Saturday, February 22, 2014

Cơ hội du học tiếp cận đỉnh cao khoa học, công nghệ Mỹ

Cơ hội du học tiếp cận đỉnh cao khoa học, công nghệ Mỹ
Các nghiên cứu sinh và học giả nhận học bổng VEF 2012. (Ảnh VEF)
Các nghiên cứu sinh và học giả nhận học bổng VEF 2012. (Ảnh VEF)
Trọng Thành
Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) đang trong mùa tuyển sinh cho năm học 2015 (thời hạn nộp hồ sơ cuối cùng là ngày 10/04/2014). Trong những năm gần đây, VEF được đánh giá là một địa chỉ cấp học bổng hàng đầu cho những công dân Việt Nam có tài năng trong các lĩnh vực khoa học, toán học, kỹ thuật, công nghệ, y khoa, sang Mỹ du học. Để chuyển đến quý vị một số thông tin mới về hoạt động của Quỹ VEF, RFI có cuộc phỏng vấn với bà Nguyễn Phúc Anh Lan, thành viên Hội đồng Quản trị của VEF, người vừa được Tổng thống Obama tái bổ nhiệm.
Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation) là một tổ chức của Nhà nước Hoa Kỳ, được Hội đồng Quản trị gồm 13 thành viên điều hành, trong đó có hai thượng nghị sĩ, hai hạ nghị sĩ, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Giáo dục và Ngoại trưởng cùng 6 thành viên do Tổng thống trực tiếp bổ nhiệm. Tháng 12/2013, cùng với việc tái bổ nhiệm bà Nguyễn Phúc Anh Lan, Hội đồng Quản trị VEF có thêm hai thành viên mới, Bác sĩ-Tiến sĩ Chu Đình Quyền và Tiến sĩ Edmund Malesky. Bác sĩ Chu Đình Quyền là chuyên gia về giải phẫu ung thư (Louisiana), ông được tờ USA Today vinh danh là một trong các bác sĩ có ảnh hưởng lớn. Tiến sĩ Edmund Malesky là giáo sư kinh tế chính trị học có uy tín, tác giả của nhiều bài viết trên các tạp chí hàng đầu về khoa học chính trị và kinh tế.
VEF do Quốc hội Mỹ thành lập năm 2001 nhằm gia tăng quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ thông qua các chương trình cấp học bổng và trao đổi về giáo dục, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2003. Từ 10 năm nay, VEF đã đưa tổng cộng 467 ứng viên Việt Nam sang học tập và nghiên cứu tại 92 trường đại học hàng đầu của Mỹ, trong đó chủ yếu là theo chương trình đào tạo Tiến sĩ. 157 người đã hoàn thành chương trình tu nghiệp, trong đó 58 người đã trở về Việt Nam tiếp tục làm việc.
Cách đây gần hai năm RFI đã có dịp phỏng vấn bà Nguyễn Phúc Anh Lan, sau khi bà được bổ nhiệm vào cương vị Hội đồng Quản trị VEF, cùng bà Vương Ngọc Quyên, giám đốc điều hành ICAN (International Children Assistance Network). Bà Nguyễn Phúc Anh Lan là chuyên gia về quản lý dự án công nghệ thông tin tại Texas, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam. Bà được nhận Giải thưởng của Quỹ vì sự phát triển phụ nữ của tiểu bang Texas năm 2011.
Bà Nguyễn Phúc Anh Lan (Houston)
 
19/02/2014
 
 

