Vệ tinh do thám Mỹ chụp Liêu Ninh rõ mồn một
(Vũ khí) - Mỹ là quốc gia có năng lực vệ tinh do thám quân sự mạnh nhất trên thế giới, các vệ tinh do thám Mỹ có thể nhìn rõ biển tên trên ngực của quân nhân.
Tờ “Phượng Hoàng” Hồng Kông dẫn các nguồn tin cho biết, vệ tinh Mỹ đã phát hiện vào tháng 9 hàng năm đều có rất nhiều quân nhân tập kết trong vườn các trường học của Trung Quốc, sau đó lại biến mất trong 1 đêm. Sau khi trải qua nhiều tháng phân tích và tiếp tục trinh sát, họ mới biết sinh viên Trung Quốc đều phải tiến hành huấn luyện quân sự.
Đây chính là môi trường không gian của Trung Quốc - nó không chỉ là điều quan tâm nhất của vệ tinh quan sát thương mại, mà càng là nơi quan tâm nhất của vệ tinh do thám quân sự toàn cầu. Hàng năm đều có mấy chục vệ tinh quan sát đối đất có tỷ lệ phân giải cao nhiều lần đi qua bầu trời của Trung Quốc, đằng sau chúng có hể có vô vàn nhân viên phân tích đang chờ đợi có được những phát hiện mới từ các bức ảnh vệ tinh này.
Hình ảnh tàu sân bay Liêu Ninh do Công ty vệ tinh Digital Globe Mỹ chụp được ngày 1/3/2013. |
Đối với việc tàu sân bay Liêu Ninh đến cảng chính mới ở Thanh Đảo, những thông tin về nó hầu như đều do các công ty vệ tinh thương mại các nước cung cấp. Chẳng hạn, những hình ảnh vệ tinh mới nhất của Công ty vệ tinh trái đất số hóa (Digital Globe) Mỹ cho biết, tàu sân bay Liêu Ninh và tàu tiếp tế 88 neo đậu ở hai bên của 1 cầu tàu.
Xuất phát từ mục đích tuyên truyền thương mại, công ty này nhiều lần công bố các hình ảnh vệ tinh chụp được về tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, trong đó có hình ảnh chạy thử trước đây của tàu Liêu Ninh.
Digital Globe không phải là doanh nghiệp Mỹ đầu tiên công khai khả năng sử dụng vệ tinh của họ để quan sát Trái đất. Năm 2006, vệ tinh thương mại Mỹ tuyên bố đã chụp được "tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn" ở vùng biển Đại Liên của Trung Quốc.
Đương nhiên điều quen thuộc nhất của dư luận vẫn là các tạp chí quân sự nổi tiếng quốc tế như Jane's, Kanwa - những tạp chí này thường sử dụng hình ảnh vệ tinh cả trang báo để phỏng đoán về các động thái quân sự mới nhất của Trung Quốc.
Vệ tinh do thám quang học Keyhole-12 Mỹ |
Công ty Digital Globe có trụ sở tại bang Colorado Mỹ hiện nay sở hữu 3 vệ tinh, bao gồm vệ tinh QuickBird, WorldView-1 và WorldView-2, đều có tỷ lệ phân giải đạt khoảng 0,5 m.
Dựa vào những vệ tinh mạnh này, Digital Globe luôn là nhà cung ứng hình ảnh vệ tinh cho Google. Google đã từng công bố các hình ảnh vệ tinh về các căn cứ quân sự của Trung Quốc. Đồng thời Digital Globe cũng luôn cung cấp dịch vụ cho các cơ quan tình báo của Chính phủ và Quân đội Mỹ.
Mỹ là quốc gia có năng lực vệ tinh do thám quân sự mạnh nhất trên thế giới. Từ tháng 8 năm 1960 phóng vệ tinh do thám chụp ảnh đầu tiên trên thế giới đến nay, đặc biệt là sau khi nhiều máy bay trinh sát chiến lược bị các nước xã hội chủ nghĩa bắn rơi vào thập niên 60-70 thế kỷ trước, Mỹ đã sử dụng vệ tinh do thám để tìm hiểu về thực lực quân sự của các nước như Liên Xô, Trung Quốc. Từ đó trở đi, họ cũng không ngừng đổi mới kỷ lục đối với vệ tinh quan sát Trái đất.
Bên ngoài luôn cho rằng, vệ tinh do thám tỷ lệ phân giải cao tốt nhất của Mỹ có máy ảnh tiêu cự dài 6 m, có thể chụp được hình ảnh tỷ lệ phân giải 0,05 m. Điều này có nghĩa là, họ có thể nhìn rõ biển tên trên ngực của quân nhân.
Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Mỹ cơ bản duy trì quy mô 6-8 vệ tinh do thám trên quỹ đạo, chúng chủ yếu là vệ tinh do thám quang học dòng Keyhole và vệ tinh do thám radar dòng Lacrosse. Vệ tinh Keyhole được bắt đầu phóng từ năm 1960, chiếc vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo hiện nay là Keyhole-12 thế hệ thứ năm.
Vệ tinh do thám hồng ngoại tiên tiến nhất thế giới GEO-1 của Mỹ |
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, do phần lớn lãnh thổ của Liên Xô và một số khu vực được Mỹ quan tâm khác thường bị các tầng mây che phủ, cho nên năm 1988 Mỹ đã phóng vệ tinh trinh sát hình ảnh radar Lacrosse đầu tiên, Mỹ cũng là quốc gia sở hữu loại vệ tinh này sớm nhất.
