Tuesday, August 6, 2013

Philippines sẽ tăng cường tuần tra trên biển

Philippines sẽ tăng cường tuần tra trên biển

Tàu BRP Ramon Alcaraz vào vịnh Subic. Ảnh của phủ Tổng Thống Philippines đưa ra ngày 06/08/2013
Tàu BRP Ramon Alcaraz vào vịnh Subic. Ảnh của phủ Tổng Thống Philippines đưa ra ngày 06/08/2013
Reuters

Thụy My
Philippines hôm nay 06/08/2013 hứa hẹn sẽ tăng cường tuần tra trên biển, và hoan nghênh chiếc chiến hạm thứ hai mua lại của Mỹ đã đến nơi, giúp nâng cao năng lực quốc phòng trong lúc đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

Tổng thống Benigno Aquino và Hải quân Philippines đã chào đón chiếc BRP Ramon Alcaraz, một tàu tuần tiễu lớp Hamilton mà lực lượng tuần duyên Mỹ không sử dụng nữa, được Manila mua lại. Chiến hạm mới này thả neo ở vịnh Subic, một căn cứ hải quân cũ của Hoa Kỳ tại bờ biển phía tây đảo chính Luzon nhìn ra Thái Bình Dương, nơi Philippines kịch liệt tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Ông Aquino tuyên bố với đặc phái viên Mỹ tại Manila và các viên chức khác: « Nay chiếc BRP Ramon Alcaraz đã đến, chúng tôi chắc chắn sẽ tăng cường tuần tiễu tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tàu này cũng sẽ giúp nâng cao khả năng chống lại mọi đe dọa ». Tổng thống Philippines không nêu thẳng tên Trung Quốc, vốn yêu sách chủ quyền các vùng biển chồng lấn với Philippines và các nước khác.
Tàu tuần duyên Alcaraz được đặt theo tên một chuẩn đô đốc Philippines, người hùng đã chống lại các phi cơ chiến đấu Nhật trong Đệ nhị Thế chiến, là chiến hạm thứ hai mua lại của Mỹ trong những năm gần đây, giúp cải thiện đáng kể trang bị quân sự nghèo nàn của Manila.
Chiến hạm đầu tiên là BRP Gregorio del Pilar được mua vào năm 2011 và ngay lập tức được gởi đi tuần tra trên biển, để đối phó với tình trạng mà M anila gọi là Bắc Kinh ngày càng quân sự hóa các khu vực tranh chấp. Năm 2012, chiếc Gregorio del Pilar phải đối đầu với các chiến hạm Trung Quốc trong vụ bãi cạn Scarborough ở gần Subic, mà cuối cùng Bắc Kinh đã nắm quyền kiểm soát khi phía Philippines rút lui.
Chiếc Alcaraz mới mua có trọng tải 3.250 tấn, có thể chịu đựng được sóng lớn và ở lại trên biển lâu hơn so với các tàu khác của Philippines hiện nay, nên có thể tuần tiễu với phạm vi rộng hơn.
Quân đội Philippines được xem là một trong những quân đội yếu nhất trong khu vực, và Manila đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để nâng cao năng lực. Tuần rồi, chính quyền Manila cho biết viện trợ quân sự Mỹ có thể tăng lên 60%, đạt 50 triệu đô la trong năm nay, với khả năng mua thêm một tàu tuần duyên thứ ba.
Một số lực lượng nhỏ của Mỹ luân phiên huấn luyện cho Philippines, cho dù Bộ Quốc phòng mới đây cho biết đang thảo luận với các đồng nhiệm Mỹ về việc sử dụng chung các căn cứ của Philippines. Phi cơ trinh sát P3 Orion của Hải quân Hoa Kỳ cũng giúp Manila thu thập tin tức tình báo, qua đó Philippines nhận thấy Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự tại Biển Đông.
Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, ngay cả các vùng biển nằm cận kề các nước láng giềng nhỏ bé hơn. Các tranh chấp này được xem là những điểm nóng có nguy cơ xảy ra xung đột trong khu vực.
Căn cứ Subic trong một thời gian dài trước đây đã đóng vai trò quan trọng từ Đệ nhị Thế chiến cho đến chiến tranh Việt Nam, và trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Thượng viện Philippines vào năm 1991 đã chuẩn y việc đóng cửa các căn cứ quân sự Mỹ trên toàn quốc.



TAGS: CHÂU Á - PHILIPPINES - QUÂN SỰ

No comments:

Post a Comment