Crimea và nguyên tắc đối ngoại của VN
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
Ngành Khoa học Chính trị, ĐH New South Wales, Úc
Cập nhật: 09:55 GMT - thứ hai, 31 tháng 3, 2014
Ngày 17/3/2014, Quốc hội Cộng hòa tự trị Crimea và thành phố Sevastopol tuyên bố độc lập khỏi Ukraine và đệ đơn xin gia nhập Liên bang Nga.
Theo đó, một hiệp ước cho phép Crimea sáp nhập vào Nga đã được Quốc hội Nga thông qua và sau đó được Tổng thống Nga Vladimir Putin phê chuẩn vào ngày 21/3.
Chủ đề liên quan
Hành động của Nga đã bị nhiều nước trên thế giới lên án và phản đối kịch liệt vì Nga đã vi phạm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hay Ngoại trưởng Canada John Baird thậm chí còn so sánh hành động nuốt chửng Crimea của Nga với việc Đức Quốc xã thôn tính Sudetenland của Tiệp Khắc ngay trước Thế chiến II với cùng một lý do là bảo vệ các kiều dân của mình sống ở các vùng đất đó.
Quan điểm mập mờ của Việt Nam
Tuy nhiên, ngày 21/3/2014, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Crrimea và Sevastopol được sáp nhập vào Liên bang Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói:
“Việt Nam quan tâm theo dõi chặt chẽ tình hình tại Ukraine và Crimea. Chúng tôi mong mọi vấn đề sẽ được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyện vọng chính đáng của người dân để tình hình sớm ổn định, vì hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới.”
"Chúng tôi mong mọi vấn đề sẽ được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyện vọng chính đáng của người dân để tình hình sớm ổn định"
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình
Có thể hiểu do nhiều lý do (sẽ phân tích ở dưới), đây là một tuyên bố mập mờ có chủ đích của Bộ Ngoại giao.
Thế nhưng sự mập mờ này lại khiến lời tuyên bố có thể được diễn giải theo nhiều cách, trong đó có những cách không có lợi cho Việt Nam.
Ví dụ, trong khi cho rằng vấn đề Crimea cần được giải quyết “trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế” một cách chung chung mà không hề nhấn mạnh đến nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ mà Việt Nam thường đề cao trong các trường hợp tương tự, thì việc tuyên bố cho rằng các bên cần “tôn trọng… nguyện vọng chính đáng của người dân” trong bối cảnh Crimea vừa tiến hành trưng cầu dân ý có thể được diễn dịch như là việc Việt Nam ủng hộ Crimea ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.
Tương tự, trong cuộc bỏ phiếu thông qua Nghị quyết 68/39 tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 27/3/2014 về việc khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Ukraine và tuyên bố việc Crimea sáp nhập vào Nga thông qua trưng cầu dân ý là vô hiệu, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng trong khi đa phần các quốc gia ASEAN khác đều bỏ phiếu thuận.
Về lời phát ngôn, để so sánh, khi đưa ra tuyên bố về việc Quốc hội Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào tháng 2/2008 người phát ngôn Bộ Ngoại giao lúc đó là ông Lê Dũng đã nhấn mạnh:
“Việt Nam luôn quan tâm sát sao những diễn biến tình hình xung quanh vấn đề Kosovo và mong muốn các bên liên quan đối thoại, thương lượng để giải quyết những bất đồng nhằm đạt được một giải pháp toàn diện cho vấn đề Kosovo, bảo đảm lợi ích chính đáng của các dân tộc liên quan, vì hòa bình bền vững ở châu Âu và trên thế giới, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia".
Hai sự kiện ở Kosovo và Crimea có một số điểm tương đồng đáng kể, tiêu biểu là có sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài vào công việc nội bộ của Serbia và Ukraina, và đặc biệt là việc Kosovo và Crimea ly khai dưới sự hỗ trợ của các lực lượng bên ngoài đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của cả hai quốc gia này.
Vốn luôn đề cao việc tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ như là một nguyên tắc cốt lõi trong quan hệ quốc tế, vậy tại sao lần này Việt Nam lại thay đổi quan điểm chính thức?
Lý giải
Có ba lý do khả dĩ nhất có thể lý giải cho sự khác biệt giữa hai lời tuyên bố quan điểm này.
Thứ nhất, trong trường hợp Kosovo, đối tượng tiếp tay cho sự ly khai của tỉnh này khỏi Serbia là một tập thể bao gồm Hoa Kỳ, EU và các nước phương Tây, những đối tượng mà Việt Nam có thể chỉ trích tập thể mà không e ngại bị ảnh hưởng tới quan hệ song phương.