Rất nhanh, chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ. Mặc dù người Iraq đã đốt cháy giếng dầu, nhưng Lacrosse vẫn có thể nhìn xuyên qua khói đen để tìm hiểu tình hình mặt đất. Loại vệ tinh này có chi phí chế tạo lên tới 500 triệu đến 1 tỷ USD. Mãi đến năm 2008, Mỹ mới thừa nhận sự tồn tại của loại vệ tinh này.
Ngoài 2 loại vệ tinh do thám hình ảnh này, trên vũ trụ Mỹ còn có 1 dòng vệ tinh trinh sát điện tử, chúng dùng để trinh sát, thu thập tín hiệu điện từ phát ra từ hệ thống dò vũ khí cự ly xa, radar và thông tin.
Chẳng hạn, chức năng chính của vệ tinh NROL15 được phóng vào tháng 6 năm 2012 hiện vẫn chưa được tiết lộ.
Điều có thể phản ánh được sức mạnh của vệ tinh do thám Mỹ là, chúng căn cứ vào sự khác nhau của đối tượng do thám, có dòng chuyên môn khác nhau. Chẳng hạn ngoài vệ tinh hình ảnh quang học, radar, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo khác nhau của Mỹ cũng có rất nhiều vệ tinh dùng để cảnh báo sớm tên lửa.
Vệ tinh do thám QuickBird của Công ty Digital Globe Mỹ |
Đầu năm 2012, vệ tinh quỹ đạo Trái đất đồng bộ đầu tiên GEO1 của hệ thống hồng ngoại trong không gian đã được đưa vào sử dụng. Căn cứ vào tiết lộ của hãng Lockheed Martin, nhà thầu chính của hệ thống hồng ngoại không gian, vệ tinh này có bộ cảm biến hòng ngoại rất mạnh, phức tạp, có thể dò riêng đối với ngọn lửa tên lửa phóng trên Trái đất. Đồng thời, GEO2 cũng đã đi vào giai đoạn thử nghiệm dự phóng và vận hành thử cuối cùng.
Với tính chất là vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa tốt nhất hiện nay, mặc dù trong giai đoạn đẩy tên lửa sau khi nhiên liệu đẩy cháy hết, ngọn lửa tan biến, đầu đạn và thân đạn tách ra thì hệ thống hồng ngoại không gian vẫn có thể tiếp tục theo dõi đầu đạn.
Sự tồn tại của những vệ tinh này cũng là lá chắn chủ yếu đối với việc tên lửa tấn công tàu sân bay: Một khi tên lửa phóng đi, vệ tinh sẽ phát hiện và tính toán nơi phóng của nó, sau đó nhanh chóng thông báo cho tàu sân bay di chuyển.
Mặc dù Mỹ là một siêu cường, nhưng duy trì hệ thống vệ tinh khổng lồ như vậy vẫn còn khó khăn. Đặc biệt là, chiến lược quân sự của Mỹ từng bước chuyển hướng sang ứng phó với các sự kiện bất ngờ và chiến tranh cục bộ công nghệ cao, vệ tinh trinh sát hình ảnh cỡ lớn đã xuất hiện những vấn đề như chi phí quá cao, số lượng ít, chu kỳ dài, năng lực cơ động kém.
Bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ trước, Mỹ quyết định thúc đẩy chương trình "hệ thống hình ảnh tương lai", hy vọng phóng "chòm sao" do thám gồm các vệ tinh cỡ nhỏ có đặc điểm nhỏ hơn, nhẹ hơn và rẻ hơn.
Mỹ đã lựa chọn phương án của hãng Boeing, nhưng trong quá trình thực hiện cuối cùng, chi phí vượt mức lớn, công nghệ then chốt không thể đột phá, đến năm 2005, chương trình đã tiêu tốn 4-5 tỷ USD này buộc phải dừng lại.
Huieren (âm), quan chức Cục tình báo Trung ương từng lãnh đạo lĩnh vực do thám vệ tinh Mỹ từng nói một câu nổi tiếng rằng: Vạch ra phương án thành công không có nghĩa là có thể nghiên cứu chế tạo thành công phần cứng.
Để giải quyết khoảng trống từ sự thất bại của "hệ thống hình ảnh tương lai", Mỹ đã áp dụng một số biện pháp khẩn cấp: Tăng cường hợp tác với các công ty thương mại như Digital Globe, gia tăng mức độ mua sắm, yêu cầu phóng vệ tinh Keyhole mới.
Nhưng, đối với sự phát triển của vệ tinh trinh sát tương lai Mỹ, vẫn tồn tại các quan điểm khác nhau.
Trong tình hình này, năm 2009 Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê chuẩn chương trình vệ tinh trinh sát quang học mới, dự định sử dụng vài tỷ USD để chế tạo vệ tinh cỡ lớn mới. Cũng chính dưới sự tài trợ của nguồn vốn này, Digital Globe cũng đang nghiên cứu phát triển vệ tinh hình ảnh thương mại mới.
Khác với Nhà Trắng, Quốc hội Mỹ hy vọng sử dụng vệ tinh rẻ hơn, áp dụng công nghệ mới, kể cả "chòm sao" vệ tinh cỡ nhỏ. Những người trong lĩnh vực vệ tinh quan sát Trái đất trên toàn thế giới hiện nay đều đang quan sát sự lựa chọn cuối cùng của Mỹ.
The GDVN
No comments:
Post a Comment