RFI : Thưa bà, trong hai năm nay, kể từ khi bà được bổ nhiệm, có những thay đổi gì trong hoạt động hợp tác tuyển du học sinh của VEF ?
Bà Nguyễn Phúc Anh Lan : Từ năm 2012, chúng tôi tham gia vào ủy ban Tiếp cận Cộng đồng (Outreach Committee) của Quỹ. Tôi có buổi tiếp xúc với các đồng hương, người Mỹ gốc Việt tại thành phố Houston, rất là thành công, để phổ biến các tin tức của khóa học 2014. Và vào mùa hè 2012, chúng tôi có dịp tháp tùng 12 vị giáo sư ở các trường đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ, để tham dự các tiến trình phỏng vấn các thí sinh dự thi học bổng 2014. Đó là hai tuần lễ làm việc rất căng thẳng, vì phải phóng vấn 103 em tại hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn. Kết quả rất là tốt.
Chúng tôi có được kinh nghiệm quý báu là được làm việc với các giáo sư ở các trường đại học. Mình có dịp quan sát quá trình tuyển sinh để xem việc phỏng vấn có công bằng hay không và họ dựa trên các tiêu chuẩn nào. Chúng tôi có nhận định là tất cả quá trình tuyển sinh, phỏng vấn hay chọn lựa do Hội đồng quản trị hay ban làm việc ở bên Hoa Kỳ là chính, nên tất cả các quá trình đều rất là rõ ràng và minh bạch và không có vấn đề gì. Trước khi tham dự vào Quỹ Giáo dục Việt Nam này thì chúng tôi có nghe những tin đồn không được tốt, nhưng khi mình vào mình làm việc, thì thấy tất cả các quá trình đều phân minh, rõ ràng và không có một khe hở nào mà chúng tôi nghĩ là có thể đáng chê trách cả.
Ngoài ra chúng tôi cũng thấy được là việc tiếp cận với cộng đồng người Việt rất là quan trọng, vì cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ này, cũng như ở hải ngoại nói chung, có đến bao nhiêu triệu, cho nên tất cả chúng ta là những nguồn thông tin rất tốt để đưa lại cho các thân nhân và bạn bè ở Việt Nam, để các em là tài năng giỏi có được cơ hội đi du học ở Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng nhận thấy có sự tăng lên đáng kể trong số lượng các em ghi danh đăng ký dự tuyển để được phỏng vấn, và số lượng các em được chọn vào phỏng vấn cũng tăng lên rất nhiều so với những năm trước. Cho nên chúng tôi nhận định đây là một cơ hội rất hiếm có mà các đồng hương của chúng ta cần biết đến để giúp giới thiệu cho các sinh viên tài năng tại Việt Nam.
(…) Chương trình hiện nay đang tuyển cho khóa học 2015. Xin mời quý vị vào trangwww.vef.org của Quỹ Giáo dục Việt Nam, có phần tiếng Việt ở đầu trang tay phải, với các chỉ dẫn chi tiết để hiểu sơ qua có bao nhiêu chương trình và cách thức nộp đơn như thế nào.
Quá trình nộp đơn dự tuyển học bổng là hoàn toàn mở, tức là ai cũng có quyền đăng ký với điều kiện là các công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, điểm trung bình đại học là 7/10, chứng minh được khả năng tiếng Anh thành thạo (…). Các vị lưu ý hạn chót để nộp đơn trên mạng là 10 giờ sáng ngày 10/04/2014.
Ngoài học bổng cho các sinh viên, còn có hai chương trình khác cho học giả Việt Nam sang tu nghiệp ngắn hạn tại Hoa Kỳ và cho học giả Hoa Kỳ sang giảng dậy ngắn hạn tại Việt Nam.
(…) Trường đại học Bách Khoa ở Hà Nội và trường đại học Bách khoa ở Sài Gòn là hai trường có rất nhiều sinh viên được nhận vào chương trình VEF. Chúng tôi thấy có nhiều em rất xuất sắc đã sang đây và có nhiều thành công. Có những em sau khi tốt nghiệp tiến sĩ đã đứng ra lập những công ty tin học, và được các công ty lớn như Facebook, Google mua lại. Chúng tôi nghĩ rằng các gương thành công của Việt Nam là rất đáng tự hào.
