Có nên xúm vào diệt đàn gián đất?
Hương Vũ
Gửi cho BBC từ Geneva, Thụy Sỹ
Cập nhật: 12:39 GMT - thứ hai, 31 tháng 3, 2014
Việc chính quyền tỉnh Bắc Ninh tiêu hủy hàng tạ gián đất đã được cấp phép nuôi thử nghiệm của nông dân đang thu hút sự quan tâm của dư luận và dẫn tới những tranh luận về pháp lý.
Xuyên suốt vụ việc lại là sự thiếu đứng đắn của nhiều tờ báo chí ở Việt Nam bằng cách lập lờ tên gọi con vật chủ thể, và sự hèn nhát của chính quyền địa phương khi vội tiêu hủy gián trước khi có kết luận chính thức về hiệu quả kinh tế hay ảnh hưởng tiêu cực của gián đất tới môi trường.
Nỗi oan… con gián đất
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Khác với loại gián nhà hôi hám (tên khoa học là Balatella germanica) có hai cánh và râu dài, gián đất (tên khoa học là Eupolyphaga Steleophaga) còn được gọi bằng nhiều tên khác như Địa miết, Bá kỵ Trùng…
Cùng xếp vào họ gián, nhưng gián đất có đặc điểm bề ngoài giống con bọ đất vì không có cánh và râu, thường sống ở những khu vực mát ẩm, sạch sẽ và được xếp vào lớp côn trùng rất có ích cho đất.
Tôi chưa tìm thấy bất cứ tài liệu nào khẳng định gián đất là tác nhân có hại, hoặc có nguy cơ trở thành trung gian truyền bệnh cho người như các loại gián nhà phổ biến.
Tại Việt Nam, từ lâu gián đất được những người đi câu đặc biệt ưa chuộng và được các cửa hàng bán thức ăn chim bán ra thị trường với giá khá cao.
Gián đất hoàn toàn không phải là con vật xa lạ “ngoại lai” như thông tin trên nhiều tờ báo trong nước.
Từ xa xưa, gián đất đã được Đông Y công nhận là một loại thuốc quý do công dụng của chúng trong việc chữa hàng loạt chứng bệnh như đau bụng, tụ huyết, gãy xương, bong gân.
Thậm chí ngày nay, người ta còn tiến hành những nghiên cứu để chiết xuất gián đất thành vị thuốc đặc trị ung thư gan.
Với những công dụng như trên cộng với việc gián đất không dễ phát triển ngoài tự nhiên, nên giá trị của con gián đất là rất quý trong việc điều chế thuốc Đông Y.
"Tại Việt Nam, từ lâu gián đất được những người đi câu đặc biệt ưa chuộng và được các cửa hàng bán thức ăn chim bán ra thị trường với giá khá cao."
Cho tới vài năm gần đây, người Trung Quốc mới tìm cách gây giống và nuôi con gián đất trong những trang trại quy mô và đã chứng minh hiệu quả kinh tế lớn gấp hàng chục lần nuôi heo, trồng lúa…
Đáng tiếc thay, một mô hình kinh tế hiệu quả như thế khi tới Việt Nam đã nhanh chóng bị truyền thông và chính quyền dập từ trong trứng nước.
Truyền thông kền kền
Những người nông dân Bắc Ninh đã rất nhạy bén khi chọn nuôi gián đất để thử nghiệm một mô hình kinh tế mới.
Thế nhưng, có lẽ họ đã gặp phải “vận đen” khi mô hình ấy đến từ Trung Quốc, và do người Trung Quốc phụ trách phát triển.
Có lẽ nếu học mô hình từ Mỹ hoặc thậm chí từ Campuchia, biết đâu vận may đã mỉm cười với họ.
Sau 7 tháng nuôi gián đất thử nghiệm với giấy phép hợp pháp của Sở KH-ĐT Bắc Ninh tại trang trại của ông Nguyễn Đình Nguyên, sự vụ mới “dậy sóng” dư luận khi có phóng viên tìm tới và đưa những bài về giống gián xuất phát từ Trung Quốc.
Có lẽ nhiều nhà báo hoặc bởi thiếu kiến thức, hoặc quá ẩu không kiểm tra thông tin về con gián đất- vật chủ trong sự việc, nên đã đánh võng qua các sự việc không liên quan về những loài vật ngoại lai như ốc biêu vàng, rùa tai đỏ…
"Nông dân ta cả đời bán mặt cho đất bán lưng cho giời nhưng luôn là thành phần có thu nhập thấp nhất trong xã hội"
Hàng loạt bài viết nhăm nhăm vào những từ ngữ nhậy cảm như “gián Trung Quốc” “người Trung Quốc nuôi gián tại Việt Nam…” nhằm tác động dư luận khi có tâm lý bài Trung Quốc do những tranh chấp phức tạp tại Biển Đông.