Trong trường hợp của Crimea, thủ phạm duy nhất lại là Nga. Tuy nhiên, Việt Nam có quan hệ tốt với Nga, hai nước hiện là “đối tác chiến lược toàn diện” của nhau, và giới chức Hà Nội có nhiều người, đặc biệt là những người từng được đào tạo tại Liên Xô cũ, vẫn còn mang tư tưởng có thể gọi là “thân Nga”.
Việc chỉ trích Nga trong trường hợp này có thể tác động tiêu cực tới quan hệ Việt – Nga và tạo nên sự miễn cưỡng trong tâm lý của một số giới chức.
Điều này góp phần lý giải tại sao một số cơ quan thông tấn chính thức của Việt Nam đã bình luận theo hướng ủng hộ hành động của Nga tại Crimea.
Thứ hai, trong trường hợp Crimea còn có vấn đề tính hợp pháp của chính quyền lâm thời được thành lập sau cuộc cách mạng đường phố tại Kiev.
Dù không tuyên bố chính thức nhưng trong con mắt của Hà Nội, chính quyền hiện tại vẫn là bất hợp pháp bởi nó được thành lập thông qua các phong trào biểu tình, lật đổ, những điều mà bản thân Hà Nội hết sức phản đối và đề phòng.
"... một tài liệu tuyên truyền của chính quyền về tình hình Ukraine trong thời gian gần đây đã nhấn mạnh rằng cần “giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ nguyên nhân gây ra biến động chính trị - xã hội (Ukraine), trong đó có vấn đề đa đảng và sự kích động chống phá của các nước phương Tây”, và “nâng cao sức ‘tự đề kháng’ trong cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân để góp phần vào cuộc đấu tranh chống ‘diễn biến hòa bình’ của các thế lực thù địch và ngăn chặn ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ có hiệu quả.”"
Điều này thể hiện qua việc một tài liệu tuyên truyền của chính quyền về tình hình Ukraine trong thời gian gần đây đã nhấn mạnh rằng cần “giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ nguyên nhân gây ra biến động chính trị - xã hội (Ukraine), trong đó có vấn đề đa đảng và sự kích động chống phá của các nước phương Tây”, và “nâng cao sức ‘tự đề kháng’ trong cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân để góp phần vào cuộc đấu tranh chống ‘diễn biến hòa bình’ của các thế lực thù địch và ngăn chặn ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ có hiệu quả.”
Vì vậy nếu Việt Nam trực tiếp hay gián tiếp chỉ trích Nga thôn tính Crimea thì điều này có thể được diễn giải là Việt Nam ủng hộ hay ít nhất là đồng cảm với chính quyền mới ở Kiev, một điều mà Hà Nội có thể không mong muốn.
Thứ ba, không loại trừ khả năng bản thân một số giới chức ở Hà Nội có thể coi hành động thôn tính Crimea của Nga là thỏa đáng, ví dụ xét trên các căn cứ lịch sử (Crimea từng là lãnh thổ của Nga dưới thời Liên Xô và chỉ được chuyển giao cho Ukraine vào năm 1954), lý do sắc tộc (Crimea có hơn 60% là người gốc Nga) hay thực tiễn chính trị (trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3, hơn 95% người đi bỏ phiếu đồng ý Crimea sáp nhập vào Nga).
Nguyên nhân có thuyết phục?
Việc Việt Nam không nhấn mạnh các nguyên tắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trong tuyên bố của mình về vấn đề Crimea là một quyết định khó hiểu, có thể nói là đi ngược lại nguyên tắc chính sách đối ngoại của Việt Nam lâu nay.
Quan trọng hơn, cả ba lý do khả dĩ vốn có thể giải thích cho quyết định của Việt Nam nêu trên đều không có cơ sở vững chắc.
Thứ nhất, nếu lý do Việt Nam không nhấn mạnh các nguyên tắc nêu trên vì sợ nếu nhấn mạnh sẽ bị coi là một động thái chỉ trích Nga thì điều này thể hiện sự thiếu độc lập, tự chủ trong chính sách đối ngoại mà lâu nay Việt Nam vẫn nhấn mạnh.
Mặt khác, điều này cũng trái với phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” trong quan hệ quốc tế mà Việt Nam từ lâu theo đuổi. Theo đó, Việt Nam hợp tác với Nga cũng như các đối tác khác như Mỹ và Trung Quốc trong các lĩnh vực song trùng lợi ích, nhưng đồng thời có thể “đấu tranh” ở những điểm có khác biệt.