RFI : Ngoài vấn đề Anh ngữ, có thêm những kinh nghiệm gì khác mà bà có thể lưu ý các vị sinh viên Việt Nam có nguyện vọng du học ?
Bà Nguyễn Phúc Anh Lan : Theo chúng tôi thấy, qua các cuộc phỏng vấn, điều quan trọng nhất là mình phải có sự đam mê về ngành nghề của mình. Chẳng hạn như, khi tham dự cuộc phỏng vấn một em về ngành kỹ sư công chánh. Thì thấy em ấy rất đam mê xây những cây cầu tốt đẹp cho Việt Nam… Vì trong cuộc phỏng vấn người ta hỏi rất nhiều về chuyên môn, nên điều quan trọng là các bạn ấy phải giỏi về chuyên môn của mình. (…) Điều mà chúng tôi thấy là các giáo sư rất chú ý đến niềm đam mê, tài năng của các em.
Dĩ nhiên là mình phải có đủ Anh ngữ để cho mình có thể đi học ở Hoa Kỳ, nhưng điều quan trọng hơn nữa đó là đam mê và khả năng. Chẳng hạn như chúng tôi thấy qua một phỏng vấn của một em sinh viên ngành vật lý lý thuyết. Em này rất giỏi, nhưng tiếng Anh không được giỏi lắm. Khi hai người giáo sư phỏng vấn, đưa ra một vấn đề cho em này giải, thì chỉ trong vòng có 5 phút, thì em ấy giải được một câu hỏi rất hóc búa. Mà theo đánh giá của người giáo sư phỏng vấn, thì một người theo cấp hậu đại học, theo làm luận án tiến sĩ với ông, phải tốn cả năm trời mới giải được bài toán này. Thế mà em này chỉ có 5 phút giải được, thì chắc chắn em có tài. Tuy nhiên, tiếng Anh của em hơi yếu một chút, thành ra họ chọn, nhưng họ yêu cầu em học thêm một cua học về tiếng Anh. (…)
Quỹ Giáo dục Việt Nam cũng có tổ chức chương trình hướng dẫn các thí sinh dự tuyển chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn này. (…)
Sắp tới đây, chúng tôi có hai chương trình tiếp xúc với cộng đồng, để phổ biến các thông tin về học bổng 2015. Một chương trình sẽ tổ chức tại Quận Cam, nơi đông người Mỹ gốc Việt nhất vào ngày 08/03 và đặc biệt là có nữ dân biểu Loretta Sanchez, một trong các thành viên của Hội đồng Quản trị, cùng với các thành viên người Mỹ gốc Việt khác trong Hội đồng. Ngày 09/03, chúng tôi cũng sẽ có một chương trình tương tự tại San José, bắc California. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ phổ biến để các đồng hương ở tiểu bang California có thể theo dõi và đến gặp trực tiếp Giám đốc điều hành Tiến sĩ Lynn McNamara. (…)
Chuyến đi vừa rồi ở Việt Nam, chúng tôi mới thấy được tiềm năng, tài năng của các bạn trẻ ở Việt Nam quá lớn. Chúng ta phải tận dụng tối đa nguồn lực của Quỹ Giáo dục Việt Nam để đưa tài năng của các bạn trẻ Việt Nam tiếp cận được với thế giới bên ngoài và mang được những chương trình tốt đẹp này đem về cho đất nước Việt Nam của chúng ta. Chúng tôi thiết tha kêu gọi tất cả các đồng hương, mà biết được thông tin này, nếu biết được những con em nào có đủ tiêu chuẩn đáp ứng được, thì xin kêu gọi phổ biến, ngay cả các em ở vùng xa, vùng sâu. Càng đông các em nộp đơn, thì đó là niềm an ủi rất lớn cho những người hoạt động trong Hội đồng quản trị như chúng tôi.
Trước khi chia tay, bà Nguyễn Phúc Anh Lan cũng nhấn mạnh là chương trình VEF, chỉ còn hai đợt tuyển sinh cuối cùng 2015-2016, vì Quỹ sẽ chấm dứt vào năm 2018. Bà hy vọng Quỹ VEF có thể tiếp tục đón nhận được các sinh viên xuất sắc của Việt Nam trong thời gian còn lại.
RFI xin chân thành cảm ơn bà Nguyễn Phúc Anh Lan đã dành thời gian cho tạp chí Xã hội của RFI. Xin mời quý vị quan tâm theo dõi toàn bộ phần phỏng vấn trong hộp âm thanh ở trên.
Tin bài liên quan
Du học Mỹ với học bổng của Quỹ VEF
Obama đề cử 2 phụ nữ gốc Việt vào ban lãnh đạo Quỹ Giáo dục Việt Mỹ

No comments:

Post a Comment