Các yêu sách trên biển mâu thuẫn ở Biển Đông
Biên dịch: Mạch Nguyễn Phương Uyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Giới thiệu
Biển Đông là nơi có các đặc điểm địa lý ven biển phức tạp, nhiều tranh chấp chủ quyền đối với các đảo bởi nhiều bên yêu sách, những tuyên bố về đường cơ sở thái quá và gây tranh cãi, những tuyên bố chồng chéo và trái ngược nhau về quyền tài phán trên biển, và gần đây nhất là những tranh chấp liên quan đến báo cáo được nộp lên (cho Liên Hợp Quốc) về các quyền đối với thềm lục địa mở rộng. Mục đích của bài viết này là xem xét và phân tích những vấn đề trên từ những góc nhìn không gian, pháp lý và địa chính trị. Bài viết sẽ mở đầu bằng việc đánh giá tổng quan những nhân tố địa lý và địa chính trị vốn định hình và làm nền tảng cho các tranh chấp tại Biển Đông trước khi đánh giá các tuyên bố của những quốc gia ven biển về đường cơ sở và các khu vực trên biển. Những thỏa thuận về ranh giới biển và khu vực phát triển chung cũng được nêu bật. Cuối cùng, bài viết tìm hiểu những dấu hiệu cho thấy các yêu sách về quyền tài phán trên biển đang được thực thi quyết liệt hơn.
Bối cảnh địa lý và địa chính trị
Biển Đông là một biển nửa kín rộng lớn, bao phủ ít nhất 3.000.000km2, bao quanh bởi các quốc gia – theo chiều kim đồng hồ tính từ phía Bắc – là Trung Quốc và Đài Loan; Phillipines; Malaysia; Brunei Darussalam (Brunei); Indonesia; Singapore; và Việt Nam. Ngoài ra, Campuchia và Thái Lan cũng nằm bên bờ Vịnh Thái Lan, một phần mở rộng của Biển Đông. Hậu quả chủ yếu của đặc tính nửa kín này của Biển Đông, cùng với một số lượng lớn các quốc gia ven biển có liên quan, đó là những yêu sách trên biển của các quốc gia này có xu hướng chồng lấn nhau. Diện tích rộng lớn của Biển Đông có nghĩa rằng hai bờ biển đối diện cách nhau hơn 400 hải lý (nm); một vùng công hải hay “lỗ tròn bánh doughnut” (doughnut hole) rộng lớn có thể tồn tại ngay ở trung tâm của Biển Đông (xem bên dưới). Tuy nhiên, bối cảnh quyền tài phán trên biển lại khá phức tạp bởi sự hiện diện của nhiều nhóm cấu tạo biệt lập thuộc nhiều dạng khác nhau ở Biển Đông. Những quần đảo chính của Biển Đông như sau (theo chiều kim đồng hồ tính từ hướng Tây Bắc):
▪ Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands), bao gồm khoảng 130 đảo, phần lớn được chia thành hai nhóm là nhóm Lưỡi Liềm và nhóm An Vĩnh (bị tranh chấp giữa Trung Quốc/Đài Loan và Việt Nam)
▪ Quần đảo Đông Sa (Pratas Islands), mà cấu tạo chính là dải đá ngầm Đông Sa, là một rặng san hô ngầm hình tròn có bán kính 11 dặm, bao quanh một đầm phá lớn (nằm dưới sự quản lý của Đài Loan, được tuyên bố chủ quyền bởi Trung Quốc);
▪ Bãi cạn Scarborough (Scaborough Reef/Shoal), một cấu tạo bao gồm một rặng san hô vòng rộng lớn, bị chìm khi thủy triều lên cao trừ một số chỏm nhỏ, và một đầm phá đi kèm (bị tranh chấp giữa Trung Quốc/Đài Loan và Philippines), và bãi Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa – NHĐ) nằm ở phía tây của bãi cạn Scarborough, là một cấu tạo bị chìm hoàn toàn và vĩnh viễn dưới mực nước biển;
▪ Quần đảo Trường Sa (Spratly Islands), bao gồm khoảng 150 – 180 đảo, đảo nhỏ, đá, đá ngầm cũng như rất nhiều những bãi cạn chỉ nổi khi thủy triều thấp và các cấu tạo chìm dưới mực nước biển (tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần bởi Brunei, Trung Quốc/Đài Loan, Malaysia, Philippines và Việt Nam); và,
▪ Quần đảo Natuna (Natuna Islands), bao gồm một nhóm trên 200 đảo và các cấu tạo biệt lập khác nằm ở Tây Nam của Biển Đông.