Các nhà báo kền kền cũng không quên đánh lận con đen khi mập mờ tên gọi“con gián đất”, mặc cho dư luận xôn xao hiểu lầm đây là con gián nhà đầy nguy hiểm.
Và để tránh những sức ép từ truyền thông, những người đại diện chính quyền địa phương đã vội vàng xuống lệnh tiêu hủy toàn bộ số gián đất trong trang trại, bất chấp những bất cập về pháp lý đến tận bây giờ vẫn là nguyên nhân gây tranh cãi.
Bối rối trong quy định
Theo Điều 23 Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 16/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24 tháng 3 năm 2004 về giống vật nuôi, "Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu giống vật nuôi có trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh".
Khoản 2 điều này nói rõ thêm:
"Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giống vật nuôi chưa có trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh để nghiên cứu, khảo nghiệm, kiểm định hoặc trong các trường hợp đặc biệt khác phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản cho phép."
Rõ ràng Pháp lệnh không đặt vấn đề kiểm soát việc chăn nuôi con gián đất, hay dế, hay bọ cạp, con sâu gạo, trùn chỉ... và một số côn trùng khác đang được nuôi kinh doanh trong dân.
Có thể ở thời điểm biên soạn, những người làm luật chưa tính tới việc một ngày người dân sẽ nuôi đến các loại côn trùng trước nay ít được nuôi thương phẩm này để kinh doanh chăng?
Các danh mục bổ sung giống vật nuôi sau đó tôi cũng chưa tìm thấy văn bản nào nhắc đến tên các loài côn trùng và sinh vật nói trên, dù chúng đã và đang được nuôi khá rộng rãi trong dân. Dế và bọ cạp làm món ăn cho người, ngâm rượu thuốc, sâu gạo và trùn chỉ làm thức ăn cho cá cảnh... Mà theo luật, cái gì pháp luật không cấm thì người dân được làm.
"Những người làm luật chưa tính tới việc một ngày người dân sẽ nuôi đến các loại côn trùng trước nay ít được nuôi thương phẩm này để kinh doanh chăng?"
Có lẽ căn cứ trên điều này mà Sở KH-ĐT Bắc Ninh đã cấp phép cho dân. Theo những dẫn chứng pháp luật nêu trên, tôi không cho rằng quyết định cấp phép này là vi phạm pháp luật như một số báo chí đang quy kết.
Lý giải này khiến chúng ta dễ hiểu khi thấy động thái bối rối và lúng túng của Bộ NN-PTNT khi xử lý vụ việc.
Hãy nghĩ cho dân
Trong một bài phản biện gần đây trên BBC, tác giả Trường Yên đã chỉ trích cây bút Nguyễn Quảng đã dùng 'kiến thức sơ đẳng' về sự phân cấp quản lý nhà nước để phủ nhận hoàn toàn vai trò của chính quyền trong sự vụ.
Có lẽ anh Trường Yên không biết một điều đơn giản rẳng, dù Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh thuộc phân cấp chính quyền địa phương thì cũng là một đại diện của nhà nước Việt Nam.
Những người làm việc tại Sở KH&ĐT không thể lấy tư cách cá nhân ra để giải quyết sự vụ.
Và chính quyền phải có trách nhiệm với những hành động của nhân viên mình.
Ngay cả các cảnh báo về chuyện cung vượt hơn cầu cũng là điều phi lý trong trường hợp này, khi cơ hội thử nghiệm người dân cũng không thể có được. Và trong các trường hợp đó, thì vai trò quản lý của chính quyền ở đâu?
Với tư duy muốn thử nghiệm làm ăn, phát triển… mà chỉ sợ người khác lừa như vậy, thì người nông dân có lẽ cứ nên an phận với con trâu cái cày cho lành. Thoát đói giảm nghèo chỉ mãi là giấc mơ.
Nông dân ta cả đời bán mặt cho đất bán lưng cho giời nhưng luôn là thành phần có thu nhập thấp nhất trong xã hội.
Thay vì mở hướng đi để họ có cơ hội cải thiện cuộc sống, thì những người làm truyền thông thiếu trách nhiệm lại trở thành tác nhân để chính quyền vội vàng tước đi cơ hội thử nghiệm mà họ phải lò dò tự thân vận động với mục đích thoát nghèo.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của blogger Hương Vũ từ Thuỵ Sĩ.
No comments:
Post a Comment