Vì vậy, nếu Việt Nam nhìn nhận việc Crimea ly khai khỏi Ukraine và Nga sáp nhập Crimea là trái với luật pháp quốc tế thì cần thể hiện quan điểm, mà cách nhẹ nhàng nhất là nhấn mạnh các nguyên tắc về chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ như trong tuyên bố về Kosovo nêu trên.
Một tuyên bố như vậy chưa chắc đã gây nên phản ứng tiêu cực từ Nga, hoặc nếu có cũng sẽ sớm lắng xuống vì bản thân Nga vẫn cần duy trì quan hệ tốt với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nước này đang bị các nước phương Tây trừng phạt và cô lập.
Thứ hai, việc chính quyền Việt Nam e ngại trước việc phe đối lập giành chính quyền thông qua biểu tình, lật đổ là có thể hiểu được.
Tuy nhiên, điều này không nên ngăn cản việc Việt Nam ủng hộ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Việc công nhận chính phủ và công nhận quốc gia là hai việc hoàn toàn khác nhau trong luật pháp quốc tế. Cho dù Việt Nam không công nhận chính phủ mới của Ukraine thì Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục công nhận Ukraine với tư cách là một quốc gia có chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ cần được bảo vệ theo luật pháp quốc tế.
Việc Nga can thiệp vào Crimea và dùng lá bài “trưng cầu dân ý” để sáp nhập vùng đất này tạo ra một tiền lệ xấu có thể ảnh hưởng tới chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Là một nước đã từng và vẫn đang phải phải đấu tranh để bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình, Việt Nam có lợi ích hơn ai hết trong việc đề cao và giữ vững nguyên tắc này.
Thứ ba, nếu ai đó cho rằng hành động của Nga thôn tính Crimea là thỏa đáng thì có lẽ họ cần cân nhắc lại các lập luận của mình.
Một mặt, nếu dựa vào lý do lịch sử rằng “trong trái tim và tâm trí của mọi người, Crimea vẫn luôn là một phần không thể tách rời của Nga” như lời của Tổng thống Putin thì có lẽ toàn bộ biên giới châu Âu cũng như nhiều nơi khác trên thế giới đều có thể được vẽ lại.
Ở Đông Dương, Sam Rainsy sẽ càng có cớ để dùng chiêu bài Khmer Krom nhằm gây bất ổn cho Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam – Campuchia.
Mặt khác, việc Nga biện minh cho việc can thiệp vào Crimea bằng lý do Crimea có hơn 60% dân số gốc Nga hay để bảo vệ kiều dân Nga ở đó cũng không thỏa đáng bởi chưa có bằng chứng nào cho thấy những người gốc Nga ở Crimea đang bị đe dọa về tính mạng hay tài sản.
Bản thân những người gốc Nga này đang sinh sống trên lãnh thổ Ukraine, là công dân Ukraine thì cũng có nghĩa vụ tôn trọng hiến pháp Ukraine.
Để liên hệ, nếu Campuchia dùng lý do tương tự để can thiệp vào các tỉnh như Trà Vinh và Sóc Trăng, nơi có khoảng 30% dân số là người gốc Khmer, thì liệu điều đó có chấp nhận được với Việt Nam hay không?
Cuối cùng, tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ở Crimea là một điều không chắc chắn.
Trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra các lực lượng của Nga đã hiện diện tại đây. Dưới áp lực của “lực lượng chiếm đóng” này, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hoàn toàn có thể bị nghi ngờ.
Điều này càng rõ ràng hơn khi trong cuộc thăm dò công luận được tiến hành trước đó bởi Viện Cộng hòa Quốc tế vào tháng 5/2013, chỉ có 23% số người trả lời bày tỏ nguyện vọng muốn Crimea sáp nhập vào Nga, thấp hơn nhiều so với kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3.
Phân tích trên cho thấy quan điểm chính thức của Việt Nam về vấn đề Crimea cần được điều chỉnh lại cho rõ ràng hơn.
Là một nước có những vấn đề tiềm tàng của riêng mình, đồng thời đã chịu nhiều hậu quả trong lịch sử từ sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài, Việt Nam cần giữ vững và đề cao nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trong các tuyên bố của mình về vấn đề Crimea cũng như các vấn đề tương tự.
Điều này không chỉ giúp giữ vững các nguyên tắc đối ngoại truyền thống của Việt Nam mà còn phát đi các thông điệp đúng đắn đến cộng đồng quốc tế cũng như người dân trong nước về quan điểm đối ngoại cũng như tầm nhìn về lợi ích quốc gia của nhà nước Việt Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một giảng viên ĐH Quốc gia TPHCM, nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH New South Wales, Canberra.
No comments:
Post a Comment