Như đã đề cập ở trên, ngoại trừ quần đảo Natuna đang nằm trong phần chủ quyền không tranh chấp của Indonesia, chủ quyền đối với những quần đảo này là đối tượng đang bị tranh chấp. Thêm vào đó, nếu xét về vấn đề quyền tài phán trên biển, các quần đảo tại Biển Đông có tiềm năng vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh đó, địa vị pháp lý của những cấu tạo biệt lập này, cũng như vai trò tiềm tàng của chúng trong việc phân định biên giới trên biển, mang ý nghĩa vô cùng then chốt. Ví dụ, nếu các đảo đang bị tranh chấp tại Biển Đông được phân loại là các đảo có khả năng tạo ra các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý (trái ngược với “đá” không thể tạo ra vùng EEZ), thì vùng công hải như đã nói ở trên sẽ không còn.
Những tác nhân địa chính trị đối với các tranh chấp tại Biển Đông
Những nhân tố địa chính trị chính yếu tạo cơ sở và gây nên những tranh chấp tại Biển Đông bao gồm những lo ngại không dứt về chủ quyền và quyền chủ quyền, những lo ngại về tự do hàng hải và an ninh tại các tuyến đường biển quan trọng, cũng như các cân nhắc về quyền tiếp cận tài nguyên biển. Trong số những yếu tố này thì vấn đề chủ quyền nổi bật hơn hết. Dù toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, các quốc gia có lãnh thổ kiểu Hòa ước Westphalia đã không hề suy giảm, có lẽ rõ ràng nhất là ở Đông và Đông Nam Á. Tranh chấp chủ quyền, nhất là đối với các vùng trên cạn (các đảo bị tranh chấp), vì thế vẫn là nguyên nhân gốc rễ của những tranh chấp chủ quyền các đảo ở Biển Đông, nhất là khi gắn liền với những ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng cạnh tranh và thù địch trong lịch sử.
Biển Đông là tâm điểm của hàng loạt Các tuyến liên lạc trên biển (SLOCs) có tầm quan trọng khu vực và toàn cầu. Việc đảm bảo cho các SLOCs và tự do hàng hải là vô cùng quan trọng để nền kinh tế thế giới vận hành suôn sẻ bởi vì giao thương quốc tế vẫn phụ thuộc rất nhiều vào vận tải hàng hải. Thực sự, sự phụ thuộc vào giao thương đường biển này càng bị trầm trọng hóa bởi các nền kinh tế nghèo nàn tài nguyên nhưng lại chú trọng xuất khẩu ở Đông và Đông Nam Á, và trong tình hình này, các tuyến SLOCs đi qua Biển Đông rõ ràng đều rất thiết yếu. Cũng tồn tại một khía cạnh an ninh năng lượng rõ rệt và ngày càng nổi bật đối với an ninh các tuyến đường biển tại khu vực này. Đáng lưu ý là hệ thống các SLOCs nối các nút thắt tạo thành cửa ngõ và lối ra khỏi Biển Đông có xu hướng tránh những vùng đảo đang tranh chấp tại khu vực này vì chúng là các mối rủi ro đối với hành trình hàng hải.
Liên quan đến việc tiếp cận các nguồn tài nguyên biển, có một nhận thức được mặc định từ lâu dù có thể không có căn cứ vững chắc, cho rằng những vùng tranh chấp ở Biển Đông chứa một trữ lượng đáng kể các nguồn năng lượng dưới đáy biển. Lượng hydrocacbon, nếu có tồn tại, chắc chắn sẽ rất hấp dẫn đối với các quốc gia duyên hải ở Biển Đông, tất các các nước này trừ Brunei đều đang đối mặt với những lo ngại về an ninh năng lượng ngày càng khẩn cấp. Tuy nhiên, những ước tính về tiềm năng dầu và khí đốt của Biển Đông rất khác nhau; chúng thường chỉ mang tính suy đoán, không được chứng minh rõ ràng, và do đó thường gây nhiều lầm lẫn và nên được xem xét một cách thận trọng. Dù sao đi nữa, nhận thức dai dẳng cho rằng Biển Đông chứa một nguồn tài nguyên dưới đáy biển vô cùng to lớn vẫn là một động lực chính dẫn đến tranh chấp tại Biển Đông. Những rắc rối gần đây liên quan đến các hoạt động khai thác dầu và khí đốt ở Biển Đông đã củng cố quan điểm này.
