Sunday, January 12, 2014

Nhật Bản tiến công trên mặt trận ngoại giao

Nhật Bản tiến công trên mặt trận ngoại giao

Tổng thống Pháp Francois Hollande (T), cùng Ngoại trưởng Laurent Fabius (thứ 2,T), Bộ truởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian (P) đón Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida(T) và Bộ truởng Quốc phòng Nhật  Itsunori Onodera (Thứ 2 P) tại điện Elysée ngày (09/01/2014)
Tổng thống Pháp Francois Hollande (T), cùng Ngoại trưởng Laurent Fabius (thứ 2,T), Bộ truởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian (P) đón Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida(T) và Bộ truởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera (Thứ 2 P) tại điện Elysée ngày (09/01/2014)
REUTERS/Philippe Wojazer

Tú Anh
Từ châu Á đến châu Âu, Tokyo khai triển một chiến lược ngoại giao năng động. Thắt chặt quan hệ với Asean, củng cố bang giao Pháp-Nhật qua việc thành lập « đối tác đặc biệt » với Paris. Tất cả các nỗ lực của chính phủ Shinzo Abe nhằm hai mục đích : Củng cố vị thế đại cường của Nhật Bản và qua đó, đối phó với chính sách bành trướng của Trung Quốc.

Tokyo càng ngày càng cảm thấy tham vọng của Bắc Kinh là hiểm nguy to lớn, trực tiếp đe dọa từ kinh tế đến quân sự và chủ quyền quốc gia. Cuối năm 2013, sau hai năm liên tục khuấy nhiễu quần đảo Senkaku/ Điếu ngư, Trung Quốc đơn phương ban hành vùng « nhận dạng và phòng không » trên Biển Hoa Đông và dự kiến sẽ có biện pháp tương tự tại Biển Đông mà Bắc Kinh gọi là Nam Hải, để khống chế toàn bộ toàn khu vực mà Trung Quốc tranh giành chủ quyền với các láng giềng .
Chính tại Biển Đông, ngày 01/01/2014, Bắc Kinh áp dụng cái gọi là « quy định » buộc tàu đánh cá các nước khác « phải xin phép » nếu muốn hoạt động.
Là một cường quốc kinh tế, công nghệ và có trang thiết bị quân sự tối tân, tuy bị trói tay vào Hiến pháp chủ hòa, Nhật Bản của « diều hâu » Shinzo Abe không để cho Bắc Kinh lấn hiếp từ trên không, trên biển, đến uy thế.
Để xây dựng một thế liên hoàn đương đầu với Trung Quốc, Tokyo đã có đồng minh quân sự Hoa Kỳ. Nhưng từ khi Shinzo Abe trở lại chính quyền vào tháng 12 năm 2012, chính phủ Nhật tiến hành một chiến lược ngoại giao mới, tận dụng khả năng kinh tế, công nghiệp và vũ khí.
« Tiếp liệu đạn cho lực lượng Hàn Quốc »
Tokyo đã không bỏ lỡ một cơ hội nào để liên kết với các nước trong khu vực : Thủ tướng Shinzo Abe và các bộ trưởng quan trọng đã thăm viếng tất cả các nước Đông Nam Á mà không sang Trung Quốc. Tokyo viện trợ cho Asean từ kinh tế đến quân sự đặc biệt là tàu tuần cho Philippines.
Trong những ngày cuối năm, mặc dù vụ viếng đền Yasukuni gây căng thẳng với Hàn Quốc, quân đội Nhật đã nhanh chóng cung cấp đạn dược cho đơn vị Hàn Quốc bảo vệ hòa bình tại Nam Sudan bị thiếu đạn. Động thái này rất được chính phủ và báo chí Hàn Quốc khen ngợi.
Sự kiện Tokyo gửi hai thành viên quan trọng nội các Shinzo Abe là Ngoại trưởng Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera sang Pháp cũng nằm trong chiến lược ngoại giao mới, chứng tỏ Nhật Bản là một đại cường, có vai trò và trách nhiệm trên các hồ sơ quốc tế. Tokyo cũng nhân cơ hội này trình bày quan điểm của Nhật về xung khắc trên Biển Hoa Đông và chuyện chính giới Nhật đi thăm ngôi đền Thần đạo.
Tại Paris, trong khuôn khổ thảo luận song phương 2+2 - tức là giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước - phái bộ Nhật Bản tạo được phản ứng thuận lợi từ phía đối tác Pháp.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng Pháp không theo phe nào trong chuyện tranh chấp chủ quyền, nhưng Paris lo ngại trước tình hình căng thẳng tại khu vực và cần phải sử dụng các hình thức đối thoại. Nói cách khác, Pháp hàm ý không chấp nhận các động thái áp đặt và dùng vũ lực của Trung Quốc.
Trên một hồ sơ gây tranh cãi khác là sự kiện Thủ tướng Shinzo Abe viếng đền thờ tử sĩ Yasukuni hồi tháng 12 và nói là sẽ trở lại - bị Hàn Quốc và nhất là Trung Quốc xem là hành động khiêu khích - Paris xem đây là vấn đề liên quan đến « ký ức ». Nói cách khác, Pháp không phê phán Thủ tướng Nhật nhất là khi ông Shinzo Abe giải thích ông đến đó để cầu nguyện cho hòa bình.
Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, hai bộ trưởng Nhật tuyên bố mục tiêu duy nhất của Tokyo là xây dựng một khu vực « thái bình » tại châu Á Thái Bình Dương. Tokyo muốn thiết lập một đường dây « điện thoại đỏ » với Bắc Kinh để « đối thoại » với chính quyền Trung Quốc, nhưng thương lượng bị gián đoạn từ năm 2012 khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku.
« Giúp Pháp ổn định an ninh tại châu Phi »
Đối tác chiến lược Pháp- Nhật được thành lập có lẽ đúng lúc và đúng việc. Paris xem chính sách đối ngoại của Tokyo thay đổi, mở ra một viễn cảnh mới về hợp tác quốc phòng và nghiên cứu : Công nghệ nano, rô-bô, an ninh mạng, trực thăng thế hệ mới, tàu ngầm không người điều khiển và động cơ tàu ngầm.
Phái bộ Nhật Bản không đến Pháp với đôi bàn tay không. Paris tỏ ra rất cảm kích thái độ của Nhật ủng hộ tích cực chiến dịch quân sự tại Mali và Trung Phi cũng như cam kết tài trợ 1 tỷ đôla để bảo vệ an ninh cho hai quốc gia này.
Không nói ra , nhưng mọi người đều hiểu, châu Phi nơi Pháp có nhiều quyền lợi chiến lược, vừa bị bất ổn vì hồi giáo cực đoan, vừa bị Trung Quốc gặm nhắm.
TAGS: BIỂN HOA ĐÔNG - BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - CHÍNH TRỊ - NGOẠI GIAO - NHẬT BẢN - PHÂN TÍCH

No comments:

Post a Comment