rừng lấy đất canh tác tại Indonesia : Hậu quả không biên giới
Trở lại với Le Monde với chủ đề môi trường sống. Tờ báo cho biết Malaysia đang bị ngạt thở vì vụ cháy rừng ở Indonesia.
Sau Singapore, đầu tuần này đến lượt Malaysia buộc phải lần thứ hai trong tháng 9 ra lệnh đóng cửa 618 nghìn trường từ tiểu học đến trung học. Nguyên do là các vụ cháy rừng bên Indonesia đã đẩy đám khói bụi làm ngạt thở người dân bán đảo Mã Lai.
Nguyên nhân của đám khói bụi ô nhiễm là việc đốt rừng lấy đất canh tác bất hợp pháp của một số công ty làm bột giấy và trồng cọ lấy dầu. Nhu cầu về hai loại nguyên liệu quen thuộc này đã bùng nổ mạnh từ đầu thế kỷ 21, nhất là để cung cấp cho thị trường Trung Quốc. Từ hai chục năm nay đã phải đối phó với nạn đốt rừng lấy đất canh tác cây công nghiệp như vậy nhưng Indonesia vẫn bất lực trước sức hấp dẫn lợi nhuận của các công ty.
Le Monde cho biết : Indonesia trở thành nạn nhân đầu tiên của nạn phá rừng lấy đất canh tác. Nhiều thành phố của đảo quốc này tình trạng ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động. Chỉ trong đầu tháng 9, có 168 nghìn người dân của đất nước này đã bị nhiễm những chứng bệnh hô hấp phải điều trị.
Sau khi phải huy động hai chục nghìn lính cứu hỏa để dập các đám cháy rừng, chính phủ Jakarta đã quyết định hàng loạt các biện pháp để chống lại tệ đốt rừng canh tác. Indonesia cũng vừa phải treo giấy phép kinh doanh của ba công ty dầu cọ. Những biện pháp như vậy chưa đủ thuyết phục các nước láng giềng, từ Singapore, Malaysia cho đến tận Thái Lan, những nạn nhân liên đới của tệ nạn đốt rừng.
No comments:
Post a Comment