Cuối cùng, môi trường nhiệt đới nửa kín của Biển Đông và Vịnh Thái Lan tạo nên môi trường biển phong phú xét về khía cạnh đa dạng sinh học. Những môi trường này hỗ trợ ngành thủy sản trên toàn cầu cũng như là khu vực, đặc biệt là đối với vấn đề an ninh lương thực của hàng trăm triệu cư dân ven biển. Theo đó, việc tiếp cận những vùng nước ở Biển Đông phục vụ đánh bắt cá, cũng như bảo tồn và bảo vệ môi trường biển để hỗ trợ cho các hoạt động này, nên là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia vùng duyên hải Biển Đông. Tuy nhiên, không may là môi trường biển, sự đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật ở đây được thừa nhận rộng rãi là đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Những tuyên bố về quyền tài phán trên biển
Tất cả các quốc gia vùng duyên hải ở Biển Đông, ngoại trừ Campuchia, đều là các thành viên tham gia vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Do đó, cần phải đánh giá những tuyên bố về quyền tài phán trên biển của các nước này trong bối cảnh UNCLOS.
Các đường cơ sở
Những tuyên bố trên biển phụ thuộc vào chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đất liền có đường bờ biển phù hợp với câu châm ngôn pháp lý “Đất thống trị biển”. Đường cơ sở dọc bờ biển, đến lượt nó, là cơ sở cho những tuyên bố quyền tài phán trên biển, vì những vùng biển này được tính từ đường cơ sở. UNCLOS[2] quy định nhiều loại đường cơ sở. Tuy nhiên, khi không có những tuyên bố nào khác, đường cơ sở “thông thường” trùng với ngấn nước thủy triều thấp như được thể hiện trên những hải đồ tỉ lệ lớn được công nhận bởi quốc gia ven biển liên quan sẽ được áp dụng ưu tiên theo như Điều 5 của UNCLOS. Trong bối cảnh của Biển Đông, đường cơ sở thông thường cũng như những điều khoản của Công ước về đường cơ sở của các dải đá ngầm (Điều 6 của UNCLOS) đặc biệt phù hợp với các đường cơ sở và những tuyên bố trên biển của các đảo bị tranh chấp ở Biển Đông. Đường cơ sở thông thường cũng được áp dụng cho các tuyên bố trên biển của Brunei cũng như là của Trung Quốc và Việt Nam tại Vịnh Bắc Bộ.
Đối với vấn đề bờ biển lục địa của các quốc gia bao quanh Biển Đông, phần lớn các quốc gia liên quan rõ ràng đều cho rằng bờ biển của họ bị thụt sâu vào hay được bao quanh bởi các đảo trong vùng lân cận và theo đó đã xác định hệ thống các đường cơ sở thẳng như được quy định bởi Điều 7 của UNCLOS. Campuchia, Trung Quốc và Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam đã đưa ra những tuyên bố về đường cơ sở thẳng như thế này. Trong khi đó mặc dù Malaysia vẫn chưa chính thức công khai vị trí những đường cơ sở thẳng của mình, bản đồ Malaysia là bằng chứng cho thấy quốc gia này đã đưa ra những tuyên bố kiểu như vậy. Những đường cơ sở thẳng đã được tuyên bố này phần lớn đều rộng lớn và thường đối diện những đường bờ biển tương đối thẳng hoặc liên kết các đảo nhỏ cách xa nhau và cách xa bờ biển đất liền. Do đó, những tuyên bố này đã dẫn đến sự phản ứng của quốc tế, đáng chú ý là từ Mỹ, nước đã tiến hành đánh giá một cách hệ thống các thực tiễn hàng hải của những quốc gia khác như là một phần của chương trình Tự do Hàng hải (FON) của mình. Thêm nữa, hai quốc gia ven biển ở Biển Đông, Indonesia và Philippines, là những quốc gia quần đảo và đã xác định những đường cơ sở quần đảo phù hợp với Điều 47 của UNCLOS
M.N.P.U.
[1] Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu Quốc gia Australia về An ninh và Tài nguyên Biển (ANCORS), Đại học Wollongong
[2] United Nations, United Nations Convention on the Law of the Sea, Publication no.E97.V10, (New York, NY: United Nations, 1983). Xem, 1833 UNTS 3, được mở ký ngày 10 tháng 12 năm 1982, Montego Bay, Jamaica (có hiệu lực từ 16 tháng 11 năm 1994), <http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/convention_overview_convention.htm>.
Nguồn bản gốc: Clive Schofield[1] (2013). “Increasingly contested waters? Conflicting maritime claims in the South China Sea”, in Leszek Buszynski & Christopher Roberts (eds),The South China Sea and Australia’s Regional Security Environment, National Security College Occasional Paper No. 5, pp. 8-12
Nguồn bản tiếng Việt: nghiencuuquocte.net