Tịch thu tài sản thân nhân Chu Vĩnh Khang
Cập nhật: 07:07 GMT - thứ hai, 31 tháng 3, 2014
Chính quyền Trung Quốc đã tịch thu số tài sản trị giá đến 14,5 tỷ Mỹ kim của người thân và người thân cận của ông Chu Vĩnh Khang, vốn nằm trong Ban lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đã nghỉ hưu, hãng tin Anh Reuters đưa tin.
Ông Chu hiện đang là tâm điểm của vụ việc tham nhũng lớn nhất ở Trung Quốc trong hơn 60 năm qua.
Chủ đề liên quan
Hai nguồn tin thân cận với cuộc điều tra nói với Reuters rằng hơn 300 họ hàng, đồng minh chính trị hoặc người được ông Chu bảo trợ đã bị bắt giam hoặc tra hỏi trong vòng bốn tháng qua.
Lớn chưa từng thấy
Quy mô của khối tài sản bị tịch thu và phạm vi các cuộc điều tra nhằm vào những người xung quanh ông Chu – vốn cho đến nay vẫn chưa được báo chí Trung Quốc loan tin chính thức – cho thấy đây là vụ việc chưa từng có ở đất nước Trung Quốc hiện đại và cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đang chống tham nhũng ở cấp cao nhất.
Tuy nhiên, Reuters cũng nhận định rằng ông Chu bị điều tra phần nào cũng là do việc ‘trả thù chính trị’ sau khi ông Chu ra mặt ủng hộ cho Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh đã bị tuyên án tù chung thân về tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Ông Chu Vĩnh Khang, 71 tuổi, hiện đang bị quản chế tại gia kể từ khi chính quyền hiện tại chính thức điều tra ông kể từ cuối năm ngoái.
Ông là quan chức cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị điều tra tham nhũng kể từ khi Đảng này lên cầm quyền hồi năm 1949.
“Đây là hành vi ghê tởm nhất trong lịch sử của nước Trung Quốc mới,” một trong hai nguồn tin giấu tên bình luận với Reuters.
Chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức gì về ông Chu hay việc điều tra ông này trong khi Ủy ban Kỷ luật của Đảng từ chối bình luận về vụ việc.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, thông thường thì các đối tượng bị điều tra về thanh nhũng thường biến mất trước công chúng cho đến hàng tháng hoặc hàng năm sau mới có thông báo chính thức.
Chủ tịch Tập đã ra lệnh cho một đội điều tra đặc biệt điều tra các cáo buộc nhằm vào ông Tập hồi cuối năm ngoái, nguồn tin nói với Reuters và cho biết cáo buộc này là về ‘vi phạm kỷ luật Đảng và tham nhũng’.
Nạn nhân chính trị?
Một nguồn khác thạo tin về giới lãnh đạo Trung Quốc cho Reuters biết rằng ông Chu đã từ chối hợp tác với các nhà điều tra và một mực nói rằng ông là nạn nhân của việc ‘đấu đá quyền lực’.
Ông Chu thăng tiến trong lĩnh vực dầu hỏa của Trung Quốc cho đến khi ông vào Thường vụ Bộ Chính trị hồi năm 2007 và được giao phụ trách bộ máy an ninh nội địa của Trung Quốc. Ông về hưu sau Đại hội Đảng 18 vào cuối năm 2012.
Lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng là tại một cuộc họp mặt cựu sinh viên của Đại học Dầu khí Trung Quốc hôm 1/10 năm ngoái.
Các nguồn tin cho biết các công tố viên và cơ quan chống tham nhũng của Đảng đã đóng băng các tài khoản ngân hàng với tổng số tiền là 37 tỷ nhân dân tệ đồng thời tịch thu trái phiếu trong nước và quốc tế với tổng giá trị 51 tỷ tệ.
Các tài sản này bị tịch thu sau khi cơ quan chức năng khám xét các ngôi nhà ở Bắc Kinh, Thượng Hải và năm tỉnh khác.
Các nhà điều tra cũng tịch thu khoảng 300 căn hộ trị giá 1,7 tỷ tệ, đồ cổ và tranh trị giá 1 tỷ tệ và hơn 60 chiếc xe, theo các nguồn tin.
Các tài sản bị tịch thu khác bao gồm rượu đắt tiền, vàng, bạc và tiền mặt bằng cả nội tệ và ngoại tệ.
Đa số các tài sản này không phải do ông Chu đứng tên.
Tổng số tài sản bị tịch thu có giá trị ít nhất 90 tỷ tệ, tuy nhiên hiện chưa rõ bao nhiêu trong số tài sản này là của bất chính sẽ phải giao nộp cho Nhà nước.
Con số cuối cùng được công bố cho người dân biết sẽ được thu nhỏ lại để tránh làm cho Đảng mất mặt và làm người dân phẫn nộ, cũng nguồn tin này nói.
Người thân bị bắt
Hơn 10 người thân cận với ông Chu đã bị bắt giam, trong đó có cựu phóng viên truyền hình Giả Hiểu Diệp, người từng là vợ của ông, con trai lớn của ông với người vợ đầu Chu Bân, thông gia và em trai ông Chu.
Khoảng 10 người có chức vụ tương đương với thứ trưởng cũng đang bị điều tra.
Trong số này có ông Tưởng Khiết Mẫn, cựu chủ tịch của PetroChina và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc CNPC, cựu Thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh và cựu phó Chủ tịch tỉnh Hải Nam Ký Văn Lâm.
Truyền thông Trung Quốc đã thông báo rằng tất cả những người này đang bị điều tra về ‘hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng’.
Ngoài ra, hơn 20 vệ sỹ, thư ký và tài xế của ông Chu cũng bị bắt. Nhiều người thân và người thân cận khác của ông Chu cũng bị thẩm vấn.
Kể từ khi lên làm tổng bí thư Đảng hồi năm 2012, ông Tập Cận Bình đã cam kết trị cả ‘ruồi và hổ’ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà ông cho là đe dọa sự tồn tại của Đảng.
Nhưng việc đụng đến Chu Vĩnh Khang đã đặt ông Tập vào thế bí để tránh làm người dân mất thêm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, theo các nguồn tin.
Mối nguy đối với ông Tập là các đảng viên lão thành sẽ chống lại ông vì những người này lo sợ rằng họ và gia đình sẽ là đối tượng bị điều tra tiếp theo, các phân tích gia nhận định.
Để tiến hành điều tra Chu Vĩnh Khang, ông Tập đã phá vỡ một quy tắc bất thành văn của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng các thành viên đương nhiệm và về hưu của Thường vụ Bộ Chính trị sẽ được miễn điều tra.
Tuy nhiên quyết định nhằm vào một nhân vật tầm cỡ như Chu Vĩnh Khang thì chỉ có ông Tập mới có thể đưa ra với sự đồng thuận của Ban lãnh đạo cấp cao, các vị lãnh đạo tiền nhiệm của ông Tập và các lãnh đạo khác đã nghỉ hưu.
No comments:
Post a Comment